23/12/2024

Phần hai cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế

Trưa ngày mồng 1 tháng 11 vừa qua, trên chuyến bay từ phi trường quốc tế Malmoe về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn. Sau đây là nội dung phần 2 cuộc phỏng vấn này.

 ĐTC Phanxicô trả lời các nhà báo quốc tế trên chuyến bay tử Malmoe về Roma (tiếp theo)

 

 

Trưa ngày mồng 1 tháng 11 vừa qua, trên chuyến bay từ phi trường quốc tế Malmoe về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn. Sau đây là nội dung phần 2 cuộc phỏng vấn này.

Chị Eva Fernandez thuộc Đài Phát thanh Cope Tây Ban Nha hỏi:

Hỏi: Thưa ĐTC, con thích hỏi ĐTC bằng tiếng Ý hơn nhưng con chưa nói sõi đủ. Cách đây ít lâu ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela. ĐTC có cảm tưởng gì về cuộc gặp gỡ này, và đâu là ý kiến của ĐTC về việc bắt đầu các cuộc nói chuyện này?

Đáp: Vâng, Tổng thống Venezuela đã xin có cuộc gặp gỡ và cuộc hẹn này vì ông đến từ Trung Đông, từ Qatar, từ các nước Emirati và dừng chân kỹ thuật tại Roma. Trước đây tổng thống cũng đã xin một cuộc gặp gỡ. Và ông đã đến hồi năm 2013; rồi ông xin một cuộc hẹn khác nữa, nhưng đã bị đau không thể đến được, nên đã xin có cuộc gặp gỡ lần này. Khi một tổng thống xin gặp, thì được tiếp đón, vả lại ông đã dừng chân lại ở Roma. Tôi đã lắng nghe tổng thống trong nửa giờ trong cuộc gặp gỡ đó. Tôi đã lắng nghe và tôi đã hỏi tổng thống vài điều và ý kiến của ông. Thật luôn luôn tốt lắng nghe tất cả mọi ý kiến. Tôi đã lắng nghe ý kiến của tổng thống. Liên quan tới khiá cạnh thứ hai, là cuộc đối thoại. Đó là con đường duy nhất cho tất cả mọi cuộc xung đột. Hoặc là đối thoại hoặc là la lối, chứ không có cách khác. Tôi đã đặt hết con tim vào cuộc đối thoại, và tôi tin là phải bước đi trên con đường này. Tôi không biết nó sẽ kết thúc như thế nào, tôi không biết, bởi vì nó rất phức tạp, nhưng những người dấn thân trong cuộc đối thoại đều là các nhân vật quan trọng. Như ông Zapatero đã từng hai lần là thủ tướng Tây Ban Nha, và ông Restrepo nhà chính trị người Colombia, và tất cả các phe phái đều xin Toà Thánh hiện diện trong cuộc đối thoại. Và Toà Thánh đã chị định Đức TGM Claudio Celli như là người đồng hành với tiến trình này. Đức Sứ thần Toà Thánh tại Argentina là Đức TGM Tsherrig, tôi đã thay thế ngài ngày Chúa Nhật 23 tháng 10, cũng hiện diện tại bàn thương thuyết. Đối thoại tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết là con đường duy nhất giúp ra khỏi các cuộc xung đột, chứ không có con đường nào khác… Nếu vùng Trung Đông đã làm điều này, thì đã tiết kiệm được biết bao nhiều mạng người!

Ông Burke nói: Bây giờ tới phiên Đài Phát thanh Pháp. Chúng con có chị Mathilde Imberty.

Hỏi: Thưa ĐTC, chúng ta đang trở về từ Thuỵ Điển, nơi sự tục hóa rất mạnh. Đó là một hiện tượng liên luỵ tới toàn Âu châu nói chung. Cả trong một nước như nước Pháp, người ta ước lượng rằng trong các năm tới đa số dân sẽ không theo tôn giáo nào nữa. Theo ĐTC, sự tục hoá có phải là một định mệnh không? Ai là những người có trách nhiệm, các chính quyền đời hay Giáo Hội đã quá nhút nhát?

