26/12/2024

Các chủng sinh trẻ của Mumbai trải nghiệm cuộc sống với các bộ tộc

Mumbai – 4 nhóm chủng sinh năm thứ nhất, năm định hướng, của Học viện Thánh Piô ở Goregaon, đông Mumbai, đã trải qua một tuần tại các làng bộ tộc để cảm nghiệm trực tiếp các thử thách truyền giáo và ý thức hơn ơn gọi của mình.

 Các chủng sinh trẻ của Mumbai trải nghiệm cuộc sống với các bộ tộc

 

 
Mumbai – 4 nhóm chủng sinh năm thứ nhất, năm định hướng, của Học viện Thánh Piô ở Goregaon, đông Mumbai, đã trải qua một tuần tại các làng bộ tộc để cảm nghiệm trực tiếp các thử thách truyền giáo và ý thức hơn ơn gọi của mình.

Cha Jervis D’Souza, một nhà đào tạo, đã đưa các sinh viên của chủng viện tổng giáo phận đến các ngọn đồi gần cứ điểm truyền giáo Madad, quê quán của bộ tộc Adivasi. Ở đó, các chủng sinh cư ngụ với dân bản xứ, trải nghiệm những khó khăn hàng ngày của họ như thiếu điện nước. Nhưng họ cũng học quý trọng những gì họ có và hiểu giá trị của lao động tay chân mà các bộ lạc chấp nhận. Điểm truyền giáo này do cha Carlton Kinny điều hành cùng với Cha Elias D’Cunha và các nữ tu Nữ tử Thánh giá. Cha Kinny làm việc không ngừng nghỉ và quên mình trong 27 năm qua. Cha D’Souza nhắc các chủng sinh quan sát những người Adivasi, là những người hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của họ và môi trường họ sống, và để tìm được cùng sự hài lòng đó trong cuộc sống của mình.

Nhóm thứ nhất đến làng Dehwah, nơi nhà được xây bằng gạch, có trường mẫu giáo và tiểu học, điện nước ở mọi nơi. Nhưng các chủng sinh vẫn bị sốc vì số người được đến trường quá ít và nhiều đàn ông chưa đến 30 tuổi đã trở thành ông nội ông ngoại. Cha D’Souza giải thích là “dù cho những cố gắng xã hội của các nhà truyền giáo trong 3 thập niên, vẫn còn nhiều các hôn nhân trẻ em”. Hệ thống đẳng cấp vẫn còn mạnh trong xã hội và các tập tục mê tín vẫn tồn tại. Người dân ở đây không ý thức về quyền lợi của họ và vẫn không tin tưởng các thừa sai.

Nhóm thứ hai đến làng Katkaris và thấy rõ sự khác biệt giữa mức sống ở làng này và chủng viện. Ở làng thứ ba, nhóm chủng sinh thăm 50 gia đình. Các trẻ em được khuyến khích đi học và được thưởng 1 rupee mỗi ngày. Người dân địa phương dùng tiền này để mua thức ăn hằng ngày. Nhóm thứ tư thăm làng Palasgaon, nơi họ có dịp học và nói tiếng địa phương Marathi, bước quan trọng để phá vỡ rào ngôn ngữ với các bộ tộc.

Theo Cha D’Soua, qua kinh nghiệm truyền giáo này, “các chủng sinh hiểu công việc của các linh mục, tu sĩ và giáo dân khó khăn thế nào. Họ cần những lời cầu nguyện trợ giúp mỗi ngày. Người trẻ hiểu thực tại tốt hơn và điều này đào sâu chiều kích cuộc sống của họ”. Cha hy vọng vài người trong số các chủng sinh sẽ chọn con đường truyền giáo. (Asia News 14/11/16)

 
 

Hồng Thuỷ