15/11/2024

Tấm lòng người Sài Gòn

Không phải đến bây giờ người SG mới thể hiện tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” với nhân dân cả nước, mà ngay từ lúc đất nước còn chia cắt, người SG vẫn thể hiện tinh thần đó khi đồng bào miền Bắc lâm vào cảnh thiên tai.

 

Tấm lòng người Sài Gòn

Không phải đến bây giờ người SG mới thể hiện tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” với nhân dân cả nước, mà ngay từ lúc đất nước còn chia cắt, người SG vẫn thể hiện tinh thần đó khi đồng bào miền Bắc lâm vào cảnh thiên tai.



 

Hình ảnh trận lũ lụt lịch sử năm 1971

Không phải đến bây giờ người Sài Gòn mới thể hiện tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” với nhân dân cả nước, mà ngay từ lúc đất nước còn chia cắt, người Sài Gòn vẫn thể hiện tinh thần đó khi đồng bào miền Bắc lâm vào cảnh thiên tai.
Ngày 19.8.1971, miền Bắc gặp một trận lũ lớn nhất trong vòng 250 năm. Đồng bằng Bắc bộ lâm vào cảnh thiên tai. Nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), đê bối Thanh Trì (Hà Nội) phía hữu ngạn sông Hồng. Chỉ tính riêng bốn tỉnh cũ là Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, trận lụt đã làm 1.062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập nặng, bằng hơn 40% tổng số hộ gia đình.
Tấm lòng người Sài Gòn - ảnh 1

Băng chữ hai dòng tám cột trên Báo Tin Sáng số ra ngày 7.9.1971

Trận lụt đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng, con số người chết gấp hàng trăm lần so với mức khoảng 1.000 người của trận lũ tại miền Trung năm 1999 và trận lũ năm 2000 tại miền Nam. Thiệt hại rất lớn về giao thông, công nghiệp. Tổng số trên 120.000 công trình liên quan đến nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi. Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương bị ảnh hưởng từ lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất sau mưa lũ rất lớn. Theo đánh giá của Cơ quan Quản trị hải dương và khí tượng Mỹ (NOAA) thì đây là một trong những trận lũ lụt lớn nhất của thế kỷ 20 trên thế giới.
Tấm lòng người Sài Gòn - ảnh 2

Danh sách bạn đọc đóng tiền cứu trợ đồng bào miền Bắc đăng trên Báo Tin Sáng

Lời kêu gọi nghĩa tình của một tờ báo
Trong lúc miền Bắc cố gắng tập trung khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai để lại thì tại Sài Gòn, trên tờ báo Tin Sáng đã làm đồng bào chú ý vì một mục ở trang nhất rất lạ. Đó là vào ngày 7.9.1971, dưới chân trang nhất tờ báo in khổ lớn (58 x 42 cm) có chạy một băng chữ hai dòng tám cột: “BẮC NAM RUỘT THỊT MỘT NHÀ, SỚT CƠM CHIA ÁO ĐẬM ĐÀ TÌNH THƯƠNG – Hãy nồng nhiệt hưởng ứng chiến dịch nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Bắc do Tin Sáng tổ chức”.
Cũng trong số báo ngày hôm đó, phía trái trang nhất có một cột đóng khung đăng nội dung như sau (nguyên văn): “Tin Sáng sẽ xin phép tổ chức đi Hà Nội trao tài vật quyên góp tận tay đồng bào miền Bắc (tít). Sáng nay (7.9) chúng tôi đã nhận được số tiền sau đây để giúp đồng bào nạn nhân miền Bắc bị bão lụt: các tăng sĩ chùa Giác Nguyên 7.640 đồng, ông Trần Thanh Hiệp 1.000 đồng (51 tuổi, đường Trương Minh Giảng), bác Tám Hoà -SG 10.000 đồng. Cộng: 18.640 đồng. Trong thơ gởi đến Tin Sáng các tăng sĩ chùa Giác Nguyên còn cho biết họ tình nguyện đi trong đoàn công tác vận động cứu trợ đồng bào bị lụt miền Bắc. Xin các đoàn thể hiện đang vận động cho công tác nầy lưu ý cho điểm ấy. Chúng tôi vô cùng cảm kích cho nghĩa cử trên và xin thiết tha kêu gọi đồng bào tất cả các giới, vì tình ruột thịt hãy tích cực góp phần và cổ động góp phần cứu trợ. Xin đồng bào cứ đến tòa soạn trong buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 12 giờ trưa. Ngoài ra cũng xin thông báo, Tin Sáng sẽ xin phép tổ chức đi Hà Nội để trao số tài vật quyên góp tận tay đồng bào nạn nhân. Phái đoàn dự định sẽ gồm có hai đại diện độc giả, một ký giả và chủ nhiệm Tin Sáng. Trong trường hợp chánh phủ từ chối không cho phái đoàn đi, Tin Sáng sẽ nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế chuyển giao hoặc sẽ nhờ Tin Sáng hải ngoại cử đại diện đem số tài vật trao tận tay đồng bào miền Bắc”.
Tấm lòng người Sài Gòn - ảnh 3

