23/01/2025

Quy chuẩn “ưu ái” ngành gây ô nhiễm

Quy chuẩn môi trường VN đang “ưu ái” cho những ngành gây ô nhiễm như thép, giấy và bột giấy… khi một số chỉ tiêu về môi trường được hạ thấp hơn so với quy chuẩn chung.

 

Quy chuẩn “ưu ái” ngành gây ô nhiễm 

Quy chuẩn môi trường VN đang “ưu ái” cho những ngành gây ô nhiễm như thép, giấy và bột giấy… khi một số chỉ tiêu về môi trường được hạ thấp hơn so với quy chuẩn chung.

 

 

 

Quy chuẩn “ưu ái” ngành gây ô nhiễm 
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa được phép thải với hàm lượng xyanua là 0,585mg/lít, tức là gấp gần 6 lần mức cho phép của quy chuẩn chung – Ảnh: Văn Định

Một số nhà máy đang được thực hiện theo quy chuẩn với một số thông số môi trường được nới rộng.

Thép, giấy… được nới lỏng

Năm 2011, Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp với 33 chỉ tiêu 

kỹ thuật. Tuy nhiên chỉ hai năm sau, bộ này lại ban hành quy chuẩn quốc gia về nước thải ngành sản xuất thép (QCVN52/2013) với một số chỉ tiêu đã được hạ thấp xuống.

Theo một số nhà khoa học, quy chuẩn 52 của Bộ TN-MT ban hành năm 2013 bỏ qua một số chỉ tiêu giám sát quan trọng. “Ngành sản xuất thép mà không có quy định giám sát chỉ tiêu về sắt trong nước thải thì có thể nói là cái cần giám sát lại không giám sát” – một nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN đánh giá.

“Thi thoảng lại thấy ra một cái quyết định điều chỉnh quy hoạch, khi đó đương nhiên mọi tính toán về môi trường đều bị phá vỡ

TS Trần Thế Loãn

Đặc biệt, với nước thải, ngành thép chỉ cần đáp ứng 12 chỉ tiêu trong khi quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu đảm bảo 33 chỉ tiêu. Đáng chú ý trong 12 chỉ tiêu ấy, chỉ tiêu quan trọng về xyanua đã được “nới”.

Nếu quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp cho phép hàm lượng xyanua 0,1mg/lít khi xả thải vào nguồn nước không được dùng vào mục đích cấp nước sinh hoạt thì ngành thép được thải với hàm lượng 0,5mg/lít, cao gấp 5 lần.

Trong trường hợp Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, nhà máy này được phép thải với hàm lượng xyanua là 0,585mg/lít, tức là gấp gần 6 lần mức cho phép của quy chuẩn chung, do môi trường tiếp nhận là biển.

Tương tự, quy định về khí thải trong tiêu chuẩn này cũng không có chỉ tiêu về khí CO mà theo các nhà khoa học, đáng lẽ bắt buộc phải có vì đây là khí nguy hại. Thậm chí chỉ tiêu về dioxin cũng được nới rộng.

Trong khi chỉ tiêu quy định cho ngành thép chung là 0,6 nanogram TEQ/Nm3 trong công đoạn thiêu kết đối với các nhà máy sản xuất thép, có doanh nghiệp được Bộ TN-MT đồng ý cho áp dụng giá trị thông số dioxin là 1 nanogram TEQ/Nm3.

“Ưu đãi” về quy chuẩn môi trường tiếp tục diễn ra ở các ngành chế biến thuỷ sản, sản xuất cồn nhiên liệu.

Năm 2015, Bộ TN-MT ban hành quy chuẩn 11, theo đó nước thải ngành chế biến thuỷ sản được cho phép xả thải hàm lượng amoni gấp 2 lần quy chuẩn chung.

Ngành giấy và bột giấy cũng được “ưu ái”. Nếu quy chuẩn chung có 33 chỉ tiêu về môi trường thì nước thải ngành giấy và bột giấy chỉ quy định có 8 chỉ tiêu (dù ban hành năm 2015). Trong đó, chỉ tiêu về dioxin được quy định đến ngày 1-1-2018 mới áp dụng.

Như vậy, hiện nước thải của cơ sở đang sản xuất giấy, bột giấy… chỉ có 7 chỉ tiêu được giám sát. Trong số 7 chỉ tiêu ít ỏi trên thì chỉ tiêu về BOD được lùi xuống 3 lần.

Ngay dự án tổ hợp Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) nếu đi vào sản xuất, cơ sở này cũng được phép thải ra nguồn nước (không dùng vào mục đích sinh hoạt) hàm lượng BOD gấp 2 lần mức cho phép, độ màu gần 1,4 lần mức cho phép và hàm lượng COD gấp gần 1,4 lần mức cho phép của quy chuẩn chung.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Dương Tùng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) – nói rằng với cơ quan quản lý nhà nước, rất dễ dàng khi ban hành một quy chuẩn thật chặt nhưng như thế không khuyến khích sản xuất, chưa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước.

Hơn nữa, theo ông Tùng, Luật tiêu chuẩn quy chuẩn quy định ngoài quy chuẩn quốc gia còn có quy chuẩn địa phương.

Như vậy, các địa phương tùy theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch môi trường… cần xây dựng và ban hành quy chuẩn chặt chẽ hơn quy chuẩn quốc gia đối với một số ngành không khuyến khích phát triển.

