24/01/2025

Chủ nhật XXVII TN C – 2016: Mẹ Mân Côi là Mẹ của Lòng Chúa thương xót

Khi sinh ra Chúa Giêsu và gắn bó mật thiết với Chúa trong tất cả các mầu nhiệm của đời Người, Mẹ trở thành dung mạo của lòng Chúa thương xót. Mẹ đã kết hợp với Chúa Thánh Thần để thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha cho đến muôn đời.

  

Chủ nhật XXVII TN C – 2016

Mẹ Mân Côi là Mẹ của Lòng Chúa thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Trong Năm Thánh về Lòng Chúa Thương xót, chúng ta hãy nhìn vào người Mẹ Thánh của chúng ta, như người mẹ đầy lòng thương xót của Chúa. Khi sinh ra Chúa Giêsu và gắn bó mật thiết với Chúa trong tất cả các mầu nhiệm của đời Người, Mẹ đã trở thành dung mạo của lòng Chúa thương xót. Mẹ đã kết hợp với Chúa Thánh Thần để thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha cho đến muôn đời. Đó là điểm chúng ta suy niệm lần này.

1. Sự hiện diện của Mẹ trong đời Chúa Giêsu

1.1. Hiện diện như người Mẹ và môn đệ Chúa

Chúng ta vừa nghe các bài Thánh Kinh tiêu biểu như muốn diễn tả sự hiện diện thường xuyên của Mẹ Maria trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại. Từ lúc Mẹ nhận lời sứ thần Gabriel để mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần hình thành Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trong lòng Mẹ qua bài Phúc Âm, (x. Lc 1,26-38) cho đến khi cùng với các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu cầu nguyện đón nhận Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Bài đọc I (x. Cv 1,12-14), Mẹ luôn có mặt trong dòng lịch sử Giáo Hội và nhân loại để thể hiện lòng Chúa xót thương.

Mẹ có mặt trong các mầu nhiệm của đời Chúa Giêsu không phải chỉ trong tư cách là người mẹ của Chúa, nhưng thường xuyên hơn, Mẹ âm thầm hiện diện như một người môn đệ trung tín để lắng nghe và thực hiện lời giảng dạy của Con mình. Mẹ trở thành gương mẫu cho những ai, trong thời đại hiện nay, muốn làm môn đệ thật sự của Chúa Giêsu, nhất là khi chúng ta dùng tràng chuỗi Mân Côi và suy niệm 20 mầu nhiệm Vui Sáng Thương Mừng của tràng chuỗi này.

1.2. Hiện diện bằng tình yêu và thể hiện lòng thương xót

Có vài người hỏi tôi rằng: chúng con đâu thấy Mẹ Maria có mặt khi Chúa Giêsu biến hình trong mầu nhiệm Sáng, khi Chúa Giêsu lo buồn trong vườn Cây Dầu, chịu đánh đòn, đội mão gai trong mầu nhiệm Thương, khi Chúa Giêsu sống lại, lên trời trong mầu nhiệm Mừng! Khi hỏi như vậy là chúng ta chỉ nghĩ đến một sự hiện diện thể lý, hữu hình với thân xác của con người. Chúng ta quên đi sự hiện diện vô hình, nhưng vô cùng mật thiết bằng tinh thần, giữa Mẹ Maria với Chúa Giêsu cũng như với mỗi người chúng ta vì chúng ta cùng chung một Thần Khí (x. Gl 4,4-7), và nhất là bằng tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu luôn nối kết mọi người, mọi vật với nhau. Ai càng yêu nhiều, càng nối kết nhiều. Sau Chúa Giêsu, không ai được tràn đầy Thần Khí cũng như không ai có tình yêu mãnh liệt và nối kết rộng lớn như  Mẹ Maria.

Hơn nữa Mẹ Maria luôn có mặt trong từng giây phút của cuộc đời Chúa Giêsu không phải trong tư cách người Mẹ, nhưng trong tư cách của người môn đệ  âm thầm theo sát Chúa Giêsu để lắng nghe và thực hành lời Chúa. Trong những năm Chúa Giêsu hoạt động công khai, rao giảng Tin Mừng, thỉnh thoảng Mẹ cùng với ít người thân xin gặp Chúa Giêsu để biểu lộ sự hiện diện khiêm tốn này (x. Mt 12,46-50; Mc 3, 31-35; Lc 8,19-21). Các thánh Giao phụ đã xác tín điều đó để giúp chúng ta hiểu rằng, trong tất cả các mầu nhiệm của tràng chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria luôn gắn bó mật thiết với Con của mình, như phần chi thể sống động nhất trong Nhiệm Thể Chúa Giêsu.

Khi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, Mẹ trở thành “dung mạo của lòng Chúa Cha thương xót”. Mẹ học được bài học về lòng thương xót đó qua Người Con của mình, khi thấy Người rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành bệnh tật cho kẻ yếu đau, giải thoát những ai bị ma quỷ kiềm chế, làm phép lạ hóa bánh nuôi kẻ đói nghèo, cho kẻ chết sống lại, thôi thúc những người tội lỗi hoán cải đời sống… Rồi Mẹ nhận lấy sứ mạng thể hiện lòng thương xót đó khi được Chúa Thánh Thần hiện xuống và sai đi như các tông đồ để hoàn thành các công việc như Chúa Giêsu đã làm xưa. Mẹ còn tiếp tục sự hiện diện đầy tình thương xót này đối với tất cả con cái mình cho đến tận thế, khi nhận lời uỷ thác của Chúa Giêsu dưới chân thập giá.

