23/12/2024

Bài 5 – Lớp Hội nhập Văn hoá: Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới

Ngoài những hoạt động cụ thể dành cho những người nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân thiên tai, nạn nhân xã hội… chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc giới thiệu một nền nhân bản toàn diện và liên đới cho người Việt Nam.

 Bài 5 – Lớp Hội nhập Văn hoá

Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới

Trong dòng lịch sử, người Công giáo Việt Nam đã có kinh nghiệm quý báu khi đổi mới xã hội đang bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, theo chế độ quân chủ chuyên chế, hôn nhân đa thê, nam nữ bất bình đẳng, chậm tiến, lạc hậu về khoa học trong hai thế kỷ XVIII-XIX thành một xã hội tôn trọng nhân phẩm, hôn nhân một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, khoa học phát triển với chữ Quốc ngữ ta đang dùng (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng nền văn hoá nhân bản tâm linh).

“ĐTC Bênêđictô XVI trích dẫn lời của ĐTC Phaolô VI trong TĐ. Evangelii nuntiandi (số 7) và nói rằng “Loan báo Tin Mừng sẽ không đầy đủ nếu nó không lưu ý đến sự tương tác liên tục giữa Tin Mừng và đời sống cụ thể của con người, cả về mặt cá nhân và xã hội”. Làm chứng cho đức ái của Chúa Kitô, bằng các hoạt động về công lý, hoà bình và phát triển, là thành phần không thể thiếu của loan báo Tin Mừng, bởi vì Đức Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta, quan tâm tới con người toàn diện. Đây là các giáo huấn quan trọng làm nền tảng cho khía cạnh truyền giáo trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, một yếu tố nòng cốt của loan báo Tin Mừng” (x. TLLV, số 130).

Vì thế, ngoài những hoạt động cụ thể dành cho những người nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân thiên tai, nạn nhân xã hội… chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc giới thiệu một nền nhân bản toàn diện và liên đới cho người Việt Nam. Nền nhân bản này đã được Công đồng Vaticanô II trình bày trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) vào năm 1965, và Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình khai triển trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo vào năm 2004 (x. HTXHCG, tr.29-39).

Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin trình bày đôi nét chính yếu của nền nhân bản Công giáo theo ba câu hỏi sau đây:

1. Tại sao gọi là nền nhân bản?

2. Nền nhân bản toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?

3. Con người liên đới có các mối tương quan nào?

1. Tại sao gọi là nền nhân bản?

1.1. Định nghĩa

v   Nền nhân bản là một hệ thống suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng thay vì lấy vật chất hay thần linh. Hệ thống suy tư giúp con người có những nhận thức đúng đắn về chính mình, về con người, về vạn vật cũng như về cả Thiên Chúa. Hệ thống hành động bao gồm những kỹ năng sống để con người thể hiện tốt đẹp và hiệu quả những nhận thức trên.

v   Lưu ý về tên gọi “nền nhân bản”: Chúng ta dùng từ “nền nhân bản” thay vì “chủ nghĩa nhân bản” để tránh sự hiểu lầm rằng Giáo Hội đang muốn xây dựng một chủ nghĩa đối kháng với các chủ nghĩa đã từng có mặt hay đang ảnh hưởng trong đời sống con người như chủ nghĩa Tư bản, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Duy thực, Duy nghiệm, Duy tâm, Duy vật… Nền nhân bản này được xây dựng cho con người và vì con người nên bất cứ chế độ chính trị, tổ chức chính quyền, loại hình kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo nào cũng có thể tiếp nhận và hoà hợp, miễn là không đi ngược với những quyền lợi căn bản của con người, dù rằng nền nhân bản này có nói đến Thiên Chúa.

