24/01/2025

Không để thuỷ điện thành thuỷ hại

Các nhà máy thuỷ điện nhỏ đã tạo nhiều hệ luỵ, mới nhất là thuỷ điện Hố Hô. Các chuyên gia cho rằng cần siết chặt quy hoạch thuỷ điện, không nên để địa phương tiếp tục cấp phép để tránh thuỷ điện thành thuỷ hại.

 

Không để thuỷ điện thành thuỷ hại

Các nhà máy thuỷ điện nhỏ đã tạo nhiều hệ luỵ, mới nhất là thuỷ điện Hố Hô. Các chuyên gia cho rằng cần siết chặt quy hoạch thuỷ điện, không nên để địa phương tiếp tục cấp phép để tránh thuỷ điện thành thuỷ hại.

 

 

 

Không để thủy điện thành thủy hại
Vợ chồng bà Tuyết ở thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, hà Tĩnh (nơi có tuỷ điện Hố Hô xả lũ) dựng lại những cây bưởi Phúc Trạch bị lũ cuốn trôi – Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo quy định hiện hành, thuỷ điện dưới 30MW phần lớn do các địa phương chủ trì cấp phép. Quản lý các thủy điện này như thế nào? Có cần có thủy điện nhỏ hay không? Có nên giao toàn quyền cho địa phương cấp phép và quản lý hay không?…

Không để thủy điện thành thủy hại
Ảnh: C.V.K.

* GS.VS.TSKH TRẦN ĐÌNH LONG (phó chủ tịch Hội Điện 
lực VN):

Nhiều thủy điện thiệt hại lớn hơn hiệu quả

Thuỷ điện là nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tác động môi trường cũng không nhiều, nếu khai thác tốt sẽ hiệu quả. Tuy nhiên, chấp nhận dự án nào cũng phải xem kỹ lợi và hại, song thực tế nhiều dự án chưa tính được hết thiệt hại nên hiệu quả ít hơn thiệt hại.

Quản lý quy hoạch thuỷ điện nhỏ còn thiếu sót, giao cho địa phương nhưng có địa phương không đủ chuyên gia, năng lực từ khâu quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành. Khó khăn này cũng có thể khắc phục bằng cách thuê công ty tư vấn và xây dựng điện, nhưng do một số địa phương và nhà đầu tư muốn giảm bớt kinh phí tư vấn thiết kế nên làm không cẩn thận.

Do đó, với từng dự án cần phải thẩm định chặt chẽ, phải có báo cáo tác động môi trường, sinh thái do cơ quan chuyên môn thực hiện. Đặc biệt quy trình vận hành cần được xây dựng chặt chẽ, kiểm tra tập huấn đầy đủ. Phân cấp cấp phép thủy điện là quy định của Nhà nước nhưng quan trọng là quản lý có đúng quy trình và bộ chủ quản phải để mắt đến, nếu để xảy ra sự cố thì phải làm rõ trách nhiệm.

Không để thủy điện thành thủy hại
Ảnh: T.L.

* GS.TSKH PHẠM HỒNG GIANG (chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN):

Đã từng cảnh báo 
thủy điện Hố Hô

Năm 2009, một số chuyên gia của hội đã đi vào công trường, lúc ấy đang xây dựng chưa xong và nhận thấy có những bất cập trong vận hành thuỷ điện Hố Hô. Hội đã có ý kiến gửi chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khuyến nghị về quản lý vận hành thuỷ điện, về những bất cập khi chọn 
vị trí của thuỷ điện này.

Sau sự cố thuỷ điện Hố Hô, bài học rút ra là công tác dự báo có vai trò rất quan trọng, khâu quản lý vận hành phải lường trước các nguy cơ, kiểm tra an toàn thường xuyên… Chuyện này phải làm trước mùa lũ, không nên để xảy ra tình huống nguy cấp như thuỷ điện Hố Hô, khi đó nhà máy đã vào tình huống nguy hiểm.

