23/01/2025

Lội bộ 30km với kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn

Không chỉ đơn thuần là bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc, các kiểm lâm tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn còn có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết các loài động vật, nghiên cứu về thực vật để bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên.

 

Lội bộ 30km với kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn

Không chỉ đơn thuần là bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc, các kiểm lâm tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn còn có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết các loài động vật, nghiên cứu về thực vật để bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên.

 

 

 

Lội bộ 30km với kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn
Kiểm lâm tại Vườn quốc gia Yok Đôn – Ảnh: T.Thịnh

Ông Trần Đức Phương, phó giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), đã khẳng định như vậy trước khi dẫn chúng tôi bắt đầu một chuyến hành trình trải nghiệm… một ngày làm kiểm lâm.

Mỗi kiểm lâm là 
một nhà nghiên cứu

14g, với một bộ quần áo kiểm lâm, balô đựng đồ ăn, thức uống và chiếc võng quân dụng đựng trong túi xách, chúng tôi leo lên xe đạp bắt đầu di chuyển vào rừng theo sự hướng dẫn của ba cán bộ kiểm lâm. Hai bên con đường vào VQG Yok Đôn chủ yếu là rừng khộp thưa cây, lá rộng. Đây cũng là VQG được công nhận duy nhất ở VN bảo tồn loại rừng khộp đặc biệt này với diện tích 145.540ha (cả nước có 150.000ha).

Sau hơn 2km đi tuần tra bằng xe đạp, địa điểm chúng tôi dừng chân đầu tiên là chốt trạm kiểm lâm số 2 được xây lên ngay sát bờ sông Sêrêpốk. Tạm cất xe đạp tại chốt, tất cả mọi người được chỉ định không đi theo đường mòn mà bắt đầu “cắt rừng” đi bộ tuần tra. Điều đầu tiên chúng tôi phát hiện là những dấu vết của loài lợn rừng ủi đất kiếm ăn.

Lấy cuốn sổ tuần tra vừa ghi chép, anh Phạm Đức Huy – đội phó đội cơ động PCCC rừng, người đi cùng chúng tôi – cho biết những hố ủi to và rộng như thế này chứng tỏ con lợn rừng khá lớn. Có dấu vết cũ, dấu mới cho thấy quanh khu vực này có khá nhiều lợn rừng. Theo anh Huy, mỗi kiểm lâm còn được trang bị một smartphone để khi gặp dấu vết di chuyển của các loài voi, lợn rừng, bò tót… có thể lập tức định vị tọa độ và truyền về máy chủ 
tạo cơ sở dữ liệu.

Do voi là đặc trưng của VQG Yok Đôn và là hình ảnh của Tây nguyên, nên công tác tìm kiếm và bảo tồn được chú trọng hơn cả. “Nhiệm vụ của chúng tôi còn là theo dõi hướng di chuyển, tần suất xuất hiện. Từ đó sẽ tạo nguồn nước, thức ăn để kéo động vật về với rừng, kết hợp cảnh báo từ xa khoanh vùng” – anh Huy chia sẻ.

Tiếp tục tiến sâu vào trong rừng, những cây le rậm rạp cao quá đầu người che hết cả lối đi. Vượt qua những con dốc cheo leo, chúng tôi tiến gần tới một con suối nhỏ. Tây nguyên đang mùa mưa nên lượng nước tại các con suối khá dồi dào. Nơi đây có khá nhiều cây lộc vừng (hay còn gọi là lộc mưng), loài cây chỉ nở hoa khi sống ven bờ nước. Các cán bộ kiểm lâm cho biết cứ mỗi dịp tháng hai âm lịch, hoa lộc vừng nở đỏ rực cả bờ suối và đặc biệt là hoa chỉ nở muộn, bắt đầu vào lúc xế chiều đến sáng hôm sau.

Trên đường di chuyển vào vùng lõi của rừng, chúng tôi bắt gặp vô số kể tổ ong mật. Theo anh Lương Hữu Phép – cán bộ kiểm lâm, đây là thời điểm ong quay về làm tổ để ong chúa đẻ trứng, sinh đàn, chuẩn bị quân số ong thợ cho mùa mật kế tiếp nên mật 
hầu như có rất ít.

Vùng lõi của VQG Yok Đôn có nhiều cây gỗ lớn quý hiếm đặc trưng của vườn như gỗ hương, cẩm lai… Ngoài việc bảo vệ, nhiệm vụ của các kiểm lâm còn phải nghiên cứu hệ sinh thái rừng. “Mỗi cán bộ kiểm lâm đều có cuốn nhật ký riêng, trong đó ghi lại diễn biến của hiện trạng rừng, thông tin quan sát được về các loài động thực vật trong chuyến tuần tra nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của 
vườn” – anh Phép nói.

