23/01/2025

Cuộc đời ly kỳ của người lính Triều Tiên trong Thế chiến 2

Sự nghiệt ngã của số phận đã khiến người đàn ông mang tên Yang Kyoung-jong phải cầm súng chiến đấu cho 3 cường quốc đối địch thời Thế chiến 2.

 

Cuộc đời ly kỳ của người lính Triều Tiên trong Thế chiến 2

Sự nghiệt ngã của số phận đã khiến người đàn ông mang tên Yang Kyoung-jong phải cầm súng chiến đấu cho 3 cường quốc đối địch thời Thế chiến 2.



 

Yang Kyoung-jong (trái) sau khi bị lính Mỹ bắt trong trận NormandyCƠ QUAN LƯU TRỮ QUỐC GIA MỸ

Sau chiến thắng quyết định trong trận Normandy vào tháng 6.1944, lính dù Mỹ bắt giữ một tù binh kỳ lạ. Rõ ràng là người Đông Á nhưng ông ta lại mặc quân phục của lục quân Đức, không biết tiếng Anh, còn tiếng Đức chỉ biết bập bẹ. Ông hầu như không nói câu nào, chỉ trả lời nhát gừng các câu thẩm vấn một cách rất khó khăn. Gương mặt hằn lên nỗi buồn, sự chán nản và có gì đó buông xuôi.
Ban đầu, phía Mỹ tưởng binh sĩ này là người Nhật Bản nhưng thật ra ông là người Triều Tiên với tên gọi Yang Kyoung-jong, theo chuyên trang Historybuff. Có lẽ Yang là người lính có số phận đen đủi nhất còn sống sót sau cuộc đại chiến đã khiến hơn 60 triệu người thiệt mạng, khi bị ép cầm súng chiến đấu cho quân đội Nhật Bản, Liên Xô và Đức Quốc xã.
Từ quân Quan Đông đến Hồng quân
Yang Kyoung-jong sinh ngày 3.3.1920 tại vùng Shin Euijoo nay thuộc Triều Tiên. Khi đó, đế quốc Nhật đã chiếm đóng bán đảo Triều Tiên được khoảng 10 năm. Không muốn sống với thân phận dân thuộc địa, gia đình Yang tìm đường đến vùng đông bắc Trung Quốc sinh sống.
Điều họ không thể ngờ là đến năm 1931, Nhật tiếp tục xua quân vào Trung Quốc và lập ra nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc ngay tại khu vực đông bắc. Từ thời điểm đó, lực lượng Nhật đụng độ dai dẳng với các thế lực quân phiệt Trung Quốc, Mông Cổ cũng như có tranh chấp biên giới với Liên Xô.
Để tăng cường quân lực ở Mãn Châu, quân đội Nhật ra sức bắt lính, đặc biệt nhằm vào thanh niên sống tại những vùng bị chiếm đóng. Thế là năm 1938, khi vừa tròn 18 tuổi, Yang bị ép nhập ngũ, trải qua quá trình tẩy não và huấn luyện khắc nghiệt để đưa vào đội quân Quan Đông khét tiếng của Nhật rồi đẩy ra mặt trận chống Liên Xô. Đây chính là bước ngoặt để cuộc đời Yang Kyoung-jong trở thành một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất của thời Thế chiến 2.
Năm 1939, Yang tham gia cuộc chiến ngắn ngủi và không có tuyên chiến chính thức nhưng vô cùng ác liệt tại khu vực biên giới giữa Liên Xô và Mãn Châu Quốc. Cuối cùng liên quân Liên Xô và Mông Cổ giành chiến thắng quyết định sau trận Khalkhyn Gol, kéo dài từ tháng 5 – 9.1939. Sau khi ký hiệp ước hòa bình, Tokyo công bố có 8.440 người tử trận nhưng nhiều sử gia cho rằng con số thực tế có thể lên tới 45.000 người. Phía Moscow tuyên bố tổn thất 17.000 người. Yang may mắn sống sót nhưng bị Hồng quân bắt giữ và đưa vào trại cải tạo lao động, theo Historybuff.
Đến tháng 6.1941, Đức phát động chiến dịch Barbarossa nhằm xâm lược Liên Xô. Đến nay, đây vẫn là chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử nhân loại về số người tham gia, xe tăng, súng và máy bay. Chiến dịch kết thúc vào tháng 12 với thất bại toàn diện của Đức và gây thương vong khổng lồ cho cả hai bên. Hơn 5 triệu quân nhân Liên Xô và hơn 900.000 lính Đức tử trận. Kết quả là Liên Xô thiếu hụt nhân lực trầm trọng và phải bổ sung hàng ngàn tù nhân vào các tiểu đoàn. Vào năm 1942, đời tù binh của Yang Kyoung-jong kết thúc và lần này ông khoác lên người đồng phục của Hồng quân.
