Chương 3 cuốn Docat: Có giá trị duy nhất và vô cùng: Con người
Vì sao con người có phẩm giá bẩm sinh – một giá trị không thể quy ra tiền. Vì sao nhân quyền có cơ sở vững chắc cả trong đức tin lẫn trong lý trí, và vì sao chỉ Thiên Chúa mới có thể bảo vệ con người khỏi rơi vào bẫy của nhau.
LTS: Chúng tôi gửi đến các bạn chương 3 của cuốn Docat để xin các bạn ý kiến về bản dịch. Xin các bạn gửi thư về email: [email protected]. Cảm ơn các bạn nhiều.
Chương 3
CÓ GIÁ TRỊ DUY NHẤT VÀ VÔ CÙNG:
CÂU HỎI 47 – 83
với sự cộng tác của Walter Schweidler, Anton Losinger và Marco Bonacker
Vì sao con người có phẩm giá bẩm sinh – một giá trị không thể quy ra tiền. Vì sao nhân quyền có cơ sở vững chắc cả trong đức tin lẫn trong lý trí, và vì sao chỉ Thiên Chúa mới có thể bảo vệ con người khỏi rơi vào bẫy của nhau
&
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
St 1,26-27
! Imago Dei (tiếng Latin, nghĩa là “hình ảnh của Thiên Chúa”): Học thuyết này khắc hoạ theo Kinh Thánh (St 1,26-27) vị trí nổi bật của con người giữa mọi loài thụ tạo: con người là sinh vật có thể liên lạc với Thiên Chúa.
|
47 Khi chúng ta nói về con người, chúng ta muốn nói điều gì? Với từ “người”, chúng ta diễn tả sự thật rằng mỗi người có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (→ Imago Dei) (St 1,27). Vì thế con người là thụ tạo duy nhất thể hiện chính Đấng Tạo Hoá trong công trình tạo dựng, và là “sinh vật duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa muốn có mặt, vì lợi ích riêng của chính họ” (GS 24). Vì là con người do Thiên Chúa tạo dựng, nên mỗi người không phải là một thứ gì đó, mà là một ai đó, và có giá trị độc nhất. Vì là người nên con người có khả năng nhận biết bản thân và suy ngẫm về chính mình, đưa ra những quyết định tự do, và bước vào mối tương quan với những người khác. Người này cũng được kêu gọi để đáp lời Thiên Chúa trong đức tin. Do đó, sự thật con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, có nghĩa là con người luôn có mối liên hệ với Thiên Chúa, và chỉ trong Chúa người đó mới có thể phát triển trọn vẹn tiềm năng làm người của mình. Ü 108, 109 è 356-361, 1702, 1704 ð 56, 58, 63 |
Tận sâu thẳm trong bản chất của mình, con người là một sinh vật có xã hội tính. Công đồng Vatican II, GS 12
V Con người phát triển khi tăng trưởng trong tinh thần, khi linh hồn nhận biết chính mình và những chân lý mà Thiên Chúa đã gieo sâu trong lòng tự thuở nào, khi bước vào cuộc đối thoại với chính mình và với Đấng Tạo Hoá. Khi con người rời xa Thiên Chúa, chỉ còn lại bất ổn và xấu xa. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 11
Chúng ta công nhận đây là những chân lý hiển nhiên: tất cả mọi người đều được tạo dựng bình đẳng, và được Đấng Tạo Hoá ban tặng những Quyền căn bản thiết thân. Trong số các quyền đó là quyền Sống, quyền Tự do, và quyền mưu cầu Hạnh phúc. Tuyên ngôn Độc lập (1776) của mười ba bang đầu tiên thành lập nên Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ |
48 Tại sao mỗi người là một sinh vật có xã hội tính?
Một người chỉ có thể sống sót và phát triển nhờ vào sự giúp đỡ của những người khác. Làm người không chỉ là sống trong mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, mà còn phải cố gắng cẩn trọng để giữ mối giao hảo với những người khác nữa. Điều này khởi đầu từ trong gia đình, rồi thể hiện nơi nhóm bạn bè, và cuối cùng mở ra cho xã hội. Điểm cơ bản ở chiều kích xã hội của con người là chúng ta được tạo dựng như người nam và người nữ (St 2,23). Ngay từ đầu, nam và nữ có cùng phẩm giá như nhau. Họ giúp đỡ lẫn nhau, và bổ túc cho nhau, để cùng nhau đương đầu với cuộc sống. Thiên Chúa làm cho sự kết hợp yêu thương giữa nam và nữ sinh hoa kết quả nơi đứa con của họ. Đây là lý do vì sao gia đình là tế bào nguyên thuỷ của mọi xã hội. Ü110, 111 è 360-361 ð 61, 64 |
Xét theo mục đích, mọi thứ đều có hoặc là giá trị hoặc là phẩm giá. Những gì có giá trị thì có thể được thay thế bởi một cái khác có giá trị tương đương. Trái lại, những gì cao cả đến mức không giá nào mua nổi, và cũng không có thứ gì tương đương giá trị, thì có phẩm giá hay chân giá trị. Immanuel Kant (1724-1804), triết gia Đức, Groundwork of the Metaphysics of Morals [Cơ sở Siêu hình của Đạo đức] II (1785) |
49 Sống trong xã hội nghĩa là gì? Đời sống xã hội, ngay từ cội nguồn, được trải nghiệm từ đời sống gia đình. Gia đình sống dồi dào khi các thành viên thường xuyên trò chuyện với nhau, khi ươm lối sống quan tâm đến nhau, khi lợi lộc cá nhân được đặt sau hạnh phúc của cộng đồng. Cũng như Đấng Tạo Hoá, gia đình giàu tính sáng tạo, không chỉ vì sinh được những đứa con. Là những sinh vật xã hội có nhiều mối tương quan, con người chúng ta chia sẻ khả năng sáng tạo của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về việc tạo dựng và với từng người khác. Mỗi một người đều có giá trị thiêng liêng và bất khả xâm phạm, luôn luôn và ở bất cứ đâu. Trách nhiệm xã hội của chúng ta còn trải rộng ra cho muông thú: chúng ta phải đối xử tử tế với loài vật. Chúng ta còn phải chịu trách nhiệm với thiên nhiên: không được tận diệt, mà phải khai thác chừng mực và gìn giữ cẩn thận. Tuy nhiên, trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo là con người. Con người là nền tảng đích thực của xã hội; vì thế, mọi điều được thực hiện trong xã hội phải đặt con người ở vị trí ưu tiên. Ü105-107, 110-114 è1877-1885 ð 321-323 |
Chúng ta phải yêu mến người lân cận, hoặc vì người đó tốt, hoặc để cho người đó có thể trở nên tốt. Thánh Augustinô
Điều ác là vắng bóng điều thiện. Thánh Tôma Aquinô (1225-1274)
& Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Ga 1,8
|
50 Con người phải chịu những gánh nặng nào? Con người có phẩm giá lại dễ bị tổn thương do nhiều loại nguy hiểm và thiệt hại. Chúng ta gọi hạt nhân của sự gây rối và phá hoại là tội lỗi. Ađam, người đã phạm “tội nguyên tổ” do bất tuân mệnh lệnh của Đức Chúa, có thể nói là điển hình của con người đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội và hãm hại người khác. Tất cả chúng ta đều là con người, và là tội nhân. Chúng ta làm hại người khác qua lối sống sai trái của chúng ta. Vì điều này, trái đất không còn là thiên đàng nữa. Thật sự chúng ta có thể nói ‘không’ với tội lỗi bất cứ lúc nào, nhưng quyền lực của tội lỗi đã chạm tới bản thể của chúng ta, tới tận nơi mà tự do đang ngự trị. Và vì thế chúng ta làm điều ác một cách có chủ ý: với tự do, chúng ta chống lại ý Chúa, và vì thế tách rời chính mình khỏi Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Ü117, 120, 576, 578 è 390, 396-406, 415 ð 66-70, 287-288, 315
|
Chúng giật trẻ em khỏi bầu sữa mẹ, túm lấy chân và quật đầu các em vào đá, hay chộp lấy tay và ném các em xuống sông, rú lên cười và gào to khi các em đang rơi xuống dòng nước: “Chết gí ở đó đi, dòng giống của ma quỷ!” Bartolomé de Las Casas (1484-1565), thầy Dòng Đa Minh, “Tông đồ của người Da đỏ”, trong bản cáo trạng năm 1552 lên án quân đội Tây Ban Nha xâm chiếm Trung và Nam Mỹ
Mỗi tội của bạn đều làm tổn hại ai đó – bao gồm cả chính bạn. Billy Graham (1918-), nhà truyền giáo Tin Lành. |
51 Có phải tội lỗi cũng có chiều kích xã hội? Tội ác luôn là hành vi của một người có ý thức và tự do, nhưng nó còn tác động tới nhiều mối quan hệ, và lan ra cả xã hội. Do đó, mỗi tội ác có chiều kích cá nhân, và đồng thời có cả chiều kích xã hội: tội lỗi đã là tồi tệ đối với kẻ phạm phải, mà còn làm tổn thương những người khác, và tác hại đến xã hội. “Và cứ thế tội lỗi càng bành trướng, càng bạo tàn, trở thành nguồn cơn của các tội khác, và như vậy, gây tác hại lan tràn lên hành vi của nhiều người” (Gioan Phaolô II, SRS 36). Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến những hệ thống chính trị sử dụng bạo lực, hoặc không lo bảo vệ người dân thiểu số. Tội ác không bao giờ là một số phận định trước, và các thể chế độc ác vẫn có thể bị thay thế. Nhận ra và gọi đích danh tội lỗi là bước đầu tiên để giải thoát chính mình khỏi mạng lưới của nó. Đức Giêsu đến để mang chúng ta ra khỏi sự giam hãm của tội lỗi. Muôn loài thụ tạo cho đến nay bị tội giăng bẫy, được Đức Kitô giải thoát, để yêu thương và làm theo lẽ phải. “Nền văn minh tình yêu” khởi đầu bằng sự hối cải của mỗi cá nhân, và sự hoà giải của người đó với Thiên Chúa. Ü115-119, 193, 566 è 1868-1869 ð 320 |
