25/12/2024

Tình yêu trẻ khuyết tật của một phụ nữ Anh

Duyên nợ đã đưa người phụ nữ Anh nhân hậu Jackie Wrafter gắn bó với công việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật tại Quảng Nam 15 năm qua.

 

Tình yêu trẻ khuyết tật của một phụ nữ Anh

Duyên nợ đã đưa người phụ nữ Anh nhân hậu Jackie Wrafter gắn bó với công việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật tại Quảng Nam 15 năm qua.

 

 

 

Tình yêu trẻ khuyết tật của một phụ nữ Anh
Một tình nguyện viên là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu từ Đại học Newcastle (Úc) tập cho trẻ khuyết tật phát âm bằng máy phát âm – Ảnh: K.A.F.

Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ trẻ em khiếm khuyết đạt đến khả năng lớn nhất của các em, bất kể là khả năng nào có thể. Đây không phải là một trung tâm giữ trẻ.

Chúng tôi thực hiện giáo dục, vật lý trị liệu và can thiệp sớm với giá trị cao nhất cho trẻ, giúp trẻ có khả năng độc lập càng nhiều càng tốt. Chúng tôi làm việc với sự kiên nhẫn, hiểu biết, quan tâm và không bạo lực

Châm ngôn hành động của Trung tâm Kỳ Anh

Jackie Wrafter rời thành phố cảng Liverpool xinh đẹp của nước Anh đến Việt Nam du lịch khi mới 35 tuổi. Hiện cô là người sáng lập quỹ Kỳ Anh (Kianh Foundation) và điều hành hoạt động Trung tâm Kỳ Anh tại thôn Cổ An 4, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Đây là nơi chăm sóc và đào tạo kỹ năng sống miễn phí cho hơn 100 trẻ khuyết tật các huyện khu vực đông bắc Quảng Nam.

Chuyến du lịch dang dở

Một ngày mưa, theo lời giới thiệu từ người quen, chúng tôi tìm đến Trung tâm Kỳ Anh mong gặp người phụ nữ đặc biệt này. Jackie tiếp đón chúng tôi khá niềm nở nhưng tỏ ý do dự trước đề nghị giới thiệu mình lên báo.

Nhiều năm qua, Jackie làm việc thầm lặng vì ngại gây sự chú ý của cộng đồng. Thuyết phục mãi, cô mới đồng ý thuật lại mối duyên nợ với trẻ em Việt Nam.

Ngồi xoa đầu bọn trẻ, Jackie bảo công việc mình đang làm là sự tình cờ. Cô đến Việt Nam cùng một người bạn trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới vào năm 2001. Cả hai ghé thăm một trại trẻ mồ côi tại miền Trung và bị sốc khi nhìn thấy tình trạng bọn trẻ.

Jackie nói: “Có rất nhiều trẻ khuyết tật sống ở đó, nhưng các em chẳng có gì khác ngoài nhu cầu tối thiểu là thức ăn và phòng ở. Bọn trẻ bị khuyết tật về thể chất nhưng trông chúng cũng khiếm khuyết rất nhiều về trí tuệ”.

Sau một thời gian tiếp xúc, Jackie nhận thấy các em có trí óc rất sáng sủa và nhiều tiềm năng đang chôn chặt trong bộ dạng khuyết tật. Họ ở lại một tháng để thăm hỏi và làm những điều họ nghĩ rằng sẽ thú vị hơn là nhìn thấy các em nằm mãi trên giường.

“Lúc đó chúng tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ khuyết tật nhưng tôi nhận thấy mình có thể học hỏi. Tôi biết rằng cuộc sống của các em này sẽ thay đổi khi được những người có chuyên môn giúp đỡ. Sau vài tháng trở về Anh, tôi quyết định quay lại Việt Nam giúp các em” – Jackie nhớ lại.

Tại Anh, điều đầu tiên cả hai làm khi trở về là quyên tiền giúp các em. Thật bất ngờ, họ quyên được nhiều tiền hơn dự tính và thuê ngay một kỹ thuật viên vật lý trị liệu đến làm việc tại trại mồ côi.