Đúng quy chuẩn vẫn ô nhiễm

Theo TS Trần Thế Loãn – nguyên phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Tổng cục Môi trường, việc xây dựng quy chuẩn môi trường ở VN thường dựa trên ba căn cứ: dựa trên kinh nghiệm của các nước; dựa trên tính toán về yêu cầu phát triển kinh tế và khả năng của doanh nghiệp và dựa trên yêu cầu về bảo vệ giữ gìn môi trường.

“Trong ba căn cứ trên, hai căn cứ có mâu thuẫn. Ví như để được yêu cầu phát triển kinh tế thì các quy chuẩn phải quy định lỏng về môi trường. Nhưng nếu quy định lỏng thì môi trường lại bị xâm hại” – ông Loãn nói.

Quy chuẩn “ưu ái” ngành gây ô nhiễm 
Tổ hợp Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) được phép thải ra nguồn nước (không dùng vào mục đích sinh hoạt) hàm lượng BOD gấp 2 lần, độ màu gần 1,4 lần mức cho phép quy chuẩn chung – Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Với cách làm hiện nay, ông Loãn cảnh báo: quy chuẩn của VN chưa dựa trên đánh giá sức chịu tải của môi trường. Nên dù có xử lý nước thải đúng quy chuẩn thì vẫn còn một lượng chất ô nhiễm được thải ra.

Ví dụ “chỉ tiêu BOD được yêu cầu xử lý đạt 20mg/lít đã đạt tiêu chuẩn môi trường loại A”. Nếu vùng hay con sông đó có nhiều nhà máy cùng xả ra, hàm lượng BOD đã sát ngưỡng rồi mà vẫn đổ thêm vào thì đương nhiên môi trường không chịu nổi.

Theo ông Loãn, có tình trạng ở nhiều nơi, doanh nghiệp, nhà máy đều nói xả thải đúng quy chuẩn nhưng một số dòng sông như Thị Vải, sông Cầu… ngày càng ô nhiễm do quá dày đặc nhà máy. “Đúng ra thấy chất lượng nước đến ngưỡng rồi phải dừng phát triển công nghiệp” – ông Loãn nói.

Sẽ sửa quy chuẩn trong năm 2017

Ông Hoàng Dương Tùng cho biết theo quy định, các quy chuẩn môi trường sẽ phải rà soát chỉnh sửa bổ sung 3-5 năm một lần.

Trước yêu cầu từ thực tiễn và Thủ tướng cũng mới chỉ đạo rà soát, điều chỉnh những bất cập về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, Bộ TN-MT đang khẩn trương rà soát, chỉnh sửa bổ sung các quy chuẩn theo hướng thắt chặt hơn. Công việc này phải hoàn thành trong năm 2017.

Đồng thời, sẽ phối hợp với các địa phương để xây dựng và ban hành các quy chuẩn địa phương phù hợp.

Mới đây, ngoài 12 thông số phải kiểm soát theo quy chuẩn 52 về nước thải ngành sản xuất thép, Bộ TN-MT đã quyết định kiểm soát thông số 13, đó là bổ sung giám sát sắt bằng hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi giám sát đối với Formosa.

Một vài chỉ số được “nới” trong quy chuẩn

Dioxin: thuộc nhóm độc loại 1, có khả năng gây ung thư phổi, phế quản và các bệnh về di truyền…

BOD: chỉ số giúp nhận biết chất hữu cơ trong nước. Khi hàm lượng BOD cao, nghĩa là hàm lượng chất hữu cơ trong nước cao, biểu hiện của nước bị ô nhiễm chất hữu cơ.

COD: nhu cầu oxy hóa học, hàm lượng này trong nước cao là biểu hiện nước bị ô nhiễm hữu cơ và vô cơ.

CO (cacbon monoxit): loại khí độc hại, đi vào máu có thể khiến cơ thể bị ngạt. Hàm lượng khí CO trong không khí vượt quá ngưỡng quy định là một trong những tác nhân gây ra các bệnh về hô hấp.

Amoni: tiền chất độc, có thể tạo thành nitrit và nitrat gây độc với con người.

Rối bời vì thiếu tiêu chuẩn liên quan tới thực phẩm

Người tiêu dùng, cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều rắc rối vì thiếu tiêu chuẩn liên quan thực phẩm. Tháng 5-2016, Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ lô 2,2 tấn xúc xích vì cho rằng sản phẩm có chứa chất sodium nitrat.

Nhưng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế sau đó áp dụng quy định của Mỹ, châu Âu… cho phép chất này.

Tình trạng sử dụng phân bón lá chứa chất có tác dụng làm chín trái cây cũng đang gây tranh cãi. Theo Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay vẫn chưa có chất làm chín trái cây nào chính thức được phép lưu hành ở VN.

Mới nhất là tháng 10-2016, liên tục phát hiện doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người chăn nuôi sử dụng cysteamine – một chất có tác dụng tương tự chất tạo nạc và là một hormone tăng trưởng đã bị châu Âu cấm dùng, trong khi VN chưa cho phép nhưng cũng không cấm.

Theo ông Nguyễn Văn Việt – chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi đã đề xuất đưa chất này vào danh mục cấm.

Các thực nghiệm trên chuột cho thấy phơi nhiễm cysteamine hàm lượng cao dễ dẫn đến ung thư vú, ung thư kết tràng, suy yếu hệ miễn dịch…

Tuy nhiên, hiện nay trong thời gian không cấm cũng chưa cho phép, đã có nhiều tấn thức ăn chứa cysteamine được nhập lậu và bán ở nhiều vùng chăn nuôi.

Lan Anh

XUÂN LONG – THANH HÀ