25/12/2024

Trồng tre chắn lũ giữ làng

Nếu không có rừng tre này thì núi cây gỗ trong cơn lũ sẽ lao vào những ngôi nhà trong làng theo tốc độ khủng khiếp.

 

Trồng tre chắn lũ giữ làng

Nếu không có rừng tre này thì núi cây gỗ trong cơn lũ sẽ lao vào những ngôi nhà trong làng theo tốc độ khủng khiếp. 

 

 

 

Trồng tre chắn lũ giữ làng
Cây gỗ đủ các loại theo dòng nước lao thẳng vào làng Lệ Sơn bị rừng tre chặn lại ngoài bờ sông – Ảnh: QUỐC NAM

“Những bụi tre này đã dùng thân mình chắn nước lũ cho hàng ngàn ngôi nhà trong làng. Nên mỗi bụi tre mất đi, người làng chúng tôi xót như mất đi một người bạn

Ông Lương Khắc Trường

Cơn lũ vừa rút, người dân làng Lệ Sơn, xã Văn Hoá, huyện Tuyên H tỉnh Quảng Bình mới dám đi ra đầu làng nơi thẳng hướng dòng chảy của con sông Gianh. Và những người dân trong làng mới rùng mình khi thấy la liệt các loại gỗ, củi chất thành núi ngay nơi rặng tre đầu làng.

Những người già trong làng nói nếu không có rừng tre này thì núi cây gỗ đó sẽ lao vào những ngôi nhà trong làng theo tốc độ của những quả tên lửa. Và chắc chắn nhiều ngôi nhà trong làng sẽ bị xóa sổ ngay trong dòng nước dữ.

Người cao tuổi trong làng không còn ngạc nhiên với những hình ảnh này nữa bởi gần trăm năm qua kể từ khi có rừng tre này, đã hàng chục lần họ nhìn thấy cảnh ấy.

Bức tường thành bảo vệ

Chúng tôi gặp ông Lương Khắc Trường (63 tuổi, ở thôn Thượng Phủ, một trong 10 thôn của làng Lệ Sơn) trong rừng tre đi ra.

Ông Trường đội mũ, tay cầm theo cuốc và xẻng len lỏi qua những tán tre rồi dừng lại trước một bụi tre nhỏ nằm sát bờ sông vừa bị nước lũ xô bật gốc. Ông xúc từng xẻng đất đắp vào gốc tre mà như ứa nước mắt.

“Những bụi tre này đã dùng thân mình chắn nước lũ cho hàng ngàn ngôi nhà trong làng. Nên mỗi bụi tre mất đi, người làng chúng tôi xót như mất đi một người bạn” – ông Trường nói.

Ông Trường còn nói con nước ở vùng này “hỗn” đến mức không thể tưởng tượng nổi. Vì làng Lệ Sơn nằm ngay khúc cua của sông Gianh.

Bình thường nước về ngang đoạn này sẽ quẹo một góc khá rộng rồi chảy thẳng về xuôi. Nhưng khi lũ lên, nước sông chảy thành một đường thẳng và nhằm thẳng làng Lệ Sơn mà lao đến. Những bụi tre ở phía ngoài là nơi bị con nước xô đến đầu tiên.

Ông Trường nói đã lâu lắm rồi vùng này mới có một trận lũ kinh hoàng đến thế. Chỉ trong nháy mắt nước lũ đã ngập 2-3m. Tốc độ nước thì càng khủng khiếp hơn, cứ như chực cuốn phăng mọi thứ.

Ông Trường dẫn chúng tôi đi thêm gần một cây số dọc theo những hàng tre ken đặc bên bờ sông. Đến một lối mòn từ bờ sông dẫn vào làng, một lão nông khác tên Nguyễn Xuân Khai đang cặm cụi tỉa cành ngọn cho hai, ba bụi tre khác.

Những bụi tre này rất lớn, tán phủ xuống hơn chục mét và đang cùng “ôm nhau” nghiêng rạp về phía làng.

Ông Khai nói những bụi tre này chưa bị nước giật bật hẳn gốc nên khả năng còn cứu được. Cách cứu là tỉa cành ngọn rồi nhiều người làng ra hò nhau dựng dậy lấp đất xuống cho tre, chờ tre lên mầm trở lại.

Khi đi qua phía bờ sông chúng tôi mới giật mình: dưới những gốc tre đổ rạp này là hàng núi những thân cây gỗ to nhỏ đủ loại xếp chồng lên nhau. Ở phía trên, một số cây gỗ còn cắm sâu giữa những gốc tre xù xì như mũi tên phóng vào tấm xốp.