! Nạn nhân của nghèo đói Nếu chúng ta xem xét tình huống này kỹ hơn, chúng ta nhận thấy rằng sự nghèo đói không phải là một tai nạn, mà là hậu quả của những cấu trúc và những hiện trạng kinh tế, xã hội, chính trị… Tình trạng cực nghèo lan rộng đang hiển hiện trên những gương mặt cụ thể trong đời sống thực tế. Nơi những gương mặt này, chúng ta cần nhận ra những đường nét đau khổ của Đức Kitô, Đấng đang chất vấn và thử thách chúng ta. Đây là những gương mặt của: – những trẻ nhỏ, đã bị cái nghèo tấn công trước khi chào đời; – những thanh niên, mất phương hướng, vì không tìm thấy chỗ đứng nào trong xã hội cho mình; – những công nhân, thường bị trả đồng lương rẻ mạt; – những người vất vưởng bên lề xã hội, và những công dân nghẹt thở nơi phố thị đông đúc… Puebla Document On the Evangelization of Latin America in the Present and Future [Tài liệu về Phúc Âm hoá cho vùng Châu Mỹ Latin, Hiện tại và Tương lai], §§ 29-30 |
|
Đừng thờ ơ với linh hồn của bạn. Nếu linh hồn của bạn bị bỏ quên, bạn chẳng thể nào mang đến cho người khác những gì bạn có trách nhiệm trao ban. Đó là lý do vì sao bạn phải luôn dành thời gian cho chính mình, cho chính linh hồn mình. Thánh Charles Borromeo (1538-1584), nhân vật hàng đầu chủ trương Chống Cải cách (phong trào cải cách tôn giáo ở Tây Âu thế kỷ XVI đưa đến đạo Tin Lành)
Hollywood là nơi họ sẽ trả cho bạn một ngàn đôla cho một nụ hôn, và chỉ 50 xu cho linh hồn bạn. Marilyn Monroe (1926-1962), diễn viên điện ảnh Mỹ
|
52 Tính thống nhất của con người bao hàm điều gì? Con người có thân xác và linh hồn; xác và hồn không tách rời nhau, mà thống nhất với nhau nơi một con người. Chủ nghĩa duy vật xem linh hồn chỉ như một chức năng của thể xác vật chất; trái lại, chủ nghĩa duy tâm lại đánh giá linh hồn quá cao mà xem thường thân xác. Giáo Hội bác bỏ cả hai lầm lẫn trên. Cơ thể không phải là nhà tù của linh hồn, và linh hồn là phần thiết yếu của một con người đang sống. Nhờ thân thể, con người nối kết với trái đất, và là một phần của thế giới tự nhiên. Con người không chỉ tìm thấy bản thể của riêng mình (“cái tôi” của người ấy) nơi linh hồn mình; linh hồn của một người còn biết Thiên Chúa, và linh hồn mãi mãi được Thiên Chúa nhìn đến. Linh hồn thì bất tử. Thế nhưng chúng ta không được khinh miệt thân xác, vì Thiên Chúa tạo dựng thân xác như một điều tốt đẹp, và định cho thân xác được sống lại trong ngày Tận thế. Đức Giêsu đã nhận thấy những nỗi đau đớn trong thân xác của nhiều người, và chữa lành họ. Con người vừa là một sinh thể vật chất vừa đồng thời là một sinh vật tinh thần. Ü127-129 è 355-357, 380 ð 58 |
Trí tuệ của con người vươn tầm hiểu biết của mình tới vô biên. Thánh Tôma Aquinô, Summa contra gentiles I, 43
! Siêu việt [Transcendence] (từ tiếng Latin transcendere = vượt qua): trong chính sự tồn sinh của mình, con người lại hướng lên khỏi bản thân, và chỉ có thể được hiểu trong mối tương quan với Thiên Chúa. |
53 Tại sao con người nghĩ đến những điều vượt trên chính mình? Trong tất cả mọi loài thụ tạo vật chất, chỉ mỗi con người mở ra đến vô biên; chỉ con người mới có thể có một khái niệm về Thiên Chúa, và khát khao đi tìm những câu trả lời tối thượng. Triết học nói đó là con người có khả năng siêu việt, nghĩa là có thể vượt lên trên chính mình. Con người chỉ thật sự trở thành mình cách trọn vẹn khi nhận biết một điều gì hay một Đấng nào đó khác với mình, cao cả hơn mình, và quan trọng hơn chính mình: đó là Thiên Chúa, nguồn mạch của sự sống muôn loài. Vì con người mở ra hướng đến Thiên Chúa, nên cũng có thể cởi mở với những người khác, và thể hiện lòng tôn trọng họ. Đời sống cộng đồng, việc đối thoại và nhận biết người khác lại dẫn con người đến gần chính mình hơn. Ü 130 è 27-30, 1718-1719, 1725, 2248-2250, 2257 ð 3-4, 281, 468, 470 |
Làm người, có nghĩa là không bao giờ để cho bản thân mình bị bất cứ ai khác sử dụng như một phương tiện để đạt mục đích của riêng họ. Albert Schweitzer
|
|
Nhận ra người khác là nhận thấy một cơn đói. Nhận ra tha nhân nghĩa là biết cho đi… Chỉ lúc cho đi hay khi từ chối, thì tôi mới có thể nhận ra được cái nhìn của một khách lạ, một goá phụ, một trẻ mồ côi. Emmanuel Levinas (1905-1995), triết gia Pháp gốc Do Thái, Totality and Infinity [Tính Toàn thể và tính Vô tận] (1961)
V Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của quá trình tiến hoá. Mỗi người chúng ta có mặt là vì Thiên Chúa, Chúa đã nghĩ đến ta. Mỗi người đều được Ngài mong muốn hiện hữu, mỗi người đều được yêu thương, và mỗi người đều hữu ích. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Bài giảng tại Thánh lễ đăng quang Giáo hoàng của ngài, vào ngày 24 tháng 4, năm 2005 |
54 Điều gì khiến con người là độc nhất? Mỗi người là độc nhất, vì được Thiên Chúa muốn họ hiện hữu như một cá thể không thể lặp lại, được hình thành nhờ tình yêu, và được cứu chuộc nhờ một tình yêu còn lớn lao hơn. Điều này cho chúng ta thấy phẩm giá của con người cao quý biết bao, và việc giữ thái độ nghiêm túc và lòng tôn trọng đối với tất cả mọi người quan trọng dường nào. Đòi hỏi trên cũng áp dụng cho các hệ thống chính trị và thể chế. Các hệ thống qua thể chế này không những phải tôn trọng tự do và phẩm giá của con người, mà còn phải góp phần vào sự phát triển toàn diện của mỗi người. Một cộng đồng không được phép loại trừ các cá nhân hay cả nhóm khỏi lộ trình phát triển. Ü 131 è 2419-2420, 2422-2423 ð 438 |
Giờ quan trọng nhất luôn ở hiện tại. Người quan trọng nhất luôn là người đang ở trước mặt bạn lúc này. Việc quan trọng nhất luôn là yêu thương. Meister Eckhart (1260-1318), nhà thần bí người Đức
Trật tự của vật thể phải xếp sau trật tự của con người, chứ không được đảo ngược lại. Công đồng Vatican II, GS 26 |
55 Xã hội nợ mỗi người điều gì? Một xã hội ngay chính phải tôn trọng và thăng tiến phẩm giá con người. Trật tự xã hội tồn tại là vì lợi ích của con người, và phải được định hướng theo những gì một người cần để sống một cuộc đời đúng phẩm cách. Điều này loại bỏ mọi hình thức khai thác, bóc lột, biến con người thành phương tiện cho mục tiêu kinh tế, xã hội, và chính trị. Không bao giờ được phép biến con người thành một thứ phương tiện chỉ để đạt tới các mục tiêu nào đó, vì con người là cùng đích nơi chính mình. Ü 132-133 è 1886-1887 ð 324 |
TỰ DO CÓ THỂ MANG Ý NGHĨA LÀ: Tự do khỏi … = có sự tự do bên ngoài, thoát ra khỏi sự trói buộc Tự do để … = có thể lựa chọn Tự do đối với … = có sự tự do nội tâm, để chọn điều tốt lành thật sự |
|
Tự do nghĩa là có quyền phát biểu hai với hai là bốn. Một khi được tự do, sẽ có mọi thứ khác. George Orwell (1903-1950), nhà văn người Anh
Có tự do đồng nghĩa với nhận trách nhiệm. Đó là lý do vì sao nhiều người e ngại tự do. George Bernhard Shaw (1856-1950), nhà soạn kịch người Ailen |
56 Con người cần tự do đến đâu? Tự do là giá trị căn bản. Được tự do và hành động tự do là quyền cơ bản của con người. Một khi tôi được tự do quyết định, tôi cũng chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình. Chỉ một người tự do mới có thể hướng đến Thiên Chúa trong yêu thương và đáp lại lời Ngài. Chỉ với tự do con người mới có thể tạo lập đời sống cá nhân và xã hội của mình. Tự do của con người không ngớt bị giới hạn bởi những điều kiện xã hội, chính trị, pháp lý, tài chính hoặc văn hoá. Tước đoạt quyền tự do của một con người, hay giới hạn quyền tự do đó một cách phi lý, là điều vô cùng bất công, vì gây thương tổn cho phẩm giá của người này, và cản trở sự phát triển của người ấy thành con người thật sự. Ü135-137 è 1705-1706, 1733 ð 286-287 |
& Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông. Ga 8,32
Lương tâm nào mà thiếu vắng Thiên Chúa sẽ trở thành một thứ gieo rắc kinh hoàng. Fyodor M. Dostoevsky (1821-1881), nhà văn Nga
V Không có tự do nào lớn hơn tự do để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, qua việc từ bỏ nỗ lực hoạch định và kiểm soát mọi sự đến từng chi tiết, thay vào đó để cho Chúa Thánh Thần soi sáng, định hướng, chỉ bảo, dẫn đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Giáo hoàng Phanxicô, EG 280
|
