25/12/2024

Chuyện lạ khi nắng gay gắt dù chưa vào mùa nóng

Ở phía bắc đang vào cuối thu đầu đông còn Nam bộ đang vào giai đoạn chuyển mùa, đều không phải là thời điểm nắng nóng, nhưng trong những ngày qua, trên cả nước có lúc người dân cảm nhận rất rõ cái nắng rát da.

 

Chuyện lạ khi nắng gay gắt dù chưa vào mùa nóng

Ở phía bắc đang vào cuối thu đầu đông còn Nam bộ đang vào giai đoạn chuyển mùa, đều không phải là thời điểm nắng nóng, nhưng trong những ngày qua, trên cả nước có lúc người dân cảm nhận rất rõ cái nắng rát da.




 

Nắng gay gắt tại TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nền nhiệt tăng dù đang La Nina
Trưa hôm qua 19.11, dù là ngày cuối tuần nhưng nhiều người dân ở TP.HCM ngại bước ra đường vì nắng gay gắt, nếu phải chạy xe máy thì phải bịt kín cả người để chống nắng.
Hiện tượng nắng nóng này có thể xem là bất thường, vì thông thường thời tiết giai đoạn này lẽ ra phải mát mẻ. Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan xác nhận thời tiết đang diễn biến bất thường. Nguyên nhân sự bất thường này chỉ có thể giải thích là do biến đổi khí hậu (BĐKH). 

 
 
Lượng nước sông Mê Kông dự báo thiếu hụt mạnh
Đỉnh lũ năm 2016, trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức xấp xỉ báo động 1, cao hơn năm 2015 và thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Trong mùa khô 2016 – 2017, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL khả năng thiếu hụt so với trung bình từ 15 – 35%. Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016 – 2017 ở khu vực Nam bộ ít gay gắt hơn năm 2015 – 2016 nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2016 – 2017 tại vùng cửa sông Nam bộ có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 2 – 3.2017.

 


Theo bà Lan, nền nhiệt ở thời điểm hiện tại trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm và đang trong xu hướng tăng. Nếu tính từ trước đến năm 2015, thì 2015 là năm nóng nhất. Đến năm 2016 lại xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài hơn cả 2015 và được giải thích là do hiện tượng El Nino.
Từ đầu tháng 10 năm nay nhiệt độ nước biển khu vực xích đạo đã giảm -0,50C có nghĩa là đã chuyển sang La Nina, tuy nhiên nền nhiệt cả nước vẫn trên trung bình nhiều năm.
“Nếu có hiện tượng El Nino, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm là chuyện bình thường, nhưng bây giờ đã là La Nina mà nền nhiệt của cả nước vẫn cao hơn trung bình nhiều năm thì hiện tượng này chỉ có thể do BĐKH tác động. Tôi theo dõi nền nhiệt độ ở miền Nam nhiều năm nay và thấy rằng hiếm có khi nào nhiệt độ dưới trung bình nhiều năm của cùng thời kỳ; năm nào cũng vậy nhiệt độ cứ tăng dần dù mức độ tăng không quá lớn. Chỉ có xu hướng đi lên chứ không xuống”, bà Lan đúc kết.
Trong khi đó, nhận định về xu thế thời tiết thuỷ văn mùa đông xuân năm 2016 – 2017, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư dự báo từ tháng 11 – 12.2016, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 1 – 4.2017, tại Bắc bộ nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 10C.
Mùa bão sẽ kết thúc muộn
Cũng theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, hệ quả của quá trình La Nina là trong những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017, khả năng mùa bão sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, mưa lũ tiếp tục xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm 2016. Các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc tập trung nhiều vào thời kỳ giữa tháng 12 đến tháng 1.2017 và có khả năng không kéo dài. Đợt rét đậm đầu tiên ở Bắc bộ có khả năng xảy ra vào khoảng giữa tháng 12 và sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong những tháng cuối năm nay sẽ còn một vài cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Trung bộ. Ngoài ra, bão và áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng còn hoạt động trên khu vực phía nam Biển Đông trong tháng 1 – 2.2017.
Còn theo bà Lê Thị Xuân Lan, do hiện tượng BĐKH tác động khá mạnh đến diễn biến thời tiết nên các dự báo gần đây thường thiếu chính xác. Chính vì vậy, nếu cộng thêm vào các hiện tượng BĐKH, trong đó có La Nina thì miền Bắc sẽ đối mặt với hiện tượng rét đậm, rét hại và sương mù, khả năng xảy ra vào giữa tháng 12, chậm lắm là dịp Noel. Có khả năng xuất hiện tuyết và băng giá, có thể tràn xuống cả đồng bằng trung du Bắc bộ. Ở khu vực phía bắc nhiều khả năng sẽ xảy ra hiện tượng sương mù dày đặc và gần như liên tục.
Trong khi đó ở các tỉnh miền Trung, do mưa kết thúc muộn nên có khả năng lũ sẽ quay trở lại ở khu vực các tỉnh từ Quảng Bình – Phú Yên. Còn ở Nam bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa chứ không kết thúc “cái rụp” như năm trước. “Năm ngoái, đang trong giai đoạn El Nino nhưng vẫn xảy ra hiện tượng băng giá và tuyết vào mùa đông ở các tỉnh phía bắc, chính vì vậy khi năm nay đang là La Nina thì khả năng đó lặp lại là rất cao”, bà Lan giải thích về lý do mạnh dạn đưa ra dự báo của mình.
Tiếp tục nắng nóng
Về ngắn hạn, bà Lan cho biết trong tuần tới không khí lạnh liên tục tràn về phía bắc với cường độ khá mạnh và từ đây các đợt không khí lạnh sẽ tràn về ngày càng nhiều với cường độ ngày càng mạnh, kéo dài đến tháng 1.2017. Trong những đợt không khí lạnh này có những lúc tạm dừng và thay vào đó là các đợt nắng nóng (khoảng 2 – 3 đợt), mỗi đợt kéo dài 2 – 3 ngày. Trong những đợt nắng nóng này, nhiệt độ ở Nam bộ có thể lên đến 33 – 340C vào giữa trưa và kéo dài vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ này cũng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và cây trồng vật nuôi. Nguyên nhân của những đợt nắng nóng là trời quang mây, bức xạ cao làm nhiệt độ tăng.
Bà Lan cũng cho biết thêm vào cuối tuần tới, khoảng ngày 26 – 27.11, một vùng áp thấp phía đông Philippines sẽ di chuyển vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.

 

Chí Nhân