Đừng “nặn” đề án để lấy kinh phí
Từ một công nhân ngành xây dựng, hơn 10 năm qua ông Hoàng Đức Thảo đã có hàng chục sáng chế, cải tiến kỹ thuật được giải thưởng, được ứng dụng vào cuộc sống mà không cần dùng tiền của Nhà nước.
“NGƯỜI HÙNG SÁNG CHẾ” HOÀNG ĐỨC THẢO:
Đừng “nặn” đề án để lấy kinh phí
Từ một công nhân ngành xây dựng, hơn 10 năm qua ông Hoàng Đức Thảo đã có hàng chục sáng chế, cải tiến kỹ thuật được giải thưởng, được ứng dụng vào cuộc sống mà không cần dùng tiền của Nhà nước.
Ông Hoàng Đức Thảo – Ảnh: Đông Hà |
“Vì sao nhiều nông dân có những sáng chế ứng dụng hữu ích? Đó là vì họ có đam mê cháy bỏng, họ khát khao đổi mới, sáng tạo, họ quan sát và phát hiện những bất cập trong cách làm truyền thống. Đó là vì họ chỉ nghĩ đến làm sao để sáng kiến của họ ứng dụng tốt nhất vào cho chính công việc của họ, chứ họ không nghĩ đến làm sao để phổ cập hóa sáng kiến, sáng chế của mình. Do đó, rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của Nhà nước, của các tổ chức để những sáng chế của một người hữu ích cho nhiều người” |
Ông Thảo được phong tặng Anh hùng lao động năm 2011 và mới đây ông được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – công nghệ.
Ông nói sở dĩ các sáng chế của ông thành công là nhờ thực tế: “Tôi tâm niệm rằng thành tựu của tôi không đơn giản chỉ là những giải thưởng hay danh hiệu, mà quan trọng nhất là tính ứng dụng vào thực tế. Hiện nay, cụm tời nạo vét cống ngầm đã được ứng dụng tại 21/63 tỉnh thành, hệ thống hố ga ngăn mùi đã được ứng dụng tại 17/63 tỉnh thành, hào kỹ thuật có 8 tỉnh thành ứng dụng…”.
Phải từ nhu cầu thị trường
* Ông tổ chức thế nào để sáng kiến của mình thành sản phẩm bán ra thị trường?
– Tôi luôn nghiên cứu trên cơ sở thị hiếu của thị trường, nhu cầu của thị trường. Khi đã khẳng định được thị trường có nhu cầu, có khả năng thu hồi vốn thì tôi mới xúc tiến. Đồng thời, tôi tổ chức sản xuất và phân phối các sản phẩm của mình. Đây là cái khác của tôi với các nhà khoa học đơn thuần.
* Cụ thể là những sản phẩm nào?
– Ví dụ như hệ thống hố ga ngăn mùi hôi của tôi đã bán được hơn 600 tỉ đồng, hệ thống này đã được các thành phố lớn ở miền Trung ứng dụng. Hay hệ thống ngầm hoá đường dây điện, viễn thông, chúng tôi cũng đã bán được hơn 200 tỉ đồng và nhiều sản phẩm khác được bán ra nước ngoài…
* Ông có từng gặp thất bại khi nghiên cứu thị trường thì khả thi, nhưng đi vào sản xuất thì nhu cầu không có?
– Tôi chưa gặp, vì tôi nghiên cứu rất kỹ. Khi đã ra thị trường thì bán được. Hơn nữa, sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm kỹ thuật, sản xuất theo đơn đặt hàng nên không có hàng tồn kho.
Chu trình khép kín
* Theo ông, vì sao những sáng chế của những “tay ngang” như ông lại được ứng dụng nhiều, trong khi những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học “ngốn” nhiều kinh phí nhà nước lại nằm trong ngăn kéo?
– Theo tôi, tất cả những sáng chế đều phải phù hợp với thực tế đời sống. Nếu những sáng chế không bắt nguồn từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn sẽ không có sức sống lâu dài.
Những sáng chế nằm ngăn kéo có nguyên nhân từ chuyện nó không phát sinh từ sự đòi hỏi của thực tế hoặc chỉ phát sinh ở một bộ phận nhỏ, chưa mang tính đại trà. Và cũng không loại trừ nguyên nhân sáng chế đó phù hợp với đại đa số nhưng vì nhiều lý do mà nó chưa đưa vào sản xuất, chưa trở thành sản phẩm cụ thể và chưa thương mại hóa được.