57 Con người tự do ra sao? Con người được tự do, nhưng sự tự do của con người có một mục đích. Suy cho cùng, tự do có mặt để chúng ta có thể làm được những gì thật sự tốt đẹp bằng ý chí tự do và sự hiểu biết của chúng ta. Về mặt này, tự do được định hướng nhờ vào luật tự nhiên và trật tự sáng tạo (= cách thức Thiên Chúa xếp đặt thế giới theo ý định của Ngài). Bằng lương tâm của mình, chúng ta có thể biết sự thật về điều đúng đắn và điều sai trái. Đúng hơn, lương tâm là tiếng nói chân lý cất lên từ nội tâm, là luật tự nhiên được khắc ghi vào tâm khảm của tất cả mọi người (Rm 2,15). Thông qua lý trí, chúng ta có thể lĩnh hội từ lương tâm những chân giá trị luôn luôn đúng ở mọi thời. Chúng ta biết lừa dối, trộm cắp, giết người là sai trái. Tuy nhiên, lương tâm cũng có thể lầm lẫn. Tự do không luôn nghiêng về điều tốt thật sự, mà lại thường chệch sang những gì chỉ tốt bề ngoài, vì đã bị tính vị kỷ chi phối. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn rèn luyện lương tâm, và học theo sự chỉ dẫn đúng đắn về những giá trị chân thực. Chính tự do cũng cần được Đức Kitô giải phóng, để có thể hoàn thành những gì thật sự tốt đẹp. Ü 16, 138-143 è 1705-1706, 1730-1733, 1738, 1740-1744 ð 288-289 |
Tất cả mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một vài con lại bình đẳng hơn những con khác! George Orwell, Animal Farm [Nông trại Gia súc] |
|
Yêu ai nghĩa là nhìn thấy nơi người ấy hình ảnh mà Thiên Chúa đã tiền định cho người đó. Fyodor Dostoevsky
|
58 Giữa con người có những khác biệt căn bản nào không? Không. Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi người theo hình ảnh của Ngài, và vì thế, tất cả đều được ban tặng cùng một phẩm giá không thể bị tước đoạt, bất kể màu da, giới tính, dân tộc, tôn giáo. Đây là chân lý, nên cần khắc phục những điều bất công mà nữ giới và dân tộc phải chịu, để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả, sự thăng tiến cho mỗi người, và như vậy cũng là bảo vệ phẩm giá của mọi người. Ü 144-145 è 1934-1935 ð 330-331 |
V Giáo Hội công nhận sự đóng góp không thể thiếu của người phụ nữ vào xã hội, qua tính nhạy cảm, trực giác, và nhiều kỹ năng riêng của họ, mà nam giới không thể sánh bằng… Thế nhưng, chúng ta cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo Hội trở nên rõ nét hơn… Ở đây chúng ta không tranh luận về chuyện chức linh mục chỉ dành cho nam giới, như dấu chỉ Đức Kitô, vị Hôn Phu, trao ban chính mình nơi bí tích Thánh Thể. Nhưng chuyện này có thể gây nên sự chia rẽ bất đồng nếu quyền năng cử hành bí tích bị đồng hoá quá chặt chẽ với quyền lực thông thường… Trong Giáo Hội, các chức vụ “không đề cao sự ưu việt của một người so với những người khác”. Thật vậy, một phụ nữ như Đức Maria, còn quan trọng hơn các vị giám mục. Giáo hoàng Phanxicô, EG 103-104 |
59 Nam và nữ tương đồng và tương khắc như thế nào? Dưới cái nhìn của Chúa, nam và nữ đều có phẩm giá làm người như nhau. Thiên Chúa tạo ra con người cụ thể với nam và nữ, chứ không trừu tượng, với ý định để họ sống vì nhau, và cần đến nhau, mà không thống trị (thói gia trưởng) hay loại trừ nhau (nữ quyền cực đoan). Do đó, mang hình hài nam hay nữ không chỉ có nghĩa là nhận một vai trò cụ thể mà còn hơn thế nữa. Theo quan điểm của Kitô giáo, tình yêu thương giữa nam và nữ là biểu hiện của sự hiệp thông giữa các ngôi vị Thiên Chúa. Ü 146-147 è 2331-2336 ð 330-331 |
Khi tôi gặp một người mất đôi bàn chân, tôi không còn than khóc vì không có đôi giày. Helen Adams Keller (1880-1968), nhà văn và nhà cải cách xã hội người Mỹ, bà mù và điếc từ thuở nhỏ |
60 Giáo Hội lên tiếng như thế nào trước sự kỳ thị người khuyết tật? Công bằng xã hội, theo học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, đạt được khi tất cả mọi người trong xã hội có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị chủ chốt. Các hình thức kỳ thị loại trừ người ta tham gia, đều là sự bất công. Vì vậy, Nhà nước và xã hội có nhiệm vụ tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào các hoạt động đó. Suy cho cùng, phẩm giá của con người không tuỳ thuộc vào năng lực thể xác và trí óc, và sự tôn trọng dành cho mỗi người cũng không thể bị giới hạn trên tiêu chí thành tựu và hiệu năng của người ấy. Ü 148 è 1936-1937 ð 331 |
Một cộng đồng không phải là tổng hợp những lợi ích của các thành viên, nhưng là tập hợp những tự hiến, quên mình của các thành viên ấy. Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944), phi công, nhà văn Pháp |
|
Chúng ta không bắt con vật chịu trách nhiệm cho hành vi của chúng. Nhưng con người có thể có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Thụ tạo đặc biệt này có phẩm giá. Phẩm giá ấy không phải do những cá thể khác trao cho mỗi người, nhưng là điều mỗi người sở hữu chỉ vì họ thuộc về loài người biết suy tư (homo sapiens). Robert Spaemann (1927-), triết gia Đức, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 14 tháng 9 năm 2007 |
61 Con người thuộc về một cộng đồng, điều đó có ý nghĩa như thế nào? Động vật sống theo đàn; chúng hình thành bầy đàn. Trái lại, con người sống trong xã hội thì bước vào mối hiệp thông. Thiên Chúa, ngay trong bản thể sâu xa của Ngài, chính là sự liên kết và hiệp thông, đã tạo nên con người là giống loài đặc biệt – biết sống liên đới với nhau: bằng sự lựa chọn tự do và có chủ ý, họ hình thành các cộng đồng, chịu trách nhiệm trong các cộng đồng, và để lại dấu ấn đặc biệt của riêng mình trong tập thể. Con người sống dựa vào nhiều mối tương quan; họ được gắn vào mạng lưới gồm những người khác, và nhận ra sự cần thiết phải hợp tác với nhau. Trong tất cả các cộng đồng, con người được kết nối với nhau theo nguyên tắc thống nhất (gia đình, dân tộc, liên đoàn thể thao, nhà thờ…); trong đó, họ xây dựng lịch sử và kiến tạo tương lai của mình. Ü 149 è 1879-1880 ð 321-322 |
! Công ích (Common good) Công ích là lợi ích của tất cả mọi người; công ích “bao gồm toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội nhờ đó con người, gia đình và xã hội có thể đạt tới sự hoàn thiện riêng của mình một cách thoả đáng và dễ dàng hơn”. (Công đồng Vatican II, GS 74)
Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ tranh đấu đến chết cho quyền được nói của anh. Evelyn Beatrice Hall (1868-1939), nhà văn Anh |
62 Tại sao người ta thường hành động theo những cách ngầm phá hoại cộng đồng? Dù con người mang xã hội tính, nhưng lại thường hành động chống lại xã hội: bị thúc đẩy bởi lòng ích kỷ, tham lam, tự cao, họ dẫn dắt những người khác đi lạc đường, khai thác và đàn áp họ, hoặc bỏ mặc cho họ bị hãm hại. Ngược lại, cộng đồng đích thực là một tập thể tự do gồm những người muốn điều tốt cho chính mình và cho cả người khác nữa. Một cá nhân không thể mang lại điều này → công ích; công ích chỉ đạt được bằng những nỗ lực của nhiều người hợp lại. Ví dụ, một sân vận động thể thao được xây dựng nhờ tiền quyên góp từ nhiều nguồn, hay một buổi hoà nhạc chỉ thành công khi nhiều nhạc công đóng góp tài năng của mình vào đó. Ü 150-151 è 1882, 1931 ð 327-328 |
Tất cả mọi người sinh ra đời đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ được phú cho lý trí và lương tâm, và họ phải đối xử với nhau trong tình huynh đệ. Điều khoản 1, Universal Declaration of Human Rights [Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền]
|
|
Nhân quyền sẽ được tôn trọng nhiều hơn, chứ không kém đi, nếu nhân quyền được xem như những quyền thiêng liêng. G.K. Chesterton (1874-1936), nhà văn Anh
|
63 Nhân quyền là gì? Nhân quyền là lời tuyên bố điều gì thuộc về chúng ta bởi lẽ bản chất của chúng ta là những con người. Các quyền không thể có, nếu như những người khác không bị buộc phải tôn trọng, và điều ràng buộc họ chính là luật pháp. Vì thế, quyền lợi, nghĩa vụ và luật pháp có liên quan mật thiết với nhau. Theo lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (Liên Hiệp Quốc, 1948) là “một cột mốc quan trọng trên con đường thăng tiến đạo đức của nhân loại” (2/10/1979). Ü 152 è 1930 ð 136 |
V Niềm xác tín rằng có một Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo là khởi nguồn phát sinh ý tưởng về nhân quyền, ý tưởng về sự bình đẳng của tất cả mọi người trước luật pháp, sự công nhận tính bất khả xâm phạm của phẩm giá con người nơi mỗi cá nhân, và sự nhận thức về trách nhiệm của con người đối với hành động của mình. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 22/9/ 2011 |
