Lời mời gọi tham gia góp ý cho cuốn DOCAT: Chương I: Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu
Chúng tôi giới thiệu với các bạn bản dịch Việt ngữ của cuốn DOCAT (Làm gỉ?) mà chúng tôi đang thực hiện cho Uỷ ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam để các bạn cùng xem và góp ý trước khi được in thành sách.
Lời mời gọi tham gia góp ý cho cuốn DOCAT
Các bạn thân mến,
Chúng tôi giới thiệu với các bạn bản dịch Việt ngữ của cuốn DOCAT (Làm gì?) mà chúng tôi đang thực hiện cho Uỷ ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam để các bạn cùng xem và góp ý trước khi được in thành sách. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong Lời Dẫn nhập của cuốn sách, ngài mời gọi chúng ta “cùng tham gia đóng góp ý kiến để bản văn đọc lên là có thể hiểu ngay” vì đây là cuốn sách của các bạn trẻ Kitô giáo. Trên trang web hanhkhatkito.org, chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên từng chương của cuốn sách.
Các bạn có thể gửi các ý kiến đóng góp cho cuốn sách về địa chỉ:
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, 1b Tôn Thất Tùng, Q.1, Tp.HCM, Việt Nam; Email: [email protected].
Chúng tôi chân thành cảm ơn các bạn và cầu chúc các bạn luôn an bình, hạnh phúc trong tình yêu. Thân ái. Thay mặt Ban Biên dịch. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.
Chương 1
KẾ HOẠCH TỔNG THỂ CỦA THIÊN CHÚA: TÌNH YÊU
Câu 1 – 21
Với sự cộng tác của Peter Schallenberg, Marco Bonacker và Nils Baer
Lý do vì sao chúng ta không hiểu Thiên Chúa nếu chúng ta không biết rằng Thiên Chúa là Tình yêu. Tại sao chúng ta lại cần một “nền văn minh tình yêu,” và chúng ta có thể thay đổi thế giới bằng tình thương yêu như thế nào
”Thế giới được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa”.
Công đồng Vatican I
“Tôi được tạo dựng để thực hiện một điều đặc biệt, để trở nên một người độc đáo; Thiên Chúa đã dự tính cho tôi một vị trí trong kế hoạch của Ngài; dù tôi giàu hay nghèo, dù được người đời khen ngợi hay bị họ khinh thường, Thiên Chúa vẫn biết đến và gọi chính tên tôi”. Chân phước John Henry Newman (1801-1890), Hồng y và triết gia người Anh |
1. Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới và loài người chúng ta, có phải Ngài đã hành động theo một kế hoạch đã định? Đúng thế, Thiên Chúa đã tạo nên toàn thế giới theo ý định và kế hoạch của Ngài. Ngài đã tạo dựng thế giới và loài người, cũng tương tự như chúng ta nghĩ ra môn chơi cờ với những luật chơi hợp thành một nguyên lý tổng thể. Nguyên lý xuyên suốt quá trình tạo dựng của Thiên Chúa chính là tình yêu. Do đó, kế hoạch của Ngài là con người biết yêu mến và đáp lại tình Chúa yêu thương, và từ đó biết suy nghĩ, nói năng, và hành động trong yêu thương (x. Ep 3,9). Ü20 è 2062 ð* 1, 2 |
V Tuy chúng ta nhờ cha mẹ mà được sinh ra và là con cái của họ, nhưng chúng ta cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa vì chính Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài và gọi chúng ta là con cái của Ngài. Do đó, mỗi người không có mặt trên đời một cách ngẫu nhiên tình cờ, mà trong cội nguồn của mỗi con người chính là kế hoạch yêu thương của Chúa. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 7-9-2006 |
2. Thiên Chúa là ai? Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là khởi nguyên của muôn vật, muôn loài hiện hữu. Ngài là căn nguyên đầu tiên và nền tảng tối thượng của tất cả, để giữ cho muôn loài tồn tại. Nói theo ngôn ngữ của khoa học hiện đại, Ngài có trước vụ nổ Big Bang tạo nên vũ trụ, và là nguồn gốc của các quy luật tự nhiên. Thiếu vắng Thiên Chúa, tất cả những gì tồn tại đều sụp đổ. Thiên Chúa cũng là mục đích cuối cùng của mọi loài hiện hữu. è 34, 279… ð 33 |
