28/12/2024

Tham vọng lập quốc trên không gian

Thế giới vừa xuất hiện một quốc gia tự xưng mới với vị trí dự kiến là trên quỹ đạo trái đất và đang ra sức thu hút nhân tài trên toàn cầu đăng ký làm công dân.

 

Tham vọng lập quốc trên không gian

Thế giới vừa xuất hiện một quốc gia tự xưng mới với vị trí dự kiến là trên quỹ đạo trái đất và đang ra sức thu hút nhân tài trên toàn cầu đăng ký làm công dân.




Hình ảnh ý tưởng thiết kế của AsgardiaASGARDIA

Theo thần thoại Bắc Âu, Asgard là vương quốc của các vị thần. Tại đó, Odin, Thor, Loki và nhiều vị thần khác ngự trong cung điện Valhalla và quan sát đời sống của người trần dưới cõi phàm.
Hình ảnh này chính là nguồn cảm hứng cho một nhóm khoa học gia và doanh nhân để xây dựng kế hoạch thành lập Asgardia, quốc gia đầu tiên trên không gian.
Tờ The Guardian dẫn lời Chủ tịch Uỷ ban Khoa học không gian của UNESCO Igor Ashurbeyli, người đứng đầu dự án Asgardia, tuyên bố “quốc gia” này sẽ là “miền đất hứa cho nghiên cứu khoa học và loại bỏ mọi giới hạn địa chính trị”.
Độc nhất vô nhị
Hồi giữa tuần, tiến sĩ Ashurbeyli thay mặt các đồng sự chính thức công bố dự án Asgardia đồng thời trình bày sơ lược các bước xây dựng một quốc gia thực sự và là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Website chính thức của Asgardia không nêu rõ những nhân vật đang tham gia kế hoạch đầy tham vọng này nhưng trang Business Insider dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ ít nhất 5 cái tên tiếng tăm trong cộng đồng khoa học thế giới đứng sau.
Đó là nhà khoa học Nga Ashurbeyli, người đồng thời cũng là một doanh nhân rất thành công; Giám đốc Viện Luật hàng không và không gian của ĐH McGill (Canada) Ram Jakhu; Giám đốc Viện Không gian của ĐH Rice (Mỹ) David Alexander; Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian và viễn thông ĐH George Washington (Mỹ) Joseph N.Pelton và phi hành gia Dumitru-Dorin Prunariu, người Romania duy nhất cho đến nay từng bay vào không gian.
Trước mắt, các “nhà lập quốc” đang ra sức kêu gọi tất cả mọi người, đặc biệt là giới kỹ sư và khoa học gia, đăng ký làm công dân của Asgardia, đồng thời mở cuộc thi ý tưởng để chọn quốc kỳ, quốc huy và quốc ca.
Theo website Asgardia.space, tính đến hôm qua, đã có gần 250.000 người đăng ký nhận quốc tịch của “vương quốc thiên đường”. Bước tiếp theo sẽ là phóng một vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 2017 hoặc 2018 để “đánh dấu chủ quyền” rồi tiến tới mục tiêu lớn nhất là xây dựng trạm không gian thường trực, “nơi con người có thể tự do sống, làm việc và nghiên cứu khoa học dựa trên các nền tảng nhân văn”.
Trả lời phỏng vấn The Guardian, tiến sĩ Ashurbeyli cho biết trong lúc chờ đợi “di dân”, những người đã đăng ký công dân Asgardia vẫn sẽ sinh sống trên trái đất và vẫn giữ quốc tịch của nước mình. “Tôi nghĩ đợi đến khi Asgardia được Liên Hiệp Quốc công nhận thì quốc tịch của chúng tôi sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi”, ông nói. Nhà khoa học này cũng khẳng định ý nghĩa lớn lao của dự án: “Điểm cốt lõi của Asgardia chính là hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Đây là một dự án độc nhất vô nhị về khía cạnh triết học – phục vụ cho toàn thể nhân loại, cho từng người và mọi người, bất chấp giá trị tài sản của từng cá nhân cũng như sự thịnh vượng của quốc gia mà họ được sinh ra, đặc biệt là đối với công dân những nước không có nền khoa học không gian”.
Bên cạnh đó, dự án cũng khẳng định Asgardia sẽ là “miền đất hứa mới cho loài người” để thoát khỏi những mối đe dọa hủy diệt như chiến tranh, cạn kiệt tài nguyên, rác vũ trụ, bão mặt trời… “Bản chất của loài người là di dân, khám phá những vùng đất mới và chúng ta sớm muộn gì cũng sẽ rời khỏi trái đất”, trang Business Insider dẫn lời Giám đốc Ram Jakhu ở ĐH McGill nói.
