Quân đội điều lực lượng sẵn sàng ứng phó bão số 6
Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng trực với 235.622 người, với trên 3.000 phương tiện các loại ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 6.
Quân đội điều lực lượng sẵn sàng ứng phó bão số 6
Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng trực với 235.622 người, với trên 3.000 phương tiện các loại ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 6.
Mưa lũ làm 1 người mất tích, QL1 ngập sâu cả mét
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết lúc 16 giờ ngày 8.10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 21,4 độ vĩ bắc và 116,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía đông bắc.
Vùng gần tâm bão sức gió mạnh nhất ở cấp 9 – 10, tức từ 75 – 100 km/giờ, giật cấp 11 – 12. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 3 – 5 km. Dự báo đến 16 giờ ngày 9.10, tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ vĩ bắc và 117,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 770 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 – 9 (60 – 90 km/giờ), giật cấp 10 – 11. Trong 24 giờ tiếp theo, vùng biển nguy hiểm được xác định từ phía bắc vĩ tuyến 20 cho đến phía đông kinh tuyến 115.
TIN LIÊN QUAN
Bão số 6 mạnh lên và đổi hướng
Chiều 7.10, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết lúc 16 giờ cùng ngày, tâm bão số 6 ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc và 116,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610 km về phía đông bắc.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – 10, giật cấp 11 – 12, biển động rất mạnh. Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây, sau đó là tây tây nam, mỗi giờ đi được 5 – 10 km. Cho đến 16 giờ ngày 10.10, tâm bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km về phía đông bắc
Trong cuộc họp giao ban ứng phó bão số 6 diễn ra hôm qua (8.10), thượng tá Trần Văn Đình, Phó phòng Cứu hộ cứu nạn – Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng, cho biết khu vực quần đảo Hoàng Sa còn 179 tàu với 1.682 lao động đang được lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi về bờ. Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội biên phòng tuyến biển duy trì liên lạc thường xuyên và thông báo diễn biến của bão cho các phương tiện chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong khi đó, theo thông tin từ Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn – Bộ Quốc phòng cho biết Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng trực với 235.622 người, với trên 3.000 phương tiện, trong đó có 90 xe lội nước, 9 máy bay và hơn 240 tàu thuyền, xuồng các loại ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 6.
QL1 ngập sâu
Trưa 8.10, mưa lớn ở thượng nguồn các vùng thuộc H.Bắc Bình (Bình Thuận) gây ngập lụt một số nơi. Theo Chủ tịch UBND H.Bắc Bình Lê Văn Long, mưa lớn đêm và ngày 7.10 đến sáng 8.10 đã gây vỡ bờ kênh Đá Giá – UýThay. Chiều 8.10, nước lũ cuộn về sông Đồng, tràn qua QL1 đoạn cầu Sông Luỹ, giáp ranh hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong, gây ngập nhiều nơi.
CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT) Bình Thuận và TTGT của Cục Đường bộ VN phải điều tiết cho lưu thông một chiều, vì chiều còn lại bị ngập sâu gần 1 m. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết tỉnh đã chỉ đạo lực lượng TTGT và CSGT cho xe (phía bắc vào) rẽ vào đường Hoà Thắng – Mũi Né, sau đó quay ra QL1 tại ngã ba Tà Zon. Nếu nước vẫn dâng cao ngập QL1, lực lượng CSGT và TTGT phải điều tiết, không cho các phương tiện lưu thông đoạn này, tránh tình trạng mất an toàn giao thông. Trong khi đó, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Mai Kiều cho hay “do mưa lớn gây ngập, chứ không hề có chuyện xả nước hồ thuỷ lợi” như người dân thông tin.
Tại Quảng Ngãi, lúc rạng sáng 8.10 tàu cá QNg 98783 TS, công suất 165 CV của ngư dân Nguyễn Văn Tư ở xã Phổ Quang, H.Đức Phổ hành nghề lưới vây trở vào bờ để bán hải sản, khi vào cửa biển Mỹ Á (xã Phổ Quang) thì bị sóng lớn đánh dạt vào bãi đá ngầm ở phía bắc cửa biển và bị mắc cạn. Rất may 10 ngư dân đi trên tàu đều an toàn. Chính quyền địa phương đã huy động nhiều tàu cá cùng hàng trăm người dân tham gia cứu hộ nhưng do sóng lớn, chiếc tàu bị mắc kẹt giữa bãi đá ngầm nên sau gần một ngày nỗ lực, đến chiều tối 8.10 mới lai dắt được tàu cá bị nạn vào bờ. Tuy nhiên, phần vỏ tàu cá bị hư hỏng nặng.
Khoảng 22 giờ 30 ngày 7.10, ông Lê Chính (51 tuổi, ngụ khu dân cư Thái Hoà, ấp Thái Vĩnh, xã Vĩnh Trị, H.Vĩnh Hưng, Long An) cùng con trai Lê Thiện Trí (12 tuổi) bơi xuồng ba lá qua sông Cái Cỏ để thăm lưới giăng bắt cá. Đến khi quay về thì trời đổ mưa, gió thổi rất mạnh khiến xuồng chao đảo rồi lật chìm. Ông Chính dùng hai tay đẩy con trồi lên mặt nước, rồi cố gắng bơi vào bờ. Lúc đó có đám lục bình trôi ngang, cháu Trí kịp bám vào rồi nằm lên trên, còn ông Chính đuối sức, chìm xuống nước mất tích. Đám lục bình đưa cháu Trí trôi xa gần nửa km, sau đó được người dân chạy xuồng máy ngang qua phát hiện, đưa về nhà. Đến 17 giờ ngày 8.10, UBND xã Thái Trị cho biết việc tìm kiếm thi thể ông Chính gặp rất nhiều khó khăn, do mưa gió và nước chảy xiết. Cùng ngày, UBND H.Vĩnh Hưng đã đến chia buồn và hỗ trợ gia đình ông Chính 3,5 triệu đồng để chuẩn bị lo hậu sự.
|
Thanh Niên