64 Nhân quyền đến từ đâu?
Nhân quyền không phải là phát minh của những chuyên gia pháp lý, cũng không phải là thoả ước tuỳ tiện của những chính trị gia có thiện ý. Nhân quyền, đúng ra, là những quyền căn bản được ghi khắc trong bản tính con người. Ngày nay, nhân quyền được toàn thế giới công nhận như là nền tảng căn bản cho một đời sống có tự do, phẩm giá và bình đẳng. Lý trí có thể nhận biết các quyền con người; các quyền ấy bắt rễ trong phẩm giá của mỗi người, vì họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa. Do đó, những quyền này là phổ quát, không tuỳ thuộc vào nơi chốn và thời gian. Những quyền này bất khả xâm phạm, vì đặt trên nền tảng là phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Những quyền này bất khả chuyển nhượng, nghĩa là không ai có thể lấy đi những quyền này của người khác, hoặc có quyền trao ban hay chối từ những quyền này. Như vậy, chúng ta phải thừa nhận các quyền của con người trong tính toàn vẹn của nhân quyền, và bảo vệ nhân quyền trước những ý đồ xuyên tạc, bóp méo dựa trên các ý thức hệ. Tất cả mọi người, đặc biệt các Kitô hữu, phải lên tiếng khi nhân quyền bị vi phạm, hay khi một số quyền của con người (vẫn) không được công nhận tại một số quốc gia. Ü 153-154 è 1701-1709 ð 280 |
V Thường thường, để nhạo báng nỗ lực của Giáo Hội trong việc bảo vệ mạng sống của thai nhi, người ta chỉ trích lập trường của Giáo Hội như giáo điều, ngu dân, và bảo thủ. Thế nhưng, việc bảo vệ mạng sống của những đứa trẻ chưa được sinh ra, thì liên hệ chặt chẽ với việc bảo vệ mỗi một quyền và tất cả các quyền của con người. Điều này dựa trên niềm xác tín rằng mỗi con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, trong bất kỳ tình huống nào, và ở bất cứ giai đoạn nào của tiến trình phát triển. Con người là cùng đích nơi chính mình, chứ không bao giờ là phương tiện để giải quyết những vấn đề khác. Giáo hoàng Phanxicô, EG 213 |
65 Nhân quyền cụ thể là gì? Quyền căn bản nhất là quyền được sống; quyền này hiện diện ngay từ thời khắc một sinh linh được thụ thai, vì từ thời điểm đó, một cá thể mới đã có địa vị của một con người riêng biệt. Một quyền khác là quyền tự do ngôn luận. Rồi quyền được kiếm sống để nuôi thân và gia đình bằng công việc mình làm. Quyền được kết hôn và bắt đầu đời sống gia đình, sinh con và tự mình nuôi nấng con cái, cũng là một quyền của con người. Quyền tự do tôn giáo, được tự do lựa chọn và thực hành một tôn giáo, là một quyền con người rất quan trọng; không được phép có bất kỳ sự ép buộc nào trong các vấn đề tôn giáo. Ü 155 |
Chúng ta, các dân tộc thuộc Liên Hiệp Quốc, kiên quyết cứu những thế hệ tiếp theo khỏi tai hoạ chiến tranh, mà hai cuộc Thế chiến diễn ra trong thời của chúng ta đã gây nên bao nỗi thống khổ không thể tả xiết cho nhân loại… Chúng ta thiết lập những điều kiện đảm bảo duy trì công lý và sự tôn trọng đối với những trách nhiệm phát sinh từ các hiệp ước và các nguồn luật pháp quốc tế khác… Chúng ta đã quyết định kết hợp những nỗ lực của chúng ta để thực hiện những mục tiêu này. Điều khoản 1. Mục đích của Liên Hiệp Quốc là: duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Để thi hành điều này, Liên Hiệp Quốc: áp dụng những biện pháp hữu hiệu với sự phối hợp của nhiều phía để ngăn chặn và loại bỏ những nguy cơ đe doạ hoà bình, để triệt tiêu những hành vi gây chiến hoặc gây hấn, và để giải quyết, bằng phương tiện ôn hoà và tuân thủ những nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế, những tranh chấp quốc tế hay những tình huống có thể dẫn đến một động thái phá hoại hoà bình… Trích Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ngày 26/6/1945 |
|
66 Sự liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ là gì? Một người được sử dụng nhân quyền, thì cũng phải đảm nhận nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đối với người khác. Trong Thông điệp Pacem in Terris (30), Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nói: “Đòi hỏi quyền mà lại bỏ qua nghĩa vụ, hay chỉ thực hiện một nửa, giống như xây nhà bằng một tay, và tay kia phá bỏ nó.” Ü156 è 2235-2243 ð 376 |
|
& Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Gl 3,28
V Trong phạm vi của một trật tự mới, được thiết lập trên các nguyên lý đạo đức, không có chỗ cho sự vi phạm nền tự do, tính toàn vẹn lãnh thổ, và an ninh quốc gia của các nước khác, cho dù biên giới của họ rộng tới đâu, hay năng lực quốc phòng của họ lớn thế nào. Các cường quốc, nhờ tiềm năng và sức mạnh lớn hơn, phải mở đường cho sự thành lập các nhóm kinh tế bao gồm không chỉ chính mình, mà còn các nước nhỏ hơn. Còn hơn thế nữa, trong những mối quan tâm về lợi ích chung, tất cả đều phải tôn trọng quyền lợi của các nước nhỏ hơn để họ được tự do về chính trị, được phát triển kinh tế, và được bảo vệ đầy đủ khi họ giữ thái độ trung lập, theo luật tự nhiên cũng như luật quốc tế, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa các nước. Theo cách này và chỉ bằng cách này, các nước nhỏ mới hưởng được phần chia công bằng trong mối lợi chung, và đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho dân chúng. Giáo hoàng Piô XII, Thông điệp trong lễ Giáng Sinh, 1941 |
67 Làm thế nào để công lý có thể chiếm ưu thế trên các nước? Không chỉ cá nhân, nhưng các dân tộc và các quốc gia cũng có quyền hưởng công bằng. Sự bất công xảy ra khi một nước bị xâm chiếm, chia cắt, biến thành nước chư hầu, bị cướp bóc, hay trở thành đối tượng khai thác của các nước mạnh hơn. Trên nguyên tắc, mỗi quốc gia hiển nhiên có quyền tồn tại và độc lập, được quyền có ngôn ngữ và văn hoá riêng, quyền tự quyết, và tự do hợp tác một cách hoà bình với những nước nào tuỳ chọn. Nhân quyền phải được áp dụng ở mức độ cao hơn cho các quốc gia. Bằng cách này, hoà bình, sự tôn trọng và đoàn kết sẽ thành hiện thực giữa mọi dân tộc. Dĩ nhiên, chủ quyền theo luật quốc tế của một nước không được dùng như cái cớ để chối bỏ nhân quyền trong nước, hay để đàn áp các dân tộc thiểu số. Ü157 ð 446-447 |
|
|
& Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Xh 22,20
|
68 Làm thế nào có thể thúc đẩy nhân quyền và quyền của các quốc gia, dân tộc? Hàng ngày, chúng ta thấy đủ loại bạo lực: diệt chủng, chiến tranh, lưu đày, đói khát và bóc lột. Trẻ em bị bắt làm lính, và bị ép giết người. Đủ mọi hình thức nô lệ gia tăng. Buôn người, mãi dâm, ma tuý đã biến thành một ngành kinh doanh bất hợp pháp béo bở đem lại lợi nhuận hàng tỉ đô la, trong đó các thế lực chính trị và cả chính quyền các cấp cũng nhúng tay vào. Các Kitô hữu không được phép chỉ khẳng định nhân quyền khi quyền lợi của mình bị động chạm; họ phải nhận ra rằng họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ và tăng cường các quyền cơ bản của tất cả mọi người. Đây là lý do vì sao Giáo Hội tự nhận lấy trách nhiệm phải lưu tâm đến việc nhân quyền được chấp nhận và duy trì ở mọi nơi và trong mọi tình huống, và trên hết, phải thể hiện sự tôn trọng nhân quyền ngay trong nội bộ Giáo Hội. Ü158-159 è 1913-1917 ð 329 |
& Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi. Gr 1,5
|
ĐỀ TÀI BÊN LỀ
CON NGƯỜI TRONG ĐẠO ĐỨC SINH HỌC
V Tình yêu Thiên Chúa không phân biệt giữa thai nhi trong lòng mẹ với đứa trẻ hay thanh niên, hoặc người trưởng thành hay người già. Thiên Chúa không phân biệt họ, vì Ngài nhìn thấy đường nét của hình ảnh Ngài nơi mỗi con người. Do đó, Huấn quyền của Hội Thánh luôn luôn tuyên xưng tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của từng mạng sống con người từ lúc thụ thai đến khi lìa đời cách tự nhiên. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 27/2/2006 V Thật ra, ngay từ thời điểm trứng thụ tinh, sự sống của một thai nhi đã bắt đầu. Sự sống ấy không thuộc về cha hay mẹ, mà là của chính đứa trẻ – một con người mới, với sự phát triển riêng của em. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy… Khoa học di truyền hiện đại… đã chứng minh rằng: ngay từ giây phút đầu tiên của sự thụ thai, một chương trình đã được thiết lập quy định sinh thể này sẽ là gì: một con người, một cá thể người với những đặc điểm riêng biệt đã được định rõ. Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Evangelium Vitae (EV 60) |
69 Đạo đức sinh học bàn về điều gì?
