26/12/2024

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu và tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 13-12 tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

 Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

 

 
Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu và tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 13-12 tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

Luật lệ của các thượng tế không đến từ Thiên Chúa

Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão trong dân. Chúa tập trung vào vai trò của họ. Họ có thẩm quyền về luật pháp, về luân lý, về tôn giáo. Họ quyết định mọi sự. Anna và Caipha đã xét xử Chúa Giêsu. Các thượng tế và giới lãnh đạo quyết định giết anh Lazarô. Họ cũng thương lượng với Giuđa về giá cả để bán Chúa Giêsu. Họ cho thấy sự kiêu ngạo, độc tài của họ và hậu quả là người dân phải chịu đựng.

Họ khai thác luật lệ. Các điều luật lên tới con số 500. Họ thiết lập mọi sự, mọi thứ! Họ làm nên luật lệ một cách rất khoa học, bởi vị họ là những nhà thông thái, vì họ hiểu biết rất nhiều. Họ thực thi những điều ấy, hay là không? Có một luật mà họ không nhớ. Họ quên mất điều răn đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho Tổ phụ Abraham: “Bước đi trong sự hiện diện của Chúa và không chê trách được điều gì.” Họ không bước đi, mà luôn khẳng định ý kiến của mình. Và họ không phải là không đáng trách!

Người dân bị quên lãng

Họ quên đi Mười Điều Răn Chúa trao cho Môsê. Họ chỉ biết luật do họ làm ra một cách tỉ mỉ tinh tế với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ huỷ bỏ luật pháp của Thiên Chúa. Nạn nhân của họ chính là người dân, những người nghèo, người bé nhỏ, người tin tưởng nơi Thiên Chúa, những người bị loại trừ. Ngay cả có những người ăn năn sám hối mà chưa thực thi những điều luật, thì cũng bị đau khổ bởi những bất công.

Giuđa là kẻ phản bội. Ông phạm trọng tội! Đúng thế. Nhưng sau đó Tin Mừng nói: ông hối hận, ông trả lại những đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục. Còn họ, họ đã làm gì? Có thể họ nói: “Nhưng anh là bạn của chúng tôi. Đừng lo… Chúng tôi có quyền tha thứ tất cả cho anh!” Không có điều ấy! Họ nói với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa bị bỏ lại một mình và ông bỏ đi! Giuđa nghèo hèn khốn khổ, đã sám hối, nhưng không được các mục tử là chính các thượng tế và kỳ mục chấp nhận. Họ đã quên mất vai trò mục tử. Họ là những trí thức tôn giáo, là những người cầm quyền, là những người dạy giáo lý cho dân chúng bằng sự học thức của họ, chứ không bằng mặc khải của Thiên Chúa.

Ai được vào Nước Thiên Chúa


Ngay cả ngày nay, trong Giáo hội, vẫn còn tinh thần của một thứ “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.  

Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần giáo trị, giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

 
 

Tứ Quyết SJ