23/12/2024

Cây xanh đô thị cũng cần “nghỉ hưu”

Đó là đề xuất nhằm hạn chế những vụ cây xanh gãy đổ được các chuyên gia đặt ra tại hội thảo khoa học “An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TP.HCM”, do Sở GTVT và ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức sáng 29-11.

 

Cây xanh đô thị cũng cần “nghỉ hưu”

Đó là đề xuất nhằm hạn chế những vụ cây xanh gãy đổ được các chuyên gia đặt ra tại hội thảo khoa học “An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TP.HCM”, do Sở GTVT và ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức sáng 29-11.

 

 

 

Cây xanh đô thị cũng cần “nghỉ hưu”
Hàng cây sọ khỉ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM rất đẹp nhưng theo chuyên gia, những cây này đến lúc nào đó cũng phải “nghỉ hưu” – Ảnh: Hữu Khoa

Sở GTVT cho biết hiện lượng cây xanh đô thị do sở quản lý là hơn 130.000 cây với khoảng 180 loài, chủ yếu được trồng trong các công viên và dọc các đường phố.

Trong đó có gần 7.000 cây thuộc phân loại 3 (loại cổ thụ, cao trên 12m, đường kính từ 0,5m trở lên) thuộc các loài dầu, sao đen, sọ khỉ, lim sét, me tây… phân bố nhiều ở các quận trung tâm 1, 3, 5, 10, 11.

Số vụ cây gãy, đổ tăng

Theo Sở GTVT, tuy có tác dụng tạo bóng mát và cảnh quan đô thị nhưng những cây xanh loại cổ thụ phần lớn già cỗi nên tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ khi có mưa bão, nhất là trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay.

Số liệu thống kê cho thấy mấy năm qua số vụ cây gãy, đổ có tăng lên. Năm 2013 cả TP xảy ra 158 vụ cây gãy, đổ. Hai năm sau đó mỗi năm có gần 200 vụ và 10 tháng đầu năm 2016 số vụ cây ngã, đổ đã vọt lên 216 vụ, chưa kể gần 600 vụ cây gãy nhánh, cành.

Thiệt hại về người và tài sản từ các sự cố do cây xanh ngã, đổ cũng tăng theo từng năm. Nếu năm 2013 các vụ cây ngã chỉ làm bị thương 2 người thì năm 2014 đã có 1 người chết và 10 người bị thương; năm 2015 có 1 người chết và 12 người bị thương.

Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2016, đã có tới 2 người thiệt mạng và 9 người bị thương do các vụ cây ngã, đổ.

Đáng lưu ý là các vụ cây xanh ngã, gãy, đổ xảy ra tập trung ở các quận trung tâm TP và nhiều nhất là khu vực quận 1 với hơn 100 vụ (từ năm 2013 đến tháng 10-2016).

Ông Nguyễn Khắc Dũng – trưởng phòng quản lý cây xanh, Sở GTVT – cho biết tác động của biến đổi khí hậu, mưa to kèm dông lốc cục bộ khiến tình trạng cây xanh gãy, đổ ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, nhiều nhà cao tầng mọc lên làm thay đổi hướng gió, tạo hiệu ứng đường hầm (gió luồn theo khoảng không giữa các tòa nhà) khiến cây xanh dễ bị gãy cành, tét nhánh. Một số loài cây có rễ ăn ngang như sọ khỉ, phượng vĩ không còn phù hợp với không gian hẹp ở đô thị.

Mặt khác, theo Sở GTVT, việc cây xanh gãy, đổ còn có nguyên nhân chủ quan do công tác quy hoạch hạ tầng chưa đồng bộ, việc thi công các công trình trên vỉa hè khiến hệ thống rễ của cây bị xâm hại, không đủ sức trụ khi có gió lớn.

Cây xanh đô thị cũng cần “nghỉ hưu”
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Cây tới tuổi 
phải thay thế

Ông Nguyễn Du Sanh – Trường đại học KHTN TP.HCM – cho rằng cây xanh có thể sống rất lâu trong môi trường rừng tự nhiên, nhưng khi trồng trong đô thị thì hoàn toàn khác.

“Cây xanh được trồng trong đô thị để lấy bóng mát và tạo cảnh quan, tức là để phục vụ nhu cầu của con người, nên cũng cần phải cho nó “nghỉ hưu”.

Cần phải xác định thời gian phục vụ của từng loại cây ở đô thị là bao nhiêu năm thì phải thay thế, trồng lại cây mới chứ không phải đợi cho tới chết thì thôi” – ông Sanh đề nghị.

Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm – Hiệp hội Công viên cây xanh VN, nguyên cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM – kiến nghị thành lập một hội đồng thẩm định để đưa ra danh mục cây xanh cần bảo tồn (theo từng cá thể, quần thể, tuyến đường) và có cơ chế chăm sóc đặc biệt.

Ngoài ra cần triển khai nghiên cứu tuổi của cây xanh đô thị để xác định thời kỳ cây xanh phát huy tốt nhất vai trò của nó đối với môi trường.

Khi cây xanh qua thời kỳ phục vụ tốt nhất thì phải thay thế, không nên để cho già cỗi, khi gặp mưa gió là gây ra tai nạn.

“Mỗi ngày vài vụ tai nạn giao thông ai cũng thấy bình thường, nhưng khi một nhánh cây gãy, một cây ngã làm hư xe, chết người là cả xã hội lên tiếng. Chết do cây gãy, cây ngã là những cái chết từ trên trời rơi xuống nhưng có thể đề phòng được. Đừng để có thêm những cái chết từ trên trời rơi xuống như thế!” – ông Kiểm nói.

Kỹ sư Hà Ngọc Trường – Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM – đề nghị TP nên có đề án nghiên cứu việc di dời cây xanh tại các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó cần xác định cây nào cần di dời, bứng dưỡng, cây nào không còn phù hợp phải đốn bỏ.

“Phải làm việc khoa học và công bố cho người dân giám sát. Vừa rồi mới chặt 16 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng thì người dân đã phản đối, trong khi không ai giải thích cho người dân hiểu rằng những cây sọ khỉ này không còn phù hợp với môi trường đô thị nữa” – ông Trường nói.

Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho hay sở sẽ đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu xác định tuổi cây xanh đô thị cũng như nghiên cứu tổng thể về hệ thống cây xanh đô thị của TP để chủ động có phương án thay thế những cây già cỗi, hư mục và những cây không còn phù hợp với điều kiện đô thị.

Quản lý cây xanh qua điện thoại thông minh

Tại hội thảo, PGS.TS Viên Ngọc Nam – khoa lâm nghiệp Trường đại học Nông lâm TP.HCM – đã giới thiệu chương trình quản lý cây xanh bằng ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám và điện thoại thông minh (smart phone).

Theo đó, vị trí từng cây xanh được định vị GPS và tích hợp trên nền ảnh viễn thám với các phần mềm miễn phí Google Earth và Locus Map có trong điện thoại thông minh. Mỗi cây được gắn ảnh và thẻ thông tin với đủ các chỉ số như tên, loài, mã số, ngày trồng, chiều cao, đường kính…

Tất cả hình ảnh, dữ liệu này được chia sẻ qua điện thoại thông minh tới cán bộ quản lý, nhân viên kỹ thuật, công nhân cây xanh hoặc bất cứ ai có nhu cầu để phục vụ việc giám sát, quản lý cây xanh.

Ông Viên Ngọc Nam cho hay phương pháp này hiện đã được ứng dụng để quản lý cây xanh tại Trường đại học Nông lâm và trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, 
TP.HCM.

NGUYỄN TRIỀU