23/12/2024

Công giáo có thể học từ Tin Lành Luther hai điều: Cải cách và Kinh Thánh

Vatican – Trước chuyến viếng thăm Thuỵ Điển vào các ngày 31/10-01/11 để tưởng niệm 500 năm cuộc Cải cách của Luther, vào ngày 24/09, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời cuộc phỏng vấn của cha Ulf Jonsson, giám đốc của tạp chí Signum” của dòng Tên.

 Công giáo có thể học từ Tin Lành Luther hai điều: Cải cách và Kinh Thánh

 

 

Đức Giáo hoàng tiếp Giám mục Tin Lành Thuỵ Điển – AFP

Vatican – Trước chuyến viếng thăm Thuỵ Điển vào các ngày 31/10-01/11 để tưởng niệm 500 năm cuộc Cải cách của Luther, vào ngày 24/09, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời cuộc phỏng vấn của cha Ulf Jonsson, giám đốc của tạp chí Signum” của dòng Tên. Nội dung cuộc phỏng vấn được đăng bằng tiếng Anh và tiếng Ý trên tạp chí Dòng Tên La Civilta Cattolica (Văn minh Công giáo). Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói về những mong đợi của ngài và về sự hiệp nhất Công giáo và Tin Lành Luther.

“Tôi có thể nghĩ đến chỉ một từ để trả lời: đến gần nhau”, đó là câu trả lời của Đức Phanxicô về hy vọng của ngài trong chuyến viếng thăm Thuỵ Điển sắp tới. Ngài nói: “Hy vọng và chờ mong của tôi là đến gần các anh chị em của tôi hơn” vì “sự gần nhau cho tất cả chúng ta trở nên tốt, còn xa cách làm cho chúng ta đau khổ.” Khi chúng ta xa cách người khác, “chúng ta đóng kín mình trong bản thân và trở thành những thực thể cá nhân, không thể gặp gỡ người khác. Chúng ta bị kìm lại bởi nỗi sợ hãi”.

Đức Thánh Cha nhấn manh là chúng ta cần phải học vượt qua chính mình để gặp gỡ người khác và nếu không thì các Kitô hữu sẽ trở nên đau bệnh vì sự chia rẽ của chúng ta. Ngài nói tiếp: “Điều tôi chờ mong là có thể tiến một bước gần, gần hơn với anh chị em ở Thuỵ Điển.”

Chuyến viếng thăm sắp tới là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến vùng Scandinavia kể từ lần Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Thuỵ Điển vào năm 1989. Dù chỉ kéo dài 2 ngày, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ bao gồm buổi cầu nguyện hiệp nhất tại Nhà thờ Chính toà Tin Lành Luther ở thành phố Lund và sau đó là sự kiện đại kết ở thành phố Malmö.

Đức Phanxicô cũng sẽ cử hành Thánh lễ trọng kính Các Thánh với các tín hữu Công giáo Thuỵ Điển tại sân vận động Swedbank ở thành phố Malmö. Thánh lễ này không có trong chương trình ban đầu nhưng được thêm vào do yêu cầu của cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Thuỵ Điển.

Đức Phanxicô đã gặp phải những chỉ trích về quyết định ban đầu là không cử hành Thánh lễ Công giáo. Trong cuộc phỏng vấn ngài đã giải thích quyết định ban đầu này, vì ngài muốn cổ vũ hiệp nhất và tránh chia rẽ bè phái. Đức Thánh Cha giải thích là hai từ “Công giáo” và “bè phái” là hai từ tương phản, anh chị em không thể vừa là Công giáo và bè phái, do đó ngài không lên chương trình cử hành Thánh lễ trong chuyến viếng thăm này.

Đức Thánh Cha cũng  chia sẻ suy tư của ngài là muốn nhấn mạnh về chứng từ đại kết, nhưng như mục tử của đoàn chiên Công giáo và sẽ có các tín hữu đến từ Na uy và Đan Mạch, nên ngài đã nhận lời yêu cầu tha thiết của cộng đoàn Công giáo và kéo dài chuyến đi thêm một ngày. Thánh lễ không được cử hành cùng ngày cuộc gặp gỡ đại kết để tránh những hiểu lầm.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh cha cũng nói về liên hệ tích cực của ngài với tín hữu Luther khi ngài còn ở Buenos Aires. Theo ngài, các tín hữu Công giáo có thể học từ Tin lành Luther “cải cách và Kinh thánh.” Luther đã muốn cải cách khi Giáo hội trong thời kỳ khó khăn, ông muốn giải quyết tình trạng phức tạp, chỉ vì tình hình chính trị nên nó trở thành chia rẽ. Cải cách là điều căn bản của Giáo hội vì Giáo hội luôn cải cách. Đức Thánh cha nhìn nhận việc Luther khuyến khích tín hữu đọc Kinh thánh thật quan trọng.

Theo Đức Phanxicô, bên cạnh việc thảo luận thần học, cách tốt nhất cổ võ hiệp nhất hiện nay là chia sẻ sự nhiệt thành cầu nguyện chung và các việc bác ái. Ngài nhấn mạnh là cùng nhau hành động là điều rất quan trọng, trong khi “chiêu dụ tín đồ” trong lĩnh vực Giáo hội là tội lỗi, vì nó giống như biến Giáo hội thành một tổ chức. Nói chuyện với nhau, cầu nguyện cùng nhau, hoạt động chung là con đường mà chúng ta phải đi.

Đức Thánh Cha cũng nhận định là không bao giờ có thể dùng Thiên Chúa để bào chữa cho bạo lực: “Anh chị em không thể dùng tên Thiên Chúa để gây chiến tranh. Đó là phạm thượng, là ma quỷ.” Ngài cũng phản đối những phê bình nhắm đến các xung đột tôn giáo và cho rằng không có các tôn giáo thì thế giới sẽ tốt hơn. Ngài phân biệt giữa tôn giáo giả và sai lầm trong các hình thức sùng bái ngẫu tượng như tiền bạc, thù hận, tham vọng, thống trị, vv. với tôn giáo thật nhắm phát triển khả năng của con người để đạt tới hoàn hảo.

Lời cuối cùng của Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm sắp tới là: “Đơn giản: đi và bước cùng nhau! Đừng đóng kín trong những quan điểm cứng nhắc, bởi vì trong những điều đó không có khả năng hoán cải.” (CAN 28/10/2016)

 
 

Hồng Thuỷ