24/01/2025

“Xương thuỷ tinh” không vỡ tan

Vừa mới lọt lòng bác sĩ đã kinh hoàng khi nhìn thấy đứa bé gãy cả tứ chi. Sau khi khám và điều trị, bác sĩ xác định em mắc chứng tạo xương bất toàn hay còn gọi là xương thuỷ tinh.

 

“Xương thuỷ tinh” không vỡ tan

Vừa mới lọt lòng bác sĩ đã kinh hoàng khi nhìn thấy đứa bé gãy cả tứ chi. Sau khi khám và điều trị, bác sĩ xác định em mắc chứng tạo xương bất toàn hay còn gọi là xương thuỷ tinh.

 

 

 

“Xương thủy tinh” không vỡ tan
Đỗ Trần Tú Uyên học tập tại nhà – Ảnh: THÁI THỊNH

Đã hơn 16 năm trôi qua, ít ai ngờ được rằng cô bé năm ấy lại có thể vượt qua những đau đớn thực tại để vươn lên học tập như bạn bè cùng trang lứa.

Đó là câu chuyện về hành trình tới trường của Đỗ Trần Tú Uyên (học sinh lớp 10A11 Trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Đau lắm nhưng rồi cũng quen

Năm nay đã 16 tuổi nhưng Uyên chỉ cao 90cm, nặng 11,5kg. Nhìn thân hình mong manh, đôi tay gầy guộc đưa từng nét bút trên tập giấy trắng mới thấm thía hết được những gian nan mà Uyên đã trải qua.

Anh Đỗ Quốc Khánh, ba của Uyên, kể lại rằng vì sinh ra quá yếu ớt nên việc nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Lúc ấy, mọi cử chỉ chăm sóc đều phải nhẹ nhàng, thận trọng, nếu không xương sẽ gãy. Năm Uyên lên 2 tuổi, càng cử động nhiều thì xương càng liên tục gãy.

“Vì xương dễ vỡ nên có đôi lúc chỉ cần vặn mình xương cũng sẽ gãy. Một tuần có khi gãy đến 3-4 lần. Xương đùi vừa gãy chưa lành lại đến cánh tay, thấy cháu đau đớn gào khóc mà bậc làm cha mẹ như chúng tôi chỉ biết nhìn mà bất lực” – anh Khánh xót xa kể.

Uyên tâm sự rằng cho đến bây giờ em cũng không còn nhớ mình gãy xương bao nhiêu lần, chỉ biết đã giống như một thói quen.

“Mỗi lần xương gãy em thường nằm im, để tay lên gối rồi chờ vết thương lành trở lại. Đau lắm nhưng rồi cũng quen, em không còn khóc nhiều như trước nữa” – Uyên nở nụ cười tươi rói kể.

Khi lên 5 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa nô nức tới trường thì Uyên chỉ im ỉm một mình trong căn nhà nhỏ.

Thương con, anh Khánh mua sách vở về dạy Uyên tập viết. Tay yếu nên ban đầu rất khó, ngay cả một cây bút cũng trở nên nặng đối với em.

Anh Khánh kể Uyên tiếp thu nhanh và rất chịu khó, dù mệt hay đau nhưng ngày nào cũng tập viết. Chỉ một năm thì đã có thể đọc và viết thành thạo.

Chưa bao giờ mặc cảm

Năm Uyên lên tiểu học, anh Khánh đóng một chiếc bàn đặc biệt cho đúng với khổ người tí hon của con gái. Bàn có lắp thêm chiếc ghế ngồi phía sau, lòng ghế đan bằng nhựa mềm có bánh xe phía dưới để di chuyển.

Cứ thế đều đặn mỗi ngày, anh Khánh là người đưa Uyên tới lớp và đón về vào giờ tan học trên chiếc xe tự chế ấy.

Để phục vụ việc học, phòng của Uyên cũng được thiết kế lại, ghế được cưa ngắn chân đi hay lắp giá sách và góc học tập ngay tại giường để phù hợp với thể trạng của em.

“Con bé ham học lắm, ngày hè trong khi bạn bè được vui chơi thì Uyên ở nhà học trước hết cả bộ sách giáo khoa cho năm học tới. Suốt năm năm tiểu học và cấp II, Uyên đều là học sinh giỏi và được giấy khen của trường” – anh Khánh kể.

Ngày gặp Uyên trên lớp 10A11, lớp học cấp III nay đã rộng hơn, bàn học của các bạn học sinh cũng được đóng cao lên cho phù hợp.

Còn Uyên vẫn là chiếc bàn cũ bé xíu do gia đình tự đóng được thầy cô sắp ngay sát bục giảng.

Nhìn Uyên ngồi lọt thỏm giữa lớp học, mải miết đọc sách trong giờ ra chơi, cô Ninh Thị Anh Đào – giáo viên chủ nhiệm của Uyên – khâm phục nói tuy không được lành lặn như các bạn nhưng Uyên chưa bao giờ mặc cảm vì điều đó, luôn nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình là trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin.

“Xương thủy tinh” không vỡ tan
… và chăm chỉ học tập trên lớp – Ảnh: THÁI THỊNH

“Uyên ham học, tiếp thu bài nhanh, đặc biệt rất hoà đồng nên được bạn bè thương mến và giúp đỡ. Những lúc thầy cô đọc nhanh quá ghi không kịp, em thường mượn vở bạn bè về để chép lại. Mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh, đôi chân lại bại liệt không di chuyển được nhưng chỉ việc em đều đặn tới lớp và có kết quả học tập tốt đã nói lên tất cả nghị lực đáng nể của Uyên” – cô Đào xúc động nói.

THÁI THỊNH