Để có cơ sở hoạt động lâu dài, Jackie đăng ký thành lập tổ chức từ thiện mang tên Kianh Foundation nhằm tiếp nhận nguồn tiền đóng góp.

Sau nhiều năm chăm sóc trẻ tại trại mồ côi, chính quyền thị xã Điện Bàn cấp cho tổ chức này 2ha đất để xây dựng trung tâm chuyên điều trị trẻ khuyết tật. Đến năm 2012, Trung tâm Kỳ Anh hiện đại với kinh phí đầu tư hơn 5 tỉ đồng do Đại học RMIT (Úc) tài trợ đi vào hoạt động.

Hỏi về ý nghĩa tên gọi Kỳ Anh, Jackie cười bảo đó là tên của đứa trẻ mà cô gặp đầu tiên ở trại mồ côi. Jackie bảo:

“Đó là một bé trai bị bại não, không nói được. Bất chấp khó khăn về thể chất, em vẫn là một đứa trẻ dễ thương, tràn đầy sự hài hước và niềm tin. Sau này tôi mới nhận ra tên thật của em là Khanh, không phải Kỳ Anh như tôi nghe nhầm.

Nhưng lúc đó chúng tôi đã đăng ký thành lập tổ chức nên không thể thay đổi nữa. Khanh rất vui với câu chuyện và bất cứ khi nào nhìn thấy tên của tổ chức, em vẫn biết nó được đặt theo tên mình”.

Luyện tập dưới hướng dẫn của chuyên gia quốc tế

Bước qua dãy hành lang với những phòng học rộn ràng tiếng cười nói trẻ thơ, ấn tượng mạnh đập vào mắt khách tham quan là vẻ sạch sẽ và chuyên nghiệp.

Mỗi phòng học có một nhà vệ sinh, trong đó mọi thứ từ bồn rửa mặt, toilet hay khu vực vòi sen đều được bố trí ở độ cao hợp lý và có điểm tựa giúp trẻ. Các hành lang được thiết kế tay vịn để hỗ trợ di chuyển.

Đến những thứ nhỏ nhặt như cái muỗng hay bàn học cũng được chỉnh sửa để phù hợp với tình trạng khuyết tật của từng em. Và như những lớp học bình thường, các em được mặc đồng phục là quần/váy đen cùng áo thun màu tím in logo trung tâm xinh xắn.

Nhìn đội ngũ nhân viên và tình nguyện viên người nước ngoài đang chăm chỉ hướng dẫn các em tập luyện, chúng tôi ngỡ mình đang lạc vào một trường quốc tế chứ không phải trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật.

Cuối dãy phòng học là phòng làm việc nhỏ của bà Peng Sim, thạc sĩ giáo dục đặc biệt đến từ Úc. Bà Peng Sim đến Việt Nam theo lời kêu gọi của Chính phủ Úc và đã có bốn năm gắn bó với trung tâm.

Nhiệm vụ của bà là đào tạo và phát triển chương trình giáo dục đặc biệt cho đội ngũ nhân viên người Việt tại đây. Nhớ lại ngày đầu, bà Peng Sim tặc lưỡi bảo khi ấy khá lúng túng bởi đội ngũ nhân viên Việt Nam thiếu kỹ năng đáp ứng các nhu cầu của trẻ khuyết tật.

Công việc của họ lúc đó đơn thuần chăm sóc hơn là phát triển kỹ năng cho trẻ. Bà Peng Sim cười bảo điều may mắn là người Việt rất kiên nhẫn và thực tâm học hỏi kinh nghiệm nên tiến bộ rất nhanh.

Đến nay, đội ngũ này có khả năng phát hiện và hỗ trợ phát triển năng lực ở trẻ khuyết tật, đưa ra phương pháp tập luyện phục hồi.

Ở một góc khác, hơn chục tình nguyện viên của Tổ chức The Rock Foundation (đến từ Hong Kong) đang hì hục dán giấy, vẽ tranh chuẩn bị buổi biểu diễn nghệ thuật cuối tuần. Trong số họ có những người trưởng thành từ trẻ khuyết tật.

