22/01/2025

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật 30-10-2016

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo Thánh Luca (19,1-10) Chúa Nhật 31 Thường niên C về chuyện ông Zakêu, người thu thuế, để nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật 30-10-2016


 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật 30-10-2016 – OSS_ROM

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với 70.000 tín hữu tụ tập đầy Quảng Trường Thánh Phêrô, trưa Chúa Nhật 30-10-2016, ĐTC đã rút những bài học từ cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Ông Zakêu.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo Thánh Luca (19,1-10) Chúa Nhật 31 Thường niên C về chuyện ông Zakêu, người thu thuế, để nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. ĐTC cũng chia buồn với các nạn nhân động đất ở Trung Italia và xin các tín hữu cầu nguyện cho cuộc tông du của ngài ở Thuỵ Điển trong 2 ngày 31-10 và 1-11-2016.

Bài huấn dụ của ĐTC


Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một sự kiện xảy ra ở Giêrico, khi Chúa Giêsu vào thành này và được đám đông đón tiếp (x. LC 19,1-10). Tại Giêricô có ông Zakêu, thủ lãnh những người thu thuế. Ông là một cộng tác viên giàu có của những người Roma xâm lăng bị dân chúng ghét bỏ, ông được tả là người bóc lột dân tộc mình. Cả ông ta, vì tò mò, cũng muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng thân phận của ông là người tội lỗi công khai không cho phép ông đến gần Thầy; hơn nữa ông dáng người nhỏ bé, vì thế ông leo lên một cây, cây sung, dọc theo con đường nơi Chúa Giêsu sẽ đi qua.

Khi đến gần cây ấy, Chúa Giêsu ngước mặt nhìn và nói với ông: “Zakêu, hãy xuống ngay vì hôm nay tôi muốn ở lại nhà Ông.” (cv. 5). Chúng ta có thể tưởng tượng sự kinh ngạc của Zakêu! Nhưng tại sao Chúa Giêsu nói Ngài “phải dừng lại” ở nhà ông? Đây là nghĩa vụ nào thế? Chúng ta biết nghĩa vụ tối cao của Chúa Giêsu là thực hiện kế hoạch của Chúa Cha về nhân loại, được thực thi ở Jerusalem qua sự kết án tử hình, bị đóng đinh, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Đó là kế hoạch cứu độ do lòng từ bi thương xót của Chúa Cha. Và trong kế hoạch này cũng có việc cứu độ Zakêu, một người bất lương và bị mọi người khinh rẻ, và do đó cần được hoán cải. Thực vậy, Tin Mừng nói rằng khi Chúa Giêsu gọi ông, “tất cả mọi người đều lẩm bẩm: ‘Ông ấy vào nhà một người tội lỗi!’ (c.7)”. Dân chúng thấy nơi ông Zakêu một người gian ác, làm giàu trên lưng người khác. Nhưng Chúa Giêsu, được lòng thương xót hướng dẫn, tìm chính ông ta.

Và giả sử Chúa Giêsu nói: ‘Hỡi tên phản bội nhân dân, hãy xuống đi và đến nói chuyện với Ta để trả lẽ về các tội của ông!’ Chắc chắn là dân chúng sẽ hoan hô Ngài. Trái lại, họ bắt đầu lẩm bẩm: ”Ông Giêsu đến nhà hắn, kẻ tội lỗi, kẻ bóc lột.”

Được lòng thương xót hướng dẫn, Chúa Giêsu tìm kiếm chính ông Zakêu. Và khi vào nhà ông Zakêu, Ngài nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến nhà này, vì ông ta cũng là con của tổ phụ Abraham. Thực vậy, Con Người đến để tìm và cứu vớt những gì bị hư mất.” (cc. 9-10). Cái nhìn của Chúa Giêsu đi xa hơn tội lỗi và thành kiến. Và đây là điều quan trọng! Chúng ta phải học điều ấy; cái nhìn của Chúa Giêsu đi xa hơn tội lỗi và thành kiến; Ngài nhìn con người với đôi mắt của Thiên Chúa, và không dừng lại sự ác đã qua, nhưng nhìn thấy điều thiện tương lai; Chúa Giêsu không cam chịu sự khép kín, nhưng luôn mở ra những không gian mới của cuộc sống; không dừng lại ở những gì bên ngoài, nhưng nhìn tận con tim. Và ở đây Ngài nhìn con tim của người ấy bị thương tổn vì lòng tham, vì bao nhiêu sự xấu xa mà Zakêu đã làm. Ngài nhìn con tim bị thương và đến đó.

