23/12/2024

Một nhà hữu dưỡng Kitô giáo ở Thuỵ Sĩ bị buộc cho phép trợ giúp tự tử

Toà án Thuỵ Sĩ phán quyết là một nhà hữu dưỡng Kitô giáo ở bang Neuchatel, Thuỵ Sĩ, phải cho phép trợ giúp tự tử hoặc là không còn được nhìn nhận như một cơ sở bác ái. Nhà hưu dưỡng này do Salvation Army, một tổ chức từ thiện Kitô giáo ở Anh điều hành.

 Một nhà hữu dưỡng Kitô giáo ở Thuỵ Sĩ bị buộc cho phép trợ giúp tự tử

 

 
Toà án Thuỵ Sĩ phán quyết là một nhà hữu dưỡng Kitô giáo ở bang Neuchatel, Thuỵ Sĩ, phải cho phép trợ giúp tự tử hoặc là không còn được nhìn nhận như một cơ sở bác ái. Nhà hưu dưỡng này do Salvation Army, một tổ chức từ thiện Kitô giáo ở Anh điều hành.

Khoảng một năm trước đây, luật pháp buộc các cơ sở chăm sóc từ thiện cho bệnh nhân và người cao niên cung cấp dịch vụ trợ giúp tự tử cho bệnh nhân nếu họ yêu cầu. Nhà hưu dưỡng này đã chống lại luật này vì nó vi phạm cốt lõi của niềm tin tôn giáo của tổ chức Salvation Army và là một sự sỉ nhục đối với tự do lương tâm. Nhưng toà án liên bang đã bác bỏ khiếu nại của nhà hưu dưỡng và tuyên bố là mọi cá nhân có quyền quyết định cách thức và thời gian họ muốn kết thúc cuộc sống của họ. Các thẩm phán nói là cách duy nhất nhà hưu dưỡng không bị buộc cung cấp dịch vụ trợ giúp tự tử là từ bỏ quyền pháp nhân của cơ sở bác ái. Từ bỏ quyền này thì nhà hưu dưỡng không còn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước nhưng nó cũng bị mất trợ cấp của nhà nước.

Vài tháng trước đây, một nhà hưu dưỡng Công giáo ở Diest, Bỉ, bị phạt 6.000 euro vì từ chối giúp cho một bệnh nhân bị ung thư phổi “chết êm dịu”.

Ông Neil Addison, Giám đốc Trung tâm Luật Thomas More ở Liverpool, nói: “Luật pháp khắp châu Âu và ở phương Tây dường như đang nói rằng các tổ chức không thể có quyền phản đối lương tâm, nhưng chỉ có các cá nhân. Điều này đang xúc phạm đến điều cốt lõi căn bản của các cơ sở và bệnh viện của các tôn giáo bởi vì nó đang nói là những tổ chức này, nếu cung cấp các dịch vụ, không thể hành xử theo cách thức tôn giáo… Điều này đáng lo ngại vì nó đưa đến kết quả buộc các tôn giáo không làm gì khác ngoài các việc thờ phượng và hoạt động tôn giáo và làm cho ý tưởng về bác ái tôn giáo trở nên rất khó khăn.”

Trong những thập niên gần đây, Giáo hội Công giáo tại Anh và xứ Wales đã không còn điều hành khoảng hơn 10 cơ sở bác ái đón nhận con nuôi bởi vì không thể thực hiện luật bình đẳng buộc họ cho các đôi đồng tính nhận con nuôi. (Catholic Herald 26/10/2016)

 
 

Hồng Thuỷ