2. Mẹ Maria thể hiện lòng thương xót trong lịch sử con người

2.1. Trong lịch sử Giáo Hội toàn cầu

Ngày lễ hôm nay như muốn gợi nhớ cho người tín hữu cuộc chiến thắng của đoàn quân nhỏ bé của người Công giáo trước những chiến thuyền hùng hậu của người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo ở vịnh Lêpantô ngày 7/10/1571. Trước sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh hận thù, Mẹ đã cứu vớt tất cả con cái mình khi các người Công giáo kêu cầu Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi. Sau chiến thắng đó, nhiều tín hữu hiểu rằng tràng chuỗi này có một sức mạnh nhiệm mầu để giúp họ cảm nhiệm được lòng Chúa thương xót, được bình an, được ân phúc nhờ sự can thiệp của Mẹ Mân Côi.

2.2. Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam

Nếu chúng ta đọc lại lịch sử Giáo hội Việt Nam chúng ta cũng sẽ thấy Mẹ Mân Côi đã can thiệp, cứu giúp một cách đặc biệt, nhưng nhiều tín hữu vẫn chưa biết điều này. Nhiều người biết đến Đức Mẹ La Vang, nhưng trong thực tế, La Vang hầu như chỉ là một truyền thuyết hơn là một sự kiện lịch sử. Chúng ta muốn ôn lại sự kiện Mẹ Mân Côi đã can thiệp cứu giúp tín hữu ở giáo xứ Trà Kiệu, thuộc tỉnh Quảng Nam, giáo phận Đà Nẵng trong thời tín hữu bị bách hại khốc liệt nhất (1862-1885).

Chúng ta biết vào thời đó, người Công giáo bị giết hại, cướp bóc từ khi người Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Nam Việt Nam (1862-1867). Phong trào Văn Thân với khẩu hiệu ‘Bình Tây, Sát tả’, nghĩa là “xua đuổi người Tây, giết người theo tà đạo” đã gây nên những vụ thảm sát kinh khủng. Chỉ riêng giáo phận Đà Nẵng trong 2 năm 1884-1885 đã có 13 linh mục, 60 thầy giảng, 270 nữ tu và trên 25.000 giáo dân bị giết.

Vào buổi xế trưa ngày 1/9/1885, 8.000 quân Văn Thân, do võ tướng của của Triều đình nhà Nguyễn với voi trận, đại bác, súng đạn, gươm giáo kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu. Ttrong giáo xứ chỉ có 370 nam nhân và 500 phụ nữ với 4 khẩu súng trường cùng 40 viên đạn, 5 khẩu súng bắn đá, 1 khẩu súng hỏa mai. Giáo dân hết sức lo sợ, không biết làm sao chống lại đoàn quân chính quy đông đảo. Cha xứ Jean Bruyère, thuộc Hội thừa sai Paris, kêu gọi mọi người trông cậy vào Chúa, lần hạt Mân Côi, tha thiết cầu khẩn Đức Mẹ cứu giúp.

Quân Văn Thân đắp lũy vây chặt giáo xứ. Cuộc chiến kéo dài trong suốt 21 ngày đêm cho đến 21/9/1885 mới chấm dứt. Quân Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có một người đàn bà rất đẹp, đứng trên nóc nhà thờ mà chúng ta không sao bắn trúng. Rồi có ‘đạo quân trẻ em’ từ trời xuống tiếp sức khiến cho nhiều đại bác bắn trực xạ vào nhà thờ đều không trúng đích”. Có ngày quân Văn Thân bắn tới 500 quả đạn, cả voi trận cũng lùi bước không biết vì sao (x. Nécrologic du P. Bruyère, tr.455; x. P. Geffroy, MEP, báo Missions Catholiques, Paris, ngày 3,10,17/9/1886). Ngay sau đó, việc Đức Mẹ Mân Côi bảo vệ lạ lùng giáo xứ Trà Kiệu đã lan đi khắp nơi trong nước và cả nước ngoài, nên từ 1886 không một đoàn quân Văn Thân nào dám tấn công người Công giáo nữa. Giáo Hội Việt Nam biết ơn Mẹ Mân Côi nên đã kính trọng thể lễ này hằng năm.

2.3. Thể hiện lòng Chúa xót thương

Mẹ Maria vẫn tiếp tục can thiệp vào đời sống Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo hội Việt Nam qua biết bao ân phúc Người chuyển cầu. Tuy nhiên chúng ta chạy đến với Mẹ không phải chỉ để thụ hưởng lòng Chúa xót thương mà còn phải thể hiện lòng thương xót ấy cho anh chị em và vạn vật quanh mình như Mẹ đang làm. Mẹ muốn chúng ta khi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và thở hít Thần Khí của Chúa Thánh Thần như Mẹ, chúng ta biết chia sẻ cho mọi anh chị em, nhất là những ai túng thiếu, đói khát, bệnh tật, tội lỗi, những ân phúc và phương tiện Chúa Cha ban cho để trở thành dung mạo lòng thương xót như Mẹ vì Chúa Cha đã nhận chúng ta làm con cái của Ngài (x. Gl 4,6).

Lời kết

Xin Mẹ Mân Côi đầy lòng thương xót ban cho các tín hữu Việt Nam biết dùng tràng chuỗi Mân Côi để tạo nên bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ khi sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi và với người Mẹ Thánh của mình.