Đáp: Định mệnh. Không. Tôi không tin vào các định mệnh! Ai là những người có trách nhiệm, tôi không biết… Bạn, nghĩa là từng người có trách nhiệm. Tôi không biết. Đó là một tiến trình… Nhưng trước hết tôi muốn nói một điều nhỏ bé thôi. ĐGH Bênêđictô XVI đã nói biết bao về vấn đề này, và nói một cách rõ ràng. Khi đức tin trở thành hâm hẩm, là vì như chị nói, thì Giáo Hội suy yếu… Các thời gian bị tục hoá hơn… Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới nước Pháp, chẳng hạn các thời gian của sự tục hoá của triều đình: các thời gian, trong đó các linh mục đã là abbé của triều đình, một nhân viên giáo sĩ… Đã thiếu sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng, sức mạnh của Tin Mừng. Luôn luôn khi có sự tục hoá, thì chúng ta có thể nói rằng có vài yếu đuối nào đó trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này thì thật vậy…

Nhưng cũng có một tiến trình khác, một tiến trình văn hoá, một tiến trình – tôi tin rằng tôi đã nói một lần – một hình thức thứ hai của sự “không văn hoá”, khi con người nhận thế giới từ Thiên Chúa và để làm cho nó trở thành văn hoá, làm cho nó lớn lên, thống trị nó, tới một lúc nào đó con người tự cảm thấy mình là chủ nhân ông của nền văn hoá đó – chúng ta hãy nghĩ tới huyền thoại cái tháp Babel – con người là chủ nhân ông của nền văn hoá tới độ làm cho mình là tạo hoá của một nền văn hoá khác, nền văn hoá riêng và chiếm chỗ của Thiên Chúa Tạo Hoá. Và trong sự tục hoá, tôi tin rằng trước sau gì người ta cũng đi tới tội chống lại Thiên Chúa Tạo Hoá. Con người tự đủ cho chính mình. Nó không phải là một vấn đề của tính cách đời, bởi vì cần có một tính cách đời lành mạnh, là sự tự trị của các sự vật, sự tự trị lành mạnh của các sự vật, sự tự trị lành mạnh của các khoa học, của tư tưởng, của chính trị, cần phải có tính cách đời lành mạnh. Không. Có một điều khác, đó là một khuynh hướng duy đời như khuynh hướng duy đời mà chủ thuyết thiên quang luận đã để lại cho chúng ta như gia tài. Tôi tin rằng hai điều này: một chút tự đủ của con người tạo ra văn hoá, nhưng nó đi quá các giới hạn và nó cảm thấy nó là Thiên Chúa, và cũng có một chút sự yếu đuối trong việc rao giảng Tin Mừng, trở thành hững hờ và các Kitô hữu hững hờ. Ở đó cứu chúng ta một chút việc lấy lại sự tự trị lành mạnh trong việc phát triển của văn hoá và của các khoa học, cả với ý thức về sự độc lập, về việc là thụ tạo chứ không phải là Thiên Chúa.

Ngoài ra, còn có việc lấy lại sức mạnh của việc rao truyền Tin Mừng nữa. Ngày nay tôi tin rằng sự tục hoá này rất mạnh mẽ trong nền văn hoá và trong vài nền văn hoá nào đó. Và tinh thần thế tục cũng rất mạnh trong vài hình thái khác nhau, sự thế tục tinh thần. Khi nó vào trong Giáo Hội, thì sự thế tục thiêng liêng tệ hại nhất. Đây không phải là các lời của tôi mà tôi sẽ nói bây giờ, nhưng đó là các lời của ĐHY De Lubac, một trong các nhà thần học lớn của Công đồng Chung Vatican II. Ngài nói rằng khi tinh thần thế tục thiêng liêng bước vào trong Giáo Hội, thì kiểu này… nó là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho Giáo Hội, còn tệ hại hơn là điều đã xảy ra trong thời đại của các Giáo Hoàng thối nát. Và ngài liệt kê vài hình thức của sự thối nát của các Giáo hoàng, tôi không nhớ rõ, nhưng biết bao nhiêu thối nát. Tinh thần thế tục. Đối với tôi điều này nguy hiểm. Có nguy cơ là điều này xem ra là một bài giảng, tôi sẽ nói điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tất cả chúng ta trong bữa tiệc ly, Ngài xin Thiên Chúa Cha cho tất cả chúng ta một điều: là đừng cất chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi thế gian, khỏi tinh thần thế tục. Nó vô cùng nguy hiểm, nó là một sự tục hóa hơi được trang điểm. hơi được hoá trang một chút, hơi là sẵn sàng để mặc, trong cuộc sống của Giáo Hội. Tôi không biết tôi đã trả lời cho câu hỏi chưa.