& …Vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên. Kh 4,11 & Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan. Tv 104,24 |
3. Thiên Chúa muốn chúng ta hành động ra sao? Vì Thiên Chúa là nguồn gốc của toàn thể vũ trụ, Ngài cũng là chuẩn mực cho mọi thứ. Tất cả mọi hành động đều được lượng định theo Ngài và kế hoạch của Ngài. Dựa vào điều này, chúng ta có thể nhận ra đâu là hành vi tốt. Có thể nói theo trực giác như sau: Thiên Chúa thiết kế chuỗi DNA cho cuộc đời chúng ta; nếu chọn làm theo những chỉ dẫn mà Ngài đã đặt sâu trong trí và tâm của chúng ta, chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch tiềm năng mà Chúa đã dự tính cho chúng ta. Điều Chúa muốn cho chúng ta, và vì chúng ta, là quy tắc và chuẩn mực của một đời sống công chính, tốt đẹp. Các Kitô hữu hành động với tình liên đới vì Thiên Chúa đã đối xử đầy yêu thương với họ trước. Ü 20, 25, 26 è 1649 |
“ Con người cần biết ba điều để được cứu độ: điều gì nên tin, điều nào đáng ước ao, và việc nào cần phải làm”. Thánh Tôma Aquinô (1225-1274), nhà tư tưởng vĩ đại của Kitô giáo thời Trung Cổ, On the Ten Commandments (Dẫn nhập) [Về Mười Điều Răn]
|
“Điều gì không nằm trong kế hoạch của riêng tôi, vẫn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Và chuyện như thế càng diễn ra thường xuyên bao nhiêu, tôi càng xác tín rằng – dưới cái nhìn của Chúa – không có gì là ngẫu nhiên cả”. Thánh Edith Stein (1891-1942), triết gia Đức gốc Do Thái, nạn nhân trong trại tập trung, Finite and Eternal Being (1935/1936) [Hữu thể hữu hạn và vĩnh hằng] |
“Mọi loài thụ tạo đều biểu lộ sự tốt đẹp và hào phóng của Đấng Tạo Hoá; mặt trời toả nắng, lửa toả nhiệt, cây vươn cành, ra hoa kết trái, rồi nước và không khí… Mọi thứ trong thiên nhiên đều đong đầy sự hào phóng của Đấng Tạo Hoá. Con người chúng ta, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, môi miệng tuyên xưng Ngài, nhưng lại hành động trái ngược, chối bỏ Ngài, do tính ích kỷ ác nghiệt và lòng tham lam hám lợi, nên không thể tỏ bày nơi mình một Đấng Tạo Hoá tốt lành”. Thánh Philipphê Neri (1515-1595) |
4. Chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa không? Nếu bạn suy tư về bản thân, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mình không thể tự thân mà có. Không ai hỏi liệu bạn thật sự có muốn hiện hữu hay không. Muốn hay không, thì bạn đã có mặt rồi, một cách thật bất ngờ. Điều tiếp theo là bạn nhận ra rằng mình hữu hạn. Hôm nay, ngày mai, hay ngày kia, đời bạn sẽ chấm dứt. Và một ngày nào đó mọi thứ quanh bạn cũng sẽ tiêu vong. Dẫu sao bạn cũng vẫn có thể nghĩ đến điều gì đó vô hạn: một điều đang hiện hữu nhưng sẽ không mất đi. Giữa bao thứ nay còn mai mất đang bao quanh, bạn hướng đến điều vô hạn và vĩnh cửu. Bạn ước điều gì đó nơi mình là trường cửu. Buồn thay nếu cả thế giới tươi đẹp này chỉ như một ảnh chụp vô nghĩa từ chiếc máy chụp ảnh thoáng qua, để sau đó chìm vào hư vô. Chỉ trong trường hợp thật sự có Thiên Chúa tồn tại, thì bạn mới được gìn giữ an toàn bên Ngài, và mọi thụ tạo mới giữ được hiện hữu. Là người, ai cũng có ý nghĩ về Thượng Đế, và hướng về Ngài. Lòng mong mỏi điều vô hạn và tuyệt đối được tìm thấy trong mọi nền văn hoá. Ü 20 è 1147 ð 20 |
Nói với ai rằng, “Tôi yêu bạn”, cũng có nghĩa là nói, “Bạn chẳng chết đâu”
Gabriel Marcel (1898-1973), triết gia Pháp
