24/12/2024

Nước mặn xâm nhập sông Tiền

Những ngày qua nước mặn bất ngờ xâm nhập vào sông Tiền, cách cửa biển tới hơn 20km. Tỉnh Tiền Giang đã cảnh báo xâm nhập mặn và tạm đóng các cống lấy nước ở những nơi mặn trên 2g/lít.

 

Nước mặn xâm nhập sông Tiền

Những ngày qua nước mặn bất ngờ xâm nhập vào sông Tiền, cách cửa biển tới hơn 20km. Tỉnh Tiền Giang đã cảnh báo xâm nhập mặn và tạm đóng các cống lấy nước ở những nơi mặn trên 2g/lít.

 

 

 

Nước mặn xâm nhập sông Tiền
Kiểm tra tình hình xâm nhập mặn ven sông Tiền. Ảnh: V. Tr

Các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp… cũng đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó. Mặc dù năm nay nước lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu cao hơn năm trước nhưng xâm nhập mặn vẫn đến sớm và khô hạn dự báo sẽ rất khốc liệt.

Nước sông Tiền 
đã mặn chát

Ngày 13-11, đoàn công tác do ông Nguyễn Thiện Pháp (chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang) tổ chức đi dọc sông Tiền kiểm tra tình hình xâm nhập mặn. Lấy nước ngẫu nhiên tại bến đò Rạch Vách thuộc xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây rồi kết nối với máy đo. Màn hình hiển thị con số 1,77g/lít. Bản đồ thể hiện vị trí này cách cửa biển 20,5km.

Ngược về phía biển, độ mặn cứ tăng dần lên. Có nơi lên tới hơn 6g/lít. Ông Pháp nói hơn một tuần qua độ mặn trên sông Tiền duy trì ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Mùa mưa sắp hết. Lũ đầu nguồn cũng rút. Gió chướng ngày càng mạnh. Tất cả những thông tin trên chứng tỏ nước mặn đã xâm nhập nội đồng thật sự chứ không phải do ảnh hưởng của triều cường.

Ngay cả những ngày nước kém, nước trên sông Tiền cách cửa biển 20km cũng đã có vị mặn rất rõ. Trong vài tuần qua cống Vàm Giồng đã phải đóng một số ngày do độ mặn vượt qua 2g/lít.

Ông Trần Hoàng Bá, giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi Tiền Giang, nói xâm nhập mặn năm nay rất đáng lo bởi vì nhiều nơi xuất hiện mặn sớm hơn năm trước từ 12-15 ngày. Một số thời điểm ghi nhận nước có độ mặn 1g/lít xuất hiện trên sông Vàm Cỏ cách cửa biển tới 33km. Sông này dẫn vào nội đồng tỉnh Long An nên tình hình xâm nhập mặn cũng đặt tỉnh này vào tình trạng báo động.

Tại Bến Tre bên kia sông Tiền, ngành nông nghiệp cũng đã ghi nhận nước mặn xuất hiện tại rạch Bình Trung, xã Định Trung, huyện Bình Đại hồi cuối tháng 10-2016 cách cửa biển hơn 10km. Một tỉnh chưa bao giờ bị nước mặn xâm nhập như Đồng Tháp cũng hối thúc nông dân thu hoạch xong phải tranh thủ xuống giống vụ đông xuân sớm ngay từ tháng 9, tháng 10-2016 để thu hoạch càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Thành Tài, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết năm nay nông dân vùng Đồng Tháp Mười xuống giống vụ đông xuân sớm hơn trước từ hai tuần đến một tháng để tránh thiệt hại do khô hạn hoặc xâm nhập mặn.

Do phát hiện nước mặn xâm nhập sớm nên tỉnh Tiền Giang đã triển khai nạo vét khẩn cấp tám tuyến kênh trục chính ở huyện Gò Công Đông với chiều dài gần 30km để trữ ngọt cho mùa khô. Cùng lúc này, bốn đập tạm bằng thép cỡ lớn trị giá 4 tỉ đồng cũng được gấp rút thi công tại huyện Cai Lậy để ngăn triều cường, vừa ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào “vương quốc” cây ăn trái đặc sản.

Ông Cao Văn Hoá, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các huyện ven biển chỉ sản xuất hai vụ lúa, bỏ bớt một vụ. Đã có 4.000ha bỏ hẳn một vụ lúa để xuống vụ đông xuân sớm hơn thông lệ hai tháng nhằm 
tránh mặn.

