23/12/2024

Người xưa qua thư tịch: Nguyễn Tri Phương có gốc tích ở Bình Định?

Dựa vào bản gia phả bằng chữ Hán, ngôi mộ cổ và giai thoại truyền miệng, một tộc Nguyễn ở Bình Định cho rằng danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) là người thuộc dòng họ mình.

 

Người xưa qua thư tịch: Nguyễn Tri Phương có gốc tích ở Bình Định?

Dựa vào bản gia phả bằng chữ Hán, ngôi mộ cổ và giai thoại truyền miệng, một tộc Nguyễn ở Bình Định cho rằng danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) là người thuộc dòng họ mình.




Ông Ảnh bên ngôi mộ được cho là của ông Nguyễn Tri Phương /// Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Ảnh bên ngôi mộ được cho là của ông Nguyễn Tri PhươngẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ngôi mộ cổ bí ẩn
Sát chân núi ở thôn Phú Quang, xã Mỹ Phong (H.Phù Mỹ, Bình Định) có ngôi mộ cổ xây bằng hợp chất ô dước vôi, cát… được người dân địa phương khẳng định là mộ vợ chồng ông Nguyễn Tri Phương. Mấy đời dòng họ Nguyễn Văn ở TT.Bình Dương (H.Phù Mỹ) đã hương khói, chăm sóc ngôi mộ cổ này. Theo ông Nguyễn Văn Ảnh (53 tuổi, ở đường Nguyễn Huệ, TT.Bình Dương), ngày xưa mộ có bia ghi tiểu sử, công trạng của ông Nguyễn Tri Phương bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ, nay đã bị mờ, ngôi mộ cũng hư hỏng nhiều.
Ông Ảnh cho biết tổ tiên có kể lại rằng nhiều người trong dòng họ Nguyễn ở H.Phù Mỹ ra Huế làm quan cho triều đình nhà Nguyễn rồi định cư luôn tại đó. Vào thời vua Tự Đức, một hôm có 100 quan quân cùng 8 thớt voi rước một quan tài và lương thực, dầu đèn vào Bình Định bằng đường biển. Quan quân địa phương ra đón rồi đưa về làng Phú Quang mai táng rất trọng thể. Quan quân cho người trong họ Nguyễn biết đó là thi hài của ông Nguyễn Tri Phương được triều đình đưa về quê nhà chôn cất. Quân lính ở lại cúng bái, canh giữ ngôi mộ hàng tháng trời mới rút đi.
Những sự việc qua lời kể của ông Ảnh rất khác so với những ghi chép về Nguyễn Tri Phương trong các sách sử của Quốc sử quán triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện… Theo sử sách, Nguyễn Tri Phương quê ở xã Chánh Lộc, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông là con ông Nguyễn Văn Ðảng và bà Nguyễn Thị Thể, gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Hồi trẻ ông làm thơ lại tại huyện đường Phong Ðiền, dần dần được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của triều đình dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ngày 19.11.1873 (1.10 năm Tự Đức thứ 26), quân Pháp tấn công thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân lính chống trả quyết liệt rồi trúng đạn bị thương, con trai ông là phò mã Nguyễn Lâm trúng đạn chết tại trận, thành rơi vào tay giặc. Ngày 20.12.1873, Nguyễn Tri Phương mất, thọ 73 tuổi. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, Nguyễn Tri Phương bị thương ở thành Hà Nội, tuyệt thực không ăn uống, người Pháp đem cháo và thuốc đến đổ cho đều phun ra. Vua Tự Ðức sai quân đưa thi hài Nguyễn Tri Phương và phò mã Nguyễn Lâm về quê nhà an táng. Di tích nhà thờ, lăng mộ Nguyễn Tri Phương tại H.Phong Điền được nhà nước công nhận là di tích quốc gia.