Không để thủy điện thành thủy hại
Ông Đào Trọng Tứ – Ảnh: CHÍ QUỐC

Bây giờ có chuyện thuỷ điện xả lũ, dù xả cấp tập, dân thiệt hại nhưng cơ bản đều đúng quy trình. Đúng quy trình mà dân chạy không kịp thì phải xem lại

* Ông ĐÀO TRỌNG TỨ (giám đốc Trung tâm Quản lý bền vững tài nguyên và thích nghi biến đổi khí hậu):

Cẩn trọng 
trong quy hoạch

Mới đây, có nơi kiến nghị bổ sung quy hoạch, trong đó có thủy điện rất nhỏ chỉ 1,4MW, tôi không hiểu làm thủy điện đó làm gì. Bộ Công thương cần cẩn trọng trong bổ sung thêm vào quy hoạch thuỷ điện. Thuỷ điện nói là nhỏ, như Hố Hô chỉ 14MW, nhưng họ lại xây đập cao tới hàng chục mét, mực nước chết đã hơn 60m, thì thực ra nó không phải là công trình xây dựng nhỏ nữa rồi.

Tôi đã đi nhiều dòng sông, bây giờ thuỷ điện 15-16MW rất nhiều. Cứ nói thuỷ điện nhỏ, hồ nhỏ, tác động không nhiều đến môi trường, dân sinh nhưng thực tế không phải. Một dòng sông tác động đến rất nhiều lĩnh vực. Nhưng một ngành lại có quyền điều chỉnh quy hoạch. Nếu địa phương cứ đề nghị, rồi Bộ Công thương bổ sung quy hoạch, thì tự nhiên trên dòng sông ấy, nhiều ngành khác như nông nghiệp, cấp nước… sẽ như thế nào.

Theo tôi, cần có chương trình tập huấn lại cho từ cán bộ cơ quan quản lý tới nhân viên vận hành các thuỷ điện để cả hệ thống nhận thức và có biện pháp, chuẩn bị cần thiết cho việc vận hành thuỷ điện trong tương lai. Đặc biệt nhân sự tại các thuỷ điện nhỏ cần được đào tạo lại.

Không để thủy điện thành thủy hại
Ảnh: Q.KHẢI

* TS TÔ VĂN TRƯỜNG 
(chuyên gia về tài nguyên nước 
và môi trường):

Loại thủy điện nhỏ 
ra khỏi quy hoạch

Về kỹ thuật, hầu hết các công trình thuỷ điện ở miền Trung có quy mô vừa và nhỏ không có dung tích điều tiết cắt lũ hoặc cấp nước. Về lợi ích kinh tế, thông thường các chủ hồ thuỷ điện đều đặt lợi ích tối đa phát điện lên trên hết, trừ các trường hợp bị bắt buộc phải xả cấp nước theo yêu cầu. Vì vậy, vấn đề xả lũ của thuỷ điện phải giao cho UBND cấp tỉnh quản lý, điều hành theo quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm chủ động đảm bảo an toàn cho hạ du.

Ước tính phải mất trung bình khoảng 15ha rừng cho 1MW thủy điện, tàn phá môi sinh rất ghê gớm. Điển hình như thuỷ điện Hố Hô vận hành trong sáu năm đã gây ra ba sự cố lớn, gây bức xúc trong xã hội. Đập thủy điện Hố Hô nhỏ nhưng cao đến 50m, quy mô đập dài 102m, bề mặt rộng 5m. Đây không phải là lần đầu tiên hồ thủy điện Hố Hô bị đe doạ đến an toàn công trình. Năm 2010 và 2013, thuỷ điện từng sạt lở, gây ngập nước khu vực hạ du.

Cần rà soát loại bỏ các dự án thuỷ điện nhỏ lợi bất cập hại dù đã được phê duyệt trong quy hoạch. Đối với các thuỷ điện đang hoạt động, cần đánh giá lại các quy trình vận hành xả lũ và cấp nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ du, và phải có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp thuỷ điện gây ra sự cố ngập lụt.

Không để thủy điện thành thủy hại
Ảnh: T.L.

