26/12/2024

Những câu chuyện về vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej: Chống ‘giặc nước’

Cùng với hạn hán, lũ lụt là mối đe doạ thiên tai nặng nề nhất ở Thái Lan và Quốc vương Bhumibol Adulyadej luôn đi đầu trong cuộc chiến với “giặc nước”.

 

Những câu chuyện về vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej: Chống ‘giặc nước’

Cùng với hạn hán, lũ lụt là mối đe doạ thiên tai nặng nề nhất ở Thái Lan và Quốc vương Bhumibol Adulyadej luôn đi đầu trong cuộc chiến với “giặc nước”.




Vua Bhumibol nói chuyện với sinh viên về thủy lợi tại tỉnh Phetchaburi năm 2001 /// Ảnh: Tư liệu của VP Dự án phát triển hoàng gia

Vua Bhumibol nói chuyện với sinh viên về thuỷ ợi tại tỉnh Phetchaburi năm 2001ẢNH: TƯ LIỆU CỦA VP DỰ ÁN PHÁT TRIỂN HOÀNG GIA

Năm 1963, vua Bhumibol bắt đầu thực hiện dự án xây bể chứa để giữ nước ngọt và ngăn xâm nhập mặn ở vùng Hua Hin, phía nam Thái Lan. Từ đó đến nay, ông đã khởi xướng hàng ngàn dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến nguồn nước và chống lũ.
Chiến lược “Má khỉ”
Một trong những “nỗi ám ảnh” lớn nhất của vua Bhumibol chính là nước. Cần mưa để chống hạn, thoát nước để chống lụt. Suốt hàng chục năm, ông đến từng ngóc ngách của Thái Lan để khảo sát, tham vấn và tìm giải pháp khống chế, quản lý nguồn nước từ việc hút cạn đầm lầy ở phía nam cho đến kiến thiết thuỷ lợi, canh tác vùng cao ở phía bắc.
Nhà vua còn hỗ trợ xây dựng, củng cố hệ thống các đập nước lớn nhất Thái Lan (được đặt tên theo từng thành viên hoàng gia). Tuy nhiên, chính ông cũng nhận ra hiểm hoạ của các đập nước lớn và sau này bắt đầu chú tâm hơn vào các đập nhỏ.
Một số sáng kiến của vua Bhumibol cũng khá kỳ lạ. Để làm sạch vùng trũng ô nhiễm cao ở trung tâm Bangkok, ông nghĩ ra một cách đơn giản không ngờ là dùng… lục bình, vốn rất sẵn có trong tự nhiên, để làm màng lọc nước. Biện pháp này rẻ tiền nhưng rất hiệu quả vì lục bình dễ dàng hấp thụ các chất thải độc hại, cho đến khi không dùng được nữa thì mang đi khử độc để dùng làm nhiên liệu, phân bón hoặc vật liệu thủ công nghiệp.
Tuy nhiên, chiến lược thuỷ  lợi nổi tiếng nhất của nhà vua có tên là “Má khỉ” (Mokey Cheeks). Cái tên này được đặt theo tập tính của khỉ con khi chúng cố nhồi thật nhiều chuối vào hai má rồi để dành nuốt sau. Theo đó, phương pháp của vua Bhumibol là xây dựng nhiều đập giữ nước, đắp đê, đào kênh, làm hệ thống ống thoát dẫn nước ra biển hoặc dẫn vào những nơi cần nước. Ông liên tục cho nạo vét kênh, ống thoát để không đóng bùn, rác làm chậm dòng chảy. Vào mùa mưa, nguồn nước ào ạt đổ từ miền núi phía bắc về đồng bằng sẽ được chia nhỏ vào hệ thống đập, đê, kênh, ống thoát. Vì thế, khi xuống đến đồng bằng, lượng nước đã giảm đáng kể.
Phương án sáng suốt này không chỉ cải thiện hệ thống thoát nước của Bangkok mà còn giảm thiểu thiệt hại từ các đợt lũ lụt trong thập niên 1990 và 2000. “Chúng ta phải xem thiên tai như người thầy của mình. Tìm cách giữ được nước lũ và dùng chúng khi cần là một công đôi việc”, nhà vua từng nói.
Những câu chuyện về vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej: Chống 'giặc nước'