Nỗ lực lo nước uống 
cho dân

Ông Võ Thành Hạo, bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, cho biết tỉnh vừa phát động phong trào “Đồng Khởi trữ nước” với quyết tâm không để hộ dân nào ở Bến Tre thiếu nước ngọt sử dụng. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm cho dân hiểu rõ biến đổi khí hậu đã ở ngay bên thềm nhà mình; còn hạn, mặn đã trở thành chuyện thường ngày. Mỗi người phải chủ động thích nghi. Việc đầu tiên là phải tiết kiệm nước ngọt và luôn ý thức trữ nước bằng mọi cách có thể, thậm chí là trữ trong những túi nilông lớn để dùng khi cần thiết chứ không trông chờ Nhà nước.

Ông Cao Văn Trọng, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh rất cần vốn thực hiện hai dự án: đưa nước ngọt từ huyện Chợ Lách về cấp cho khu vực cù lao Minh và đê ngăn mặn dài hơn 40km qua ba huyện Bình Đại – Ba Tri – Thạnh Phú. “Chỉ khi nào thực hiện được hai công trình này thì tỉnh Bến Tre mới bớt lo xâm nhập mặn và khô hạn” – ông Trọng nói.

Tại Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo Công ty Cấp thoát nước khẩn trương kết nối các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các huyện phía đông với đường ống của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm để dân có nước ngọt sử dụng.

Phương án đắp đập tạm trên kênh Sáu Ầu – Xoài Hột và kênh Nguyễn Tấn Thành ở huyện Châu Thành để bảo vệ nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước này cũng được chuẩn bị. Khi nước mặn sắp vào tới thì sẽ đắp ngay lập tức.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã lập và đăng ký với Bộ KH-ĐT nguồn vốn trung hạn thực hiện hai dự án rất quan trọng gồm: ngăn sông Cửa Trung để tạo thành hồ chứa nước ngọt cho huyện cù lao Tân Phú Đông và dự án Thuộc Nhiêu – Mỹ Long ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng trồng cây ăn trái huyện Châu Thành.

Ông Lê Văn Hoàng – giám đốc Sở NN&PTNT Long An – cho biết sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí vốn để nạo vét khẩn cấp hơn 10 công trình thuỷ lợi trữ nước ngọt phục vụ cho các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức và TP Tân An.

Ngoài ra, tỉnh quyết định đắp 6 đập dọc theo quốc lộ 62 để ngăn nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây tràn vào nội đồng tỉnh Long An và Tiền Giang.

Nước mặn đến sớm, độ mặn cao

Ông Đặng Văn Dũng, phó giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, cho biết năm nay lượng mưa trung bình dù cao hơn năm 2015 nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Trong tháng 11 và 12-2016, trường gió đông bắc khống chế Biển Đông nên xâm nhập mặn đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất vùng hạ lưu sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào tháng 3-2017 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ độ mặn hồi mùa khô năm 2016. Tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 – 2017 sẽ diễn biến phức tạp, phụ thuộc rất lớn vào việc vận hành các hồ chứa trên khu vực thượng nguồn sông Mekong.

Còn theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương tại hội thảo “Xây dựng bản đồ vùng có nguy cơ lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và xác định cơ cấu thời vụ cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 17 và 18-11 vừa qua, dự báo mùa khô năm 2017 sẽ ít khốc liệt hơn năm 2016, nhưng nhiều khả năng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm.

Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016 – 2017 ở Nam bộ không gay gắt như năm trước nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương khuyến cáo các địa phương cần phải có kế hoạch chủ động phòng chống xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước trong thời gian tới.

V.Tr. – C.Quốc

Tăng cường không gian trữ nước 
ở kênh, ao hồ

Ông Nguyễn Thanh Nam, phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam (Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi), cho biết năm 2016 – 2017, Tổng cục Thuỷ lợi đã có chỉ đạo cơ quan chức năng các địa phương về việc sử dụng, trữ nước trong mùa khô. Do ĐBSCL không có nhiều hồ, đập như Đông Nam bộ, nên việc trữ nước là tận dụng các đoạn kênh, ao, hồ là chính. Theo ông Nam, hiện nay đã có một số quy hoạch trữ nước lớn cho tương lai như xây dựng hồ chứa ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau), trong khi tỉnh Long An thì đang tận dụng hơn 570 hồ, ao sâu 6-8m trong quá trình khai thác đất làm gạch… để trữ nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt. (CHÍ QUỐC)

VâN TRườNG