Theo dấu xưa, chuyện cũ: Nơi an nghỉ 9 chúa, 2 vua triều Nguyễn
Với thế đất đặc biệt, vùng phía tây, tây nam kinh thành Huế thuộc địa bàn xã Hương Thọ (TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) đã được chọn là nơi an táng 9 vị chúa cùng 2 vị vua triều Nguyễn.
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Nơi an nghỉ 9 chúa, 2 vua triều Nguyễn
Với thế đất đặc biệt, vùng phía tây, tây nam kinh thành Huế thuộc địa bàn xã Hương Thọ (TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) đã được chọn là nơi an táng 9 vị chúa cùng 2 vị vua triều Nguyễn.
Địa bàn xã Hương Thọ ở bờ bắc thượng nguồn sông Hương, ranh giới được phân định từ núi Ngọc Trản (xưa kia có tên Hương Uyển Sơn), nơi có điện Hòn Chén, tên chữ là điện Huệ Nam (làng Cư Chánh), lên tới làng Định Môn, nơi có lăng vua Gia Long. Đây là vùng đất nằm ngay ngã ba hai nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch của sông Hương hội lưu, tạo nên một vùng sơn thủy hữu tình, núi non thanh tú.
Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1814, sau khi Thừa Thiên Cao hoàng hậu, vợ chính của vua Gia Long mất, nhà vua liền bàn với các đình thần tìm đất để xây dựng lăng mộ cho vợ, đồng thời cũng là nơi yên nghỉ của mình sau này. Vua Gia Long đã đặc cách vị đại thần là Lê Duy Thanh (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn), là người rất giỏi và am hiểu địa lý thời bấy giờ, phụ trách việc tầm long điểm huyệt.
Sau khi lặn lội khắp vùng núi non sông nước của Thừa Thiên -Huế, cuối cùng Lê Duy Thanh cũng trở về chọn cuộc đất tại làng Định Môn (xã Hương Thọ ngày nay). Sử sách cũng kể rằng, sau khi tìm được cuộc đất này, Lê Duy Thanh đã cho bốc dịch tới 7 lần để hỏi xem khí đất cát hung, cuối cùng tìm được một vị trí tốt nhất là vùng núi Thọ Sơn có 5 triền uốn khúc như rồng cuộn từ dưới vươn lên, có 34 ngọn núi cao thấp chầu về, rải đều hai bên với 14 ngọn bên phải, 14 ngọn bên trái và 6 ngọn che chở hầu cận đằng sau.
Thế nhưng, khi vua Gia Long đích thân cưỡi voi đến xem, ông đã chọn cho mình một huyệt địa nằm vị trí khác, cách đó không xa, cũng trong vùng núi Thọ Sơn. Nhà vua cùng Lê Duy Thanh gieo quẻ, rồi vua quở trách Lê Duy Thanh rằng: “Xét về long mạch và cuộc đất cát tường thuận theo cung mệnh đế vương thì nơi đây mới hợp, lẽ nào khanh không biết mà lại chọn cho trẫm một nơi không thuận hợp như trước kia. Hay là khanh đã biết mà muốn dành để cải táng hài cốt của cha ông mình vào đó?”.
Sau đó, nhà vua còn sai thái tử Đảm (tức vua Minh Mạng sau này) gieo quẻ lần nữa, rồi giao thượng thư bộ Lễ là Nguyễn Hữu Thân giải đoán với kết quả: “Giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát” (vững như thạch, không cần chờ đến ngày, chính bền, tốt). Vì vậy, thượng thư bèn trình lên vua Gia Long đề nghị chọn cuộc đất đó xây lăng.
Theo nhận xét của các nhà phong thủy, cuộc đất lăng vua Gia Long chọn rất đẹp, có Long nhập thủ từ phương Cấn đến, tả có Thanh Long, hữu có Bạch Hổ bao bọc, trước mặt có một hồ lớn làm minh đường với phương thủy tụ là Khôn sơn. Phía bên kia hồ lại có ngọn núi Thiên Thọ làm tiền án, nước chảy tới minh đường rồi uốn lượn mà chảy tiêu ở thủy khẩu Tuất phương.
Cùng với vua Gia Long, vua Minh Mạng (1791 – 1841) cũng chọn nơi yên nghỉ của mình nằm gần ngã ba sông Hương, thuộc thôn La Khê, xã Hương Thọ.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cùng với phong thuỷ đặc biệt của lăng Gia Long, lăng mộ các chúa tại Hương Thọ cũng đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy địa lý. Cụ thể, các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm “tụ thuỷ”. “Minh đường” của lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế “tay ngai” (Tả Long, Hữu Hổ)…
“Khác với lăng và các công trình kiến trúc thời vua Nguyễn, lăng các chúa Nguyễn có hướng rất phong phú, không tuân theo nguyên tắc “Nam diện” (xoay mặt về hướng nam). Đây là một điều lý thú đối với những ai muốn tìm hiểu phong thuỷ thời Nguyễn”, TS Phan Thanh Hải nhận xét. Theo TS Hải, quy mô, cấu trúc lăng các chúa Nguyễn cơ bản tương tự như nhau. Các lăng đều phân bố ở phía tây, tây nam kinh thành, dọc hai bờ sông Hương. Mỗi lăng đều có 2 lớp tường thành hình chữ nhật bao bọc, xây bằng đá núi, gạch vồ; trước mặt và sau lưng đều có bình phong xây gạch đá che chắn; bình phong sau bao giờ cũng gắn liền với lớp thành ngoài; bình phong trước thì dựng độc lập. Nấm mộ (gọi là Bảo phong) xây hình khối chữ nhật, giật 2 – 3 cấp; trước mặt Bảo phong có án bằng đá hoặc xây gạch. “Sự giống nhau này cũng dễ hiểu vì tất cả các lăng trên đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần nhau, cụ thể được trùng kiến đầu thời Gia Long (trong hai năm 1808 – 1809), tu sửa năm Minh Mạng 21 (1840) và đầu thời Thiệu Trị (1841)”, TS Phan Thanh Hải cho biết.
9 lăng chúa Nguyễn đã được các vua nhà Nguyễn cho dời từ vị trí khác đến vùng đất này gồm: lăng Trường Cơ (lăng Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế – Nguyễn Hoàng), lăng Trường Diễn (lăng của Hy Tôn Hiếu Văn hoàng đế – Nguyễn Phúc Nguyên), lăng Trường Diên (lăng của Thần Tôn Hiếu Chiêu hoàng đế Nguyễn Phúc Lan), lăng Trường Hưng (lăng của Thái Tôn Hiếu Triết hoàng đế Nguyễn Phúc Tần), lăng Trường Mậu (lăng của Anh Tôn Hiếu Nghĩa hoàng đế Nguyễn Phúc Thái, lăng Trường Thanh (lăng của Hiển Tôn Hiếu Minh hoàng đế Nguyễn Phúc Chu), lăng Trường Phong (lăng của Túc Tôn Hiếu Ninh hoàng đế Nguyễn Phúc Chú), lăng Trường Thái (lăng của Thế Tôn Hiếu Vũ hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát), lăng Trường Thiệu (lăng của Duệ Tôn Hiếu Định hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần).
Bùi Ngọc Long