23/12/2024

Xung đột giới tính và sự tiến hoá

Các nhà nghiên cứu phát hiện sau khi bị các đối tượng cá đực liên tục “tập kích” để duy trì nòi giống, não cá cái có thể phát triển to hơn.

 

Xung đột giới tính và sự tiến hoá

Các nhà nghiên cứu phát hiện sau khi bị các đối tượng cá đực liên tục “tập kích” để duy trì nòi giống, não cá cái có thể phát triển to hơn.



 

Đặc điểm tiến hoá bất thường được phát hiện ở loài cá muỗi phương đôngẢNH: SHUTTERSTOCK

Quá trình chọn lọc tự nhiên có xu hướng chọn các biến dị gien hữu ích cho các cá nhân sở hữu gien đó. Kết quả là thế giới xung quanh chúng ta trở nên vô cùng phức tạp và đầy rối loạn, với đủ các động lực khác nhau tác động từ nhiều hướng, và có trường hợp chỉ diễn ra trong một giống loài cụ thể. Hậu quả tất yếu cho quá trình này chính là “xung đột giới tính”.
Đây là thuật ngữ do giới nghiên cứu sinh vật học sử dụng khi một giới phát triển tính năng mang lại lợi ích cho chính các cá nhân thuộc giới đó, trong khi tạo ra nhược điểm cho giới còn lại.
Xung đột giới tính là cách giải thích hiệu quả nhất đối với một số đặc điểm vô cùng kỳ quặc trong lĩnh vực sinh học sinh sản mà con người từng biết. Có thể kể đến “hung khí” khổng lồ và cong vẹo ở một số loài vịt hoặc rệp đực nhằm đục lỗ lên thành bụng của bạn tình trong nỗ lực đưa tinh trùng vào con cái.
Giờ đây, một báo cáo mới do các chuyên gia Thuỵ Điển và Úc hợp tác thực hiện đã tiết lộ một thực tế đầy bất ngờ. Đó là trong một vài giống loài, cuộc xung đột giữa hai giới còn có thể gây ra những kết quả đáng ngạc nhiên hơn thế. Cụ thể, để tránh cá đực tấn công, não của cá cái có thể phát triển to hơn bình thường, theo trang tin Live Science.
Vào năm 2010, nhà nghiên cứu Nhật Bản Michio Kondoh công bố báo cáo cho thấy sự tiến hóa về kích thước não bộ có thể phụ thuộc vào quá trình xung đột giữa kẻ săn mồi và con mồi. Rõ ràng là hoạt động tránh thoát kẻ thù và làm sao săn được con mồi đều cần đến năng lực não bộ.
Thế nhưng, gần đây nhóm khoa học gia do chuyên gia Séverine Buechel của Đại học Stockholm dẫn đầu đã cung cấp chứng cứ mới cho thấy cuộc rượt đuổi mang màu sắc ái tình giữa cá đực và cá cái cũng tạo ra kết quả tương tự. Để kiểm tra lập luận trên, họ triển khai cuộc thí nghiệm trên loài cá gọi là cá muỗi phương đông, thường sinh sống ở miền nam nước Mỹ. Con đực của loài này khét tiếng là hết sức thô lỗ trong chuyện tìm kiếm hậu duệ.
Không giống như nhiều loài cá khác, cá muỗi phương đông sinh sản bằng cách thụ tinh trứng bên trong cơ thể con cái. Thế nhưng thay vì dụ dỗ bạn tình đồng ý, cá đực dùng chiêu tấn công trực tiếp: nhào đến cưỡng bức. Trên thực tế, hành vi này hoàn toàn không tốt cho cá cái vì chúng liên tục đối mặt với nguy cơ bị tấn công tình dục.
Sau quá trình quan sát, các chuyên gia phát hiện trong môi trường có nhiều con đực sở hữu vây giao cấu dài hơn bình thường, trọng lượng não của cá cái nặng hơn khoảng 6% so với nhóm sống chung với cá đực vây ngắn hơn. Điều này cho thấy cuộc xung đột giới tính có thể kích thích não phát triển.

 

Phi Yến