Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh: Cổ vũ đối thoại
Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô có tới 100.000 tín hữu hành hương, trong đó có nhiều phái đoàn từ các giáo phận Italia và Ba Lan, vì ngày 22-10 cũng là lễ kính Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng.
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh: Cổ vũ đối thoại
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung Năm Thánh sáng thứ bảy, 22-10-2016, ĐTC cổ vũ đối thoại và gọi đây là một khía cạnh quan trọng của lòng thương xót.
Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô có tới 100.000 tín hữu hành hương, trong đó có nhiều phái đoàn từ các giáo phận Italia và Ba Lan, vì ngày 22-10 cũng là lễ kính Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng. Nhiều GM Italia và Ba Lan cùng với chính quyền địa phương liên hệ đã tháp tùng các tín hữu về dự buổi tiếp kiến này.
Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, chuơng 4 (4,6-15), thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria và ngài nhận xét:
“Trước tiên, đối thoại là một dấu chỉ rất tôn trọng, vì nó đặt con người trong thái độ lắng nghe và đón nhận những khía cạnh tốt nhất của người đối thoại. Tiếp đến, đối thoại là một biểu hiện của đức bác ái, vì tuy không làm ngơ trước những khác biệt, nó giúp tìm kiếm và chia sẻ ích chung. Ngoài ra, đối thoại mời gọi chúng ta đặt mình trước người khác, coi họ như một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đang gọi hỏi và yêu cầu chúng ta nhìn nhận Ngài.”
ĐTC cũng than phiền: “Nhiều khi chúng ta không gặp gỡ người anh em, tuy sống cạnh họ, nhất là khi chúng ta đề cao lập trường của mình hơn lập trường của người khác. Chúng ta không đối thoại khi chúng ta không lắng nghe đủ hoặc có xu hướng ngắt lời người khác để chứng tỏ mình có lý. Trái lại, sự đối thoại đòi phải có những lúc thinh lặng, trong đó chúng ta đón nhận hồng ân đặc biệt là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người anh em.”
ĐTC nói thêm: “Anh chị em thân mến, đối thoại giúp con người nhân bản hoá các tương quan và vượt thắng những hiểu lầm. Đối thoại rất cần thiết trong gia đình chúng ta, và chúng ta có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề dường nào nếu ta học cách lắng nghe nhau! Trong tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và các con cái cũng vậy. Bao nhiêu điều ích lợi cũng có thể đạt được nhờ đối thoại giữa giáo chức và học sinh, giữa các giới lãnh đạo và công nhân, để khám phá những đói hỏi tốt nhất của công việc.”
ĐTC kết luận: “Tất cả mọi hình thức đối thoại đều nói lên một đòi hỏi lớn của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đến gặp tất cả mọi người và đặt nơi mỗi người một hạt giống tốt lành lòng từ nhân của Ngài, để họ có thể cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Đối thoại phá đổ các bức tường chia cách và hiểu lầm, nó kiến tạo những nhịp cầu đả thông và không để cho ai tự cô lập mình, khép kín mình trong thế giới nhỏ hẹp của mình.
Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của người phụ nữ xứ Samaria; dầu vậy Ngài không chối bỏ quyền của bà được phát biểu và dần dần Ngài đi vào mầu nhiệm cuộc sống của bà. Bài học này cũng có giá trị đối với chúng ta. Qua đối thoại, chúng ta có thể làm tăng trưởng những dấu hiệu từ bi thương xót của Thiên Chúa và biến những dấu hiệu ấy thành phương thế đón tiếp và tôn trọng.”
Chào thăm Ba Lan
Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, ĐTC đặc biệt nhắc đến lễ kính Thánh Gioan Phaolô II và cám ơn sự tiếp đón của Giáo Hội và nhân dân Ba Lan đã dành cho ngài hồi cuối tháng 7 năm nay nhân dịp Đại hội Giới trẻ Công giáo Thế giới ở Cracovia.
Ngài nhắc lại: “Cách đây đúng 38 năm, cũng vào giờ này tại quảng trường này vang lên những lời được gửi đến con người toàn thế giới: ”Anh chị em đừng sợ! Hãy mở toang các cánh cửa cho Chúa Kitô!” Những lời này Đức Gioan Phaolô II đã xướng lên vào đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, một vị Giáo hoàng có linh đạo sâu xa, được nhào nặn nhờ gia sản ngàn năm của lịch sử và văn hoá Ba Lan được thông truyền trong tinh thần đức tin, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia sản này đối với ngài là nguồn hy vọng, sức mạnh và can đảm, qua đó ngài nhắn nhở thế giới mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Lời mời gọi này biến thành một lời công bố liên lỉ Tin Mừng Lòng Thương Xót cho thế giới và con người, được tiếp tục trong Năm Thánh Lòng thương xót này.” (SD 22-10-2016)
G. Trần Đức Anh OP