Cô giáo nghiệp dư dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò
Thương học trò miền núi ít có điều kiện tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, một cô gái trẻ đang làm quản lý tại một siêu thị điện thoại ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) mở một lớp dạy tiếng Anh miễn phí.
Cô giáo nghiệp dư dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò
Thương học trò miền núi ít có điều kiện tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, một cô gái trẻ đang làm quản lý tại một siêu thị điện thoại ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) mở một lớp dạy tiếng Anh miễn phí.
Cô giáo nghiệp dư Nguyễn Thị Nhi (đứng giữa) trong giờ dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo tại xã Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) – Ảnh: Đ.NGHĨA |
Lớp học hoạt động được một năm trong niềm vui của cả học sinh, phụ huynh và chính cô giáo nghiệp dư này.
Lớp học được tổ chức ngay tại phòng khách của ngôi nhà nằm khuất sau con ngõ ở thôn Tân Hữu, xã Tân Liên (huyện Hướng Hoá). Đó chính là ngôi nhà của cô giáo Nguyễn Thị Nhi.
18g là thời gian cô Nhi đi làm về và cũng là lúc bắt đầu vào lớp. Nói là lớp học nhưng khá đơn sơ. Gian phòng khách chật chội chỉ đủ cho cô trò kê một dãy bàn dài để học sinh ngồi chính giữa, chừa một góc cô giáo đứng giảng.
Tấm bảng được gắn vào vách tường cũng là đồ cô Nhi đi mượn. Thế thôi, nhưng cô và trò đều rất nghiêm túc khi bắt đầu giờ vào lớp.
Mở đầu là việc kiểm tra bài cũ như mọi ngày. Nhưng cách cô Nhi kiểm tra bài không như trên lớp học bình thường, mà biến thành cuộc trò chuyện giữa một nhóm học sinh bằng tiếng Anh trên bảng.
Cách này, theo cô Nhi, vừa để học sinh tự kiểm tra bài của nhau, vừa nhớ từ vựng và luyện cho mỗi bạn kỹ năng nói và sự tự tin khi giao tiếp. Một học sinh quên từ hoặc phát âm sai là ngay lập tức được cô giáo chỉnh sửa ngay.
Nội dung mỗi buổi dạy của cô Nhi cũng hướng đến việc trò chuyện bằng tiếng Anh giữa học sinh với nhau. Cuối mỗi tháng, cô Nhi thường tổ chức một cuộc thi vấn đáp giữa học sinh với nhau bằng tiếng Anh. Phần thưởng là một gói kẹo, cây bút, quyển vở. Đơn giản thế thôi nhưng học sinh của cô Nhi hứng thú lắm.
“Với tiếng Anh, nhất là ở các vùng miền núi như Hướng Hóa quê mình, hạn chế nhất là việc học sinh không được giao tiếp với nhau nên học đó rồi quên đó. Do vậy, việc tổ chức lớp học này như tạo thêm môi trường để các em được thường xuyên giao tiếp tiếng Anh” – Nhi nói.
Nhi kể lớp mới hình thành được khoảng một năm nay. Mỗi tuần luôn duy trì bốn buổi. Mỗi buổi tối khoảng hai tiếng sau khi Nhi tan giờ làm về. Từ ngày mở lớp, cùng với việc quản lý tại siêu thị điện thoại khiến Nhi vất vả hơn.
“Nhiều bữa cũng mệt lắm, không kịp ăn. Nhưng thấy các em đến đông đủ, mình như có thêm động lực. Nhất là những hôm mưa gió, phụ huynh vẫn đội mưa chở con em đến gửi” – Nhi cho biết.
Vùng quê Tân Liên người dân chủ yếu làm ruộng. Không có nhiều gia đình đủ điều kiện cho con cái đi học thêm chứ chưa nói đến việc học tiếng Anh. Nên khi nghe có lớp tiếng Anh miễn phí, nhiều phụ huynh mừng lắm.
Ông Dương Lực (50 tuổi, ở thôn Vân Hòa, xã Tân Liên), phụ huynh một học sinh đang theo học ở lớp, khoe: “Trước đây tui có dám nghĩ tới việc cho con đi học thêm học bớt chi mô. Học mỗi môn một tháng cũng mất mấy trăm ngàn đồng. May thay có cô Nhi mở lớp miễn phí. Mới theo có mấy tháng mà con tui tiến bộ lên nhiều đó”.
Khi bắt đầu, lớp được tổ chức tại một phòng trọ chưa có người thuê của bố mẹ Nhi. Khoảng bốn, năm tháng sau, học sinh nhiều lên nên căn phòng trọ không đủ chỗ. Nhi xin phép bố mẹ dùng gian phòng khách của gia đình thành lớp học.
Nhiều phụ huynh thắc mắc sao thấy lớp học rất ồn ào, vui nhộn, Nhi cho rằng với môn tiếng Anh phải vừa học, vừa chơi mới tạo được sự hứng thú, phấn khởi cho học sinh, giúp các bạn nhỏ tiếp thu dễ dàng.
Anh Nguyễn Minh Tâm (bí thư Huyện đoàn Hướng Hoá) nói: “Đối với huyện biên giới như Hướng Hoá, việc mở được một lớp học miễn phí đã khó chứ chưa nói đến đó là một lớp ngoại ngữ. Nhưng Nhi đã làm được và làm rất tốt. Học sinh và phụ huynh nghèo ở Tân Liên cảm ơn bạn nhiều lắm”.
Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh quốc tế Trường đại học Duy Tân Đà Nẵng giữa năm 2014, với vốn tiếng Anh khá tốt, Nhi được nhận vào làm việc tại một công ty tại Đà Nẵng với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Được một năm rưỡi, Nhi quyết định về quê để gần gia đình. Về quê, thấy được những hạn chế của học sinh nơi đây nên Nhi quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí. Mong ước của Nhi là xây được một gian phòng rộng hơn để mở rộng quy mô lớp học, giúp càng nhiều học sinh tiếp cận càng tốt. |