Từ “bioethics” (“đạo đức sinh học”) có gốc tiếng Hy Lạp gồm từ bios (= sự sống) và ethos (= tục lệ, tập quán, thói quen tốt); đó là một tập hợp những lời hướng dẫn về cách đối xử công bằng với tất cả các sinh thể. Do đó, đạo đức sinh học không chỉ là đạo đức môi trường để nghiên cứu cách bảo tồn các loài và gìn giữ môi trường sinh sống tự nhiên. Đạo đức sinh học đúng nghĩa còn phải là đạo đức để bảo vệ sự sống con người, vì phẩm giá con người đang lâm nguy, và không chỉ trong việc nghiên cứu gene di truyền hoặc vấn đề an tử (= Liệu một người có thể tự tử, hay giết một người khác đang đau đớn cùng cực?). Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc đặt ra cụm từ “một cuộc đời không đáng sống”, và liên quan tới ý tưởng này, bằng những hoạt động tội ác, Đảng Quốc Xã đã tìm cách biến chúng thành những người chủ của sự sống và cái chết. Tuy nhiên, một con người đã là người ngay từ lúc được thụ thai, và vì là người, nên có quyền của mình trước bất cứ ai khác. Không ai tước đoạt được phẩm giá làm người mà Thiên Chúa đã ban cho một con người. Không ai được phép xâm phạm tính toàn vẹn của người khác, dù để nghiên cứu, hoặc do người đó bị bệnh tật, rối loạn tâm thần, hay chưa chào đời. Phẩm giá con người là nền tảng đích thực của nhân quyền, và là cơ sở làm chuẩn cho trật tự chính trị. Ü 472-475 è 2318-2330, 2274-2278, 2280-2283 ð 435 |
Dù người ta định nghĩa “phẩm giá” cụ thể là gì, hay có hàm nghĩa nào, thì trong mọi trường hợp, phẩm giá chỉ có một nghĩa chính: Tất cả những gì người ta làm đối với một sinh linh, thì không chỉ xem xét lợi ích của cha mẹ nó, nhưng trên hết, phải vì quyền lợi của chính nó. Phôi người đã là “một mục đích tự chính nó”, propter seipsum existens, là một sinh linh tồn tại vì lợi ích chính đáng của riêng nó, như Thánh Tôma Aquinô đã nói, và triết gia Kant cũng đồng tình. Robert Spaemann, cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, ngày 27/1/2011 |
70 Tại sao chúng ta phải có trách nhiệm trong ngành đạo đức sinh học? Trong nhiều vấn đề của đạo đức sinh học, ví dụ: người bệnh, thai nhi, người già có giá trị gì? Đấy không còn là vấn đề quyết định riêng tư của mỗi cá nhân nữa. Nhiều thứ đã được xác định ở cấp độ chính trị. Ví dụ, những công nghệ mới – nghiên cứu phôi người và tế bào gốc – làm dấy lên những câu hỏi khẩn thiết. Các Kitô hữu cần phải có kiến thức và năng lực để thi hành trách nhiệm xã hội của mình, và tham gia tích cực vào việc hình thành những tiêu chuẩn nhân đạo trong xã hội (x. DP 1). Ü 472-480 è 2274-2278, 2280-2283, 2318-2330 |
V Người đàn ông và người phụ nữ có nguy cơ bị hạ thấp thành những đinh ốc bánh răng trong một cỗ máy mà họ bị xem như những món hàng tiêu thụ để khai thác. Và hậu quả là… bất cứ khi nào một mạng sống xem ra không còn hữu dụng, sẽ bị loại bỏ không mấy băn khoăn, như trong trường hợp của người bệnh, người già, bị bỏ rơi không được chăm sóc, và những đứa trẻ bị giết khi còn trong dạ mẹ… Đó là hậu quả tất yếu của một “nền văn hoá vứt bỏ” và chủ nghĩa tiêu thụ buông thả. Trái lại, tôn trọng phẩm giá con người nghĩa là nhận biết giá trị của sự sống con người đã được trao ban một cách tự do và vô điều kiện cho mỗi người, và do đó không thể là đối tượng trao đổi mua bán. Giáo hoàng Phanxicô, 25/11/2014 |
71 Khi nào thì một sinh linh bắt đầu là người? Một số kẻ cho rằng chỉ khi một đứa trẻ được sinh ra đời, thì nó mới là con người. Một số kẻ khác còn lập luận rằng: ai đó chỉ thật sự là người khi người đó có thể suy nghĩ và quyết định. Những kẻ khác nữa ấn định thời điểm bắt đầu làm người là khi tế bào não gốc hình thành, hay khi không còn khả năng phân chia đồng nhất. Giáo Hội bác bỏ tất cả các kiểu giải thích trên, và khẳng định rằng: Sự sống của mỗi con người bắt đầu ngay khi trứng kết hợp với tinh trùng thành tế bào đầu tiên; về điều này, quan điểm của Giáo Hội cũng tương hợp với khoa học và với trí phán đoán lành mạnh thông thường: Ngay tại thời điểm sớm nhất của giai đoạn phôi thai sau khi thụ tinh, sự sống phát sinh từ đó đã là của một con người hoàn chỉnh, và như vậy, được ban cho phẩm giá thuộc về con người. Phải thể hiện sự tôn trọng đối với phẩm giá này của thai nhi và của những thành viên yếu đuối nhất trong xã hội (x. DP 5). Ü 2319, 2322-2323 ð 56, 58, 62-63 |
Thiên Chúa, chủ của sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo vệ sự sống theo cách xứng hợp với con người. Do đó, từ giây phút thụ thai, sự sống phải được bảo vệ cao nhất, và phá thai cũng như giết trẻ sơ sinh là những tội ác tồi tệ khôn xiết. Công đồng Vatican II, GS 51 |
72 Khi nào một con người lâm nguy? Đặc biệt vào lúc bắt đầu đời sống và khi sắp lìa đời, con người không thể hay khó có thể tự bảo vệ quyền sống, phẩm giá và tính toàn vẹn của mình. Họ cần đến người khác, những ai nhận biết phẩm giá bất khả xâm phạm và tính thiêng liêng cao quý của con người, những ai yêu thương và chấp nhận sự sống của con người, những ai giúp đỡ và chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ sự sống đó. Sự sống của người khuyết tật hay người bệnh cũng có một phẩm giá bất khả nhượng; không thể tưởng tượng phẩm giá ấy trong bất cứ trường hợp nào lại có khi bị xem như ít giá trị hơn, hoặc chẳng chút giá trị nào (x. EV 11-12). Ü160, 458 è 2276, 2322 |
Dù bị đòi hỏi, tôi sẽ không bao giờ đưa cho bất kỳ ai thuốc độc, hay gợi ý cho bất cứ ai điều đó; và cũng như vậy, tôi sẽ không trao cho người phụ nữ nào phương tiện đưa đến phá thai. Từ Lời Thề HIPPOCRATES (k.460-k.370 TCN) [Những người theo nghề Y phải đọc lời thề trên trước khi hành nghề, và theo đúng như vậy] |
73 Người ta có thể chọn lựa từ các phôi được thụ thai bên ngoài cơ thể không? Loại bỏ một phôi do chẩn đoán gene bất thường, ví dụ, chứng tam bội – ba nhiễm sắc thể 21 (= hội chứng Down), là vi phạm mệnh lệnh tôn trọng phẩm giá con người, quyền được sống và bảo toàn thân thể. Đồng thời, hành vi đó cũng phạm luật theo hiến pháp của nhiều quốc gia, ra lệnh cấm phân biệt dựa trên khuyết tật, nghĩa là bảo vệ phôi thai có khả năng khiếm khuyết do gene cũng ngang với bảo vệ người khuyết tật đã được sinh ra đời. |
V Người ta có khuynh hướng biện minh cho việc vượt quá mọi giới hạn khi thử nghiệm trên phôi người sống. Chúng ta quên rằng giá trị bất khả nhượng của một con người vượt trên cấp độ phát triển của người đó. Giáo hoàng Phanxicô, LS 136
Tôi nhận thấy rằng tất cả những kẻ ủng hộ phá thai đều đã được sinh ra đời. Ronald Reagan (1911-2004), Tổng thống Mỹ |
74 Tại sao trên nguyên tắc căn bản, Giáo Hội cấm phá thai? Mỗi người có phẩm giá bất khả xâm phạm và những quyền tuyệt đối, ngay từ khi còn là phôi thai. Do đó, giết phôi thai luôn luôn là một điều đáng lên án về mặt luân lý – bất kể đứa trẻ được thụ thai trong tình huống nào, đang ở giai đoạn phát triển nào, hay có khả năng mắc bệnh hay khuyết tật gì khi lớn lên. Một phôi thai không phát triển thành người, mà phát triển như một con người. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, phá thai là hành vi cố ý giết người vô tội. Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu không làm mọi thứ có thể để giúp các thai phụ đang gặp khó khăn, và tạo điều kiện dễ dàng hơn để họ có thể đưa ra quyết định có lợi cho thai nhi, thì việc họ cam kết chống phá thai, và phản đối những điều luật bỏ qua hành vi phá thai, sẽ không được người khác tin cậy. Quyền tự do của người mẹ, mà thường được cân nhắc theo chiều hướng bất lợi cho quyền được sống của đứa con, thì nằm ở bình diện khác, và không được đặt ở vị thế chống lại quyền được sống của đứa trẻ. è 2270-2275, 2322 ð 292, 379, 383-384 |
Người phụ nữ mang thai ngoài mong muốn có thể làm gì? Trong tình huống khủng hoảng, và cũng trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn, một phụ nữ có thể gặp bất kỳ linh mục nào hay đến thẳng các trung tâm tư vấn Công giáo. Tất cả linh mục và nhân viên đều được hướng dẫn để có thái độ đón tiếp tử tế mọi người đến với mình mà không xét đoán bất cứ ai. Không được bỏ mặc người nào trong tình huống như vậy, ai cũng đáng được giúp đỡ và hỗ trợ bằng nhiều hình thức. |
|
V Mối quan hệ của chúng ta với môi trường không bao giờ tách rời mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau… Vì mọi thứ đều liên quan chặt chẽ, nên mối bận tâm lo bảo vệ môi trường không thể nào bị biến thành lý lẽ bào chữa cho việc phá thai. Giáo hoàng Phanxicô, LS 119-120
“Lẽ nào một em bé da đen lại trở thành một tổn hại phải viện tới pháp lý? Một nữ đồng tính da trắng Hoa Kỳ đã kiện ngân hàng tinh trùng đòi bồi thường, vì màu da của đứa con. Do lầm lẫn, tinh trùng của một nam người Mỹ gốc Phi châu đã được gửi cho bà, thay vì của một người hiến da trắng mà bà đã lựa chọn. Nguyên đơn giành ưu thế được toà phán quyết có lợi: Đơn kiện cho biết rằng ngân hàng tinh trùng đã đánh số người hiến tặng chỉ bằng chữ viết tay thôi. Theo đơn kiện, đây là lỗi tắc trách trong công việc mà ngân hàng mắc phải”. Legal Tribune Online tường thuật, ngày 9/10/2014 |
75 Có thể làm được gì để giúp một người phụ nữ mang thai do bị cưỡng hiếp? Chúng ta phải phân biệt hai loại sự kiện – trong trường hợp một vụ cưỡng hiếp. Đầu tiên, đây là một tội ác khủng khiếp phạm tới một người nữ. Tội này phải bị truy tố và bị lên án về mặt đạo đức. Cả các cơ quan chính quyền lẫn những người có trách nhiệm chăm lo mục vụ phải giúp đỡ nạn nhân. Linh mục, hoặc nhân viên đã được huấn luyện nghiệp vụ, tại các bệnh viện do Giáo Hội sở hữu và các trung tâm tư vấn Công giáo, có khả năng giúp đỡ nạn nhân. Họ có thể an ủi và hướng dẫn cô ấy cách đối phó. Mặt khác, thai nhi hình thành từ vụ cưỡng hiếp vẫn là một đứa trẻ được Thiên Chúa yêu thương và mong đợi. Thiên Chúa vẫn dành cho đứa trẻ này một kế hoạch trong đời, bất kể người bố sinh học của nó là ai. Cho dù người phụ nữ có thể bị chấn thương tinh thần trầm trọng tới mức nào, em bé vẫn có thể trở thành niềm an ủi và hy vọng mới mẻ cho cô ấy. Hoặc đứa trẻ có thể được nhận làm con nuôi. Dù bất kể chuyện gì xảy ra, Thiên Chúa vẫn quan tâm đến tất cả và muốn điều tốt lành. Vì con người có ý chí tự do, nên Thiên Chúa không thể ngăn chặn tội ác, nhưng Ngài quả quyết rằng vẫn có hy vọng mới và sự sống mới từ những tội ác đó. Đứa trẻ đó cần sự chăm sóc và tình thương của người mẹ. Thế nhưng, những người thân cận với người mẹ cũng phải làm sao cho người phụ nữ đó cảm thấy được chấp nhận, và được sống an toàn. è2270-2275, 2284-2287, 2322 ð 292, 379, 383-384, 386, 392 |
! PID Viết tắt của Pre-Implantation Diagnosis [Chẩn đoán tiền cấy phôi], là một thủ tục chẩn đoán sàng lọc bệnh tật trước khi sinh. Trong đó, phôi thai ở giai đoạn rất sớm được kiểm tra để tìm dấu hiệu của các bệnh bẩm sinh, như chứng tam bội – ba nhiễm sắc thể thứ 21 (Hội chứng Down).
& Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi. Gr 1,5 |
76 Chẩn đoán tiền cấy phôi (PID) là gì? Các liệu trình y khoa mới thường không có lợi cho thai phụ và đứa con chưa sinh. Với → PID, Chẩn đoán tiền cấy phôi, chúng ta thấy diễn ra nguy cơ muốn áp đặt một giá trị tuỳ tiện lên sự sống con người và muốn chọn lựa sự sống đó. Theo cách này, những đứa bé gặp phải bất thường về gene, hay bị nghi ngờ có thể thành tàn tật, sẽ bị lọc bỏ và không cho sống. Hơn nữa, người ta càng ngày càng dùng kiểu chẩn đoán trên để kết thúc mạng sống của em bé nào có giới tính không như cha mẹ mong muốn, và việc này đang càng ngày càng phổ biến. Những người phê phán PID cảnh báo rằng chúng ta đang trượt dốc hướng tới việc sản sinh “trẻ em theo thiết kế”. Không thầy thuốc nào, và ngay cả không cha mẹ nào của một đứa trẻ chưa sinh có quyền quyết định mạng sống của một con người là đáng sống hay không. Nhiều người khuyết tật xem PID là một sự kỳ thị rõ ràng: họ không có mặt trên đời hôm nay, nếu PID đã có mặt vào thời họ còn là phôi thai. Các Kitô hữu không bao giờ tán thành việc chọn lựa phôi người. Ü472-473 è 2274-2275, 2323 |
! Thuốc giảm nhẹ cơn đau [Palliative Medicine] (từ tiếng Latin Pallium = vỏ bọc che đậy). Khi một người bệnh quá nặng, và không còn phương cách chữa trị nào khả thi nữa, người ta vẫn có thể đồng hành với bệnh nhân vượt qua giai đoạn cuối này và đảm bảo cho bệnh nhân không phải đau đớn một cách vô ích. Cách chăm sóc bệnh nhân hấp hối này làm giảm nhẹ cơn đau đớn, khi không còn chữa lành được nữa. Việc dùng thuốc giảm đau giúp bệnh nhân chịu đựng căn bệnh một cách dễ dàng hơn.
Tự sát và an tử không bao giờ là những lựa chọn chấp nhận được về mặt luân lý. Nhiệm vụ của ngành Y là chăm sóc, ngay cả khi không thể chữa trị. Các thầy thuốc và bệnh nhân phải đánh giá việc sử dụng liệu pháp nào sẵn có cho họ. Sự cân nhắc về giá trị nội tại của mạng sống về tất cả mọi lĩnh vực, và sự cân nhắc về mục đích của chăm sóc y tế, là không thể thiếu để đưa ra một phán đoán đúng theo đạo đức đối với việc sử dụng liệu pháp để duy trì sự sống… Theo đó phải tránh hai thái cực: một mặt, khăng khăng dùng liệu pháp vô ích hay gây nặng nề cho bệnh nhân, trong khi người ấy đưa ra mong muốn hợp pháp là ngưng sử dụng cách đó; mặt khác, lại từ bỏ liệu pháp với dụng ý gây ra cái chết cho bệnh nhân. Kỳ họp Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Những Chỉ dẫn về Đạo đức và Tôn giáo dành cho các Dịch vụ Chăm sóc Y tế Công giáo (Bản thứ Năm, 2009) |
77 Về mặt luân lý, việc an tử có được phép?
Việc giết người trực tiếp, dù người ấy bệnh nặng sắp chết, thì luôn đi ngược lại Điều răn thứ Năm (Xh 20,13): Ngươi không được giết người. Điều này cũng áp dụng cho chính mạng sống của bản thân. Chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự sống và cái chết. Mặt khác, việc hỗ trợ người hấp hối và cung cấp cho người ấy tất cả sự chăm sóc y tế và sự ân cần của tình người, để giảm nhẹ cơn đau, là thực hành tình bác ái dành cho người lân cận và thực hiện hành vi của lòng thương xót. Chương trình chăm sóc cho người hấp hối và → Liệu pháp Giảm nhẹ cơn đau (Palliative Medicine) cung cấp các dịch vụ quan trọng liên quan đến vấn đề trên. Nguyên tắc là: Chúng ta giúp người hấp hối (chứ không phải là: “Chúng ta giúp cho người ta chết”). Theo đó, từ quan điểm y khoa và đạo đức, trong một vài tình thế, chúng ta có thể buộc phải ngưng những liệu trình mà không đem lại hy vọng cải thiện, và ngay cả phải viện tới các phương pháp giảm đau tức thời, dù chúng sẽ rút ngắn ngày đời của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong tất cả chuyện này, chúng ta phải cân nhắc cả ước muốn của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không đưa ra chỉ thị nào, hoặc bệnh nhân không còn có thể nói lên ước muốn của mình, thì những mong muốn đó có thể được diễn tả qua một người đại diện được uỷ quyền, tuy nhiên, những mong muốn đó phải phù hợp với luật đạo đức. è 2276-2779, 2324 ð 379, 382
|
“Yêu cầu được chủ động an tử nghĩa là một hành động nhằm cố gắng đặt giai đoạn cuối cuộc đời trong chính đôi tay của mình. Điều đó không phù hợp với thái độ phó thác bản thân vào bàn tay yêu thương của Chúa, như phụng vụ bí tích của Giáo Hội nói đến… An tử không giải quyết được nỗi đau đớn của bệnh nhân, mà thật ra kết liễu mạng sống của bệnh nhân đau khổ đó. Hỗ trợ Mục vụ của Hội đồng Giám mục Hà Lan, 2005 |
78 Tôi có quyền quyết định giờ chết của tôi không? Không. Các Kitô hữu tin rằng “sự sống” không phải là tài sản cá nhân để bạn có thể làm theo ý bạn muốn. Vì Thiên Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, nên chúng ta không có quyền tự do tuyệt đối trong việc sử dụng quà tặng đã được tín thác cho chúng ta trong một khoảng thời gian. Mệnh lệnh “Ngươi không được giết người” cũng áp dụng cho mạng sống của bản thân. Khát vọng sống và được sống là khát vọng sâu xa nhất của một con người. Các y bác sĩ kể rằng ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu được giết đi vì đau đớn không chịu nổi, thì thường đó cũng chính là tiếng cầu cứu cuối cùng xin được giúp đỡ trong cơn tuyệt vọng. Hơn nữa, chúng ta nên tự hỏi ý chí tự do của bệnh nhân thật sự đến đâu khi họ đòi an tử. Nơi nào an tử được cho phép, các bệnh nhân đau nặng thường đòi an tử để không trở thành gánh nặng cho những người khác. Do đó, cái gọi là quyền được “chết như mình muốn” hoá ra lại trở nên thứ nghĩa vụ mà bệnh nhân cảm thấy mình buộc phải thực hiện cho người thân nhẹ gánh. è 2280-2283, 2235 ð 379 |
Thiên Chúa lấy khỏi chúng ta không chỉ quyền trên mạng sống của người khác mà còn trên mạng sống của chính mình. Thánh Thomas More (1478-1535), Quan Chưởng ấn của vua Henry VIII, Thánh tử đạo |
79 Các tổ chức an tử có tính thương mại nên được nhìn nhận như thế nào? Bất kỳ hình thức an tử thu tiền nào đều đáng lên án. Mạng sống của con người là vô giá, và cái chết không được phép trở thành đối tượng kinh doanh kiếm lời. Không lý lẽ nào có thể biện minh cho các công ty và tổ chức tiến hành an tử thu phí. Phải loại bỏ hình thức tự sát có bác sĩ trợ giúp. Một bác sĩ không được trở thành công cụ thực hiện mong muốn chủ quan của bệnh nhân đòi chết. Hành vi giúp an tử của một bác sĩ hay y tá biến người chuyên chữa lành thành kẻ sát nhân. Điều này không có nghĩa là chúng ta phớt lờ nỗi đau đớn rõ ràng của bệnh nhân. Các phương pháp dùng thuốc giảm đau ngày càng được cải thiện và dịch vụ chăm sóc đặc biệt dành cho người hấp hối là những cách quan trọng giúp thuyên giảm cơn đau của bệnh nhân. è 2277-2279 ð 382 |
V Sự tiến bộ chỉ trở nên thật sự tiến bộ khi phục vụ con người và làm cho con người thăng tiến: không chỉ về mặt kiến thức, chuyên môn, mà còn về nhận thức đạo đức. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong cuộc phỏng vấn tại Castelgandolfo, ngày 5/8/2006 |
80 Tại sao Giáo Hội tham gia vào cuộc tranh luận về đạo đức sinh học? Giáo Hội chào đón tất cả sự tiến bộ khoa học thực thụ, vì trở thành những người canh giữ sự sống muôn loài nghĩa là theo đúng mệnh lệnh của Thiên Chúa. Cụ thể, các bước tiến trong công nghệ y học rất có ích cho nhân loại. Tuy nhiên, thông qua chúng, con người cũng nắm giữ ngày càng nhiều quyền quyết định trên người khác. Nuôi cấy phôi người trên đĩa Petri thoạt nghe có vẻ “hữu ích”, rồi dần dần dường như cũng coi là “khả thi” việc giết các thai nhi bị chẩn đoán khuyết tật khi còn trong lòng mẹ, và cũng có vẻ “nhân đạo” khi kết liễu sự sống các bệnh nhân để họ không phải đau đớn nữa. Bất cứ khi nào con người lạm quyền, Giáo Hội phải luôn đứng về phía các nạn nhân. Người ta không được phép lợi dụng nghiên cứu để rồi sau đó dùng nghiên cứu chống lại con người, đặc biệt những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Giáo Hội không nhắm đến chuyện đưa ra những lệnh cấm thiển cận, mà hơn thế, Giáo Hội ước mong thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá con người trong tất cả các giai đoạn của đời sống và trong mọi tình huống. è 1699-1715, 2292-2295 ð393, 154-155 |
V Về quyền được sống, chúng ta phải lên án sự xúc phạm quyền này đang tràn lan khắp xã hội: ngoài nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang, khủng bố, và đủ loại bạo lực khác, còn có những cái chết thầm lặng do đói khát, phá thai, thí nghiệm phôi người, và an tử. Làm sao chúng ta có thể không thấy tất cả chuyện này chính là cuộc tấn công vào nền hoà bình? Phá thai và thử nghiệm phôi thai cấu thành lời chối từ thẳng thừng việc chấp nhận người khác – mà sự chấp nhận này lại là điều kiện thiết yếu để gầy dựng những mối quan hệ hoà bình dài lâu. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới 2007 |
