23/01/2025

Đi xây cầu cùng nữ chủ tịch xã

Nhiều lão nông xã Tân Phú (Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết chỉ cần chủ tịch xã 37 tuổi Phan Thị Loan hô một tiếng là hàng trăm người dân có mặt đông đủ bởi họ cảm phục việc làm của chị luôn vì cuộc sống của bà con.

 

Đi xây cầu cùng nữ chủ tịch xã

Nhiều lão nông xã Tân Phú (Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết chỉ cần chủ tịch xã 37 tuổi Phan Thị Loan hô một tiếng là hàng trăm người dân có mặt đông đủ bởi họ cảm phục việc làm của chị luôn vì cuộc sống của bà con.

 

 

 

Đi xây cầu cùng nữ chủ tịch xã
Chị Loan, chủ tịch xã, tại công trường xây cầu Phú Thành – Ảnh: L.HỒNG

Mới 6g sáng, hàng chục người dân trong xã Tân Phú đã í ới gọi nhau đến bờ sông để khởi công xây dựng cầu Phú Thành.

Cây cầu này là ước mơ bao đời nay của người dân bởi nhánh sông Hậu xuyên qua đây đã chia cắt ba ấp Phú Thành, Phú Yên và Phú Long. Muốn qua sông phải lụy đò, không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn mất nhiều thời gian và biết bao hiểm nguy rình rập.

Vì cây cầu quá lớn, ngân sách địa phương không kham nổi nên cứ mãi nằm trong kế hoạch của chính quyền và trong sự chờ đợi mỏi mòn của người dân hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác.

Mỗi lần tới xã Tân Phú tôi đều cảm nhận được tình cảm yêu thương mà người dân dành cho chị Loan. Chị là một chủ tịch xã có năng lực chuyên môn tốt, đặc biệt là khả năng tập hợp, đoàn kết người dân và cán bộ, đảng viên ở địa phương. Không chỉ có trình độ, có uy tín mà chị Loan còn biết yêu thương, chăm lo người dân bằng những việc cụ thể thì mới được dân yêu thương như vậy

Ông LÊ TIẾN DŨNG (bí thư Huyện ủy Tam Bình, Vĩnh Long)

Rủ nhau đi xây cầu

Hôm nay là ngày trọng đại đối với người dân trong xã nên chị Loan muốn mọi thứ thật chu đáo, suôn sẻ khi làm lễ khởi công nên đến rất sớm.

“Cầu Phú Thành là cầu dài nhất, lớn nhất trong xã, có chiều dài tới 72m, rộng 3m. Do đặc thù địa hình khu vực này nên cầu được thiết kế hình cánh cung chứ không phải là cây cầu bình thường. Vì vậy công việc thi công không đơn giản. Do kinh phí có hạn nên người dân đề nghị để họ góp công, góp sức” – chị Loan nói.

7g. Ngoài công trường đã có khoảng 40 người đàn ông chia nhau vận chuyển cát, đá, bẻ sắt, trộn bêtông… Nhiều lão nông 70-80 tuổi cũng góp mặt đo đạc, định vị trụ cầu và chỉ bảo các nhóm thanh niên trực tiếp thi công.

Ở nhà một người dân gần đó, hơn chục phụ nữ vừa nấu cơm, nấu canh, kho thịt cá chuẩn bị bữa trưa cho thợ làm cầu. Có nhiều gia đình bỏ ruộng đồng nhà mình dắt nhau đi xây cầu. Người chồng miệt mài trộn hồ, bẻ sắt; còn người vợ tất bật lo cơm 
nước bên trong.

Mặt trời lên cao, mấy chị tiểu thương tranh thủ dọn hàng ở chợ rồi xách ký thịt heo, mấy con cá lóc tới. Bến sông Phú Thành hôm nay giống như một ngày hội. Tiếng nói cười rôm rả từ ngoài công trường cho đến nhà bếp.