Trích các văn kiện quan trọng của Giáo Hội
1
TÌNH YÊU
Mater et Magistra Tình yêu của người Kitô hữu
Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, [người Kitô hữu] cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau, và niềm vui của họ như của chính mình. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực của người tín hữu ấy luôn mang tính kết nối vững chắc với tha nhân. Mỗi hành động đều năng động, rộng lượng và ân cần. Vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; đức mến tha thứ tất cả, tin thưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (1961), 257
Redemptor Hominis Tình yêu có một tên gọi
Thiên Chúa Sáng tạo – mạc khải mình như Thiên Chúa Cứu chuộc – Ngài “trung tín với chính mình” và giữ lời hứa yêu thương đối với con người và thế giới. Đó là điều Ngài đã bày tỏ vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là tình yêu không thoái lui trước bất kỳ điều gì lẽ công bằng đòi buộc. Do đó, “vì chúng ta, Thiên Chúa đã biến Người Con vô tội thành tội nhân”. Nếu Ngài “làm thành tội nhân” chính Người Con vô tì vết, điều đó cho thấy tình yêu vượt lên trên toàn thể tạo vật, tình yêu là chính Ngài, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Trên hết, tình yêu lớn hơn tội lỗi, hơn tính hèn yếu, và hơn “tính phù phiếm của tạo vật”; tình yêu mạnh hơn sự chết. Đó là tình yêu không ngừng trỗi dậy, tha thứ, sẵn sàng gặp gỡ người con hoang đàng, luôn tìm cách “mạc khải cho những người con của Thiên Chúa” – những người được mời gọi đến với vinh quang sẽ được bày tỏ. Sự mạc khải về tình yêu này còn được diễn tả như lòng thương xót, và trong lịch sử loài người, sự mạc khải về tình yêu và lòng thương xót đã mang lấy một hình hài và một tên gọi: đó là Đức Giêsu Kitô.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (1979), 9
Redemptor Hominis Con người không thể sống thiếu tình yêu
Con người không thể sống thiếu tình yêu. Nếu tình yêu không được tỏ bày cho anh ta, nếu anh không tìm gặp tình yêu, nếu anh không thể cảm nghiệm và tiếp nhận tình yêu, nếu anh không tham dự mật thiết vào tình yêu, thì anh ta vẫn là một tạo vật mà chính anh cũng không hiểu nổi. Đây là lý do, như đã được nói đến rồi, vì sao Đức Kitô – Đấng Cứu chuộc – “mạc khải trọn vẹn cho con người biết về Ngài”. Nếu chúng ta có thể diễn tả như thế, thì đó là do trong huyền nhiệm Cứu chuộc đã có chiều kích nhân loại. Nơi chiều kích này, con người tìm lại được phẩm giá, tính cao cả, và giá trị của nhân tính. Trong mầu nhiệm Cứu chuộc, con người mang “diện mạo” mới, và có thể nói, như thể được dựng nên cách mới mẻ. Đúng là con người được làm mới lại! “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Ai muốn hiểu thấu chính mình, không phải dựa theo những thước đo và tiêu chuẩn nhất thời, phiến diện, thường nông cạn, và thậm chí ảo tưởng về bản chất con người, thì phải đến gần Đức Kitô với những bất toàn và bất định của mình, mặc cho sự yếu đuối và tội lỗi của bản thân, bằng cả sự sống và cái chết của mình. Có thể nói người đó phải đi vào Đức Kitô với tất cả những gì riêng tư của mình, phải “nhận lấy” và đồng hoá toàn bộ thực tại của mầu nhiệm Nhập thể và Cứu rỗi vào bản thân để có thể tìm lại được chính mình. Nếu tiến trình trên diễn ra nơi một con người, thì người ấy sẽ thu nhận được kết quả không phải chỉ tôn thờ, thần phục Thiên Chúa mà còn ngạc nhiên sâu xa về chính mình. Con người thật quý giá trong mắt Đấng Sáng tạo, nếu người ấy “có nơi mình một Đấng Cứu chuộc tuyệt vời”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (1979), 10