Có nghĩa là nhà khoa học, người sáng chế chưa tìm được đầu ra cho công trình của mình. Do đó, lâu nay chúng ta thường nhấn mạnh yếu tố liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp sản xuất – người tiêu dùng. “Sáng chế – sản xuất – tiêu thụ” phải là một chu trình khép kín.
Bản thân tôi mỗi khi có ý tưởng, sáng kiến, sáng chế, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải ứng dụng được, phải đáp ứng được cái thực tế cần và luôn luôn nghĩ đến khâu cuối cùng là có tiêu thụ được hay không.
* Đội ngũ các nhà khoa học, các viện nghiên cứu của Việt Nam không ít nhưng việc ứng dụng chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông nghĩ gì về điều này?
– Có người cũng đặt câu hỏi vì sao ông Thảo làm được trong khi nhiều đề án của các nhà khoa học có bằng cấp hẳn hoi không ứng dụng được? Câu trả lời của tôi là từ thực tế, từ hiệu quả ứng dụng. Kết quả cuối cùng là đem lại lợi ích thiết thực gì cho xã hội, cho mọi người.
Như anh biết đấy, trình độ khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh nên công trình nghiên cứu chỉ cần bỏ ngăn kéo một năm không ứng dụng là đã lỗi thời.
Có thể hàm lượng chất xám, trí tuệ của những sản phẩm sáng kiến của tôi không cao bằng những nghiên cứu bài bản, được các hội đồng đánh giá cao, nhưng sáng kiến của tôi mọi người cùng hưởng thụ được.
Đó là hệ thống ngăn mùi hôi cho đô thị, là hệ thống hào kỹ thuật để ngầm hoá đường điện, viễn thông chằng chịt trên trời, là hệ thống kênh mương lắp ghép bằng bêtông mỏng rất thuận tiện, nhẹ nhàng, dễ sử dụng, chi phí thấp, cơ động cho người nông dân. Đó là cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, ao hồ, đê biển…
“Tôi gặp không ít bế tắc”
* Ông là một nhà sáng chế “tay ngang”, ông có gặp khó khăn gì trong sáng tạo, sản xuất không?
– Tất nhiên là phải có. Đó là khi tôi cố gắng làm nhưng có người phản đối, nghi ngại. Đó là những lúc tôi gặp những điều thị phi. Thậm chí có người nói rằng những gì tôi có được không phải là sản phẩm sáng chế của tôi.
Trong nghiên cứu, tôi cũng gặp không ít bế tắc. Đó là chuyện làm sao để các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các chuyên gia công nhận sản phẩm của mình, bởi vì những sáng kiến của tôi hầu hết chưa có quy chuẩn quốc gia. Chính tôi đang tạo ra những quy chuẩn đó thì tôi lấy quy chuẩn ở đâu để chứng minh, thuyết phục họ.
* Gần đây ở Bình Dương có một người “tay ngang” là ông Bùi Hiển chế tạo máy bay với mong muốn dùng xịt thuốc cho đồng ruộng. Trước đó rất nhiều sáng chế của các nông dân thực thụ được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp…
– Nhà nước phải tôn vinh họ, phải hỗ trợ họ, hướng dẫn họ chứ không nên cấm cản bằng những quy chuẩn, quy định này nọ. Bởi sáng chế của họ khác hoàn toàn những gì được gọi là quy chuẩn, quy trình. Đôi khi nó có ích hơn những đề tài khoa học thiếu thực tiễn, làm đẹp ngăn kéo và tốn ngân sách nhà nước.
Nhà nước thử rà soát xem, hằng năm có bao nhiêu là đề tài khoa học “trời ơi” được duyệt chi kinh phí, nghiên cứu xong, giải ngân xong không biết để làm gì? Thậm chí sở, ngành cấp tỉnh cũng có người xin kinh phí làm đề tài. Nghịch lý lắm!
* Có thể nhiều nhà khoa học tâm huyết nhưng lại bị chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện mưu sinh đè nặng…
– Không đâu. Nếu là nhà khoa học thực thụ có đam mê và tâm huyết thì người ta không đặt nặng chuyện tiền bạc lên hàng đầu. Nhà khoa học thực thụ là người luôn muốn chinh phục, muốn chứng minh năng lực của mình, muốn làm gì đó để phục vụ xã hội. Tư tưởng người ta luôn như thế.