Bà Võ Thị Trang (tiểu thương bán rau ở chợ Phú Thành) nói hôm nay khởi công xây cầu nên ai cũng nôn nao. Bà quyết định nghỉ bán một vài ngày để phụ nấu ăn cho thợ.

Bà cười thật tươi: “Cây cầu này làm xong thì ai cũng được hưởng lợi nên bỏ công việc nhà một vài ngày để góp tay vào làm là điều bình thường.

Hồi trước giờ hễ chị chủ tịch xã hô một tiếng là bà con có mặt liền. Làm đường, làm cầu gì bà con cũng tham gia nhiệt tình hết. Ai không tham gia thì mới là chuyện lạ. Mà tui thấy ở đây không có ai trốn tránh hết”.

Bà Ngô Kim Tâm tiếp lời: “Thấy thương chị chủ tịch xã lắm. Mấy năm nay chị cứ đi chỗ này, chỗ kia xin tài trợ làm đường, làm cầu, làm nhà cho dân. Mà xin tiền người ta đâu có dễ. Có người cho, người không.

Hôm trước họp dân chị chủ tịch công bố chi phí xây cầu Phú Thành khoảng 1,5 tỉ đồng nhưng vận động không đủ. Thế là bà con quyết định góp thêm vào, người khá góp nhiều, người nghèo góp ít theo khả năng. Chỉ mấy ngày sau thì nghe nói chuẩn bị khởi công làm 
cầu để tết có mà đi”.

Một điều lạ nữa là mặc dù đã đóng góp tiền, nhưng rất nhiều người dân vẫn tình nguyện đăng ký tham gia làm cầu chừng nào xong thì thôi.

Điều họ quan tâm nhất là làm cầu cho nhanh với chất lượng tốt nhất để bà con trong xã đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản được thuận tiện. Thương lái không còn viện cớ sông rạch cách trở mà ép giá nữa.

Ông Bùi Dân Rọt, năm nay đã 77 tuổi, nhưng vẫn nhiệt tình có mặt phụ giúp nhóm thanh niên xây cầu.

Ông nhẩm tính: “Trung bình bà con ở đây mỗi ngày phải qua lại ít nhất hai chuyến đò, mất hết 8.000 đồng. Vị chi cả năm mỗi người tốn hơn 3 triệu đồng tiền đò. Những lúc có người đau bệnh đêm hôm mà kêu đò cũng trầy vi, tróc vảy.

Bây giờ mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng làm cầu thì lợi quá còn gì. Chừng hơn tháng nữa bà con muốn đi đâu, bất cứ lúc nào cũng được, khỏi lụy đò nữa”.

Hôm nay thứ bảy, UBND xã không làm việc nên chị Phan Thị Loan trực chiến tại công trường làm cầu Phú Thành.

Mới thấy chị gọi điện nhắc cửa hàng vật liệu xây dựng chở sắt thép, cát, đá, chớp mắt đã ngồi trong bếp phụ các chị phụ nữ nấu cơm trưa. Lát sau lại chạy ra công trường trò chuyện, hỏi thăm, động viên mọi người đang miệt mài dưới cái nắng như thiêu đốt.

Chị Loan kể mặc dù cầu chỉ mới khởi công nhưng sáng giờ bà con cứ bàn bạc kế hoạch làm gì sau khi cầu làm xong. Người thì nói sẽ cho con đi học tiếng Anh buổi tối ngoài thị xã. Một chị mới lập gia đình nói lỡ mai mốt chuyển dạ nửa đêm thì đi bệnh viện kịp, không sợ đẻ dọc đường.

Bản thân chị cũng mong sớm được nhìn thấy hình ảnh cây cầu hình cánh cung lạ mắt hoàn thành, nối đôi bờ một nhánh sông Hậu xưa 
nay phải luỵ đò.

Những lão nông ở đây cho biết có tới mấy trăm người đăng ký tham gia làm cầu nhưng mọi người thống nhất chia nhau, mỗi ngày chỉ cần 30-40 người. Thấy khí thế vậy nên chị Loan quả quyết cây cầu này sẽ được khánh thành trước Tết Đinh Dậu 2017 vì bà con đồng lòng góp công, 
góp sức làm.

