Vụ đụng độ bí ẩn giữa tàu ngầm Anh – Pháp
Hai tàu ngầm của Anh và Pháp đã va chạm giữa lòng Đại Tây Dương trong một tai nạn bí ẩn khi đang chở theo hàng chục tên lửa hạt nhân.
Vụ đụng độ bí ẩn giữa tàu ngầm Anh – Pháp
Hai tàu ngầm của Anh và Pháp đã va chạm giữa lòng Đại Tây Dương trong một tai nạn bí ẩn khi đang chở theo hàng chục tên lửa hạt nhân.
Vụ đụng độ giữa tàu ngầm HMS Vanguard của Anh và FNS Le Triomphant của Pháp xảy ra vào năm 2009, nhưng cho đến nay vị trí chính xác lẫn chi tiết vụ việc vẫn chưa được công bố.
Giới truyền thông lúc đó đều đưa tin rằng hai tàu đã đâm nhau vào giữa đêm 3 – 4.2.2009 ở phía bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh chưa bao giờ đưa ra lời giải thích hoàn chỉnh về vụ việc. Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Bob Ainsworth nói thẳng với nghị sĩ đảng Lao động Harry Cohen vào tháng 3.2010 về quyết định bảo mật mọi thông tin do liên quan đến an ninh quốc gia.
Đến cuối tháng 2.2013, bộ này cũng chỉ tiết lộ hạn chế, dựa trên luật Tự do thông tin, theo trang nuclearinfo.org. Mới đây, tạp chí The National Interest đã tiến hành phân tích các chi tiết về tai nạn bất ngờ vào năm đó.
TIN LIÊN QUAN
Sức mạnh tàu ngầm ‘gián điệp bí mật nhất’ của Mỹ
Chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf, USS Jimmy Carter sau khi cải tiến được giới phân tích quân sự đánh giá là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào đêm 3.2.2009, thuỷ thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân Triomphant (dài 138 m) của hải quân Pháp đang di chuyển sâu trong lòng Đại Tây Dương thì đột nhiên cảm thấy khoang tàu rung chuyển, do một vụ va chạm chưa rõ nguyên nhân ở phần mũi và tháp tàu. Đến ngày 6.2, Bộ Quốc phòng Pháp thông tin rằng tàu ngầm trên đã tông vào một vật thể nào đó dưới nước (có thể là container). Cùng ngày, Triomphant quay về căn cứ ở Ile Longue, thành phố cảng Brest thuộc tây bắc Pháp.
Cũng thời điểm đó, chiếc HMS Vanguard, tàu ngầm hạt nhân của hải quân Hoàng gia Anh, đồng thời gặp sự cố tương tự. Là chiếc đầu tiên thuộc lớp Vigilant, HMS Vanguard có chiều dài 150 m, lượng choán nước trong lúc lặn là 16.900 tấn.
Theo tờ The Guardian, ban đầu Bộ Quốc phòng Anh từ chối xác nhận tình trạng của con tàu, nhưng có thông tin hải quân hai nước đã so sánh ghi nhận của nhau. Đến giữa tháng 2, Tư lệnh Hải quân, đô đốc Jonathon Band ra thông báo cho hay hai tàu ngầm trên đã đụng nhau trong lòng biển khi đang di chuyển ở tốc độ rất chậm và không ai bị thương.
“Chúng tôi có thể xác nhận năng lực của tàu (HMS Vanguard) không bị ảnh hưởng và chẳng xảy ra sự cố đáng tiếc đối với an toàn hạt nhân”, theo đô đốc Band. Tàu ngầm Anh đã quay về cảng nhà ở Faslane, Scotland, trong tình trạng chỉ bị “trầy xước”.
Tuy nhiên, báo giới Anh tiết lộ thân tàu bị hỏng nghiêm trọng xung quanh bệ chứa tên lửa và mạn phải. Ước tính công tác sửa chữa phải mất ít nhất 50 triệu bảng Anh. “Tàu ngầm Pháp đã húc văng một mảng lớn ở phần trước tàu HMS Vanguard và quét dài xuống mạn phải con tàu”, theo trang War is Boring dẫn tiết lộ của chuyên gia William McNeilly, từng là kỹ sư tàu ngầm Anh.
“Các nhóm thiết bị chứa khí nén cao áp (HPA) bị treo lơ lửng và đập vào lớp vỏ nén. Họ buộc phải quay về cảng với tốc độ chậm chạp vì nếu một trong các HPA nổ tung, nó sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền và kéo tàu ngầm xuống đáy biển”, theo chuyên gia McNeilly.