Bangkok ngập lụt là cảnh báo từ rất lâu của nhà vuaẢNH: LAM YÊN

Tầm nhìn hàng chục năm
Từ đầu thập niên 1970, vua Bhumibol cũng đã sớm cảnh báo hoạt động khai thác gỗ quy mô lớn ở vùng rừng núi phía bắc sẽ gây ra lũ lụt trong tương lai. Cảnh báo đó không được quan tâm đúng mức và hậu quả ngày nay thì ai cũng thấy.
Trong những năm 2000, châu Á trong giai đoạn bùng nổ kinh tế, người người, nhà nhà “hăng say” đua nhau xây dựng, các cao ốc liên tục mọc lên. Những khu vực tiềm năng làm hồ chứa phía tây, đông và bắc Bangkok nhanh chóng biến thành khu dân cư, khu công nghiệp, sân golf, sân bay quốc tế… Khi đó, chính nhà vua lại liên tục cảnh báo việc phát triển vô tội vạ là một trong những nguyên nhân gây ngập ngày càng nặng nề hơn. Tiếc thay, với những biến động chính trị tại Thái Lan, ông không còn có thể can thiệp quá sâu vào các quyết sách nữa.
Cái giá phải trả là vào năm 2011, Thái Lan hứng một trong những trận lụt tồi tệ nhất trong 50 năm với hơn 600 người thiệt mạng và 12 triệu người (bằng 1/5 dân số) bị ảnh hưởng. Thiệt hại quá nặng nề khiến chính phủ bị chỉ trích dữ dội, xã hội chia rẽ đến nỗi trong dịp sinh nhật lần thứ 84, vua Bhumibol phải đích thân kêu gọi đoàn kết vì sự ổn định của đất nước. Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc lại: “Nguyên nhân chính dẫn đến lũ lụt là do con người can thiệp quá mức vào tự nhiên”.
Theo Sumet Tantivejkul – người đứng đầu Quỹ Chaipattana, cơ quan áp dụng các dự án của hoàng gia, một trong những đóng góp quan trọng nhất của vua Bhumibol chính là sự chuyên tâm vào hoạt động quản lý nước bền vững. Ông đã dùng vị trí của mình để liên tục thúc đẩy vấn đề này lên đầu trong các cuộc họp của quốc gia. Tương tự, chuyên gia David Blake thuộc ĐH East Anglia (Anh) nhận định: “Các ý tưởng, đề xuất và phê duyệt chính thức hoặc không chính thức của nhà vua đã để lại dấu ấn xuyên suốt trong chính sách và thực hành về quản lý thuỷ lợi ở Thái Lan trong ít nhất là 40 năm trở lại đây”.
Thái tử có thể kế vị trước lễ đăng cơ
Ngày 18.10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo thái tử Maha Vajiralongkorn có thể lên ngôi trước rồi tổ chức lễ đăng cơ chính thức sau. Tuy nhiên, nước này phải tưởng nhớ nhà vua Bhumibol Adulyadej trong ít nhất 15 ngày trước khi người kế vị có thể lên ngôi.
Hồi tuần trước, ông Prayut cũng chuyển lời của thái tử Maha đến công chúng rằng lễ đăng cơ có thể sẽ để đến sau thời gian quốc tang, tức ít nhất 1 năm, mới tổ chức. Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định lộ trình phục hồi dân chủ, bao gồm đợt bầu cử năm 2017, sẽ không bị ảnh hưởng. “Không có gì thay đổi. Các chính sách của chính phủ, luật lệ bao gồm bầu cử vẫn tiếp tục diễn ra. Đừng hỏi tôi nó sẽ diễn ra khi nào và thế nào. Lộ trình vẫn như cũ”, ông Prayut nói sau cuộc họp nội các.
Trong khi đó, Thị trưởng Chiang Mai Pawin Chamniprasart xác nhận lễ hội thả đèn trời Loy Krathong (từ ngày 13 – 15.11) vẫn diễn ra cùng các hoạt động thi đèn và trang trí thành phố, cổng chùa, toà nhà… Tuy nhiên, hoạt động thả đèn trên sông chỉ được sử dụng giấy trắng hoặc xám còn các sự kiện trình diễn pháo hoa, hoà nhạc, thi sắc đẹp sẽ không diễn ra.

 

Lam YênLam Yên 
(Văn phòng Bangkok)