Dưới màu áo Liên Xô, Yang tham gia trận Kharkov thứ ba, nổ ra từ ngày 19.2.1943 đến 15.3.1943. Đây là một trong hàng loạt cuộc giao tranh khi Đức mở mặt trận phía đông chống Hồng quân. Sau trận Kharkov thứ ba, lục quân Đức chiếm một số thành phố, bao gồm cả Kharkov (Ukraine) nhưng mất 45.200 quân và có 41.250 người bị thương. Phía Liên Xô tổn thất 4.500 người và 7.000 người bị thương. Yang một lần nữa may mắn toàn mạng nhưng lại bị quân Đức bắt.
Đoạn kết bình yên
Một lần nữa số phận lại trêu đùa Yang khi Đức cũng cần bổ sung nhân lực và áp dụng chính sách không xử tử tù binh nếu họ “tình nguyện phục vụ”. Nhờ vậy, ông được biên chế vào tiểu đoàn phía đông thuộc Sư đoàn bộ binh số 709, vốn bao gồm nhiều tù binh từ các nước châu Âu. Đơn vị của Yang được triển khai đến Pháp để bảo vệ Bức tường Đại Tây Dương, tuyến phòng thủ rộng lớn do Đức Quốc xã xây dựng dọc bờ biển phía tây châu Âu nhằm ngăn chặn quân Đồng minh từ Anh và Mỹ đổ bộ giải phóng những nước bị chiếm đóng.
Yang đóng trú gần bãi biển Utah, một trong 5 địa điểm đổ bộ chính yếu của Đồng minh trong chiến dịch Normandy. Các cứ điểm phòng ngự của phe Trục bị đánh tan tác và Yang lọt vào tay Trung đoàn bộ binh nhảy dù số 506 của Mỹ. Sau khi tiến hành thẩm vấn sơ bộ, quân Mỹ đưa Yang vào trại tù binh ở Anh và ông đã có thể trải qua những ngày tháng “bình yên” cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Sau khi được thả vào tháng 5.1945, Yang quyết định không trở về quê nhà vì trải qua gần 10 năm lưu lạc, ông không biết điều gì sẽ chờ đợi mình, đặc biệt tình hình bán đảo Triều Tiên khi đó khá căng thẳng. Ông di cư sang Mỹ, lập gia đình, có 3 con và sống tại Evanston thuộc hạt Cook, bang Illinois cho đến khi qua đời vào ngày 7.4.1992 ở tuổi 72.
Trong nhiều năm trời, ông không tiết lộ cho bất cứ ai, kể cả con cái, về đời “binh nghiệp” chìm nổi của mình. Số phận của Yang đã trở thành cảm hứng cho đạo diễn Kang Je-gyu thực hiện bộ phim My Way (tạm dịch: Con đường của tôi) vào năm 2011 với tài tử ngôi sao Jang Dong-gun vào vai chính.
Tờ Daily Mail dẫn lời sử gia người Anh Antony Beevor nhận định: “Cuộc đời của Yang Kyoung-jong là minh họa nổi bật nhất cho sự bất lực của những người dân bình thường khi phải đối mặt với các thế lực áp đảo trong lịch sử”. “Sau một trong những thảm hoạ lớn nhất của nhân loại, Yang đã sống sót nhưng thật khó có thể dùng từ “may mắn” để mô tả về một người từng phải khoác lên mình bộ quân phục của đế quốc Nhật Bản, Liên Xô và phát xít Đức, chỉ trong vài năm ngắn ngủi”, Beevor nhấn mạnh.
Binh nghiệp của Lauri Törni
Ngoài Yang Kyoung-jong còn có trường hợp của quân nhân Lauri Törni cũng chiến đấu trong 3 màu áo của quân đội Phần Lan, Đức và Mỹ. Tuy nhiên, khác với người lính Triều Tiên, Törni hoàn toàn tự nguyện.
Sinh tại Phần Lan vào năm 1919, ông nhập ngũ năm 1938 và một năm sau tham gia Cuộc chiến mùa đông giữa nước này với Liên Xô. Sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm Phần Lan, Törni khoác áo lục quân Đức và tiếp tục cầm súng chống Liên Xô.
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, ông bị xét xử và giam giữ vì tội phản quốc trước khi được ân xá năm 1948. Sau đó, Törni di cư sang Mỹ, lại nhập ngũ và được đưa sang Việt Nam. Theo chuyên san Military Review, Törni thiệt mạng vào tháng 10.1965 khi trực thăng chở ông bị rơi tại H.Phước Sơn, Quảng Nam. Hài cốt của ông được tìm thấy năm 1999 và trao trả về Mỹ. 

 

Trọng Kha