22/12/2024

Cuộc phỏng vấn ĐTC dành cho nhà báo Stefania Falasca (tiếp theo)

Trước khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã dành cho nữ phóng viên Stefania Falasca của nhật báo Avvenire một bài phỏng vấn dài. Sau đây là nội dung phần II của bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày 19 tháng 11 vừa qua.

 Cuộc phỏng vấn ĐTC dành cho nhà báo Stefania Falasca (tiếp theo)

 

 
Trước khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã dành cho nữ phóng viên Stefania Falasca của nhật báo Avvenire một bài phỏng vấn dài. Sau đây là nội dung phần II của bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày 19 tháng 11 vừa qua.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC tiếp tục gặp gỡ các vị lãnh đạo của các Giáo hội Kitô khác. Nhưng vị Giám mục Roma lại không phải dành toàn thời giờ lo lắng trước tiên cho Giáo hội Công giáo hay sao?

Đáp: Chính Chúa Giêsu cầu xin Thiên Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài nên một, để cho thế gian tin. Đó là lời cầu xin của Ngài với Thiên Chúa Cha. Từ luôn luôn Giám mục Roma được kêu mời duy trì, tìm kiếm và phục vụ sự hiệp nhất này. Chúng ta cũng biết rằng các vết thương của các chia rẽ của chúng ta xé rách thân mình Chúa Kitô, chúng ta không thể tự mình chữa lành chúng được. Vì thế, không thể áp đặt các chương trình hay các hệ thống để trở về hiệp nhất. Để xin sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và xin Chúa Thánh Thần hoạt động. Xin Ngài tạo dựng sự hiệp nhất. Trong cuộc gặp gỡ tại Lund với các anh em Luther, tôi đã lặp lại các lời của Chúa Giêsu, khi Ngài nói với các môn đệ: “Không có Thầy các con không thể làm được gì.”

Hỏi: Việc cùng các tín hữu Luther tưởng niệm 500 năm Cải cách có ý nghĩa gì, thưa ĐTC? Đó có phải là việc ĐTC “chạy trốn vào tương lai” hay không?

Đáp: Cuộc gặp gỡ với Giáo hội Luther tại Lund đã là một bước nữa trên con đường đại kết, đã bắt đầu cách đây 50 năm trong một cuộc đối thoại Thần học Luther – Công giáo, đã có hoa trái với “Tuyên ngôn chung về giáo lý của sự Công chính hoá” ký kết năm 1999, nghĩa là về việc Chúa Kitô làm cho chúng ta nên công chính như thế nào, khi cứu chuộc chúng ta với ơn thánh cần thiết, tức từ điểm khởi hành các suy tư của Luther. Như vậy là trở về với nòng cốt của đức tin để tái khám phá ra bản chất của điều hiệp nhất. Trước tôi, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến Erfurt và đã nói rất chi tiết rõ ràng về điều này. Ngài đã lặp lại câu hỏi “Tôi có thể có một Thiên Chúa thương xót như thế nào?”, là câu hỏi đi sâu vào con tim của Luther, và nó ở đàng sau mọi tìm kiếm thần học và nội tâm của ông. Đã có một việc thanh tẩy ký ức. Luther đã muốn làm một cuộc cải cách phải như là một phương dược. Rồi các sự việc đã tinh thể hoá, trộn lẫn với các lợi lộc chính trị thời đó, và kết cục với nguyên tắc “cuius regis eius religio” – ai cai trị ở đâu thì tôn giáo của người ấy” – vì thế phải theo tôn giáo của người cầm quyền.

Hỏi: Thưa ĐTC có người nghĩ rằng trong các cuộc gặp gỡ đại kết này ĐTC muốn “bán rẻ” giáo lý Công giáo. Có người nói rằng người ta muốn “Tin Lành hoá” Giáo Hội? ĐTC nghĩ sao?


Đáp: Nó không khiến cho tôi mất ngủ đâu. Tôi theo đuổi con đuờng của người đã đi trước tôi, tôi theo Công Đồng. Liên quan tới các ý kiến luôn cần phân biệt tinh thần mà chúng được nói ra. Khi không có tinh thần xấu, các ý kiến đó cũng giúp bước đi. Khi khác người ta thấy ngay rằng các phê bình lượm lặt đó đây để biện minh cho một lập trường đã có sẵn, chúng không liêm chính, chúng được làm với tinh thần xấu để gieo chia rẽ. Người ta thấy ngay rằng vài chủ trương cứng nhắc, nảy sinh từ một sự thiếu sót, từ ý muốn dấu sau khí giới của mình một sự không thoả mãn đáng buồn. Nếu chị xem phim “Bữa ăn trưa của Babette” thì chị sẽ nhận ra thái độ cứng nhắc này.

