Mưa lớn dị thường ở miền Trung – Tây nguyên
Ngày 2.12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, cho biết trong tháng 10 và 11 vừa qua ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã ghi nhận những trận mưa lớn điển hình với cường suất lớn.
Mưa lớn dị thường ở miền Trung – Tây nguyên
Ngày 2.12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, cho biết trong tháng 10 và 11 vừa qua ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã ghi nhận những trận mưa lớn điển hình với cường suất lớn.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư nhận định hình thái mưa lớn có tính chất dị thường này còn tiếp diễn khiến mưa ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên trong tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 diễn biến rất phức tạp, lượng mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Theo ông Hoàng Đức Cường, mưa lớn các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định giảm dần từ ngày 3.12 nhưng đến ngày 5 – 6.12, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận sẽ có mưa lớn trở lại, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao. Trong đó, vùng mưa lớn sẽ tập trung ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định.
Mưa ngớt nhưng nhiều vùng vẫn bị chia cắt
Ngày 2.12, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm, nước lũ ở vùng hạ lưu các sông bắt đầu rút dần. Tuy nhiên, nhiều khu dân cư ở tỉnh này vẫn còn bị cô lập, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, TX.An Nhơn… còn ngập sâu trong lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến chiều 2.12, tỉnh này đã có 4 người chết, 3 người bị thương do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, tỉnh này còn có 36 nhà sập, 8.800 ngôi nhà bị ngập nước, 9.200 ha lúa bị ngập, 1.670 ha lúa đã ngâm ủ giống chuẩn bị gieo sạ có khả năng hư hỏng, 730 ha hoa màu bị thiệt hại, 220 ha ruộng bị sa bồi…
Tại Quảng Ngãi, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn H.Đức Phổ, từ chiều tối 1.12, hồ chứa nước Núi Ngang bắt đầu xả lũ với lưu lượng 200 m3/giây kết hợp nước sông Trà Câu dâng cao khiến nhiều làng quê nằm ven sông bị nước lũ tấn công. Trong số 6 xã của H.Đức Phổ nằm ở vùng hạ du hồ Núi Ngang thì thôn An Trường (xã Phổ Ninh) bị ngập nặng nhất. Cũng tại H.Đức Phổ, sóng lớn đã đánh sạt lở hàng trăm mét kè chắn sóng Thạnh Đức và Thạch Bi (xã Phổ Thạnh), cuốn trôi khoảng 1.000 m3 đất, đá ra biển. Trong khi đó tại các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn nhiều khu dân cư bị nước lũ chia cắt, gây cô lập, nhiều nhà dân ngập sâu từ 0,5 – 1,5 m khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, sau 4 ngày mưa liên tiếp kèm theo lũ ở các sông dâng cao, đến chiều 2.12, Quảng Ngãi ghi nhận 1 trường hợp mất tích, gần 500 ha hoa màu, hơn 100.000 chậu hoa cảnh của người dân H.Tư Nghĩa hư hỏng nặng…
UBND H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết trưa 2.12 có 1 người dân bị lũ cuốn trôi mất tích. Nạn nhân là Phạm Văn Phiên (15 tuổi, ở thôn Nước Chạch, xã Ba Xa), sau khi đi làm rẫy trên đường trở về nhà lội qua sông Re thì bị nước lũ cuốn trôi. Chính quyền H.Ba Tơ huy động lực lượng tìm kiếm nhưng đến tối 2.12 vẫn chưa tìm được tung tích nạn nhân.
Tổng thiệt hại gần 7.200 tỉ đồng
Ngày 2.12, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với 18 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, cho biết từ giữa tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã có 4 đợt lũ lớn trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề. Thống kê ở các tỉnh, đã có 65 người chết và mất tích, 191.084 ngôi nhà ngập nước, trên 22.151 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng… tổng giá trị thiệt hại lên tới 7.198 tỉ đồng.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sắp tới, các bộ, ngành chức năng nghiên cứu thống nhất, đưa ra quy định ràng buộc trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và các chủ hồ chứa trong ứng phó khi có xả lũ; xây dựng bản đồ, kịch bản ngập lụt ở các vùng hạ du.
Phan Hậu – Đức Huy
|
Phan Hậu – Hoàng Trọng – Hiển Cừ