Giấc mơ không tưởng?
Nhiều chuyên gia đang tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của Asgardia. Trước hết là về mặt kỹ thuật và nguồn lực. Hiện nay, nhân loại vẫn chưa đủ khả năng về công nghệ để có thể xây dựng những cơ sở đủ để chứa được nhiều người sống thường trực trên không gian. Trạm không gian quốc tế (ISS) hiện chỉ có thể chứa tối đa 6 người, còn khoảng thời gian hơn 14 tháng sống trên trạm Mir của phi hành gia Nga Valeri Polyakov hồi năm 1994 – 1995 đến nay vẫn là kỷ lục về thời gian sống liên tục trên không gian dài nhất.
Thách thức tiếp theo là về tài chính. Người phát ngôn Timothy Wild của dự án Asgardia không công bố về ngân sách nhưng khẳng định chỉ cần khoản đóng góp của một mình tiến sĩ Ashurbeyli là đã đủ để phóng vệ tinh. Tuy nhiên, phóng được vệ tinh chỉ là bước khởi đầu và để có thể duy trì dự án sẽ phải cần tới nhiều tỉ USD.
Trong khi đó, những cuộc phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo có chi phí thấp nhất hiện nay như Falcon 9 hoặc SpaceX cũng đã ngốn khoảng 65 triệu USD và phải mất khoảng 100 tỉ USD cùng công sức của 18 quốc gia mới có thể xây dựng và đưa ISS vào hoạt động. Ngoài ra, những doanh nhân nổi tiếng với giấc mơ chinh phục vũ trụ như Elon Musk và Richard Branson tới nay đều tỏ ra không quan tâm đến Asgardia.
Một trở ngại khác chính là quy chế của Asgardia. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của tiến sĩ Ashurbeyli rằng đã hội đủ điều kiện để chính thức nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu được cấp quy chế “nhà nước” (state). “Theo định nghĩa của luật quốc tế, một nhà nước độc lập phải bao gồm lãnh thổ và dân số đáng kể sinh sống trên lãnh thổ đó cũng như có một chính quyền hoạt động đầy đủ”, chuyên trang Popular Science dẫn lời Giáo sư Frans von der Dunk của ĐH Nebraska-Lincoln cho biết. “Cho đến khi vẫn chưa ai có ý định lên Asgardia sinh sống thì nó vẫn không phải là một nhà nước thật sự”, chuyên gia Mỹ phân tích.
Theo ông von der Dunk, cao lắm thì Asgardia chỉ có thể tự xưng là một “quốc gia” (nation) chứ không thể là “nhà nước”. Ông cho biết theo định nghĩa thì “quốc gia” có thể chỉ một nhóm người có chung lịch sử, tôn giáo, chủng tộc, hoặc những mối liên kết khác mà không nhất thiết phải thành lập một nhà nước độc lập, có chủ quyền. Chẳng hạn như cộng đồng thổ dân ở Mỹ đã tạo dựng nên một thực thể riêng của mình, còn người Kurd ở Trung Đông thường tự xưng là có cùng một quốc tịch. Tuy nhiên, những “quốc gia” như vậy sẽ không được công nhận về mặt pháp lý mà mang ý nghĩa về văn hóa nhiều hơn.
Vấn đề chủ quyền
Theo Popular Science, Asgardia có thể tạo ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước thượng tầng không gian (OST) do 104 quốc gia ký kết năm 1967 nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trong không gian. Nếu Asgardia tự xưng là một nhà nước có chủ quyền thì có thể sẽ vi phạm quy định của OST rằng không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng bất cứ khu vực hay thực thể nào trên vũ trụ và công cuộc thám hiểm không gian phải nhằm mục đích phục vụ cho toàn thể nhân loại.
Mặt khác, OST cũng quy định quốc gia nào phóng vật thể bất kỳ lên không gian thì phải chịu trách nhiệm về nó, bao gồm cả những tổn thất có thể gây ra đối với trái đất hoặc tài sản của quốc gia khác trên quỹ đạo. Trong trường hợp Asgardia thì sẽ rất khó xác định trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.

 

Thuỵ Miên