25/12/2024

Cuộc sống đáng yêu: hai mẹ con hiến thận cho người nghèo

“Mẹ con chị Thảo là trường hợp đặc biệt, họ đáng được tôn trọng, được ngưỡng mộ về tấm lòng của mình” – ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng, nói với chúng tôi như vậy.

 

Cuộc sống đáng yêu: hai mẹ con hiến thận cho người nghèo

“Mẹ con chị Thảo là trường hợp đặc biệt, họ đáng được tôn trọng, được ngưỡng mộ về tấm lòng của mình” – ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng, nói với chúng tôi như vậy.

 

 

 

Cuộc sống đáng yêu: hai mẹ con hiến thận cho người nghèo
Hai mẹ con bà Lê Thị Thảo và con gái Bùi Thị Hoà, những người tình nguyện hiến một quả thận cho những người bệnh – Ảnh: Nguyễn Khánh

“Cứ nghĩ bình thường với nhau đi, nghĩ rất, rất bình thường đi. Bây giờ tôi đang rất khỏe đây còn gì…

Chị Lê Thị Thảo

Thoạt nhìn chị Lê Thị Thảo (ở Lương Tài, Bắc Ninh) đúng như người ta hình dung về một phụ nữ nông dân, nhưng khi chị cất lời thì rõ đây là một người nhanh nhẹn, khôn ngoan.

Chẳng ai tưởng tượng được một phụ nữ nông dân ba con như chị lại là người thứ ba ở VN đăng ký và đã hiến tặng thận cho một người vô danh không quen biết năm 2015.

Một năm sau, đầu năm 2016, con gái thứ hai của chị Thảo là Bùi Thị Hòa cũng nối gót mẹ hiến tặng một quả thận của mình.

Người hiến thận vô tư

12g đêm 16-11 chị Thảo mới về đến quê nhà Lương Tài, Bắc Ninh, nhưng sáng sớm 17-11 chị lại vội vã đi Mê Linh, Hà Nội chăm nom con gái đầu vừa sinh con trai thứ hai lúc rạng sáng.

Người phụ nữ nông dân 56 tuổi này cứ nói cười rổn rảng, chị khoe sau khi hiến thận 12 ngày chị lên chùa làm công quả, hái 300 bông sen lễ Phật rồi sau đó một tháng lại trở về với công việc đồng áng, chị vẫn bê được bao đất 40-50kg để trồng cây, bê bao ximăng 50kg…

“Sau hiến thận tôi mất khoảng một tháng là hơi yếu, còn sau đó tôi trở lại như bình thường. Tôi vẫn rất khỏe” – chị Thảo nói.

Chuyện mẹ con chị Thảo cùng đi hiến tặng thận bắt đầu từ một buổi tuyên truyền hiến giác mạc cho những người mù, do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng và Bệnh viện mắt T.Ư tổ chức. Hôm ấy chị Thảo đã ký đơn tình nguyện hiến tạng sau khi chết não.

Nhưng tình cờ cuối năm 2014 chị được mời tham gia một hội thảo ở Đồ Sơn, Hải Phòng về ý nghĩa của việc hiến tặng tạng, chị được tặng một cuốn cẩm nang và được biết có thể hiến tạng từ khi còn sống.

Chị Thảo đã quyết định hiến một phần thân thể của mình cho những người đang ốm, bị bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng. Yêu cầu của chị chỉ là người được ghép phải là người nghèo.

“Ở làng cũng có nhiều người đùa tôi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng thật ra tôi rất vui, tâm nguyện hiến tặng tạng của tôi bắt nguồn từ mong muốn báo hiếu cho cha mẹ.

Khi còn bé tôi chưa báo hiếu được gì, lại hay cãi cha mẹ, sau này cha mẹ mất thì mình không còn làm gì được nữa.

Tôi mong làm được nhiều điều tốt để tích góp chút công đức cho cha mẹ và những người thân, đơn giản chỉ vậy thôi chứ không phải tôi đi hiến tạng là muốn làm điều gì cao xa. Tôi cho đó chỉ là chuyện bình thường” – chị Thảo tâm sự.

“Khi chúng tôi gặp và trao đổi với chị Thảo về mong muốn hiến tặng tạng cho người nghèo, lúc hiểu được việc quan trọng là người được nhận phải phù hợp với tạng hiến, chị ấy đồng ý hiến tặng tạng cho một người vô danh.

Sau khi khám sức khỏe, chị Thảo đã phải đi lại hơn 10 lần ra Bệnh viện Việt Đức làm các xét nghiệm. Hai ngày trước ca ghép, chúng tôi gặp chị ấy và hỏi đùa chị có muốn dừng việc hiến này lại không thì chị cười rất tươi, nói rằng chị đã thực hiện được tâm nguyện của mình, chị ấy rất vui” – ông Phúc kể với Tuổi Trẻ.