1.2. Những giai đoạn phát triển về nhận thức của con người

v   Trước đây, khi nhận thức của con người còn hạn hẹp, khoa học chưa phát triển, con người bái thờ những sức mạnh thiên nhiên hay vật chất vì thấy chúng mạnh hơn con người. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Nhưng khi con người chế ngự được thiên nhiên, thì thần linh cũng biến mất. Chế tạo ra cột thu lôi thì thần Thiên Lôi cũng không còn.

v   Sau đó, con người lại tìm ra các thần linh tưởng tượng làm nguồn gốc cho những hoạt động tinh thần của mình như thần Jupiter, Mars, Venus, Diana, Minerva… Đó là thời kỳ bái thần với nhiều hình thức mê tín. Nhưng khi con người khám phá ra những khả năng và giá trị tinh thần của chính mình thì các thần linh đó cũng không tồn tại.

v   Với khoa học tiến bộ, càng ngày con người càng ý thức rằng mình phải định hướng đúng những năng lực của chính mình vì chúng có thể phục vụ con người nhưng cũng có thể đè bẹp và huỷ diệt con người. Những quả bom nguyên tử nổ ở Hirosima và Nagasaki cũng như những bệnh nhân của chất độc Dioxin, của games online dạy ta điều đó.

v   Con người nhận ra rằng những bất ổn đang giày vò thế giới hôm nay gắn liền với những bất ổn sâu xa hơn bắt nguồn từ thâm tâm con người vì trong chính con người đã có những yếu tố xung khắc nhau. Con người cảm thấy mình bị hạn chế về nhiều phương diện nhưng lại luôn có những khát vọng vô biên. Vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm chuyện mình không muốn và không làm được điều mình muốn (x. Rm 7,14tt).

v   Vì thế, con người vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi cơ bản cho cuộc sống của mình như: Con người là gì? Làm sao giải thích được đau khổ, sự dữ và cái chết? Tại sao có nhiều tiến bộ của khoa học kỹ thuật như thế mà chúng vẫn tồn tại? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và mong đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ theo sau cuộc sống ở trần gian này? (x. CĐ Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 10).

 

 1.3. Đi tìm một nền nhân bản đích thực

v   Ngày nay người ta dường như trở về với thời kỳ bái vật khi sùng bái vật chất, coi tiền bạc của cải là thước đo của mọi giá trị, có khả năng vô biên, “có tiền mua tiên cũng được”, và coi thường những giá trị cao quý của con người.

v   Hơn nữa, người ta dường như lại quay trở về thời kỳ bái thần với hàng ngàn tôn giáo mới, đạo pháp mới ra đời, với đủ thứ kiểu tu luyện lạ lùng, những trò trừ ma diệt quỷ mê tín, những mơ tưởng hão huyền về những loại phù phép (Văn sĩ Rowling với bộ sách Harry Potter), về những chiêu thức võ lâm thần kỳ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

v   Trong lịch sử, nhiều tôn giáo, trong đó có cả Kitô giáo, đã có lúc quá chú trọng đến hình thức, nghi lễ dành cho thần linh, cho Thiên Chúa mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ của con người chối từ thần thánh, tạo nên chủ nghĩa vô thần. Những chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo đã dành cho thần linh, cho Thiên Chúa (x. CĐ. Vat.II HC Gaudium et Spes, số 19-21).

v   Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại (x. CĐ. Vat.II HC Gaudium et Spes, số 10).

v  Giáo hội Công giáo đã xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội (x. HTXHCG, số 62) và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô” (x. CĐ Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 22).

1.4. Mục đích của nền nhân bản mới

v   Nền nhân bản này nhằm mục tiêu là đổi mới và xây dựng mỗi người tín hữu thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là Adam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” (CĐ. Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 22).

v   Người tín hữu nhờ kết hợp với Đức Kitô sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23) để trở thành con người mới có khả năng chu toàn lề luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu (x. HTXHCG, số 575-580) cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này (x. HTXHCG, số 431).

v Lúc đó loài người chúng ta vượt qua bí ẩn của đau khổ và sự chết để sống trọn vẹn trong niềm vui, bình an và tình yêu của Thiên Chúa (x. HTXHCG, số 583).

2. Nền nhân bản toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?

Nền nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới vì con người thật sự là một mầu nhiệm không thể nào khám phá cho cùng.

Công đồng Vaticanô II đã lưu ý đến những lĩnh vực này trong các văn kiện, nhất là trong Hiến chế Gaudium et Spes. Công đồng lưu tâm đến thân phận con người trong thế giới ngày nay, đến phẩm giá cao cả của con người, đến cộng đồng nhân loại và sinh hoạt của con người trong thế giới và vũ trụ. Công đồng cũng lưu ý đến một số vấn đề khẩn thiết như hôn nhân và gia đình, giáo dục và văn hoá, kinh tế và chính trị, chiến tranh và hoà bình, đối thoại liên tôn và các phương tiện truyền thông xã hội.

