23/12/2024

Việt sử Xứ Đàng Trong: Phân hạng dân để nộp thuế và tuyển binh

Chúa Hy Tông với ý định lập giang sơn riêng, sau khi bãi bỏ các cơ quan hành chính của triều Lê, đặt Tam ty để thay thế, năm Nhâm Thân (1632), bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển.

 

Việt sử Xứ Đàng Trong: Phân hạng dân để nộp thuế và tuyển binh

Chúa Hy Tông với ý định lập giang sơn riêng, sau khi bãi bỏ các cơ quan hành chính của triều Lê, đặt Tam ty để thay thế, năm Nhâm Thân (1632), bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển.



Binh lính nhà Nguyễn  /// Ảnh: T.L

Binh lính nhà NguyễnẢNH: T.L

Duyệt tuyển là duyệt dân, chia ra từng hạng để đánh thuế và tuyển binh. Đó là một điển lệ quan trọng của quốc gia, phải do lệnh triều đình ban hành, nay chúa Nguyễn tự ý quyết định để tỏ rằng Thuận, Quảng thoát khỏi uy quyền nhà Lê.
Quy trình duyệt tuyển
Phép này, chúa Hy Tông nói theo quy chế thời Hồng Đức và các chúa kế sau đều thi hành: 6 năm 1 lần duyệt tuyển lớn, gọi là đại điển, 3 năm một lần duyệt tuyển nhỏ, gọi là tiểu điển. Đến năm duyệt tuyển thì tháng giêng sai các tổng, xã làm sổ sách, để riêng dân chính hộ là dân chính quán ở xã và dân khánh hộ là dân ngụ cư, rồi chia làm các hạng: tráng là người mạnh khoẻ để sung vào quân đội; quân là người được ở nhà làm ruộng, đến khi quân ngũ có thiếu thì theo thứ tự trong sổ lấy mà bổ sung; dân là người từ 18 tuổi trở lên không được chọn làm binh lính; lão là người cao tuổi; tật là người tàn tật; cố là người làm thuê; cùng là người nghèo túng; đào là người bỏ trốn.
Đến tháng 6 thì duyệt tuyển. Ở các địa phương lập nên các tuyển trường, có quan văn, võ do trung ương phái đến phụ trách về việc duyệt tuyển. Thời ấy, lập 1 trường cho 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang; 1 trường cho huyện Võ Xương, Hải Lăng, Minh Linh; 1 trường cho huyện Khương Lộc; 1 trường cho huyện Lệ Thuỷ; 1 trường cho châu Nam Bố Chính; 5 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Hoài Nhân, Phú Yên mỗi phủ 1 trường, sau khi đặt phủ Thái Khương (sau đổi là Bình Khương) thì lập 1 trường ở đấy, đến năm Mậu Tý (1708), chúa Hiển Tông lập thêm 1 trường ở phủ Bình Thuận, 1 trường ở phủ Gia Định, cộng cả thảy 13 trường. Duyệt tuyển ở tuyển trường 1 tháng thì xong. Xã nào thấy sự ấn định các hạng dân nặng cho mình có quyền làm đơn xin xuống hạn.
 
 
Định mức thuế điền
Các chúa Nguyễn sai quan đo đạc ruộng công của các xã dân để thu thuế điền mỗi năm. Cứ mùa gặt xong, sai người đến tận nơi chiếu theo số ruộng đất cày cấy mà thu thuế. Năm 1669, thuế lệ định như sau: ruộng công nhất đẳng, mỗi mẫu nộp thuế bằng 40 thăng lúa, nhị đẳng mỗi mẫu 30 thăng, tam đẳng mỗi mẫu 20 thăng.
Ruộng khô mỗi mẫu 4 tiền, hoặc 1 tiền 30 đồng, hoặc 2 tiền, hoặc 2 tiền 30 đồng tùy vị trí. Ruộng hoang mới khai phá nạp 3 quan hoặc 3 tiền…

 

