Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM: Rèn trò học cách làm người
Nếu thầy Trần Đình Dũng (Trường THCS Đức Trí, Q.1) với lần thứ năm liên tiếp thì cô giáo Phan Thuỵ Mộng Thu (Trường THCS Lữ Gia, Q.11) cũng lần thứ ba được nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM”.
Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM: Rèn trò học cách làm người
Nếu thầy Trần Đình Dũng (Trường THCS Đức Trí, Q.1) với lần thứ năm liên tiếp thì cô giáo Phan Thuỵ Mộng Thu (Trường THCS Lữ Gia, Q.11) cũng lần thứ ba được nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM”.
Cô Phan Thuỵ Mộng Thu trong giờ dạy sử |
Với họ, làm sao để học trò vừa tiếp thu kiến thức, vừa có thêm kỹ năng cơ bản trong cuộc sống là điều họ luôn trăn trở.
Làm mới từng buổi lên lớp
Vốn biết học trò thường thờ ơ với môn lịch sử nên cô Phan Thụy Mộng Thu tự đặt cho mình mục tiêu bài giảng phải mới lạ. Thay vì chỉ là những bài giảng diễn giải kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, cô dành thời gian tìm thêm những clip ngắn trên mạng, tận dụng ngay các bài thơ, bài hịch trong chương trình văn học gắn với từng giai đoạn lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông làm tư liệu để giảng lịch sử.
Tiết học sử của cô giáo Thu ngoài bài giảng điện tử còn lồng ghép trích đoạn cải lương, clip ngắn các nhân vật, sự kiện lịch sử. Bạn Nguyễn Ngọc Hoàng Lan – học sinh lớp 9 THCS Lữ Gia – nói thường không xem đó là tiết học lịch sử mà như đang được cô dẫn vào một câu chuyện mà ở đó mình như người trong cuộc, chứng kiến và góp phần làm nên câu chuyện ấy.
“Cách học bản đồ tư duy của cô giúp mình mở rộng kiến thức, nhớ lâu hơn vì chỉ cần ghi ra một vài chi tiết chính làm nền, học sinh sẽ nhớ thêm các chi tiết khác, vẽ thành “cây lịch sử” phong phú với nhiều nhánh kiến thức” – Hoàng Lan chia sẻ.
“Tôi tâm niệm ngoài truyền đạt kiến thức thì từng bài giảng của mình có thể phần nào truyền lửa, truyền sự nhiệt huyết đến học trò, để khi các em tự tin vào đời trở thành người tốt. Đấy sẽ là món quà vô giá với người làm nghề giáo như tôi” - cô Phan Thụy Mộng Thu nói.
Phụ trách môn mỹ thuật song những buổi học thực tế mà thầy Trần Đình Dũng đưa học trò đến với Khu nông nghiệp công nghệ cao của TP là bài học tích hợp kiến thức của mỹ thuật, công nghệ và cả sinh học.
Tiết học về lá cây giúp các trò nhận diện đặc tính sinh học một số loại cây, công dụng của lá cây trong đời sống, cả những vị thuốc nam từ lá cây, nhận diện lá về mặt mỹ thuật.
“Các đồng nghiệp khi dự giờ của thầy Dũng đều công nhận sự sáng tạo vì thầy luôn tìm cách làm mới bài giảng của mình. Cách làm ấy cũng truyền cảm hứng, tạo hứng thú cho các em trong học tập” – cô Nguyễn Thị Liễu (phó hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí) nhận xét.
Còn em Tô Thuỳ Dương (lớp 6) bày tỏ: “Giờ học với thầy được thực hành nhiều, lại có thêm kiến thức về lịch sử mỹ thuật, các kiến trúc mỹ thuật thời xưa là điều mà sách không có nên tụi em thích lắm”.
“Giờ học “Sống yêu thương” là cách tôi đang cùng phụ huynh dạy cho học sinh mình về lòng nhân, học cách chia sẻ với mọi người xung quanh để mầm thiện, tính thiện trong mỗi em sẽ ươm mầm và lớn lên” – thầy Trần Đình Dũng nói. |
Thầy Trần Đình Dũng và các em học sinh |
Thêm kỹ năng, trò thêm tự tin
Cách thầy Trần Đình Dũng đã làm là dẫn các em vào dự án “Sống yêu thương”. Mỗi bạn sẽ có cuốn nhật ký ghi lại tất cả việc làm tốt của cá nhân và chia sẻ với bạn bè. Một chú heo đất được cả lớp và phụ huynh cùng nuôi, cuối mỗi học kỳ sẽ mổ heo để làm từ thiện.
Thầy và trò đã đến vui chơi, tự tay gói những phần quà tặng các em nhỏ kém may mắn ở một mái ấm, góp thành những phần quà tết tặng chính các bạn nghèo trong trường. Phần quà không lớn nhưng là bao tấm lòng bởi học trò trong trường không ít bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn sẵn lòng chia sẻ.
“Ai có khả năng bao nhiêu góp bấy nhiêu, có khi chỉ là 500 đồng nhưng điều tôi kỳ vọng là sau này khi lớn lên, mỗi em sẽ nhớ bài học hôm nay để biết chia sẻ với mọi người xung quanh” – thầy Dũng bộc bạch.
Còn cô Mộng Thu tận dụng những mối quan hệ có được để phối hợp thực hiện những chuyên đề về phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt… cho nhiều lớp của trường.
“Nhà trường đánh giá tốt các chuyên đề này vì ngoài kỹ năng còn giúp thêm kiến thức cho học sinh, để cùng nhà trường giáo dục học sinh một cách toàn diện. Những tiết sinh hoạt ngoại khoá giúp học sinh tiếp thu rất thư giãn” – thầy Bùi Thành Đức (phó hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia) đánh giá.
Bà Đỗ Thị Kim Tiền – chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ P.15 (Q.11) – cho biết đang bàn với cô Mộng Thu và nhà trường để sắp tới phối hợp giữa trường với phụ nữ phường trang bị thêm kiến thức cho phụ huynh, giúp họ chăm sóc con em mình tốt hơn ngay chính trong mỗi gia đình.
Tuyên dương 214 thầy cô giáo trẻ Tối 18-11, Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ vinh danh và trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2016 cho 214 thầy cô giáo trẻ (từ 35 tuổi trở xuống) được bình xét từ 760 hồ sơ ứng viên. Trong đó, có 52 giảng viên và giáo viên ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp; 25 giáo viên THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên; 43 giáo viên THCS, 52 giáo viên tiểu học và 42 giáo viên mầm non. Mỗi thầy cô giáo đoạt giải đều đáp ứng đủ ba tiêu chí tiêu biểu trong chuyên môn, đạo đức và cống hiến. Đặc biệt, phải có sáng kiến nổi bật trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng phương pháp mới, mang lại hiệu quả cho học trò trong việc học. |