Evangelium Vitae Cảm nghiệm về Thiên Chúa, và nhận thức về con người
Khi cảm nghiệmvề Thiên Chúa mất đi, thì nhận thức về con người, về phẩm giá và sự sống của con người, cũng có khuynh hướng mất theo. Hậu quả tiếp theo là sự vi phạm có hệ thống mọi phép tắc luân lý, đặc biệt trong vấn đề sinh tử: tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, dần dần làm lu mờ khả năng nhận biết sự hiện diện cứu rỗi và sống động của Thiên Chúa.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 21
Deus Caritas est Cơ sở để trở thành người Kitô hữu
Trở thành người Kitô hữu không phải là hệ quả của một chọn lựa đạo đức, hay một ý tưởng cao cả, mà là kết quả từ cuộc chạm trán với một sự kiện, lần gặp gỡ với một con người, mà mở ra một chân trời mới, dẫn đến một đường hướng mang tính quyết định cho đời sống. Phúc Âm theo Thánh Gioan miêu tả sự kiện đó như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì … được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 1
Deus Caritas est Tình vô tận
Tình yêu luôn tăng trưởng hướng đến những tầm cao hơn và thanh luyện tự bên trong, vì thế, tình yêu đòi hỏi phải dứt khoát, theo một nghĩa kép: theo nghĩa loại trừ (chỉ một người đặc biệt này thôi), và theo nghĩa “vĩnh viễn”. Tình yêu bao quát toàn bộ đời sống, trong mọi chiều hướng của nó, kể cả chiều hướng thời gian. Điều này không thể khác đi được, vì, lời hứa của tình yêu nhắm đến đích điểm rõ ràng: tình yêu nhắm vào sự vĩnh cửu.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 6
Deus Caritas est Tình yêu của Hội Thánh là phục vụ
Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội là lời diễn tả tình yêu – một tình yêu tìm kiếm điều tốt đẹp trọn vẹn cho con người: Giáo Hội tìm cách Phúc Âm hoá con người qua Lời Chúa và bí tích – một nhiệm vụ thường đòi phải dũng cảm để thực hiện trong lịch sử; và tình yêu này tìm cách thăng tiến con người trên những lĩnh vực khác nhau của đời sống và hoạt động nhân văn. Do đó, tình yêu chính là công việc phục vụ mà Giáo Hội tiến hành để luôn đáp ứng với đau khổ và những nhu cầu, kể cả những nhu cầu vật chất của con người.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 19
Deus Caritas est Xã hội thiếu vắng tình thương?
Tình yêu – caritas – sẽ luôn được chứng tỏ là cần thiết, ngay cả trong một xã hội công bằng nhất. Không bao giờ tồn tại một trật tự nào của Nhà nước công bình đến độ có thể tuyên bố không cần sự phục vụ xuất phát từ tình yêu. Bất cứ ai muốn loại bỏ tình yêu, thì cũng đang chuẩn bị huỷ diệt con người. Luôn có nỗi đau và cô đơn lên tiếng kêu gọi sự an ủi và trợ giúp. Luôn có những tình huống ngặt nghèo về vật chất đòi hỏi một dạng thức tương trợ cụ thể, thiết thực. Nhà nước nào cung ứng mọi thứ, nắm lấy mọi thứ, cuối cùng cũng sẽ thành một bộ máy quan liêu không thể đảm bảo cho con người đang lâm nạn điều tối cần thiết – điều mà mỗi người đều cần đến: đó là sự quan tâm đầy tình yêu thương cho từng cá nhân.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 28b
Caritas in Veritate Tình yêu: Giá trị trọng tâm