Báo Tin Sáng tổng kết cuộc vận độngẢNH: L.V.N

Những đồng tiền đầy tình thương của người Sài Gòn
Sau đó, hằng ngày trên trang nhất tờ báo đều đăng tên những người đến đóng góp. Thật cảm động khi trong danh sách đó là tên ngắn gọn chị A, ông B, anh C, chị Hai bán cơm tấm, cô Ba bán thịt heo… đóng từ 100 đến 5.000 đồng (giá sinh hoạt năm 1972: 414 đồng/USD, vàng 26.100 đồng/lượng, một chiếc xe Honda SS50 giá 20.000 đồng…). Họ là những tiểu thương, người phu xích lô cho đến thương gia, nghệ sĩ…, có cả những sinh viên, học sinh nghèo. Phải nói đây là một hành động khá liều lĩnh của người dân Sài Gòn, vì khi đóng tiền cứu trợ họ đều ghi tên thật, có địa chỉ mà không sợ chính quyền cho vào sổ bìa đen “thân cộng” và bị theo dõi. Người miền Bắc là đồng bào VN máu đỏ da vàng, dù đang chia cắt hai miền nhưng đồng bào bị thiên tai, lũ lụt thì cùng chia sớt nhau hoạn nạn. Trong danh sách đóng góp này có nữ nghệ sĩ Kim Cương. Riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi đến băng nhạc Kinh Việt Nam bán được 5.000 đồng để ủng hộ cho cuộc cứu trợ.
Đến ngày 20.10.1971, Báo Tin Sáng đã tổng kết cuộc vận động với thông tin trên trang nhất: “Cứu lụt miền Bắc kết thúc với 609.490 đồng. Chúng tôi đã quyết định khóa sổ vào 12 giờ trưa ngày 18.10. Kể đến ngày 18.10.1971 chúng tôi đã nhận được 609.490 đồng của mọi giới miền Nam”.
Tấm lòng người Sài Gòn - ảnh 4

Cột đóng khung đăng trên Tin Sáng ngày 7.9.1971

Sau đó, không biết vì lý do gì không thấy Báo Tin Sáng đăng tin về việc xin được giấy phép đi ra Hà Nội cứu trợ hay không vì báo cứ bị tịch thu liên tục. Hay là số tiền này theo như cam kết đã gửi cho Hội Hồng thập tự quốc tế hoặc thông qua Tin Sáng hải ngoại để gửi cho người dân miền Bắc đến nay vẫn không biết. Tuy nhiên, người đọc chắc chắn một điều rằng Báo Tin Sáng là báo của những người đối lập chính quyền lúc đó, bảo vệ lẽ phải nên sẽ không bao giờ thâm lạm số tiền đóng góp. Nếu có thâm lạm, chắc chắn sẽ bị người dân thưa kiện và các tờ báo khác “đập” cho không còn manh giáp. Một điều khiến cho mọi người không biết thêm tin tức về khoản cứu trợ này là vì đến tháng 3.1972 Báo Tin Sáng bị đóng cửa.
Dù chưa biết đường đi của số tiền cứu trợ “của ít lòng nhiều” có đến được đồng bào bị lũ lụt hay không nhưng với tinh thần “Cứu trợ đồng bào bão lụt miền Bắc, máu chảy ruột mềm”, khơi gợi trong lòng đồng bào miền Nam hướng về đồng bào miền Bắc ruột thịt, quả là một nghĩa cử chỉ có thể có được ở một tờ báo từ thành phố của những người có máu nghĩa khí Sài Gòn…
Báo Tin Sáng là nhật báo do dân biểu Ngô Công Đức làm chủ nhiệm từ năm 1968 – 1972. Báo khổ lớn, toàn mặt trang 1 được chia làm 8 cột chữ. Sự kiện nào quan trọng nhất trong ngày sẽ được chạy tít 8 cột. Báo Tin Sáng (bộ mới) tục bản vào ngày 10.8.1975 và ngưng xuất bản vào tháng 6.1981.

Lê Văn Nghĩa