Bốn mươi năm sau Công đồng, Giáo hội Công giáo tổng hợp những vấn đề của con người trong cuốn HTXHCG thành những chủ đề có tính tổng quát và đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn rõ ràng, mạch lạc hơn. Mười hai chương trong cuốn Tóm lược trình bày học thuyết của Giáo Hội về con người trong những lĩnh vực và những quan hệ chính yếu để hình thành nên một nền nhân bản đúng đắn và toàn diện. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng các bạn trẻ cuốn DOCAT (Làm gì?) ngày kết thúc Đại hội giới trẻ Thế giới, 31/7/2016. Đây là sách chuyển hóa HTXHCG thành cuốn giáo lý tóm tắt chỉ dẫn hành động với 328 câu hỏi và giải đáp. Ta có thể tóm tắt vào mấy lĩnh vực chính sau đây:

2.1. Thể chất và tinh thần

Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất với tinh thần và thể xác (x. HTXHCG, số 127; CĐ. Vat.II HCMV Gaudium et Spes, số 14). Hai yếu tố thể xác và tinh thần đều do Thiên Chúa dựng nên, chứ không phải bắt nguồn từ hai phía đối nghịch nhau (Thuyết Nhị Nguyên) (x. CĐ. Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 14). “Tinh thần lành mạnh trong một thể xác tráng kiện” (Mens sana in corpore sano).

Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất (HTXHCG, số 128). Mỗi ngày, qua đồ ăn, thức uống, khí trời, con người hoà hợp với vạn vật và thống nhất chúng nơi mình.

Nhờ tinh thần, con người có thể đi vào vạn vật để khám phá ra chúng và thấy mình vượt lên trên thế giới vật chất bên ngoài với phẩm giá độc đáo và lương tâm ngay chính.

2.2. Nội tâm và ngoại giới

Con người khám phá ra mình hiện hữu như một cái “tôi” độc lập, có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình (x. HTXHCG, số 131).

Khoa Tâm lý học cũng khám phá ra cấu trúc phức tạp của tinh thần con người với những tầng lớp như ý thức, tiềm thức, vô thức tác động lên nhau và ảnh hưởng lẫn nhau cũng như những khả năng lạ lùng của con người với trí nhớ, trí hiểu, trí tưởng tượng, ý chí, tình cảm, khả năng hoạt động… khiến cho mỗi con người trở thành độc đáo với sứ mạng đặc biệt của riêng mình.

2.3. Tự nhiên và siêu nhiên

Ngoài những gì tồn tại trong thế giới vật chất, hoặc do con người làm ra, có thể cân đo đong đếm hay xác định được trong không gian và thời gian, con người còn cảm nghiệm được nhiều điều thuộc về lĩnh vực siêu nhiên. Lĩnh vực siêu nhiên này mời gọi con người khám phá để phát huy những khả năng vô tận của con người vượt lên trên nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện nay. Con người có thể mở lòng mình để đón nhận những ân phúc như những quà tặng của Thiên Chúa và trao đổi những giá trị tinh thần cho người khác như tình yêu, lòng nhân ái, lời cầu nguyện…

Khi nhận ra mình có tự do như quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người và muôn loài có tinh thần để yêu Ngài, vì Ngài là tình yêu (1Ga 4,8.16), thì con người cũng có thể khước từ tình yêu Thiên Chúa (Sđd, số 128; CĐ. Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 14). Và con người đã làm thế trong đời sống của mình. Con người cắt đứt với nguồn chân thiện mỹ là Thiên Chúa nên con người đã cảm nghiệm những nổi loạn của thân xác, làm nô lệ cho những xu hướng xấu xa của tinh thần dẫn con người đến tội lỗi (1Cr 6,13-20; Rm 7,24; CĐ. Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 13). Vì thế, con người cần luyện tập những đức tính và loại bỏ những tật xấu ra khỏi cuộc sống của mình.