81 Tại sao quá nhiều người muốn chọn hình thức trợ tử? Người ta sợ đau đớn. Hơn nữa, người ta sợ mất hết năng lực tự chủ. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có thể giải quyết những nỗi sợ trên bằng sự chăm sóc thích hợp, sự hỗ trợ toàn diện dành cho người sắp chết, thuốc giảm đau, và dịch vụ chăm sóc cho người hấp hối. Kinh nghiệm cho thấy phần lớn bệnh nhân ngừng đòi chết khi họ biết về những khả năng giảm đau và chăm sóc giai đoạn cuối. Giúp đỡ người sắp chết (chứ không phải là “giúp cho người ta chết”) có thể có nghĩa là ngừng hoặc từ chối cách chữa trị nào đó, hay làm giảm cơn đau dữ dội bằng thuốc giảm đau hoặc an thần. Đây là điều chính đáng ngay cả khi việc thi hành các biện pháp trên sẽ rút ngắn thời gian sống còn lại của bệnh nhân. è 2278-2279 ð 382 |
|
82 Tại sao người ta sợ mất năng lực kiểm soát hành vi? Người ta lo ngại cảnh sống dựa vào lòng thương xót của người khác. Người ta sợ cảnh sống phụ thuộc hoặc sống cô độc. Xu hướng mở rộng các dịch vụ hợp pháp chăm lo cho người bệnh nan y và hấp hối giải quyết những mối bận tâm này. Chúng ta phải thu xếp cho người ở giai đoạn cuối đời đối diện với cái chết của mình trong sự chăm sóc yêu thương của người khác. Ngoài ra, họ đặc biệt cần được nâng đỡ tinh thần trong những tuần và ngày cuối cuộc đời. è 1506-1510 ð 242 |
Rồi thì chúng ta đang đi đâu đây? Luôn luôn đang trên đường về nhà. Novalis (1772-1801, bút danh của Friedrich Baron von Hardenberg), nhà văn Đức |
83. Theo quan điểm Kitô giáo, ý nghĩa của sự chết là gì? Ngày nay, người ta xem chết chỉ như là việc xuống cấp tàn tạ về thể xác. Tuy nhiên, chết là một phần mang tính quyết định của cuộc đời, và đối với nhiều người, là bước cuối cùng để đến được tình trạng viên mãn. Người Kitô hữu xem cuộc sống là một quà tặng. Tư tưởng này giúp người ta tín thác ngay cả trong những giờ hấp hối đầy nhọc nhằn. Chúng ta biết chúng ta luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa yêu thương, và hy vọng rằng cái chết không đặt dấu chấm hết mà chỉ là giai đoạn chuyển tiếp bước vào đời sống vĩnh cửu. Điều này mang lại cho kinh nghiệm đau khổ một khía cạnh hoàn toàn khác. Nhiều lần những người thực hiện công tác mục vụ nhận thấy rằng niềm hy vọng đó an ủi cả những người dường như không có niềm tin tôn giáo mà đang đối mặt với cái chết. Nơi những người đau khổ và sắp chết, Đức Kitô đặc biệt gần gũi với chúng ta. è 1010-1014, 2299 ð 393, 154-155 |
Trích dẫn các Văn kiện Quan trọng của Giáo Hội
3
CON NGƯỜI
Rerum Novarum Sự tự do của con người
Con người nhờ lý trí nên có thể lĩnh hội vô số vấn đề, liên kết tương lai với hiện tại, và làm chủ hành động của mình, như vậy biết hướng đời mình theo quy luật có giá trị vĩnh cửu và quyền năng an bài của Thiên Chúa, Đấng cai quản mọi sự. Vì vậy, con người đủ khả năng để chọn lựa sao cho có lợi trước những vấn đề của đời sống hiện tại, nhưng đồng thời cũng biết tính đến lợi ích lâu dài về sau. Do đó, con người không chỉ nên có quyền hưởng hoa lợi từ đất đai, mà còn nên được sở hữu cả chính mảnh đất ấy, vì từ sản vật thu được đó, anh ta phải dành dụm dự phòng cho tương lai.
Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 6
Rerum Novarum Công bằng cho tất cả mọi người?
Sự khác biệt giữa mọi người là điều đương nhiên. Con người khác nhau về nhiều khía cạnh, mà phần lớn là những mặt hệ trọng: sức khoẻ thể chất, khả năng trí tuệ, kỹ năng, sức bền; và số phận khác nhau là hệ quả tất yếu của điều kiện không đồng đều trên. Sự chênh lệch như vậy không phải là điều bất lợi cho cá nhân cũng như cho cộng đồng. Đời sống chung trong xã hội chỉ có thể được duy trì nhờ nhiều loại năng lực khác nhau và nhiều vai trò đa dạng; và mỗi người, theo nguyên tắc, chọn lấy một vai trò phù hợp với điều kiện nội tại riêng biệt của mình.
Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 14
Rerum Novarum Cơ sở của nhân quyền
Vì họ [những tầng lớp khác nhau trong xã hội] sẽ hiểu và cảm nhận rằng tất cả đều là con cái của vị Cha chung, là Thiên Chúa nên tất cả đều có một bến đỗ cuối cùng như nhau, là chính Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể mang lại hạnh phúc tuyệt đối cho cả thiên thần lẫn con người. Tất cả đều được cứu rỗi và được làm con Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, “Trưởng tử giữa vô số anh em nhân loại”. Tất cả mọi phúc lành và ân sủng thuộc về toàn thể loài người, và không ai, trừ những kẻ bất xứng, bị ngăn cản hưởng quyền thừa kế Nước Trời: “vì họ là con nên cũng là thừa tự, những người thừa kế thật sự gia tài của Thiên Chúa, và là đồng thừa tự với Đức Kitô.” Một chương trình gồm những quyền lợi và nghĩa vụ như thế được bày tỏ trong Tin Mừng cho thế giới. Nếu xã hội đã thấm nhuần những tư tưởng như thế, lẽ nào xung đột lại không mau chóng dừng lại sao?
Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 21
Pacem in Terris Quyền tự do hành động của cá nhân
“Cho dù ảnh hưởng của Chính quyền lên nền kinh tế có lớn rộng đến đâu, chính quyền cũng không được tước đoạt quyền tự do hành động của mỗi công dân. Hơn thế, chính quyền còn cần gia tăng sự tự do của cá nhân, trong khi đó cũng phải bảo vệ hiệu quả các quyền cá nhân thiết yếu của mọi người” (Trích Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra).
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 65
Pacem in Terris Quyền được sống và có sinh nhai
Thế nhưng trước tiên chúng ta phải nói tới nhân quyền. Con người có quyền được sống. Người đó có quyền bảo toàn thân thể mình, và có các phương tiện cần thiết để phát triển đời sống cách xứng đáng: cụ thể như thực phẩm, quần áo, nhà ở, thuốc men, nghỉ ngơi, và các dịch vụ xã hội thiết yếu. Như thế, người đó có quyền được chăm sóc trong trường hợp ngã bệnh, thương tật do công việc, hay tuổi già, goá bụa, hoặc thất nghiệp bất khả kháng; hay bất cứ khi nào người đó bị tước đoạt phương tiện sinh kế mà không do lỗi của mình.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 6
Pacem in Terris Quyền được thờ phượng Chúa
Con người có quyền được thờ phượng Chúa sao cho phù hợp với tiếng gọi của lương tri, và có quyền tuyên xưng niềm tin tôn giáo cả trong đời sống riêng tư hay công khai. “Chúng ta được sinh ra trên đời, là để diễn tả lòng tôn kính xứng hợp dành cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta; để tuyên xưng một mình Ngài là Thiên Chúa, và bước theo Ngài. Từ lòng mộ đạo này, như mối dây kết nối chúng ta với nhau và với Thiên Chúa, mà tôn giáo rút ra tên gọi của mình” (theo giáo huấn của Lactantius).
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 8
Pacem in Terris Nhân quyền
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền cho thấy một chứng cứ rõ ràng về khả năng nhìn xa trông rộng của tổ chức này… Lời mở đầu của bản Tuyên ngôn khẳng định rằng tất cả các quốc gia và dân tộc đều phải hướng tới mục tiêu: thật sự công nhận và hoàn toàn tuân thủ tất cả các điều khoản về quyền và tự do đã được soạn thảo trong bản Tuyên ngôn… Đấy thật sự là việc long trọng công nhận phẩm giá của mỗi người; sự đảm bảo quyền được tự do tìm kiếm chân lý, theo đuổi các nguyên tắc đạo đức, thi hành những phận sự mà công lý đòi hỏi, và sống đời mình một cách trọn vẹn. Những quyền khác liên hệ với những quyền này cũng phải được công nhận.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 75
Gaudium et Spes Con người phân đôi
Sự bất ổn định mà thế giới hiện đại đang phải chịu, thật ra có liên quan với sự bất ổn nền tảng nằm sâu trong tâm hồn con người. Trong chính con người, nhiều yếu tố đang đấu tranh với nhau. Do đó, một mặt, như là thụ tạo, con người cảm nhận những giới hạn của bản thân trên nhiều phương diện; mặt khác, con người lại thấy những ước vọng bao la vô hạn của mình, và được kêu gọi hướng đến một đời sống cao xa hơn. Giữa bao mối thu hút giằng kéo, con người thường buộc phải liên tục lựa chọn một số này và loại bỏ một số khác. Thật vậy, vì là thụ tạo yếu hèn và tội lỗi, con người thường làm những gì thật ra mình không muốn, và không chịu làm, những gì mình thật sự muốn. Do đó, con người đau khổ vì những chia cắt nội tâm, và từ những sự phân đôi kiểu này mà tràn lan nhiều bất hoà xung khắc lớn lao trong xã hội.
Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (1965), 10
Populorum Progressio Phát triển: tên mới của hoà bình
Theo dự định của Thiên Chúa, mỗi người được sinh ra đời để thi hành một vài nhiệm vụ do Thiên Chúa giao phó, nhằm kiện toàn bản thân. Mỗi người bẩm sinh đều có những năng khiếu và khả năng tiềm tàng, và những phẩm chất này cần được rèn luyện và phát huy để có thể phát sinh hoa trái. Qua nỗ lực bản thân và các hình thức giáo dục, những đặc tính này được phát triển, qua đó cá nhân tìm cách thực hiện mục tiêu mà Đấng Tạo Hoá đã định sẵn. Được ban tặng trí tuệ và ý chí tự do, mỗi người có trách nhiệm tự hoàn thiện chính mình cũng như chịu trách nhiệm về sự cứu rỗi của mình. Người đó được trợ giúp, và đôi khi bị cản trở, bởi các thầy dạy và những người chung quanh; thế nhưng, dù tác động bên ngoài có là gì và như thế nào đi nữa, người đó vẫn là kiến trúc sư chính tạo nên thành công hoặc gây nên thất bại của mình. Chỉ dùng tài năng và ý chí, mỗi người đã có thể tăng trưởng về nhân tính, gia tăng giá trị bản thân, và hoàn thiện chính mình.