Cần các nhà sử học vào cuộc
Theo gia phả của tộc Nguyễn ở TT.Bình Dương, thủy tổ của dòng họ là tướng quân Nguyễn Phú Lương ở xã Hương Cần (nay là xã Quỳnh Phương, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An). Cụ Lương có 3 người con là Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Phúc Ân, Nguyễn Phúc Oán. Cụ Nguyễn Đại Lang (chưa rõ tên thật) di cư vào nam, sinh sống tại Đèo Nhông xứ, tổng Trung Bình, H.Phù Mỹ (nay xã Mỹ Phong, H.Phù Mỹ), lập ra nhánh họ Nguyễn ở TT.Bình Dương ngày nay. Còn cụ Nguyễn Phúc Ân di cư vào nam, lập ra nhánh họ Nguyễn ở An Lương – Xuân Phương (xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ). Còn cụ Nguyễn Phúc Oán vẫn sinh sống ở Hương Cần.
Khoảng 10 năm trở lại đây, trong quá trình sưu tầm, viết lại gia phả cho dòng họ Nguyễn ở H.Phù Mỹ, PGS-TS Nguyễn Thương Ngô (thuộc họ Nguyễn ở An Lương – Xuân Phương, sống ở Hà Nội, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), tiếp tục khẳng định Nguyễn Tri Phương có họ hàng tại Bình Định. Trong cuốn gia phả họ Nguyễn ở TT.Bình Dương (mới) bằng chữ quốc ngữ có ghi rằng cụ Nguyễn Đại Lang có 4 người con, trong đó người con thứ 4 là Nguyễn Nghĩa. Ông Nghĩa sinh ra ông Nguyễn Văn Diễn, ông Diễn sinh ra ông Nguyễn Văn Cảnh, ông Cảnh sinh ra ông Nguyễn Văn Cẩn, ông Cẩn sinh ra ông Nguyễn Văn Đảng, ông Đảng sinh ra ông Nguyễn Tri Phương. Như vậy, ông Nguyễn Tri Phương thuộc đời thứ 8, chi 4 của họ Nguyễn ở TT.Bình Dương.
Theo giải thích của PGS-TS Nguyễn Thương Ngô, gia phả tộc họ Nguyễn (cũ) phái Bình Dương để lại bằng chữ nôm có ghi “Thủy tổ Nguyễn Đại Lang chi thần, nguyên quán Đại Nam Quốc, Nghệ An, Thừa Thiên, Diễn Châu phủ, Quỳnh Lưu quận, nguyên Hương Cần xã, Càn Niên thôn. Định cư Chánh Thuận thôn Đèo Nhông xứ, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, Bình Định tỉnh”. Gia phả ghi nguyên quán vừa là Nghệ An vừa là Thừa Thiên vì các đời 7, 8, 9 đều có người ra Thừa Thiên làm quan và nơi nào đã sống từ ba đời trở lên thì được xem là quê hương. Họ tộc ông Nguyễn Tri Phương cũng nằm trong số đó.
So sánh giữa hai gia phả, gia phả dòng họ Nguyễn (cũ) ở H.Phù Mỹ, ông tổ của chi 4 là Nguyễn Nghĩa có con là Nguyễn Văn Diễn (đời thứ 4), ghi đến đây thì gia phả mất vài trang nên không có thông tin tiếp theo. Trong khi gia phả họ Nguyễn ở Thừa Thiên-Huế của ông Nguyễn Tri Phương, ghi đời thứ nhất là ông Nguyễn Văn Cảnh, đến ông Nguyễn Tri Phương là đời thứ 4. Như vậy, giữa gia phả hai dòng họ đã có sự phù hợp nhất định để biết ông Nguyễn Tri Phương vốn gốc là người Bình Định, và ông là đời thứ 8 của họ Nguyễn.
“Mong các nhà sử học vào cuộc xác minh, nếu là mộ của ông Nguyễn Tri Phương ở Bình Định thì nên có kế hoạch trùng tu, bảo quản cho xứng với công đức của người xưa”, PGS-TS Nguyễn Thương Ngô bày tỏ.

 

Hoàng Trọng