2.4. Cá nhân và tập thể

Nhờ tinh thần, con người có thể gặp gỡ được những con người khác để xây dựng thành những cộng đồng yêu thương. Cộng đồng đầu tiên và cơ bản là gia đình với định chế hôn nhân, với nhiệm vụ nuôi nấng và giáo dục con cái. Cộng đồng rộng lớn hơn là xã hội, tập thể để xây dựng nên nền văn hoá dân tộc với những mối liên hệ với ông bà tổ tiên. Cộng đồng rộng lớn nhất là chính cộng đồng quốc tế với muôn dân tộc trong gia đình nhân loại mà mỗi người đều có nghĩa vụ phải tham gia và bảo vệ hoà bình.

Hơn nữa, con người có thể mở ra với siêu việt để gặp gỡ được tinh thần tuyệt đối là Thiên Chúa ngay trong cõi thâm sâu của lòng mình và gặp gỡ những thụ tạo khác để xây dựng và phát triển một cộng đồng yêu thương (x. HTXHCG, số 128,129,130).

3. Con người liên đới có các mối tương quan nào?

Con người toàn diện này có 4 mối quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải tập luyện để thể hiện cho tốt đẹp các mối quan hệ ấy:

– Với Thiên Chúa, giữ tinh thần thảo hiếu

– Với người khác, giữ tinh thần huynh đệ

– Với vạn vật, giữ tinh thần huynh trưởng

– Với chính mình, giữ tinh thần tự chủ

3.1. Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên.

Phân tích con người mình, mỗi người chỉ thấy được những cái thuộc về vật chất, chỉ là những nguyên tử, phân tử Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ… thế mà ta đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ. Vậy thì sự sống, tình yêu, sự khôn ngoan phải bắt nguồn từ một ai đó vượt ra ngoài vật chất, không gian và thời gian cố định. Nhờ tinh thần mở ra cho siêu việt mà ta khám phá ra Đấng Siêu việt là Thiên Chúa, nguồn gốc của muôn sự muôn loài (CĐ. Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 12; HTXHCG, số 130).

Đào tạo lương tâm ngay chính: con người khám phá tận đáy lòng mình lương tâm như một lề luật phải theo, như một tiếng nói của Thiên Chúa kêu gọi con người phải yêu mến và làm điều thiện cũng như phải tránh những điều ác (Sđd, số 16). Tuân theo lề luật ấy là tuân theo các giá trị đạo đức. Các giá trị này bắt nguồn từ luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm con người, nhờ đó phẩm giá con người được nâng cao và xã hội được ổn định (Sđd, số 20).

Từ cội nguồn Thiên Chúa, con người sẽ giữ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, dân tộc, là những người thay mặt Chúa chuyển sự sống, sự thật, tình yêu và ân phúc cho ta.

Trong mối tương quan này, người tín hữu được đào tạo để hiểu biết về tinh thần ái quốc và nền văn hoá dân tộc, biết bảo vệ tổ quốc và biết đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá dân tộc.

3.2. Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào. 

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Ngài sáng tạo con người có nam, có nữ (x. St 1,27). Sự liên kết giữa hai người nam nữ tạo nên một cộng đồng đầu tiên giữa người với người. Từ bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với những người khác con người không thể phát triển và hoàn thiện chính mình.

Trong vũ trụ bao la vẫn có thể có những “người khác” để ta tìm hiểu, gặp gỡ và cùng nhau xây dựng một nền hoà bình giữa các vì sao. Thiên hà của chúng ta với hơn hang tỉ ngôi sao và có khoảng 8.000 hành tinh có điều kiện giống như trái đất, nghĩa là có thể có người. Thiên hà Andromede cách ta 3,5 triệu năm ánh sáng cũng có khoảng vài trăm triệu ngôi sao như thế. Cả vũ trụ có khoảng 10 ngàn thiên hà đã được kính thiên văn Hubble của Mỹ chụp được. Trong giải thiên hà của ta, theo ước tính của các nhà khoa học có thể có hàng trăm ngàn hành tinh có điều kiện phát triển sự sống và có khoảng gần 100 nền văn minh bằng hoặc hơn trái đất (x. Báo Tuổi Trẻ, 9/3/2009).