* PGS.TS LÊ ANH TUẤN (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ):

Quy trình xả lũ 
phải phù hợp 
điều kiện địa phương

Khi xảy ra chuyện ngập lụt ở hạ du, người dân cho rằng thuỷ điện xả lũ góp phần gây ngập gây thiệt hại, trong khi cơ quan chức năng bảo là việc xả lũ đúng quy trình. Như vậy lỗi nằm ở chỗ nào?

Theo tôi, vấn đề có thể nằm ở quy trình xả lũ. Trước đây quy trình xả lũ sẽ được thông báo cho địa phương trước hai giờ, sau đó được nâng lên trước bốn giờ. Nhưng không thể đem mốc thời gian này áp dụng cho toàn bộ các hồ đập mà phải căn cứ vào địa thế địa hình, tình hình dân cư, hoạt động kinh tế – xã hội ở hạ du của mỗi đập xả lũ dài hay ngắn còn tùy thời gian ngày hay đêm. Ví dụ việc xả lũ sau 12g đêm thì khi người dân biết được nước đã tới nhà…

Khi đã có quy trình rồi cần kiểm nghiệm lại quy trình đó thông qua hình thức diễn tập xem hiệu quả của quy trình, cần có cơ chế giám sát quy trình này được thực hiện có đúng hay không.

Không để thủy điện thành thủy hại
Ảnh: C.V.K.

* Ông TRẦN VIẾT NGÃI (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN):

Không nên giao địa phương cấp phép thuỷ điện nhỏ

Trong bối cảnh vẫn có nguy cơ thiếu năng lượng như hiện nay, việc có thêm các thủy điện nhỏ (dưới 30MW) cũng quý. Bởi có thêm được 15-20MW là không đơn giản, vì điện gió, điện mặt trời để có được công suất đó phải đầu tư cả trăm triệu USD, mà nguồn điện không ổn định, vẫn phải đảm bảo dự phòng vì mặt trời chỉ có ban ngày còn gió không phải lúc nào cũng mạnh. Chúng ta cần thủy điện nhỏ, nhưng cách làm phải 
chặt chẽ.

Theo tôi, đã đến lúc không nên giao cho địa phương chủ trì quy hoạch rồi cấp phép cho thuỷ điện nhỏ nữa vì không có chuyên môn sâu. Thủy điện không chỉ là thuỷ lợi, nó liên quan đến kết cấu đập, thiết kế, thi công, đến môi trường… Nên để cơ quan chịu trách nhiệm và có chuyên môn sâu thực hiện công việc này thường xuyên đánh giá, cấp phép, đó là Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, không nên làm những thủy điện công suất nhỏ hơn 1,5MW và những dự án thuỷ điện nằm sâu trong rừng. Vì làm phải phá rừng làm đập, làm đường thi công, rồi đường vận hành… tiềm ẩn nguy cơ phá rừng. Chỉ nên làm thuỷ điện ở bìa ngoài rừng, chủ đầu tư chặt cây nào tính tiền cây ấy, rồi phải trồng bù lại.

Với những dự án thuỷ điện nhỏ buộc phải thuê tư vấn, giám sát chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng công trình, tránh tình trạng thuê tư vấn yếu, công trình làm chưa xong đã thấy có chỗ hỏng, xảy ra sự cố.

Quy trình vận hành gì thì cơ bản cũng là xả nước trước khi lũ về, trước khi xả phải thông báo đúng thời gian quy định cho chính quyền và người dân vùng hạ du biết… Thực tế thuỷ điện nào cũng muốn giữ nước, vì nếu dự báo thời tiết nói mưa to, nhưng mưa không to hoặc bão không vào như dự kiến, mà xả nước đi, mùa khô không có gì phát điện.

Vấn đề là cần quy định và giám sát thực hiện nghiêm việc tích, xả nước, đến mực nước nào mùa lũ thì phải xả, để lũ về thì xả từ từ, không cấp tập.

C.V.KÌNH – NGỌC AN – QUANG KHẢI ghi