Định lệ thu thuế sai dư (thuế thân) cho các hạng dân như sau: ở Thuận Hóa về chính hộ, con cháu quan viên nạp 1 quan; tráng hạng 2 quan; quân hạng 1 quan 5 tiền; dân hạng 8 tiền; lão hạng 1 quan; tật hạng, cố hạng đều 5 tiền; cùng hạng 3 tiền; đào hạng 2 tiền. Về khách hộ, con cháu quan viên nạp 3 tiền; tráng hạng 1 quan; quân hạng 7 tiền; dân hạng, lão hạng đều 5 tiền; các hạng cố, cùng, đào, tật đều được miễn. Còn các người viên chức cũ như cựu xã trưởng, cựu tướng thần, cựu tri phủ, cựu ưu binh… cũng phải nạp sai dư và phụ thu, nhưng nhẹ hơn. Ở Quảng Nam, về chính hộ, tráng hạng nạp 2 quan; quân hạng 1 quan 7 tiền; dân hạng 8 tiền; lão hạng 9 tiền; cố hạng chia làm 3 hạng; hạng nhất 1 quan 5 tiền; hạng nhì 1 quan; hạng ba 7 tiền; tật hạng 6 tiền; cùng hạng 3 tiền; đào hạng 2 tiền. Về khách hộ, tráng hạng 1 quan 2 tiền, quân hạng 1 quan; dân hạng, lão hạng đều 6 tiền; tật hạng 4 tiền… các hạng cùng, đào được miễn.

Tiền từ thuế sai dư định từ năm Nhâm Thân (1632), nhưng xem trong Phủ biên tạp lục ông Lê Quý Đôn đã chiếu theo số thuế đời chúa Duệ Tông mà chép lại thì thấy các sổ ấy vẫn không thay đổi, sau 150 năm.
Dân nộp nhiều loại phí khác
Ngoài thuế sai dư, các hạng dân đều phải nạp các món tiền phụ thu này: tiền tiết liệu là lễ tết, tiền thường tân là lễ cơm mới và cước mễ đại nạp tiền, gọi tắt là tiền cước mễ (gạo cước) là tiền để chuyên chở thóc thuế, nhiều ít tuỳ hạng. Duy hai hạng cùng, đào trong chính hộ và các hạng trong khách hộ đều được miễn.
Ở Thuận Hoá, chính hộ hạng tráng nạp tiền lễ tết 3 tiền 30 đồng, tiền thường tân 3 tiền 30 đồng, tiền cước mễ 6 tiền; hạng dân nạp tiền lễ tết 2 tiền 30 đồng, tiền thường tân 2 tiền 30 đồng, tiền cước mễ 6 tiền; hạng lão nạp tiền lễ tết 2 tiền 30 đồng, tiền thường tân 2 tiền 30 đồng, tiền cước mễ 6 tiền…
Các tiền trên đây do bản huyện thu, rồi nạp ở ty tướng thần lại bản dinh; còn các xã, thôn, phường nội phủ thì do nội lệnh sử thu riêng. Cũng có xã, huyện được miễn một hoặc nhiều trong các món tiền phụ thu ấy, ví dụ như huyện Minh Linh được miễn tiền tiết liệu, hai huyện Khương Lộc, Lệ Thuỷ được miễn tiền thường tân và tiết liệu, châu Nam Bố Chính được miễn các tiền tiết liệu, thường tân, cước mễ…
Các nhà sư Phật giáo nếu có quan điệp (giấy của quan cấp chứng nhận là tăng) và có trai giới, tu hành thì được miễn thuế và các thứ sưu sai. Lại có những địa phương làm sản vật riêng thì cho nạp sản phẩm thay thuế sai dư, hoặc sưu dịch. Như huyện Phú Châu nạp lụa; thuộc Kim Bộ nạp vàng; thuộc Tịch Tượng nạp chiếu… Các xã duyên hải làm nghề đánh cá thì nạp mắm (mắm mòi, mắm ướp, nước mắm, dầu cá) thay thuế sai dư hoặc tiền phụ thu.

Phan Khoang

 

(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)