Là người phụ nữ thôn quê quen với những việc giản dị, chị Thảo nghĩ mình quyết định hiến thận thì ra bệnh viện tặng thận, bác sĩ cắt lấy là xong. Nhưng thật ra muốn hiến thận cũng không đơn giản, là cả quá trình đi lại vất vả làm đủ xét nghiệm, chị cứ một mình một xe máy lặn lội đi làm cái việc nghĩa tình mà chắc hẳn ai cũng nghĩ là không bình thường.

Chỉ hai ngày trước ca ghép chị mới biết tên người sẽ được nhận quả thận của mình và tết vừa rồi, gia đình người nhận thận và gia đình người hiến tặng thận đã có cuộc gặp gỡ đầm ấm ở Bắc Ninh, với chị như vậy là mãn nguyện.

Cuộc sống đáng yêu: hai mẹ con hiến thận cho người nghèo
Mẹ con chị Thảo trên sân khấu cuộc giao lưu tri ân người hiến tạng tổ chức ngày 16-10 ở Hà Nội – Ảnh: Thuý Anh

Chia sẻ để 
cuộc sống nối tiếp

Sau khi mẹ hiến thận một thời gian, con gái chị Thảo là Bùi Thị Hoà cũng đã làm như mẹ: hiến một quả thận cho người nghèo. H đã học xong đại học, là cô gái rất xinh xắn. H nảy sinh ý định hiến thận khi ra Hà Nội chăm sóc mẹ nằm viện sau khi hiến thận.

Nói về việc hiến thận của con gái chị Thảo, ông Nguyễn Hoàng Phúc tâm sự: “Chúng tôi đã trì hoãn ca hiến – ghép từ tạng hiến của Bùi Thị H, các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức cũng tư vấn cô ấy còn trẻ, lại chưa lập gia đình, e ngại sau này người chồng có thể không đồng ý, thế nhưng cô ấy đã quyết định hiến tặng tạng và tháng 3-2016 ca hiến – ghép cũng đã thành công”.

Khi được hỏi về gia đình và con cái, người phụ nữ kỳ lạ đã hiến tạng và để cho con gái chưa chồng của mình hiến tạng chỉ cười giòn. Chị rất vui sướng vì đứa cháu ngoại đầu tiên rất nhanh nhẹn và thông minh, giờ đứa cháu thứ hai cũng rất mạnh khỏe.

Con trai út năm nay 25 tuổi cũng đã học hành xong và có việc làm ổn định. Sau hàng chục năm bôn ba nào đi bộ đội, buôn bán nhỏ, thậm chí đi làm ôsin, chị Thảo về lại quê nhà với hồ sen, vườn cây, với cuộc sống bình yên chốn thôn quê.

Còn câu chuyện hiến thận đã qua, khi có ai hỏi chuyện, chị lại phẩy tay bảo: “Cứ nghĩ bình thường với nhau đi, nghĩ rất, rất bình thường đi. Bây giờ tôi đang rất khỏe đây còn gì…”.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn và nhờ hai mẹ con chị Thảo có thêm hai gia đình vui vẻ vì người thân được khỏe mạnh trở lại.

Ở một làng quê bên Kinh Bắc ấy, gia đình của mẹ con chị Thảo, những người tốt một cách lạ lùng, cũng đang sống vui vẻ.

Câu chuyện của họ khiến cuộc sống chúng ta có niềm tin hơn, đáng yêu hơn…

Người tốt “vô tiền khoáng hậu”

“Hiện đã có hơn 40 người tình nguyện hiến tạng cho người vô danh từ khi còn sống. Ngoại trừ người ruột thịt hiến tạng cho nhau, trung tâm không chấp thuận cho hiến – ghép đối với những người tình nguyện hiến cho người cụ thể vì e ngại tình trạng mua bán tạng, vì cho rằng trước khi làm điều tốt phải làm đúng luật đã.

Tôi là người trực tiếp tư vấn ở trường hợp mẹ con chị Thảo, mẹ con chị là trường hợp đặc biệt, có thể nói là tốt vô tiền khoáng hậu. Ở VN chủ yếu người hiến tạng từ khi còn sống là người ruột thịt, hãn hữu mới có người hiến cho người vô danh.

Trong trường hợp này, chị Thảo là người thứ ba đăng ký. Nguyên tắc của chúng tôi là phải đảm bảo an toàn cho người hiến tạng, từng có một sư thầy ở TP.HCM tình nguyện hiến tạng cho người vô danh, cũng đã trải qua nhiều đợt xét nghiệm, tuy nhiên sau này bệnh viện xác định thầy có nguy cơ tiền tiểu đường nên không nhận”.

Đại diện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng

LAN ANH