14/01/2025

Phỏng vấn đạo diễn Martin Scorsese vể cuốn phim “Thinh lặng”

Ngày 29 tháng 11 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã tiếp ông Martin Scorsese, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ mới hoàn thành cuốn phim tựa để “Thinh lặng” kể lại các cuộc bách hại Kitô giáo tại Nhật Bản hồi thế kỷ XVII.

 Phỏng vấn đạo diễn Martin Scorsese vể cuốn phim “Thinh lặng”

 

 
Ngày 29 tháng 11 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã tiếp ông Martin Scorsese, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ mới hoàn thành cuốn phim tựa để “Thinh lặng” kể lại các cuộc bách hại Kitô giáo tại Nhật Bản hồi thế kỷ XVII. Cuốn phim đã được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tựa đề của nhà văn Công giáo Shusaku Endo xuất bản năm 1966. Ông Endo đã qua đời cách đây 20 năm, ngày 29 tháng 12 năm 1996. Phim kể lại công cuộc truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên tại Nhật Bản và cuộc bách hại Kitô giáo làm nảy sinh ra hiện tượng “Kirishitan”, tức các “Kitô hữu ẩn trốn” hồi thế kỷ XVII. Họ đã sống đạo theo kiểu cha truyền con nối, không hề có các giáo sĩ và tu sĩ hướng dẫn trợ giúp. Hàng bao thập niên sau các kitô hữu này mới lại ra ánh sáng. Trong các ngày từ 14 đến 17 tháng 3 năm 2016, Nhật Bản cử hành 150 năm việc khám phá ra các “Kirishitan”. Đây là hiện tượng ĐTC Phanxicô rất yêu thích, vì khi còn trẻ ngài cũng đã ước mong được đi truyền giáo bên Nhật Bản. ĐTC nói với ông Scorsese là ngài đã đọc cuốn tiểu thuyết nói trên. Ông Scorsese đã tặng ĐTC hai bức tranh liên quan tới đề tài “các Kitô hữu ẩn trốn”: một bức vẽ hình Đức Mẹ rất được tín hữu Nhật sùng kính của một họa sĩ Nhật vẽ hồi thế kỷ XVII.

Cuốn phim “Thinh lặng” miêu tả tương quan đau đớn giữa nền văn hoá Nhật Bản và Kitô giáo. Phim kể lại câu nguyện của 3 nhân vật lịch sử là 3 tu sĩ Dòng Tên. Nhân vật chính là Cha Sébastian Rodriguez, người Bồ Đào Nha, năm 1634 cùng với Cha Francçois Garrpe đến Nhật Bản đang trong thời bắt đạo ngặt, để tìm cha giáo sư triết học của các vị là Cha Christophe Ferreira, đã được gửi sang Nhật Bản truyền giáo và trở thành giám tỉnh của dòng tại đây. Nhưng trong thời bắt hại Cha Ferreira đã chối đạo và lập gia đình có con cái, rồi sau này ăn năn trở lại và được tái nhận vào dòng. Chính sự thinh lặng của Thiên Chúa trước các khổ đau của Kitô hữu Nhật bị bắt bớ, truy lùng và tàn sát đã khiến cho nhà văn Endo viết ra cuốn sách Thinh Lặng. Đặc biệt khi thăm viện bảo tàng tại Nagasaki năm 1964 ông Endo đã trông thấy vài bức vẽ trên gỗ hay khắc nổi diễn tả Chúa Kitô hay Đức Maria. Năm 1613, Nhật hoàng ký sắch lệnh bách hại Kitô giáo và từ năm 1626 tại Nagasaki các Kitô hữu Nhật đã bị bó buộc chà đạp các ảnh tượng đó như dấu chỉ chối đạo. Nếu khước từ, họ sẽ bị tra tấn, nhốt tù và hành quyết. Nhưng cùng với sự thinh lặng điều ông Endo muốn cho thấy trong tiểu thuyết là tình yêu nhân từ thương xót và sự tha thứ của một vì “Thiên Chúa mẹ”, có khả năng tha thứ cả tội phản bội Ngài. Vì như ông Endo khẳng định trong sách: “Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo của Thiên Chúa là Cha, mà cũng là tôn giáo của Thiên Chúa là mẹ nữa.”