Hỏi: Cả với các tín hữu Luther nữa cũng đã có lời kêu gọi mạnh mẽ cùng nhau làm việc cho người ở trong tình trạng cần được trợ giúp. Như vậy cần bỏ qua một bên các vấn đề thần học và bí tích, và chỉ nhắm tới dấn thân chung trên bình diện xã hội và văn hoá thôi, có phải vậy không, thưa ĐTC?

Đáp: Đây không phải là việc bỏ sang một bên điều gì đó. Phục vụ người nghèo có nghĩa là phục vụ Chúa Kitô, bởi vì người nghèo là thịt xác của Chúa Kitô. Và nếu chúng ta cùng nhau phục vụ người nghèo, thì điều này có nghĩa là Kitô hữu chúng ta hiệp nhất trong việc sờ mó các vết thương của Chúa Kitô. Tôi nghĩ tới công việc mà sau cuộc gặp gỡ tại Lund, Tổ chức Caritas và các tổ chức bác ái Luther có thể cùng làm. Đây không phải là một cơ cấu, nhưng là một lộ trình. Trái lại, vài kiểu đối đầu “các điều của giáo lý” với “các điều của bác ái mục vụ” không theo Tin Mừng và tạo ra lẫn lộn.

Hỏi: Việc cùng nhau tưởng niệm tại Lund đã ghi dấu một lúc chấp nhận nhau và một mức độ hiểu biết nhau sâu xa hơn. Nhưng từ đây làm thế nào để giải quyết các vấn đề Giáo hội học còn bỏ ngỏ và các vấn đề liên quan tới chức thừa tác và các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, còn chia rẽ Giáo hội Công giáo với Giáo hội Luther?

Đáp: Tuyên ngôn chung về việc công chính hoá là nền tảng giúp có thể tiếp tục công việc thần học. Việc nghiên cứu thần học phải tiến tới. Có công việc mà Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô đang làm. Con đường thần học quan trọng, nhưng luôn luôn cùng với con đường cầu nguyện, cùng nhau làm việc bác ái. Đó là các công việc hữu hình.

Hỏi: ĐTC cũng đã nói với Đức Thượng phụ Kirill rằng “sự hiệp nhất được làm khi bước đi”, “sự hiệp nhất sẽ không đến như một phép lạ sau cùng, “cùng nhau bước đi đã là làm sự hiệp nhất”. ĐTC thường lặp đi lặp lại như vậy. Nhưng nó có ý nghĩa gì?

Đáp: Sự hiệp nhất không được làm bởi vì chúng ta đồng ý với nhau, nhưng bởi vì chúng ta bước theo Chúa Giêsu. Và khi bước đi vì hoạt động của Đấng chúng ta đi theo, chúng ta có thể khám phá ra mình hiệp nhất với nhau. Việc bước theo Chúa Giêsu hiệp nhất. Hoán cải có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Như thế, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta hiệp nhất cả trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của chúng ta. Khi cùng nhau bước đi và làm việc, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã hiệp nhất trong danh Chúa, và như vậy, sự hiệp nhất không phải do chúng ta tạo ra. Chúng ta nhận ra rằng Thần Linh thúc đẩy chúng ta và đưa chúng ta tiến tới. Nếu bạn ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, thì chính Ngài sẽ nói cho bạn biết bước đi bạn có thể làm, Ngài làm điều còn lại. Không thể đi theo Chúa Kitô, nếu Ngài không đưa bạn đi, nếu Thánh Thần không thúc đẩy bạn với sức mạnh của Ngài. Vì thế, chính Thánh Linh là đấng làm ra sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng sự hiệp nhất đuợc làm khi bước đi, bởi vì sự hiệp nhất là một ơn phải xin, và cũng bởi vì tôi lặp lại rằng mọi chủ trương chiêu dụ tín đồ giữa các Kitô hữu là tội lỗi. Giáo Hội không bao giờ lớn lên do việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bởi “sự hấp dẫn” như ĐTC Bênêđictô XVI đã viết. Vì thế, chủ trương chiêu dụ tín đồ giữa các Kitô hữu tự nó là một tội trọng.

Hỏi: Tại sao vậy, thưa ĐTC?

Đáp: Bởi vì nó chống lại chính năng động của việc làm sao trở thành Kitô hữu và sống như là Kitô hữu. Giáo Hội không phải là một đội túc cầu tìm những người ủng hộ.

Hỏi: Như thế đâu là các con đường phải theo để hiệp nhất, thưa ĐTC?