Chuyến tuần tra đêm

Trời bắt đầu tối dần. Những cơn mưa rừng rả rích xuyên qua tán lá ngấm vào chiếc balô khiến mỗi bước chân thêm nặng nề hơn. Sau một quãng thời gian nghỉ ngơi ăn uống tại chốt kiểm lâm Đắk Lau, chúng tôi được trang bị thêm đèn đội đầu để đi tuần tra đêm. Sau khi đi khoảng 2km trên đường cái, đoàn bắt đầu “cắt rừng” đi sâu vào bên trong. Anh Huy, kiểm lâm dẫn đoàn, cho biết mỗi kiểm lâm đều được trang bị một la bàn để tránh bị lạc khi đi tuần tra.

“Vào ban đêm chúng tôi thường ít khi sử dụng đèn pin bởi dễ bị lộ. Khi nghe tiếng động hoặc máy cưa ở hướng nào, anh em tự mò mẫm di chuyển theo hướng đó. Có những trường hợp khẩn cấp không kịp mang theo la bàn có khi lạc giữa rừng, chúng tôi chỉ còn cách men theo bờ suối 
để trở ra” – anh Huy kể.

Trời tối đen như mực. Xung quanh không gian im ắng nên có thể nghe cả tiếng ếch nhái, côn trùng kêu, muỗi bay vo ve rõ mồn một. Bất ngờ có tiếng xe máy từ xa, nghi có người xâm phạm rừng trái phép, anh Huy yêu cầu chúng tôi tắt đèn và mật phục ở bụi cây. Sau 20 phút chờ đợi không thấy xe máy xuất hiện và âm thanh máy nổ cũng nhỏ dần rồi biến mất, các cán bộ kiểm lâm nhận định xe đã di chuyển theo hướng vào buôn Drang Phok và lập tức thông báo cho đội tuần 
tra ở khu vực đó.

Tiếp tục chuyến tuần tra, chúng tôi tò mò khi nhìn thấy những đàn trâu được giăng lưới nhốt vào, hay vài ba thửa ruộng trồng ngay giữa rừng. Anh Quỳnh – kiểm lâm viên trong đoàn – giải thích rằng đây là đàn trâu và lúa của người dân buôn Drang Phok (có từ lâu đời ngay giữa VQG Yok Đôn) được cho phép chăn thả và trồng trọt ở một vài địa điểm không 
nhạy cảm.

Giơ chân cao, lách người qua một bụi cây rậm rạp, anh Quỳnh chia sẻ rằng đi rừng rắn, rết rất nhiều nên đôi giày là thứ cực kỳ quan trọng, dù ướt hay rác cỡ nào cũng không được tháo ra. Thấy chúng tôi đã mệt nhoài khi đi bộ hơn 15km đường rừng, người chỉ huy cho cả đoàn nghỉ ngơi và dạy cách mắc võng. Chiếc võng to hơn bình thường được phủ mền bên trong trông giống như 
một tổ kén khổng lồ.

Anh Huy cho biết các chuyến tuần tra tại đây thường là 3-4 ngày, có khi cả tuần. “Khi có thông báo địa điểm có khả năng xuất hiện lâm tặc vào ban đêm, anh em thường mắc võng để mật phục. Có khi thức trắng đêm, muỗi đốt cũng không dám đập vì khi có mùi máu chúng càng tới nhiều hơn. 80% kiểm lâm tại vườn đều từng bị sốt rét” – anh Huy nói.

Cũng theo anh Huy, khí hậu hai mùa cũng khiến việc tuần tra trong rừng gặp nhiều khó khăn. Mùa khô thì thiếu nước uống, mùa mưa thì nước lớn tràn về khiến việc di chuyển qua các con suối vất vả hơn. 11g đêm. Về khuya, trời càng lạnh. Chúng tôi quay lại chốt kiểm lâm Đắk Lau nghỉ ngơi và đi bộ trở về vào sáng hôm sau. Trở về sau quãng đường hơn 30km đi bộ, anh Huy nhìn chúng tôi cười nói: “Đây mới chỉ là 1/1.000 thứ mà các bạn vừa trải nghiệm về nghề kiểm lâm”.

Lội bộ 30km với kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn
Du khách tham gia tour du lịch cưỡi voi khám phá Vườn quốc gia Yok Đôn – Ảnh: TRẦN ĐỨC PHƯƠNG

Đi tour để nghĩ đúng về rừng

Ông Nguyễn Văn Long, giám đốc Trung tâm giáo dục MT&DV VQG Yok Đôn, cho biết hiện có những tour du lịch tại vườn như phượt đêm, học làm quản tượng, một ngày trong rừng… Những tour du lịch này không đặt nặng vấn đề thu phí mà mục đích chính là để mọi người, nhất là các bạn trẻ, trải nghiệm để yêu rừng hơn.

“Chúng tôi vừa đưa vào tour du lịch “stay home” để du khách ngoài việc khám phá ở rừng sẽ trải nghiệm việc cùng người dân trong buôn làm việc, ăn uống… Điều này vừa để người dân có thu nhập và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức để nhận ra rằng còn rừng thì con người còn tồn tại, đó mới là sống dựa vào rừng” – ông Long nói.

THÁI THỊNH