** Chính tư tưởng chức là mẹ của Thiên  Chúa, việc miêu tả thảm cảnh sự thinh lặng của Ngài và các nghi ngờ đức tin của 3 nhân vật trong chuyện đã khiến cho Giáo hội Nhật tẩy chay sách, và khuyên tín hữu không nên đọc nó. Tuy nhiên, ngày nay Cha Antoni Ueçerler, giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Sophia Tokyo, cố vấn cho ông Scorsese trong việc làm phim, thì cho rằng “câu chuyện có thật và cuốn tiểu thuyết đòi buộc mọi kitô chú ý, và sau cùng thừa nhận rằng Thiên Chúa nhân từ vĩ đại hơn bất cứ sự phản bội nào”.

Để thực hiện cuốn phim này đạo diễn Scorsese đã phải chờ đợi kết thúc cuốn phim “Con chó sói  Wall Street” thực hiện với tài tử Leonardo di Caprio, là một trong các tài tử được yêu thích nhất tại Hollywood. Đạo diễn Scorsese đã có chương trình thực hiện cuốn phim “Thinh Lặng” hồi năm 2009. Nhưng trong năm 2010 và 2011 vì nhiều lý do các công việc đã bị gián đoạn, và đã chỉ được tiếp tục năm 2014. Phim đã được thực hiện với sự trợ giúp và cố vấn của các tu sĩ Dòng Tên. Trung tâm Truyền thông Kuangchi của Dòng Tên ở Đài Loan đã cung cấp một yểm trợ cụ thể và cố vấn cũng như sự cộng tác của dòng. Cha Emilio Zanetti trong nguyệt san “Các dân tộc” số ra tháng 10 năm 2014 cho biết nhiều chuyên viên giáo dân và tu sĩ đã cộng tác trong việc thực hiện cuốn phim này, đặc biệt là Cha Antoni Ueçerler, giáo sư môn lịch sử Nhật Bản tại Đại học Sophia ở Tokyo. Cha đã được đạo diễn Scorsese mời làm cố vấn cho các khiá cạnh và chi tiết liên quan tới lịch sử và sứ mệnh truyền giáo của Dòng Tên tại Nhật Bản vào thời đó. Trong số các tài tử đóng phim này có Liam Neeson và Adam Driver.

Cuốn phim đã được trình chiếu tại Học viện Đông phương của các cha Dòng Tên ở Roma. Nó cũng được trình chiếu tại đại hội phim ảnh Cannes 2016 và có thể là một trong các phim dự thi giải Oscar năm 2017. Phim sẽ được trình chiếu tại Italia từ ngày 12 tháng giêng tới đây.

Xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn đạo diễn Martin Scorsese về cuốn phim này.

Hỏi: Thưa đạo diễn Scorsese, tựa đề của cuốn phim không chỉ là một vinh danh cuốn sách của nhà văn Endo, mà cũng có một ý nghĩa tinh thần mạnh mẽ đối với ông nữa, có đúng vậy không?

Đáp: Tôi đã quen sống giữa một bối cảnh trong đó giao thoa nhau tiếng rao bán hàng rong, tiếng thợ mài dao tìm khách trên đường phố, hàng xóm láng giềng cãi nhau trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Tại “Italia Nhỏ” chúng tôi không biết sự thinh lặng là gì. Nó giống như một ngôi làng thuộc thế kỷ XIX, đầy hỗn độn. Vì thế nên khi tôi cần, tôi vào ẩn trốn trong một nhà thờ Công giáo, hay trong cái mờ tối của rạp chiếu phim. Thế hệ của chúng tôi đã chịu ảnh hưởng gương sống của ông George Harrison rất nhiều. Ông đã làm cho chúng tôi hiểu tầm quan trọng của sự thinh lặng và việc suy niệm. Trong trường hợp của tôi đã xảy ra một khúc rẽ vào năm 1987 tại Giêrusalem trong khi quay cuốn phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”. Sự thinh lặng cho phép duy trì các sự việc lại, hiểu chúng, thưởng thức chúng, không để cho chúng tan biến đi cùng với tiếng động làm nền. Trong vài trường hợp, một căn phòng trống có thể là đồng minh tốt nhất.