Đáp: Tiến bước thay vì chiếm chỗ cũng là chià khóa của con đường đại kết. Trong thời điểm lịch sử này sự hiệp nhất được làm trên 3 con đường: cùng nhau bước đi với các công việc bác ái, cùng nhau cầu nguyện, và rồi thừa nhận việc tuyên xưng chung như được diễn tả trong việc chứng tá chung nhận lãnh từ Chúa Kitô, trong việc đại kết của máu. Ở đó người ta thấy chính Kẻ Thù thừa nhận sự hiệp nhất của chúng ta, sự hiệp nhất của các người đã được rửa tội. Trong điều này thì Kẻ Thù không sai lầm. Và tất cả là những kiểu diễn tả sự hiệp nhất hữu hình. Cùng nhau cầu nguyện là điều có thể trông thấy. Cùng nhau thực thi các việc bác ái là việc hữu hình. Sự tử đạo được chia sẻ nhân danh Chúa Kitô là điều có thể trông thấy.

Hỏi: Tuy nhiên, giữa các tín hũu Công giáo xem ra chưa có một sự nhậy cảm sống động đối với việc tìm về hiệp nhất giữa các Kitô hữu và một nhận thức về nỗi đau của sự chia rẽ…

Đáp: Cả cuộc gặp gỡ tại Lund cũng như mọi bước đại kết khác đã có một bước tiến tới giúp hiểu gương mù gương xấu của sự chia rẽ, đả thương thân mình Chúa Kitô, và cả trước mặt thế giới, chúng ta không thể cho phép mình làm điều đó. Làm sao chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu, nếu chúng ta cãi nhau và chia rẽ nhau? Ngày tôi còn bé người ta không nói chuyện với các tín hữu Tin Lành. Tại Buenos Aires đã có một linh mục sai một nhóm bạn trẻ đi đốt lều của các anh em Tin Lành, khi họ đến dựng lều để truyền giáo. Giờ đây thời đại đã thay đổi. Gương mù gương xấu đã được vượt thắng một cách đơn sơ bằng cách cùng nhau làm việc với các cử chỉ của sự hiệp nhất và tình huynh đệ.

Hỏi: Thưa ĐTC, tại Cuba, khi gặp gỡ Đức Thượng phụ Kirill, các lời đầu tiên ĐTC nói đã là “Chúng ta có cùng Bí tích Rửa Tội. Chúng ta là Giám mục”.

Đáp: Hồi tôi còn là Giám mục Buenos Aires, tất cả mọi cố gắng do các linh mục đưa ra để tạo dễ dàng cho việc ban Bí tích Rửa Tội đã khiến cho tôi rất vui mừng. Bí tích Rửa Tội là cử chỉ qua đó Chúa lựa chọn chúng ta, và nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta hiệp nhất trong Bí tích Rửa Tội, thì nó có nghĩa là chúng ta hiệp nhất trong điều nòng cốt. Đó là suối nguồn chung hiệp nhất chúng ta tất cả là Kitô hữu với nhau và dưỡng nuôi mọi bước đi mới có thể giúp trở về sự hiệp thông trọn ven giữa chúng ta. Để tái khám phá ra sự hiệp nhất của mình, chúng ta phải đi qua Bí tích Rửa Tội. Có cùng Bí tích Rửa Tội có nghĩa là cùng nhau tuyên xưng rằng Ngôi Lời đã nhập thể: điều này cứu rỗi chúng ta. Tất cả mọi ý thức hệ và các lý thuyết nảy sinh từ đó không dừng lại ở điều này, không ở lại trong đức tin thừa nhận Chúa Kitô đã đến trong thịt xác, và chúng muốn đi xa hơn. Từ đó mới nảy sinh ra tất cả mọi lập trường cất khỏi Giáo Hội thịt xác của Chúa Kitô, róc thịt Giáo Hội. Nếu chúng ta cùng nhìn vào Bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được giải thoát khỏi cám dỗ của chủ thuyết Pelagiansenismo, muốn tự thuyết phục mình rằng chúng ta có thể tự cứu thoát với sức mạnh của chúng ta, với các chủ trương hoạt động của chúng ta. Và ở lại trong Bí tích Rửa Tội cũng cứu chúng ta khỏi thuyết ngộ đạo. Nó làm mất bản chất của Kitô giáo bằng cách giản lược Kitô giáo vào một lộ trình của sự hiểu biết, có thể không cần gặp gỡ thực sự với Chúa Kitô.

Hỏi: Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Avvenire, Đức Thượng phụ Bartolomaios đã nói rằng nguồn gốc của sự chia rẽ đã là việc tư tưởng trần tục gia nhập Giáo Hội. Cả đối với ĐTC, đây cũng là lý do của sự chia rẽ sao?