Ông Greg Burke nói xin cám ơn ĐTC. Bây giờ tới Đài Truyền hình Đức, anh Juergen Erbacher.

Hỏi: Thưa ĐTC, cách đây vài ngày ĐTC đã gặp nhóm Thánh Nữ Marta chuyên chống lại nạn nô lệ mới và việc buôn người, là các đề tài theo con rất được ĐTC lưu tâm, không chỉ như là Giáo hoàng, mà hồi còn ở Buenos Aires, ĐTC đã chú ý tới đề tài này. Tại sao vậy? ĐTC đã có một kinh nghiệm đặc biệt hay có lẽ cả cá nhân nữa chăng? Và rồi như là người Đức, vào đầu năm kỷ niệm cuộc cải cách, con cũng phải hỏi ĐTC có đến quốc gia, nơi cuộc cải cách đã bắt đầu cách đây 500 năm hay không, có lẽ trong năm nay?

Đáp: Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ hai. Chương trình các chuyến viếng thăm của năm tới chưa được soạn. Vâng, chỉ biết rằng hầu như chắc chắn là tôi sẽ đi Ấn Độ và Bangladesh, nhưng chưa được làm. Nó là một giả thiết.

Liên quan tới câu hỏi thứ nhất. Vâng, từ lâu khi tôi còn là linh mục ở Buenos Aires, tôi đã luôn luôn có sự lo lắng cho thịt xác của Chúa Kitô. Sự kiện Chúa Kitô tiếp tục đau khổ, Chúa Kitô liên tục bị đóng đinh trong các anh em yếu đuối nhất, đã luôn luôn khiến cho tôi cảm động. Như là linh mục tôi đã làm các công việc nhỏ với người nghèo, nhưng không chỉ có thế, tôi cũng đã làm việc với các sinh viên đại học nữa… Thế rồi, như là Giám mục tại Buenos Aires, chúng tôi đã có các sáng kiến làm việc với các nhóm không Công giáo và người không tín ngưỡng, chống lại lao động nô lệ, nhất là của các người di cư châu Mỹ Latinh đến Argentina. Họ bị tịch thu thông hành và phải làm việc như nô lệ trong các nhà máy kỹ nghệ, bị khoá kín trong đó… Có một lần xảy ra hoả hoạn, các trẻ em leo lên sân thượng và chết hết ở trên đó và không có ai trốn thoát được. Thật đúng như là nô lệ, và điều này khiến cho tôi xúc động.

Việc buôn bán người. Tôi cũng đã làm việc với hai dòng nữ hoạt động trợ giứp các phụ nữ mại dâm, các phụ nữ nô lệ của nạn mại dâm. Tôi không thích dùng từ phụ nữ mại dâm, nhưng các phụ nữ nô lệ của mại dâm. Thế rồi, mỗi năm một lần tất cả các người nô lệ của hệ thống này cử hành một Thánh lễ tại quảng trường Hiến pháp, là một trong các quảng trường nơi các xe lửa tới – giống như nhà ga xe lửa Termini của Roma – anh hãy nghĩ tới nhà ga Termini, và Thánh lễ được cử hành tại đó với tất cả mọi người. Tới tham dự có tất cả mọi tổ chức, các nữ tu làm việc và cả những người không tin nữa, nhưng chúng tôi làm việc với  họ. Và ở đây cũng thế, ở đây tại Italia này cũng có biết bao nhiêu nhóm thiện nguyện hoạt động chống lại mọi hình thức nô lệ, nô lệ lao động cũng như phụ nữ nô lệ. Cách đây vài tháng tôi đã thăm một trong các tổ chức này và người dân… ở Italia này người ta làm việc thiện nguyện rất tốt. Tôi đã không bao giờ nghĩ nó là như thế. Thiện nguyện là một điều rất đẹp mà Italia có được. Được như thế là nhờ các cha sở. Trung tâm sinh hoạt cho giới trẻ và phong trào thiện nguyện là hai điều nảy sinh từ lòng nhiệt thành tông đồ của các cha sở Ý. Không biết tôi đã trả lời chưa hay có gì nữa…

Ông Burke nói: Chúng con xin cám ơn ĐTC. Người ta nói tới giờ ăn rồi, chúng ta phải đi ăn thôi.

Đáp: Xin cám ơn anh chị em về các câu hỏi, cám ơn rất nhiều, rất nhiều. Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn ngon.

 
 

Linh Tiến Khải