Tổ chức của họ được lập ra để đi đến những nơi có trẻ em khuyết tật trên thế giới, phát hiện và ươm mầm tài năng nghệ thuật cho chúng.

Hazel Delfina Chang, trưởng nhóm, nói rằng trẻ em tại đây sống rất lạc quan và cởi mở. Cô cho biết nhóm sẽ lưu lại một tuần và dạy các em nghệ thuật tranh và âm nhạc.

Cả cô và Jackie đều là thành viên Hội Giáo dục đặc biệt quốc tế tại Mỹ, nên khi biết về Trung tâm Kỳ Anh đã mang đoàn qua giúp đỡ trẻ em Việt Nam.

Từ mối quan hệ của Jackie, nhiều tổ chức và cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc, phục hồi năng lực trẻ khuyết tật tại các nước tiên tiến đã tìm đến hỗ trợ có thời hạn. Nhờ vậy, năng lực của các nhân viên người Việt tại đây đã được cải thiện rất nhiều.

Họ được dạy tập trung vào những gì trẻ có thể làm được và biết mỗi trẻ cần hỗ trợ gì để có thể tự làm được những công việc hằng ngày.

Nỗ lực khi được đặt tên 

Biết tên mình được đặt cho trung tâm, Khanh đã rất nỗ lực để xứng đáng với điều đó. Tên đầy đủ của em là Huỳnh Đăng Khanh (11 tuổi), trú phường Điện Ngọc, huyện Điện Bàn.

Tình yêu trẻ khuyết tật của một phụ nữ Anh
Em Huỳnh Đăng Khanh từ một đứa trẻ bại não ngồi không vững đã tự lo ăn uống, vệ sinh cá nhân – Ảnh: T.LỰC

Bà Đỗ Lê Tố Quyên, quản lý trung tâm, bảo ngày vào trung tâm Khanh ngồi một chỗ không vững, không tự làm được bất cứ việc gì.

Bốn năm ở trung tâm, nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên quốc tế và quyết tâm vươn lên, Khanh đã lột xác trở thành một người khác. Giờ đây Khanh tự đi đứng bằng khung gỗ hỗ trợ.

Những việc vệ sinh như rửa mặt, đánh răng, mặc quần áo hay ăn uống em đều làm thông thạo. Bố mẹ Khanh chưa bao giờ hi vọng rằng em có thể tự tay làm lấy những điều đó.

Mong có nhiều trung tâm khác

Tình yêu trẻ khuyết tật của một phụ nữ Anh
Bà Jackie Wrafter – Ảnh: K.A.F.

Sau bốn năm hoạt động, đã có gần chục em hồi phục rời khỏi trung tâm, bước vào môi trường giáo dục như trẻ thường. Trung tâm vẫn tiếp tục liên lạc với nhà trường nơi các em học để theo dõi và hướng dẫn khi cần thiết. Nhưng Jackie nói rằng cô chưa hài lòng với kết quả đó.

Hiện trung tâm đang giúp đỡ 101 trẻ, nhưng có hơn 100 trẻ khác đang chờ đợi để được nhận vào trung tâm và danh sách này cứ dài ra hằng tháng. Dù UBND thị xã Điện Bàn đã cho thêm 1ha đất mở rộng trung tâm, nhưng những người điều hành đang loay hoay tìm kiếm kinh phí.

Một điều đáng lo ngại nữa là nguồn ngân quỹ hoạt động những tháng gần đây giảm đáng kể do biến động từ các nước châu Âu – nơi họ kêu gọi nhà tài trợ.

“Thật đau lòng khi buộc phải quay lưng với các gia đình mà họ biết rằng chúng tôi có những kỹ năng có thể giúp được con họ. Nhưng chúng tôi không còn chỗ trống nào vì trung tâm đã quá đông.

Tôi mong muốn được thấy những mô hình như trung tâm của chúng tôi có mặt tại các vùng quê khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam” – Jackie nói.

TẤN LỰC ([email protected])