Đáp: Tôi tiếp tục nghĩ rằng bệnh ung thư trong Giáo Hội đó là ban vinh dự cho nhau. Nếu một người không biết Chúa Giêsu là ai, hay đã không bao giờ gặp gỡ Ngài, thì họ vẫn có luôn luôn có thể gặp gỡ Chúa; nhưng nếu một người ở trong Giáo Hội, di chuyển trong đó, bởi vì chính trong môi trường của Giáo Hội mà họ vun trồng và dưỡng nuôi sự đói khát thống trị và tự khẳng định mình, thì họ bị một bệnh tinh thần, vì tin rằng Giáo Hội là một thực tại trần tục tự đủ cho chính mình, nơi mọi sự di chuyển theo các luận lý của tham vọng và quyền bính. Trong phản ứng của Luther cũng đã có sự khước từ này của một hình ảnh Giáo Hội như là một tổ chức có thể tiến tới mà không cần tới ơn thánh Chúa, hay coi nó như một chiếm hữu tự động, đã được bảo đảm từ trước. Và cám dỗ xây dựng một Giáo Hội tự quy chiếu về mình này dẫn đưa tới chỗ chống đối và chia rẽ, luôn luôn trở lại.

Hỏi: Liên quan tới các anh em Chính thống, người ta thường trích cái gọi là “công thức Ratzinger” đã được nói lên bởi thần học gia sau này trở thành Giáo hoàng, theo đó “liên quan tới quyền tối thượng của Giáo hoàng, Roma phải đòi hỏi các Giáo hội khác không gì khác hơn điều đã được thiết định và sống trong ngàn năm đầu tiên”. Nhưng viễn tượng của Giáo Hội thuở khai mào và của các thế kỷ đầu, cái gì có thể gợi lên điều nòng cốt, cả trong thời đại hiện nay, thưa ĐTC?

Đáp: Chúng ta phải nhìn vào ngàn năm đầu tiên, nó luôn luôn có thể gợi hứng cho chúng ta. Đây không phải là việc trở lại đàng sau một cách máy móc, nó không phải chỉ đơn sơ là “việc đi giật lùi”: ở đó có các kho tàng có giá trị đối với cả ngày nay nữa. Truớc đây tôi đã nói tới việc tự quy chiếu về mình, thói quen tội lỗi của Giáo Hội nhìn vào chính mình quá nhiều, như thể tin rằng mình có ánh sáng riêng. Đức Thượng phụ Bartolomaios cũng nói cùng điều này, khi đề cập tới “thái độ nội hướng của Giáo Hội”. Các Giáo phụ của các thế kỷ đầu có tư tưởng rõ ràng về sự kiện Giáo Hội sống từng lúc một nhờ ơn thánh Chúa Kitô. Vì thế, như tôi đã nói nhiều lần khác, các vị đã nói rằng Giáo Hội không có ánh sáng riêng, và các vị gọi nó là “mysterium lunae” (mầu nhiệm mặt trăng). Bởi vì Giáo Hội cho ánh sáng, nhưng không chiếu sáng bởi ánh sáng riêng. Và khi Giáo Hội, thay vì nhìn vào Chúa Kitô, lại quá nhìn vào chính mình, thì cũng xảy ra các chia rẽ. Và đó là điều đã xảy ra sau ngàn năm thứ nhất. Nhìn vào Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi thói quen này và cả khỏi cám dỗ của chủ trương chiến thắng và cứng nhắc nữa. Và nó làm cho chúng ta cùng nhau bước đi trên con đường của sự ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, là Đấng đưa chúng ta tới sự hiệp nhất.

Hỏi: Thưa ĐTC, trong nhiều Giáo hội Chính thống khác nhau như các Giáo hội của những tín hữu mà Đức Tổng Giám mục Ioannis Zizioulas định nghĩa là “các người Chính thống cuồng tín”. Cũng có các kháng cự từ phía các tín hữu Công giáo. Vậy cần phải làm gì?

Đáp: Chúa Thánh Thần đưa các sự việc tới chỗ thành toàn, với các thời gian mà Ngài thiết định. Vì thế, chúng ta không thể mất kiên nhẫn, mất tin tưởng và âu lo. Lộ trình đòi hỏi kiên nhẫn trong việc giữ gìn và cải thiện những gì hiện hữu là điều nhiều hơn những gì chia rẽ chúng ta; và làm chứng cho tình yêu của Chúa đối với tất cả mọi người, để cho thế giới tin.

(Oss. Rom 19-11-2016)


 

 

Linh Tiến Khải