Con người thể hiện tinh thần huynh đệ này bằng cách tránh những hành vi tiêu cực như dối trá, tham lam, bất công, dâm đãng, xúc phạm đến thân xác hay danh dự người khác theo tinh thần của Mười Điều Răn và bằng cách thể hiện những hành vi tích cực qua đời sống bác ái, tôn trọng, hợp tác, tin tưởng, khoan dung, khiêm tốn, công bình, quảng đại, trung thực, trong sạch, hoà bình, dám hy sinh vì đại nghĩa theo tinh thần Tám Mối Phúc của Đức Giêsu Kitô. Đó là những giá trị sống cần thiết cho mỗi người chúng ta.

3.3. Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Tinh thần này được thể hiện qua việc:

       Chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua các khoa học kỹ thuật.

       Siêng năng lao động cũng như biết nghỉ ngơi.

       Làm ra các của cải và biết chia sẻ những tài nguyên và vật lực cho người yếu kém.

       Bảo vệ môi trường sống cho sạch, xanh, đẹp, an lành.

       Làm cho dân giàu nhưng tự nguyện sống tiết kiệm, giản dị theo gương Đức Giêsu.

3.4. Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ

Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ và cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống. Khả năng tự chủ này được đào luyện mỗi ngày qua một số kỹ năng sống sau đây:

– Làm chủ ân phúc Chúa ban qua đời sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ, các thần thánh bằng cầu nguyện, phụng tự và các bí tích. Tất cả là hồng ân để luôn sống trong tâm tình tạ ơn và không bỏ phí bất kỳ một ơn nào.

– Làm chủ cá tính với những đặc tính như cảm tính, hoạt tính, sơ tính hay thứ tính, những nhu cầu xu hướng, năng khiếu để hiểu rõ con người mình có khả năng, ưu điểm, khuyết điểm nào.

– Làm chủ các tài năng tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí qua việc tích cực học hành, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đào tạo năng khiếu chuyên môn để trở thành những người có khả năng sống tự lập, làm sáng danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho con người (x. CĐ. Vat.II, Gaudium et Spes, số 15).

– Làm chủ sức khoẻ, các bản năng và tình cảm bằng đời sống điều độ trong việc ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi với những giờ thể dục, thể thao để luyện một ý chí vững vàng trong một thân thể khoẻ mạnh. Tập luyện để sống quảng đại, vui tươi, khiêm tốn, dũng cảm, biết tha thứ, biết nhường nhịn vì Thiên Chúa hiểu rõ lòng con người và sẽ bù đắp cho con người hơn cả điều lòng họ ước mong.

– Làm chủ thời giờ: thời giờ là hồng ân và cũng là vốn liếng Chúa trao ban nên quý trọng từng giây phút sống trên đời. Một nụ cười, một lời cám ơn, xin lỗi, một cử chỉ đẹp chỉ tốn một vài giây sống nhưng sẽ làm cho đời mình và đời người hạnh phúc nên không để mất giây phút nào mà không sống đẹp, sống bác ái, sống hào hùng. Mỗi giây phút đều có giá trị vĩnh hằng vì Ngôi Lời làm người đã biến đổi tất cả những giá trị con người thành cao cả, vô biên (x. CĐ. Vat.II, Gaudium et Spes, số 22).

– Làm chủ các phương tiện vật chất như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, quần áo, đồ dùng để bảo đảm cho mình những điều kiện cần thiết cho đời sống tự lập (x. TLHTXHCG, số 176). Tuy nhiên, của cải không phải chỉ làm lợi cho người sở hữu mà còn phải làm lợi cho người khác vì Thiên Chúa ban trái đất chung cho mọi người (Sđd, số 177). Đó là mục tiêu phổ quát của các phương tiện vật chất và nhờ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới (Sđd, số 174). Người sở hữu vật chất còn được mời gọi để sống tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu Kitô vì Người giàu có vô song nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó để chúng ta trở thành giàu có như Người (x. 2Cr 8,9).

 

KẾT LUẬN

Trên đây chúng ta chỉ mới lướt qua những điểm cơ bản của nền nhân bản toàn diện và liên đới về mặt nhận thức những giá trị và kỹ năng sống.

Người tín hữu Công giáo phải hết sức quan tâm đến các vấn đề xã hội ở Việt Nam và quyết tâm liên kết với mọi thành phần trong xã hội để xây dựng và phát triển cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, muốn giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội người ta thấy rằng cần phải tập trung vào việc đào tạo con người Việt Nam để giúp họ đổi mới cách nghĩ và lối sống.