Giáo hoàng Paul VI, Thông điệp Populorum Progressio (1967), 15
Familiaris Consortio Về bản chất của tính dục
Tính dục, là hành vi chỉ thích hợp và dành riêng cho các đôi vợ chồng, qua đó người nam và người nữ trao ban cho nhau chính bản thân mình, tính dục này không phải là một điều thuần tuý sinh lý, nhưng chạm đến bản ngã sâu xa nhất của con người. Hành vi đó chỉ được thực hiện một cách thực sự nhân bản nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu mà người nam và người nữ cam kết trọn vẹn với nhau cho đến chết. Sự trao hiến hoàn toàn theo thể xác sẽ là một điều dối trá, nếu nó không phải là dấu hiệu và hoa trái của một sự tự hiến trọn vẹn bản thân, trong đó, toàn bộ con người, bao hàm cả chiều kích thời gian, phải hiện diện. Nếu người ta từ chối điều gì, hoặc có ý đồ sẽ quyết định khác đi trong tương lai, thì như thế là người ta đã không trao ban trọn vẹn chính mình.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (1981), 11
Familiaris Consortio Phẩm giá của người phụ nữ
Trong khi chúng ta công nhận rằng người phụ nữ có quyền thực hiện những vai trò khác nhau trong cộng đồng như người đàn ông, thì xã hội cũng cần phải được kiến tạo sao cho những người vợ và người mẹ, trên thực tế, không bị buộc phải rời nhà đi làm việc, và gia đình họ có thể sống tươm tất và phát triển đầy đủ cho dù họ không đi làm ở ngoài, mà cống hiến toàn thời gian cho gia đình. Hơn nữa, chúng ta cần phải vượt qua thái độ coi trọng người phụ nữ qua công việc họ làm bên ngoài gia đình, hơn là qua công việc nội trợ của họ trong gia đình. Điều này đòi hỏi mọi người, đặc biệt nam giới, phải thật sự trân trọng và yêu thương người nữ với lòng kính trọng trọn vẹn trước phẩm giá cá nhân của họ, và xã hội nên tạo ra và mở rộng điều kiện ưu đãi cho các công việc tại nhà.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (1981), 23
Centesimus Annus Hiểu biết về con người
Không thể hiểu con người khi chỉ dựa trên nền kinh tế, cũng không thể định nghĩa về con người chỉ trên cơ sở giai cấp xã hội. Con người được hiểu một cách đầy đủ hơn khi đặt trong bối cảnh văn hoá cụ thể – thông qua ngôn ngữ, lịch sử, và quan điểm của một người về những vấn đề cơ bản của đời sống, như sinh tử, tình yêu, và công việc. Trọng tâm của mỗi nền văn hoá nằm ở thái độ của con người ấy trước mầu nhiệm lớn lao nhất: mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 24
Centesimus Annus Tự do và xã hội
Con người, được tạo dựng để sống tự do, lại mang trong mình vết thương của Tội Nguyên tổ, luôn lôi kéo con người theo hướng xấu, và khiến con người rơi vào tình trạng cần ơn cứu rỗi. Điểm giáo lý này không chỉ là một phần nòng cốt của mạc khải Kitô giáo, mà còn rất hữu ích trong việc giải thích cho người ta hiểu sự thật về con người. Con người hướng về sự thiện, nhưng cũng có khả năng làm điều ác. Con người có thể vượt lên trên lợi lộc trước mắt, nhưng vẫn còn bị ràng buộc với nó. Trật tự xã hội sẽ ổn định hơn, nếu xã hội cân nhắc kỹ thực tế này, và đừng đem lợi ích cá nhân đặt ở thế đối nghịch hoàn toàn với lợi ích tập thể, mà nên tìm cách dung hoà sao cho hai loại lợi ích đó có thể phối hợp với nhau một cách hiệu quả.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 25
Evangelium Vitae Âm mưu chống lại sự sống
Xem xét tình huống từ quan điểm này, người ta có thể hình dung một cuộc chiến của kẻ mạnh chống lại người yếu: một sinh mạng đáng lý cần được chấp nhận, yêu thương, chăm sóc, lại bị xem như vô dụng, hay gánh nặng không thể chịu được, và như thế, phải loại bỏ bằng cách này hay cách khác. Một người, do bệnh tật hoặc khiếm khuyết, hay chỉ đơn giản là đang hiện diện, mà gây tổn hại đến sự sung túc hoặc cản trở lối sống của những người có lợi thế hơn, sẽ bị xem như kẻ thù cần phải chống lại hoặc bị tiêu diệt. Theo đường hướng này, một kiểu “âm mưu chống lại sự sống” đang được tung ra.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 12
Evangelium Vitae Quyền được chết theo ý muốn
Không kém phần nghiêm trọng là mối đe doạ đang lơ lửng trên những người mắc bệnh nan y và những người hấp hối. Trong bối cảnh xã hội và văn hoá khiến người ta ngày càng khó chấp nhận và đối diện với nỗi đau khổ, cơn cám dỗ muốn thoát khổ càng trở nên mãnh liệt: người ta muốn diệt trừ tận gốc sự đau đớn bằng cách đẩy nhanh cái chết, để nó diễn ra vào một thời điểm được cho là thuận tiện nhất.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 15
Evangelium Vitae Loại bỏ con người
Chúng ta thấy biểu hiện bi thảm của tất cả điều trên nơi sự lan tràn của việc an tử – dù trá hình, lén lút, hoặc công khai và thậm chí hợp pháp. Ngoài lý do thương xót một cách lầm lạc trước tình cảnh khổ sở của bệnh nhân, người ta còn viện những lý do có động cơ thực dụng như: tránh chi phí nào mà không đem lại kết quả mong muốn, và giảm gánh nặng tài chính lên xã hội, để bào chữa cho việc an tử. Kéo theo đó, người ta còn đề nghị loại bỏ những thai nhi dị tật, người tàn tật nặng, người khuyết tật, người già, đặc biệt khi họ không thể sống tự lập, và cả người ốm nặng. Chúng ta không thể im lặng trước những dạng an tử ít gây sự chú ý nhưng không kém phần nghiêm trọng. Ví dụ, để có sẵn thêm nhiều cơ quan để ghép tạng, người ta đã mổ lấy các bộ phận từ người cho mà không tuân thủ những tiêu chuẩn đầy đủ và khách quan xác minh cái chết của người hiến tặng.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 15
Evangelium Vitae Tranh đấu vì sự sống
Ngoài những dụng ý đủ loại và đôi khi xem ra có vẻ thuyết phục, đặc biệt khi được giãi bày nhân danh tình liên đới, chúng ta thật ra đang đối mặt với “âm mưu chống lại sự sống” mang tính khách quan, liên hệ tới cả các tổ chức quốc tế chủ trương khuyến khích và thực hiện những chiến dịch quảng bá ngừa thai, triệt sản, và phá thai. Chúng ta cũng không thể chối bỏ thực tế là các phương tiện truyền thông đại chúng thường bị lôi kéo vào âm mưu này. Người ta dùng các phương tiện truyền thông để củng cố uy tín cho một nền văn hoá viện tới việc ngừa thai, triệt sản, phá thai, và ngay cả an tử, làm dấu hiệu cho sự tiến bộ và chiến thắng cho tự do, trong khi đó lên án những quan điểm quyết liệt cổ vũ sự sống như là kẻ thù của tự do và tiến bộ.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 17
Evangelium Vitae Không được quyền giết người
Việc tuyên bố được quyền phá thai, giết hài nhi, và an tử, và công nhận quyền đó trong luật pháp, sẽ đưa tới việc gán ghép thêm một ý nghĩa lầm lạc và ác hại vào định nghĩa tự do của con người: đó là có thể áp đặt quyền lực độc đoán lên người khác và chống lại người khác.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 20
Evangelium Vitae Nghiên cứu phôi
Sự đánh giá việc phá thai về mặt luân lý cũng phải áp dụng cho các dạng can thiệp gần đây vào phôi người. Dù được tiến hành cho những mục đích hợp pháp, các dạng can thiệp này không thể tránh được việc giết các phôi người. Đây là trường hợp thử nghiệm trên phôi người, mà ngày càng phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh, và được luật pháp tại vài quốc gia cho phép. Mặc dù “người thực hiện phải làm đúng thủ tục theo quy định của pháp luật khi thao tác trên phôi người, mà những thủ tục này: tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi; không gây ra những nguy cơ cho phôi mà không cân xứng với lợi ích; hướng đến việc chữa lành, cải thiện tình trạng sức khoẻ của phôi, hay sự sống sót của cá thể phôi người”, nhưng phải nói rằng việc dùng các phôi người hay thai người như những đồ vật để thí nghiệm cấu thành nên tội ác chống lại phẩm giá của chúng với tư cách là con người, vì chúng có cùng một quyền ngang bằng với quyền của một đứa trẻ đã được sinh ra, với quyền của mỗi con người.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 20
Evangelium Vitae Chẩn đoán trước khi sinh
Người ta cần đặc biệt lưu tâm đến việc đánh giá về mặt luân lý những kỹ thuật chẩn đoán trước khi sinh… [mà] được dùng với dụng ý ưu sinh, nghĩa là chấp nhận việc phá thai có chọn lọc để ngăn chặn sự ra đời của những đứa trẻ bị những loại dị tật khác nhau. Thái độ đó thật đáng xấu hổ và hoàn toàn bị chỉ trích, vì nó đo lường giá trị của một sinh mạng chỉ bằng những thông số được cho là “bình thường” và dựa trên sức khoẻ thể chất, như vậy sẽ mở đường để hợp pháp hoá cho việc giết hài nhi và an tử.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 20
Laudato Si Phẩm giá con người
Đôi khi chúng ta thấy người ta bị nỗi ám ảnh phải chối bỏ bất cứ sự ưu việt nào dành cho con người và hào hứng bảo vệ các loài khác hơn là bênh vực cho phẩm giá của con người, một phẩm giá mà mỗi người đều có như nhau. Chắc chắn chúng ta nên lưu tâm để các sinh vật khác không bị ngược đãi. Thế nhưng, chúng ta cũng nên đặc biệt phẫn nộ trước bao vấn nạn bất công giữa con người với nhau, trong đó chúng ta tiếp tục dung túng cho một số kẻ tự xem mình có giá trị hơn những người khác… Trên thực tế, chúng ta tiếp tục chấp nhận một số kẻ tự xem mình xứng đáng làm người hơn những người khác, cứ như thể họ đã được sinh ra với nhiều quyền hơn vậy.
Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (2015), 90