23/12/2024

Nga khởi động dự án mới thăm dò sao Kim

Tàu vũ trụ đầu tiên trong một dự án hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ sẽ bắt đầu lên đường thăm dò sao Kim (Venus) – hành tinh gần mặt trời nhất trong Thái Dương hệ, vào năm 2026. Vậy, các nhà khoa học hy vọng tìm thấy gì trên hành tinh nóng nhất trong hệ mặt trời?

 

Nga khởi động dự án mới thăm dò sao Kim

 

Tàu vũ trụ đầu tiên trong một dự án hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ sẽ bắt đầu lên đường thăm dò sao Kim (Venus) – hành tinh gần mặt trời nhất trong Thái Dương hệ, vào năm 2026. Vậy, các nhà khoa học hy vọng tìm thấy gì trên hành tinh nóng nhất trong hệ mặt trời?

 

 

 

Sao Kim (Nguồn: ESA)

Venera-D – dự án không gian mới của nước Nga, vừa được khởi động nhằm chuẩn bị cho một cuộc hành trình đến sao Kim (Venus) trong năm 2026. Venera trong tiếng Nga nghĩa là Venus.

Trong những năm 1961-1984, Liên bang Xô-viết đã từng phóng các tàu thăm dò không người lái đến sao Kim. Một tàu trong số đó đã thả thiết bị khảo sát xuống hành tinh thứ hai trong hệ mặt trời hồi tháng 12/1970. Trong thực tế, đó là lần đầu tiên loài người đã thả thiết bị thăm dò xuống bề mặt một hành tinh khác.

Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) và NASA đang thảo luận về việc hợp tác trong dự án Venera-D, nhằm hạ một tàu thăm dò không gian xuống bề mặt của sao Kim và sẽ tiến hành nghiên cứu nhiều ngày tại đó trước khi con tàu bị nhiệt độ cao phá hủy.

Cái nóng tột độ

Do nhiệt độ cực cao trên sao Kim, khoang chứa thiết bị thăm dò được tàu vũ trụ Liên Xô thả xuống hồi tháng 12/1970 đã chỉ tồn tại được trong khoảng hai giờ đồng hồ trên bề mặt của hành tinh này.

Sứ mạng thăm dò không gian mới do Nga phác thảo, kỳ vọng rằng năm 2026, sẽ thiết lập một kỷ lục về thời gian tồn tại trên bề mặt sao Kim. Các nhà khoa học Nga cho biết E.U, Mỹ và Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm tham gia. Các chương trình toàn diện để khám phá Venus cũng bao việc phóng các thiết bị thăm dò khí quyển và cả một tàu thăm dò bay theo quỹ đạo quanh sao Kim.

“Nghiên cứu này có một yếu tố kinh tế trong dài hạn, bởi vì cho số lượng lớn các tài nguyên thiên nhiên mà hiện nay con người tiêu thụ, chúng ta sẽ sớm rơi vào tình trạng thiếu hụt tài nguyên” – ông Alexander Zheleznyakov, viện sĩ của  Viện Hàn lâm Vũ trụ Nga, nói. “Tài nguyên khoáng sản từ các hành tinh khác sẽ rất quan trọng cho tương lai của nhân loại”.

Không hy vọng có sự sống

Không giống như sao Hoả- nơi mà nước đã được phát hiện, sao Kim không cho nhân loại bất kỳ hy vọng có sự sống nào, nó là một sa mạc tàn bạo. Nhỏ hơn trái đất một chút, và nhiệt độ bề mặt có thể đạt 467 độ C trong bóng râm. Thực ra bề mặt sao Kim luôn luôn ở trong bóng râm vì có một lớp mây dày trong khí quyển, ánh sáng mặt trời không thể xuyên qua. Bầu khí quyền hầu hết là carbon dioxide (CO2chiếm đến hơn 96%) và ni-tơ chiếm khoảng 3,5% còn lại, và áp suất là 93 atmospheres – tương đương với áp suất ở nơi sâu nhất dưới đại dương trên trái đất, gió trên bề mặt có tốc độ khoảng 100 mét mỗi giây, trọng lực bằng khoảng 90% trọng lực trên trái đất.

“Dữ liệu về sao Kim do các nhà khoa học Liên Xô thu thập được thời 1970-1980 vẫn được sử dụng trên khắp thế giới” – Lev Zeleny – Phó chủ tịch của Viện hàn lâm khoa học Nga, cho biết. “Thông tin thu được nhờ bóng bay thời tiết của Liên Xô – thả bay trong bầu khí quyển ở độ cao  cách bề mặt sao Kim 50 – 55km – hiện nay vẫn là độc nhất”.

Thiết bị tiếp đất của tàu Venera-4 thời Liên Xô.(Nguồn: Nikolai Pashin / RIA Novosti)

Sự phát triển của khí hậu sao Kim diễn tiến theo sau một đường xoắn ốc thảm khốc: Nhiệt độ tăng dẫn đến sự bay hơi của đại dương nguyên thuỷ, từ đó dẫn đến một đám mây che phủ dày hơn, đám mây này đẩy nhiệt độ tăng cao hơn. Ngoài ra, sao Kim quay quanh trục của nó theo hướng ngược với trái đất.

Lần đầu tiên trên thế giới, trạm thăm dò của tàu Venera-7 do Liên Xô chế tạo đã hạ cánh mềm mại xuống sao Kim vào tháng 8/1970. Năm năm sau, một tàu vũ trụ Liên Xô khác – Venera-9 – đã truyền những hình ảnh đầu tiên từ bề mặt của hành tinh này về trái đất. Năm 1982, Venera-13 gửi về hình ảnh màu toàn cảnh của Venus cũng như các đoạn ghi âm.

Sơ đồ cấu tạo và một số đặc điểm của sao Kim theo dự đoán của các nhà khoa học (Nguồn: space.com)

Triển vọng hợp tác

Theo viện sĩ Zeleny, nước Nga đã thành lập một nhóm làm việc chung để lặp lại thành tích của các nhà khoa học và kỹ sư Xô-viết lập năm 1985: Tàu vũ trụ Vega-2 hạ cánh xuống trên bề mặt sao Kim. Con tàu đó sẽ được sử dụng như một nguyên mẫu cho dự án Venera-D.

“Nga muốn mời các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Hoa Kỳ, tham gia vào những cuộc thám hiểm này” – ông Zheleznyakov nói – “Nếu có đủ kinh phí, các nhà khoa học của chúng tôi có thể xây dựng các tàu vũ trụ và tất cả mọi thứ cần thiết để thăm dò sao Kim trong 10 năm tới. Người Mỹ, tất nhiên, đã có những tiến bộ rất tốt trong lĩnh vực này và có thể làm điều đó trong 5 – 6 năm”.

Ảnh chụp bề mặt của sao Kim (màu trong ảnh không đúng với màu thật) (Nguồn: NASA)

Ông Zheleznyakov tin rằng hợp tác giữa Roscosmos của Nga và NASA của Hoa Kỳ sẽ có hiệu quả và có lợi ích cho cả hai bên. Các nhà khoa học Nga có thể làm các công việc liên quan đến việc thành lập một trung tâm nghiên cứu di động trên tàu vũ trụ, trong khi người Mỹ có thể đảm bảo độ bền của tàu vũ trụ kể từ khi họ đã tạo ra vật liệu có thể chịu được môi trường khốc liệt ở các hành tinh khác.

 

Đỗ Đức (Theo Aram Ter-Gazaryan viết riêng cho RBTH )