Đi xây cầu cùng nữ chủ tịch xã
Người dân trong xã cùng góp công sức vận chuyển vật liệu để xây cầu Phú Thành – Ảnh: L.HỒNG

Trách nhiệm với dân

Nhiều lão nông khi trò chuyện với chúng tôi tiết lộ trong bảy năm chị Loan làm chủ tịch xã Tân Phú, họ chưa một lần nghe ai than phiền về chị. Những điều mà họ nghe nhiều nhất chính là lời động viên, sự chia sẻ với người dân khi họ đi lại khó khăn vì phải lụy đò.

“Phí qua đò 4.000 đồng/lượt. Số tiền này không là gì với người giàu, nhưng là quá lớn với người nghèo. Lâu ngày dài tháng, số tiền ấy không hề nhỏ. Đáng lo nhất là loại phương tiện giao thông này không hề an toàn, đặc biệt là với trẻ em, người già” – chị Loan nói.

Muốn làm cầu cho dân đi nhưng kinh phí địa phương rất hạn hẹp, mà ở xã Tân Phú không phải cần một mà đến ba cây cầu như vậy. Tiền đâu ra? Đợi tỉnh cấp kinh phí thì lâu quá nên chị quyết định tự mình đi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ.

Chị Loan kể: “Tôi nhờ bạn bè giới thiệu hoặc vận động quyên góp từ những người quen biết trước đây. Đầu tiên chỉ xin ít tiền để làm các cây cầu nhỏ. Người ta thấy mình làm được, có hiệu quả nên về sau họ đều ủng hộ mỗi khi tôi mở lời”.

Để tiết kiệm chi phí tối đa, chị Loan nhờ bạn bè là kỹ sư nhiều kinh nghiệm ở TP Cần Thơ thiết kế, lập dự toán… miễn phí.

Xong, chị tìm những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực xây dựng trong xã nhờ đứng ra chỉ huy quá trình thi công. Còn nhân công làm cầu miễn phí thì nhiều đến nỗi phải năn nỉ mọi người sắp xếp thay phiên nhau.

Hai cây cầu đã hoàn thành trước đó là cầu Đầu Kinh dài 68m với kinh phí 900 triệu đồng và cây cầu gần Trường tiểu học Tô Hùng Vĩ dài 60m, chi phí trên 520 triệu đồng.

Riêng cầu Phú Thành khá lớn, ước tính kinh phí phải hơn 1,5 tỉ đồng nhưng tiền vận động và bà con đóng góp vẫn chưa đủ. Vì quá sốt ruột nên chị Loan quyết định khởi công chứ không chờ xin đủ tiền. Trong quá trình làm thì đi vận động tiếp.

Hỏi làm sao xoay trở được số tiền hơn trăm triệu còn thiếu, chị Loan cười: “Tôi quyết tâm phải làm xong cây cầu này trước tết cho bà con đi. Lo xong lễ khởi công thì tôi sẽ chạy đi xin. Chỗ này không có thì tìm chỗ khác. Xin 
tiền lo cho dân, có gì mà xấu hổ”.

Chỉ trong hai năm gần đây chị Phan Thị Loan đã quyên góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng 20 căn nhà cho người nghèo (trị giá 32 triệu đồng/căn).

Mặc dù Tân Phú không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Tam Bình, nhưng chị Loan cùng với Đảng ủy và tập thể cán bộ, viên chức xã Tân Phú đã tập trung thực hiện đạt hầu hết các chỉ tiêu khó như: môi trường, giao thông… để năm 2017 được công nhận là xã nông thôn mới.

Ngoài ba cây cầu, trong thời gian qua chị Loan còn vận động bêtông hóa khoảng 60km đường giao thông nông thôn để người dân đi lại dễ dàng.

LĨNH HỒNG