25/12/2024

Tìm cách cứu kênh Trần Quang Cơ

Một số nơi ở ngoại thành TP.HCM bị ô nhiễm môi trường trầm trọng, trong đó khu vực kênh Trần Quang Cơ nổi lên như một “điểm nóng”.

 

Tìm cách cứu kênh Trần Quang Cơ

Một số nơi ở ngoại thành TP.HCM bị ô nhiễm môi trường trầm trọng, trong đó khu vực kênh Trần Quang Cơ nổi lên như một “điểm nóng”.

 

 

 

Tìm cách cứu kênh Trần Quang Cơ
Kênh Trần Quang Cơ với dòng nước đen ngòm do ô nhiễm nặng – Ảnh: DUYÊN PHAN

Kênh Trần Quang Cơ chỉ dài khoảng 4km, cũng là ranh giới tự nhiên giữa phường Hiệp Thành, Q.12 và xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn phải gánh chịu chất thải của người dân, cơ sở sản xuất hai bên bờ kênh.

Ăn cơm phải bịt mũi

Chủ một tiệm cơm nằm sát cầu Trần Quang Cơ than vãn về tình trạng nước kênh bốc lên mùi hôi thối không thể chịu được.

Đôi khi thực khách phải vừa ăn vừa bịt mũi. Tại khu vực này, ở phía hai đầu cầu còn có hai cống lớn xả thứ nước màu trắng đục xuống kênh.

Đây cũng chính là khu vực hôi thối nhất. Trên đoạn kênh này, nằm ở phía bờ thuộc phường Hiệp Thành, Q.12 có nhiều chuồng heo, gà, lò nấu rượu… xả thẳng nước dơ bẩn, đen ngòm xuống kênh.

Còn phía bờ kênh thuộc tổ 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, người dân tận dụng bờ kênh để phơi phân trâu, bò.

“Gặp trời mưa, nước cuốn luôn cả phân xuống lòng kênh, gây mùi hôi thối vô cùng” – một người dân ở tổ 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn cho biết.

Ngoài ra, hoạt động của những bãi phế liệu dọc hai bờ kênh cũng phát sinh nhiều rác thải, rơi vãi xuống kênh, gây ách tắc dòng chảy.

Ở đoạn kênh này còn có chợ gà phía xã Đông Thạnh phát sinh nước thải, chất thải giết mổ, mà nơi tiếp nhận chính là con kênh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – phó chủ tịch UBND phường Hiệp Thành – lo lắng cho biết kênh Trần Quang Cơ cũng là nơi hứng toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư sinh sống dọc bờ kênh.

“Không chỉ kênh Trần Quang Cơ bị ô nhiễm, mà chúng tôi còn lo nguồn nước giếng dùng cho sinh hoạt của một số người dân ở phường Hiệp Thành bị ảnh hưởng, vì nước thải có thể ngấm xuống đất” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, kênh Trần Quang Cơ đang gánh chịu nước thải của nhiều hộ chăn nuôi dọc hai bờ kênh.

Chính quyền phường đã nhiều lần đi vận động người dân không xả thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải… UBND phường Hiệp Thành cũng đã có kế hoạch xử lý việc này, với những hộ chăn nuôi vi phạm hành lang của kênh thì sẽ vận động họ chuyển đổi nghề nghiệp khác.

Còn những hộ chăn nuôi không vi phạm hành lang của kênh, nếu phù hợp với quy hoạch thì bắt buộc họ phải cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải an toàn.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tân – phó chủ tịch UBND xã Đông Thạnh – cũng nhìn nhận: tại khu vực tổ 6 của xã, cặp bờ kênh Trần Quang Cơ có một số hộ chăn nuôi xả nước thải xuống kênh.

Xã đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu người dân cam kết phải xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý nước thải.

Riêng với tình trạng phơi phân sát bờ kênh, chính quyền xã cũng nhiều lần cho xe tải xuống thu gom, xử lý đối với những hộ dân phơi phân ở đây.

Vượt ngưỡng gấp 20 lần

Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM khẳng định một trong những việc đầu tiên trong các khâu kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường ở kênh Trần Quang Cơ là lấy ngay mẫu nước kênh để phân tích.

Kết quả cho thấy: cả bốn chỉ tiêu cơ bản để kiểm soát ô nhiễm môi trường đều vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần.

Mức vượt ngưỡng cao nhất là chỉ tiêu N-NH4+ (amoni) gấp 20 lần mức cho phép. Các nhà chuyên môn lưu ý đây là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở con kênh này.

Bình luận về mức vượt ngưỡng khá xa này, một chuyên gia cho biết thêm chất lượng nước kênh Trần Quang Cơ rõ ràng là ô nhiễm do nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt; cũng có thể do sử dụng phân bón trong nông nghiệp.

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp cũng thải nhiều amoni như chế biến thủy hải sản, chế biến mủ cao su…

Qua phân tích mẫu nước kênh Trần Quang Cơ, Sở Tài nguyên – môi trường TP còn ghi nhận cả hai chỉ tiêu COD (nhu cầu oxy hóa học) và BOD (nhu cầu oxy sinh học) đều vượt ngưỡng hơn 7 lần.

Sở Tài nguyên – môi trường TP cho rằng kênh Trần Quang Cơ tiếp nhận nguồn thải từ sản xuất công nghiệp của Cụm công nghiệp Quang Trung, Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (thuộc quận 12) và các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.

Trước tình trạng trên của kênh Trần Quang Cơ, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu UBND quận 12 và UBND huyện Hóc Môn xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết buộc tháo dỡ, di dời các trường hợp vi phạm hành lang an toàn kênh; khẩn trương thu gom, xử lý rác thải hai bên bờ dọc tuyến kênh.

Ông Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường TP thực hiện chương trình quan trắc, giám sát định kỳ chất lượng môi trường trên tuyến kênh Trần Quang Cơ, rạch Cầu Dừa.

Còn Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng phải nhận trách nhiệm khẩn trương lập và triển khai dự án nạo vét đúng theo tiêu chuẩn thoát nước, nhằm kết nối liên tục giữa kênh Trần Quang Cơ, rạch Cầu Dừa với rạch Rỗng Gòn, rạch Đá Hàn, giúp tiêu thoát nước tốt, giảm nguy cơ tù đọng cho toàn tuyến kênh.

Quản lý môi trường còn lỏng lẻo

Qua kiểm tra Cụm công nghiệp Quang Trung (Q.12), cơ quan chức năng đã ghi nhận có cơ sở sản xuất sinh ra nước thải và khí thải đều vượt quy chuẩn cho phép; có cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, nước thải vượt quy chuẩn cho phép; kể cả phát hiện có những trường hợp không có hồ sơ pháp lý về môi trường…

Còn ở Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q.12), tại thời điểm Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên – môi trường TP kiểm tra vào tháng 7-2016, đã ghi nhận trạm xử lý nước thải của khu có hiện tượng xuống cấp.

Khi kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện chất lượng nước thải đầu ra của khu công nghiệp này, tại một số vị trí được lấy mẫu nước để phân tích, có vài chỉ tiêu kiểm soát ô nhiễm còn vượt quy chuẩn cho phép.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Khoa kết luận: yêu cầu công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp này phải cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo an toàn cho môi trường.

QUỐC THANH – HỒ VĂN