Đôi khi chúng ta tìm cách sửa sai và hoán cải một người tội lỗi bằng cách trách mắng họ, khiển trách những lỗi lầm của họ và thái độ không đúng của họ. Thái độ của Chúa Giêsu với Ông Zakêu chỉ cho chúng ta một con đường khác, giá trị mà Thiên Chúa tiếp tục thấy dù thế nào đi nữa. Điều này có thể tạo nên một sự ngạc nhiên tích cực làm cho con tim mền hơn và thúc đẩy con người rút ra những gì là tốt lành nơi mình. Chính sự tín nhiệm nơi con người làm cho họ tăng trưởng và thay đổi. Thiên Chúa cũng cư xử như vậy đối với tất cả chúng ta: Chúa không bị chặn đứng vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài vượt thắng tội lỗi nhờ tình thương và làm cho chúng ta tưởng nhớ điều thiện. Tất cả chúng ta đã cảm thấy điều thiện sau khi lầm lỗi. Thiên Chúa là Cha đang làm như vậy, và cả Chúa Giêsu cũng thế. Không có người nào không có điều gì là tốt. Đó là điều mà Thiên Chúa ngắm nhìn.

ĐTC kết luận:

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta nhìn thấy điều tốt nơi những người chúng ta gặp mỗi ngày, để tất cả chúng ta được khích lệ làm trổi lên hình ảnh mà Thiên Chúa đã in vào tâm hồn họ. Như thế chúng ta có thể vui mừng vì những điều lạ lùng của lòng Thương Xót Chúa! Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước tại Tây Ban Nha:

“Hôm qua, tại Madrid, 4 vị chân phước đã được tôn phong là José Antón Gómez, Antolín Pablos Villanueva, Juan Rafael Mariano Alcocer Martínez và Luis Vidaurrázaga Gonzáles, tử đạo, bị giết tại Tây Ban Nha trong thế kỷ vừa qua, trong cuộc bách hại chống lại Giáo Hội. Các vị là linh mục Dòng Biển Đức. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa và phó thác cho lời chuyển cầu của các tân chân phước những anh chị em đang còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay.”

ĐTC cũng chia buồn và liên đới với các nạn nhân bị động đất ở miền Trung Italia, kể cả cuộc động đất mới xảy ra lúc 7 giờ 40 phút sáng Chúa Nhật 30-10-2016 tại thành Norcia và vùng phụ cận với mức độ 6,5 theo thước Richter. Nhà thờ Chính toà Thánh Biển Đức ở địa phương bị sụp đổ, nhiều gia cư khác bị hư hại, nhưng rất may không có ai bị thiệt mạng, chỉ có vài người bị thương.

ĐTC nói:  “Tôi cầu nguyện cho những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại nặng cũng như cho các nhân viên cứu cấp và trợ giúp. Xin Chúa Phục Sinh ban cho họ sức mạnh và xin Đức Mẹ gìn giữ họ.”

Sau cùng, ĐTC thông báo cho tất cả mọi người cuộc viếng thăm ngài sẽ thực hiện thứ hai 31-10 này tại Thuỵ Điển, nhân dịp tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Tin Lành. “Trong hai ngày tới đây, tôi sẽ thực hiện cuộc tông du tại Thuỵ Điển nhân dịp tưởng niệm cuộc cải cách trong đó các tín hữu Công giáo và Luther cùng nhau trong ký ức và kinh nguyện. Tôi xin tất cả anh chị em cầu nguyện để cuộc viếng thăm này là một giai đoạn mới trong hành trình huynh đệ hướng về sự hiệp thông trọn vẹn.”
 
 

G. Trần Đức Anh OP