Đã là nhà khoa học thực thụ thì người ta không thể dùng bàn tay, khối óc của mình để “nặn” ra đề án này nọ hòng lấy kinh phí mà phải nghĩ cách chế tạo ra cái gì phục vụ được cho thực tiễn. Chỉ có những người lợi dụng bằng cấp, địa vị của mình để vun vén cá nhân mới nghĩ đến chuyện tiền bạc, tìm cách moi tiền từ đề án này, sáng chế nọ mặc cho nó không áp dụng được vào đời sống.
Đừng nghĩ chuyện trục lợi
* Ông đã sử dụng ngân sách nhà nước như thế nào?
– Không. Tôi không hề dùng một đồng nào từ ngân sách nhà nước. Từ khi khởi sự tôi đã sáng chế, cải tiến từ thực tế công việc của mình chứ không phải từ đề án này, nghiên cứu nọ cần ngân sách hỗ trợ. Bây giờ cũng vậy, tôi cùng tập thể cán bộ của mình làm nhiều đề tài nhưng không nhận một đồng nào từ ngân sách. Thù lao của chúng tôi đều đến từ tiền bán sản phẩm do mình làm ra.
* Có người nói ông Thảo nói dóc chứ ông cũng được nhiều ưu đãi của tỉnh…
– Nhà nước có quy định việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học như ưu đãi về đất, cho vay vốn…, nhưng thực tế thì tôi thấy khó áp dụng được. Đấy cũng là nghịch lý mà những người làm nghiên cứu như tôi đang gánh chịu.
Cụ thể, tới giờ này tôi chưa hề nhận được một ưu đãi nào về đất, tỉnh làm gì có đất sạch mà giao cho tôi vì muốn có đất thì phải giải phóng mặt bằng, phải đền bù giải toả, phải thoả thuận bồi thường với dân, mà cái đó người ta dành cho các dự án khác chứ không phải mình.
Tất cả mặt bằng, nhà xưởng hiện nay tôi đều tự thuê mướn. Còn về vốn, ngân hàng chỉ cho vay đối với các dự án, chứ nghiên cứu khoa học thì họ không cho vay. Tôi ôm hồ sơ đi vay, họ nói thẳng khi nào anh có dự án đầu tư xây dựng gì chúng tôi mới cho vay được, còn nghiên cứu khoa học thì mông lung quá…
Tôi nghĩ đã là nhà khoa học nghiên cứu hàn lâm, cơ bản thì phải hạn chế tối đa việc đi làm tư vấn hay các dịch vụ khác vì như thế không thể làm tốt việc nghiên cứu của mình. Đã làm khoa học thì đừng nghĩ chuyện tiền bạc, đừng nghĩ cách trục lợi bằng đề tài này, công trình nghiên cứu nọ để “moi” ngân sách nhà nước.
* Từ thực tế của mình, ông hay ưu tư điều gì về việc ứng dụng những nghiên cứu, những sáng chế của các nhà khoa học, nhà phát minh phục vụ đời sống?
– Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của giới khoa học Việt Nam hiện tại rất nặng nề. Bản thân tôi cũng luôn đặt câu hỏi vì sao một đất nước đông dân số, có nhiều học sinh đoạt các giải thưởng thi quốc tế nhưng kết quả ứng dụng, tận dụng chất xám từ những người này rất ít.
Trách nhiệm của nhà khoa học, của cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn là phải cùng nhau đưa Việt Nam thoát ra khỏi “vùng trũng” của ứng dụng công nghệ.
* Điều ông cần nhất hiện nay là gì?
– Tôi và các nhà khoa học khác cũng phải đối mặt với việc xâm phạm sở hữu trí tuệ. Những người làm khoa học sáng chế, ứng dụng rất cần Nhà nước có những cơ chế kiểm soát đơn giá phù hợp với thị trường. Như vậy mới khuyến khích được ứng dụng khoa học – công nghệ vào đời sống, sản xuất.
Ông Hoàng Đức Thảo, 56 tuổi, quê Thái Bình, là giám đốc Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco). Năm 2011, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông có 8 giải sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec) và 22 giải thưởng của quốc tế. Ông cũng là người nắm giữ kỷ lục “Người có nhiều công trình đoạt giải trong sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam nhất” và kỷ lục “Người Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học trên thế giới”. |