Về phần Pháp, các thông tin chính thức cho thấy mức độ thiệt hại của tàu Triomphant chỉ nằm trong vòm thiết bị định vị thuỷ âm Thales ở mạn phải. Tuy nhiên, một tờ báo địa phương sau đó đưa tin phần tháp và cánh phải gắn vào tháp đều bị biến dạng, cho thấy con tàu đã va chạm mạnh với tàu Anh.
Tất nhiên, trọng tâm gây quan ngại ở đây chính là cả hai tàu ngầm đều mang theo vũ khí hạt nhân, gồm 16 tên lửa đạn đạo M45 trên tàu Triomphant và 16 tên lửa Trident II trên tàu HMS Vanguard, mỗi tên lửa chứa từ 4 – 6 đầu đạn hạt nhân. Chỉ cần một tên lửa phát nổ trong lòng biển cũng đủ gây thảm hoạ khủng khiếp. May mắn là các đầu đạn hạt nhân cũng được thiết kế để không dễ dàng phát nổ khi va chạm.
Thế nhưng, các lò phản ứng hạt nhân trên cả hai tàu ngầm lại là một chuyện khác. Một vụ đụng độ đủ nghiêm trọng có thể chọc thủng khoang chứa lò phản ứng, làm rò rỉ bức xạ trong thân tàu và thẩm thấu ra môi trường biển. Tờ The Guardian dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Anh cam đoan rằng không hề xảy ra sự cố hạt nhân trong lòng biển. Dù vậy, nguyên nhân đằng sau vụ va chạm giữa các tàu ngầm Anh – Pháp lập tức gióng hồi chuông báo động trong lực lượng hải quân sở hữu tàu ngầm ở các nước.
TIN LIÊN QUAN
Nga đang chế tạo một loại robot hoạt động dưới nước có thể mô phỏng được tính năng của tàu ngầm hạt nhân lẫn tàu ngầm thông thường.
Chỉ vì quá hiện đại
Ở một phương diện nào đó, điều khiến ai nấy hoảng sợ chính là lỗi không nằm ở thuỷ thủ đoàn mà là do tính chất bí mật của chiến lược triển khai các tàu ngầm tên lửa hạt nhân. Theo chuyên gia Sébastien Roblin, người ta thường cho rằng hai tàu ngầm di chuyển quá sát nhau lẽ ra phải phát hiện sự tồn tại của đối phương. Tuy nhiên, các lớp tàu ngầm hiện đại được thiết kế theo hướng càng ít ồn càng tốt, nhằm duy trì ưu thế tấn công phủ đầu một khi có biến.
Giống như Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lúc đó là ông Hervé Morin từng nói một cách đầy tự hào rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề kỹ thuật vô cùng đơn giản: những tàu ngầm đó là không thể phát hiện”.
Một tàu ngầm trong tình trạng lặn có thể sử dụng thiết bị định vị thuỷ âm chủ động lẫn thụ động để phát hiện các tàu ngầm khác. Trong đó, định vị thuỷ âm thụ động dựa trên các máy nghe để thu âm từ môi trường nước xung quanh, nhưng phương pháp này có thể không đủ sức phát hiện tàu ngầm đang di chuyển chậm chạp. Với định vị thuỷ âm chủ động, một tàu ngầm có thể phát ra các sóng âm và thu về các phản xạ từ môi trường nếu muốn cải thiện năng lực tìm kiếm, nhưng điều đó cũng chẳng khác nào tự lộ diện trước tàu ngầm đối phương.
Vì ưu tiên của tàu ngầm là phải thoát khỏi tầm quan sát của các tàu khác, cả Triomphant lẫn HMS Vanguard đều chỉ dựa trên định vị thuỷ âm thụ động, và dẫn đến hậu quả là chúng đâm vào nhau.
Những vụ đụng độ tàu ngầm không phải là chuyện chưa từng xảy ra. Thông thường nguyên nhân là do một tàu bám quá sát tàu mục tiêu, giống như vụ va chạm giữa tàu ngầm Nga K-407 và tàu ngầm USS Grayling của Mỹ vào năm 1993. Điều này dẫn đến tin đồn cho rằng sự cố trong lòng biển Đại Tây Dương vào năm 2009 là do tàu Pháp đuổi theo tàu Anh. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng những trò chơi kiểu mèo vờn chuột này thuộc địa hạt của tàu ngầm tấn công chứ không phải tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.
Pháp bị chỉ trích vì không chia sẻ thông tin về các tuyến hành trình của lực lượng tàu ngầm hạt nhân với NATO, nhưng trên thực tế, thậm chí các thỏa thuận chia sẻ giữa Anh – Mỹ cũng chẳng bao gồm thông tin về tàu ngầm tên lửa đạn đạo, theo tờ The New York Times.
|
Thụy Miên