Bác ái là tâm điểm trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Mỗi trách nhiệm và cam kết được giải thích trong học thuyết, đều bắt nguồn từ đức bác ái, điều mà theo lời dạy của Đức Giêsu là tổng hợp của toàn thể Lề luật (x. Mt 22,36-40). Lòng bác ái mang đến chất liệu tinh tuyền cho mối liên hệ của cá nhân với Thiên Chúa và với người thân cận; lòng bác ái là nguyên lý không chỉ của các mối quan hệ vi mô (với bạn bè, người thân, hay trong các nhóm nhỏ) mà còn của các mối liên hệ mang tính vĩ mô (xã hội, kinh tế, và chính trị)… Mọi thứ đều bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, mọi thứ đều được định hình bởi tình yêu, mọi thứ đều quy hướng về tình yêu. Tình yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho loài người; tình yêu là lời hứa của Ngài, và là niềm hy vọng của chúng ta.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 2
Evangelii Gaudium Tình yêu cứu rỗi và giải thoát
Chúng ta được giải thoát khỏi óc hạn hẹp và thói vị kỷ chỉ nhờ vào cuộc gặp gỡ này, hay những cuộc gặp tiếp theo, với Tình yêu của Thiên Chúa – cuộc gặp gỡ triển nở thành một tình bạn sâu sắc và phong phú. Khi chúng ta vượt lên con người tầm thường của mình, và dám để cho Chúa nâng chúng ta lên trên những mối bận tâm về bản thân để hiểu được sự thật đầy đủ nhất về sự hiện hữu của mình, chính khi đó, chúng ta lại trở nên một con người trọn vẹn. Tại đây, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho tất cả những nỗ lực Phúc Âm hoá của mình. Vì nếu chúng ta đã đón nhận tình yêu – một tình yêu khôi phục ý nghĩa cho đời mình, thì làm sao chúng ta lại không thể san sẻ tình yêu đó với người khác?
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 8
Evangelii Gaudium Dự tính lớn lao của tình yêu
Thuộc về Giáo Hội cũng có nghĩa là trở thành dân Chúa, theo kế hoạch yêu thương lớn lao của tình phụ tử. Điều này có nghĩa là chúng ta cần trở nên men giữa lòng nhân loại, tuyên xưng và mang sự cứu độ của Chúa vào trong thế giới – nơi con người hay lầm lẫn và cần được khích lệ, trao ban hy vọng, và kiện toàn sức mạnh trên đường đời. Giáo Hội phải là một nơi phản ánh lòng thương xót vô điều kiện, nơi mọi người cảm thấy được đón nhận, mến yêu, tha thứ và khuyến khích sống cuộc đời tốt lành theo Tin Mừng.
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 114
Evangelii Gaudium Tổng luận cuối cùng
Rõ ràng, bất cứ khi nào các tác giả Tân Ước muốn trình bày trọng tâm của sứ điệp luân lý Kitô giáo, họ đều nói đến đòi hỏi cốt yếu là yêu thương người lân cận: “Vì ai yêu người lân cận, thì đã chu toàn lề luật… Yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm 13,8.10). Đây là lời của thánh Phaolô, vì đối với ông mệnh lệnh yêu thương không chỉ tổng hợp lề luật mà còn hình thành nên chính trọng tâm và mục đích của lề luật: “Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Gl 5,14). Thánh Phaolô miêu tả đời sống của người Kitô hữu như một cuộc hành trình tăng trưởng trong tình yêu: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” (1Tx 3,12). Thánh Giacôbê cũng kêu gọi các Kitô hữu chu toàn “luật chính yếu được Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (2,8), để không bỏ qua bất kỳ mệnh lệnh nào.
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 161
Laudato Si Tình yêu đón nhận thử thách
Thách thức trước mắt là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, bao hàm mối bận tâm: cần phải quy tụ gia đình nhân loại để cùng tìm kiếm một hướng phát triển trọn vẹn và bền vững, vì chúng ta biết mọi thứ có thể thay đổi. Đấng Sáng Tạo không bỏ rơi chúng ta; Ngài không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương, hay nuối tiếc vì đã tạo dựng chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng cùng nhau làm việc để xây dựng ngôi nhà chung của mọi người.
Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (2015), 13
*Ü Tóm lược Học thuyết Xã hội; Giáo lý; YOUCAT