Đi theo lối mòn dọc bờ sông này dẫn lên các thôn Hà Thâu, Bàu Sỏi, hình ảnh những bụi tre cùng dựa vào nhau chống đỡ những thân gỗ chất thành núi dưới gốc cứ ám ảnh chúng tôi.

“Khi lũ về nhanh, ngoài sức nước cuồn cuộn thì chính những thân gỗ này là tai hoạ với dân làng. Có lẽ vì rứa nên những bậc ông cha trong làng mới nghĩ ra việc trồng rừng tre bao quanh làng để vừa giảm sức nước, vừa chắn cây gỗ từ thượng nguồn theo dòng nước đổ về” – ông Trường nói.

Trồng tre chắn lũ giữ làng
Bức tường thành bằng tre bao quanh làng Lệ Sơn dọc sông Gianh – Ảnh: QUỐC NAM

Một cây tre cũng phải họp

Chiều xuống dần, con sông Gianh hung dữ nay đã trở lại hiền hòa dù nước vẫn đặc màu bùn. Đứng trên cầu Văn Hoá nhìn ngược lên phía lèn đá vôi cuối làng Lệ Sơn, một màu xanh sẫm tạo thành một đường cong kéo dọc theo bờ sông dài gần chục cây số.

Ông Trường nói chỉ có đứng trên cầu này mới có thể nhìn bao quát hết toàn bộ lũy tre bao bọc 10 thôn của làng Lệ Sơn. Ông vừa nói xong thì điện thoại ông có người gọi.

“Tui phải về họp rồi”, ông Trường cho biết người vừa gọi là dân trong thôn Thượng Phủ hỏi xin một vài cây tre trong số tre vừa bị lũ xô ngã để đem về buộc lại gian chái sau nhà. Tại thôn Thượng Phủ, ông Trường là một trong ba người nằm trong ban quản lý rừng tre.

“Làng mô tui không biết chứ ở nơi đầu họng nước như làng tui thì rừng tre là tài sản lớn nhất của làng. Ai muốn xin dù một cây tre cũng phải đủ ba người trong ban quản lý đồng ý. Đó là chưa kể phải báo với chính quyền và chi bộ thôn thông qua.

Cứ luân phiên nhau, mỗi năm dân làng lại cử ra ba người chuyên trách quản lý và bảo vệ rừng tre cho làng. Nhiệm vụ của những người này vừa là bảo vệ rừng tre, vừa trồng thêm cho rừng tre dày lên để tăng sức chống chịu trước những cơn lũ lớn.

Ông Lương Thanh Tấn, bí thư Đảng uỷ xã Văn Hoá, nói rừng tre của làng Lệ Sơn đã có từ trăm năm nay. Qua nhiều thế hệ, rừng tre vẫn được người dân bảo vệ rất tốt.

Có thể nói rừng tre này quyết định sự sống còn của làng khi lũ lớn về. Như trận lũ vừa rồi, cả vùng Lệ Sơn bị ngập gần như 100% trong lũ. Nhưng thiệt hại về nhà cửa và người gần như rất nhỏ.

Mấy hôm nay có đơn vị bộ đội về giúp dân dọn các cây gỗ do lũ tấp về. Đơn vị này đã dọn hai ngày rồi, gỗ vẫn chưa vơi.

“Với khối lượng gỗ khổng lồ như thế này mà tấp thẳng vào làng thì chắc chắn làng này bị xoá sổ” – ông Tấn nói.

Nghị quyết trồng và 
bảo vệ tre

Ông Hoàng Minh Đề, bí thư huyện uỷ Tuyên Hoá, kể do địa hình huyện này nằm dọc hai bờ sông Gianh, lũ thường về rất nhanh và mạnh nên việc trồng tre giữ làng được chính quyền huyện khuyến khích.

Không chỉ ở xã Văn Hoá, nhiều xã khác ven sông cũng rất ý thức trong việc trồng và bảo vệ tre.

Thậm chí thời điểm 1981-1985, việc trồng tre thành rừng ven sông còn được đảng bộ các xã ven sông đưa vào nghị quyết của xã để tạo nên một “lá chắn xanh” vững chắc bảo vệ làng xóm. Nghị quyết này quy định mỗi hộ dân một năm phải trồng được 10 bụi tre ven sông.

“Đến nay tuy không còn nghị quyết nữa, nhưng việc trồng tre gắn liền với sự sống còn của làng nên các xã, thôn đều tự ý thức được giá trị của việc trồng tre” – ông Đề nói.

QUỐC NAM