Hỏi: Thưa ông những  người làm việc với ông có biết rằng phải giữ thinh lặng hay không?

Đáp: Tôi xin tất cả mọi người đều thinh lặng chừng nào có thể. Tiếng động không bao giờ thiếu trong một màn quay; các nhân viên trang hoàng bầy biện bàn ghế giường tủ… biến mất. Tôi muốn sự thinh lặng để nói với các cộng sự viên và cho phép các diễn viên làm tốt nghề nghiệp của họ. Tôi không khó chịu, khi họ cười hay thảo luận giữa họ, vì nó là một phần kiểu làm việc của chúng tôi. Nhưng tôi thích là đoàn đóng phim thinh lặng chừng nào có thể để cho phép các diễn viên là dụng cụ của phim đồng ý với nhau một cách tốt đẹp. Cảnh quay phải như thể là một không gian thánh thiêng. Nói cho cùng thì chúng tôi đang tạo dựng một cái gì đó, đúng không?

Hỏi: Cũng giống như phim đóng hồi năm 1988, vẫn còn có các đề tài như sự cám dỗ, tội lỗi, lòng trung thành với ơn gọi bị thử thách bởi cái tàn bạo của sự dữ. Chắc là đã không dễ dàng diễn tả ra bằng hình ảnh một cảnh phức tạp như vậy phải không, thưa ông?

Đáp: Các cảnh quay phim đã lâu dài và vất vả chung quanh vùng Đài Loan như là một loại hành hương. Một công việc như thế khiến bạn bị thu hút hàng tháng trời: cần phải chú ý để đừng thâm thụt ngân quỹ, liên tục chiến đấu chống lại các bất ngờ xảy ra. Không có không gian cho cái gì khác hết.

Hỏi: Làm việc với các tu sĩ Dòng Tên đã dễ hay đã khó chừng nào thưa đạo diễn? Nói cho cùng thì chính các tu sĩ là các nhân vật chính của phim, và đây là một lịch sử đầy các vết thương luân lý và vật chất, có đúng thế không?

Đáp: Cha James Martin và những người khác đã rất là chú ý, rất cẩn thận và cộng tác hết mình. Các ngài đã giúp chúng tôi tránh các khờ khạo, các lầm lỗi bối cảnh, các sai lầm trong cung cách của các nhân vật. Kể cả việc đương đầu với một đề tài tế nhị như tương quan giữa niềm hy vọng và sự thất vọng, sự kinh hoàng và sức mạnh nội tâm, sự sa ngã và tái sinh. Nói cho cùng cả việc lập lại “Con sợ, con sợ, con sợ” khi hướng tư tưởng lên Thiên Chúa, bằng cách duy trì cuộc đối thoại với Ngài, tức là cầu nguyện. Tôi cũng luôn luôn bị hấp dẫn bởi các câu chuyện kẻ lại các môi dây thân hữu nối kết họ mạnh mẽ như anh em ruột với nhau.

Hỏi: Việc tiếp cận với nền văn hoá Nhật, với việc tôn thờ vẻ đep, trật tự và các điều kiện của nó đã như thế nào, thưa ông?

Đáp: Cung cách làm việc nghiêm chỉnh của các tài tử Nhật đã đánh động tôi rất nhiều. Họ đã không bao giờ ra khỏi vai trò của các nhân vật họ đóng, cả khi máy quay có tắt. Họ hoàn toàn hiện diện với chính họ, hoàn toàn tập trung. Sự kiên nhẫn của các thông dịch viên đã định đoạt đối với việc bắt đầu mỗi chi tiết và mỗi diễn tả. Họ đã rất hãnh diện về kết quả đạt được, là thành phần của một cái gì đó thức tỉnh cái nhìn của chúng tôi, và thay đổi kiểu chúng tôi nhìn các sự vật. Tôi đã hãnh diện, ngoài chuyện làm việc với các tài tử Liam, Adam và những người khác, là thành phần của Tổ chức Phim ảnh, lo tái lập và duy trì ký ức các cuốn phim của chúng tôi, Nhưng rất may là tôi không phải chỉ một mình, nhưng còn có nhiều đao diễn khác nữa từ Woody Allen tới Steven Spielberg.

(Oss. Rom 1-12-2016)


 

 

Linh Tiến Khải