24/12/2024

Nguy cơ gây ô nhiễm của các dự án lớn

Cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tập đoàn lớn được Bộ trưởng Công thương chủ trì chiều qua đã thẳng thắn nhìn nhận rất nhiều vấn đề về nguy cơ ô nhiễm của các dự án lớn.

 

Nguy cơ gây ô nhiễm của các dự án lớn

Cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tập đoàn lớn được Bộ trưởng Công thương chủ trì chiều qua đã thẳng thắn nhìn nhận rất nhiều vấn đề về nguy cơ ô nhiễm của các dự án lớn.





Thanh Niên từng có bài phản ảnh về ô nhiễm tại dự án khu công nghiệp Tằng Loỏng - Lào Cai

Thanh Niên từng có bài phản ảnh về ô nhiễm tại dự án khu công nghiệp Tằng Loỏng – Lào Cai

Hàng loạt dự án ô nhiễm bị bêu tên
“Là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn, các anh đừng để người dân cứ nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, là ô nhiễm, là ung thư”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt vấn đề.
Theo ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cho biết cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường như khai thác và chế biến khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất, các DN có hoạt động xả thải ra sông, ven biển, nhà máy đặt tại khu vực nhạy cảm và có nhiều dư luận xã hội về công tác bảo vệ môi trường.
Kết quả kiểm tra tại 29 cơ sở cho thấy vẫn còn những tồn tại. Ví dụ các dự án nhôm Lâm Đồng, nhiệt điện Vũng Áng, nhiệt điện Duyên Hải 1 dù đã đi vào vận hành nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Nhôm Lâm Đồng và nhiệt điện Duyên Hải 1 cũng là một DN có sự thay đổi các hạng mục bảo vệ môi trường so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt mà chưa thông báo cho cơ quan phê duyệt ĐTM biết, hoặc đã thông báo nhưng chưa được chấp thuận mà vẫn triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, có trường hợp dù là nhà máy xử lý nước thải của cả khu công nghiệp nhưng lại không vận hành mà xả thẳng ra môi trường như nhà máy xử lý nước thải dệt nhuộm tại khu công nghiệp dệt may Phố Nối của Tập đoàn dệt may. Trong khi đó, hàng loạt nhà máy như Phân bón dầu khí Cà Mau, Đóng tàu Dung Quất, Nhiệt điện Hải Phòng chưa hề có giấy phép xả thải vào nguồn nước…
Tương tự là các nhà máy sản xuất hoá chất phốt pho trong khu công nghiệp Tằng Loỏng – Lào Cai do công nghệ tháo xỉ dập nguội bằng nước hở nên khi tháo xỉ hơi nước bốc lên, phát tán tự do, gây hình ảnh hết sức phản cảm và khó kiểm soát thành phần khí thải bị cuốn theo hơi nước. Hoặc một số nhà máy luyện thép, mặc dù đã được lắp hệ thống kiểm soát bụi, khí thải tuy nhiên do nhà máy đã cũ, công nghệ lạc hậu nên bụi vẫn không được kiểm soát triệt để đặc biệt là khi nạp liệu vào lò luyện hay khi dập cốc tại lò luyện cốc như dự án của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên…
DN lớn cần có bộ phận môi trường
Nhắc lại vụ Formosa, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh cần coi đây là bài học để các đơn vị ngành tập đoàn, tổng công ty rà soát thận trọng một lần nữa các dự án, nhà máy của mình với tinh thần “cần nói thẳng, nói thật xem còn bỏ sót quy trình nào”, đồng thời yêu cầu ngay sau cuộc họp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải ký cam kết giải quyết triệt để những bức xúc mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua. “Lời hứa cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nếu chúng ta không làm, không thực hiện lời hứa, chúng ta sẽ mất niềm tin trong dân”, ông Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu ngành công thương cũng chia sẻ, gần đây ông đã đọc rất nhiều bài báo lẫn mạng xã hội và cảm thấy rất bất ngờ khi các ý kiến cứ nhắc đi nhắc lại chuyện chọn thép hay chọn cá. “Chúng ta bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về điều này”, Bộ trưởng thúc giục.
Kết luận cuộc họp, lãnh đạo Bộ yêu cầu các DN xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về công tác môi trường tại các dự án quy mô lớn. Đối với công tác về đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng các báo cáo ĐTM do tư vấn thực hiện và chủ đầu tư cần thực hiện đầy đủ các cam kết đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. “Các hạng mục công trình có sự thay đổi so với ĐTM ban đầu thì chỉ được triển khai thực hiện khi được sự đồng ý của cơ quan phê duyệt ĐTM. Nhà thầu và chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết của ĐTM trong giai đoạn vận hành thử nghiệm 6 tháng trước khi bàn giao, thông báo rộng rãi đến chính quyền địa phương về hoạt động vận hành thử nghiệm để chính quyền và người dân địa phương cùng giám sát”, Bộ trưởng yêu cầu.
 

Chí Hiếu