23/01/2025

14 nhà máy nhiệt điện vây đồng bằng sông Cửu Long

Để giảm tổn thất điện, các nhà máy nhiệt điện thường được đặt gần các trung tâm kinh tế. Riêng ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy điện chạy bằng than (điện than) vây quanh…

 

14 nhà máy nhiệt điện vây đồng bằng sông Cửu Long

Để giảm tổn thất điện, các nhà máy nhiệt điện thường được đặt gần các trung tâm kinh tế. Riêng ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy điện chạy bằng than (điện than) vây quanh…

 

 

 

14 nhà máy nhiệt điện vây đồng bằng sông Cửu Long
Đến năm 2030, ĐBSCL có 14 nhà máy nhiệt điện. Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh đã hoạt động – Ảnh: V.TRƯỜNG

Các nhà máy điện nếu nằm quá xa nơi tiêu thụ sẽ gây tổn thất điện  do phải truyền tải xa, xây dựng nhà máy, đường dây cũng tốn kém.

Nên tại khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như ĐBSCL, nhà máy nhiệt điện thường được quy hoạch ngay gần các trung tâm kinh tế.

Đang có những lo lắng về môi trường bởi đã từng xảy ra ô nhiễm ở Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận).

Mỗi năm thêm một nhà máy điện than

Cuối tháng 9-2016 chúng tôi có mặt tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) với diện tích trên 600ha, nơi đang có Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã vận hành và Nhà máy Duyên Hải 3 vừa xây dựng vừa vận hành thử nghiệm.

Ngoài ra còn có Nhà máy Duyên Hải 2 đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư Malaysia. Theo quy hoạch, tại đây sẽ có bốn nhà máy điện than được xây dựng sát bờ biển thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải.

Từ TP Trà Vinh đi về phía biển, khi còn cách trung tâm nhiệt điện này 10km chúng tôi đã nhìn thấy hai ống khói khổng lồ cao 210m sơn hai màu đỏ – trắng đang nhả khói nghi ngút.

Để đáp ứng nhu cầu điện, trong bốn năm tới VN sẽ xây thêm 12 nhà máy điện than nữa (nâng tổng số lên 31 nhà máy). Và nếu không có gì thay đổi, đến năm 2030 cả nước sẽ có tất cả 51 nhà máy điện than.

Tại đồng bằng sông Hồng, hiện đã có cả chục nhiệt điện than, chủ yếu tập trung sát các TP, khu dân cư. Như Nhiệt điện Quảng Ninh 1 nằm chỉ cách TP Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng 10km, Nhiệt điện Uông Bí  nằm ngay trong TP Uông Bí, Quảng Ninh.

Riêng tại khu vực ĐBSCL đến năm 2030 sẽ có 14 nhà máy điện than. Các nhà máy này được quy hoạch xây dựng ở Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ.

Trong đó, hai trung tâm sản xuất điện than lớn nhất ĐBSCL là Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Với quy hoạch trên, tính trung bình cứ một năm tại ĐBSCL lại có một nhà máy điện than ra đời. 

Tại Long An, hai nhà máy nhiệt điện cũng đã được quy hoạch và lãnh đạo tỉnh Long An đã thống nhất gom hai nhà máy về xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, nằm ngay bên sông Soài Rạp.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng – chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông, hai nhà máy nhiệt điện Long An 1 và Long An 2 sẽ được xây dựng tại ấp Vĩnh Thạnh. Như vậy, hai nhà máy này nằm ngay địa bàn giáp ranh các huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TP.HCM).

Đáng lưu ý, chỉ cách đó chừng 10km ngược về phía cửa biển Gò Công còn hai nhà máy nhiệt điện Tân Phước 1 và Tân Phước 2 nằm trên địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. có bốn tổ máy, tổng công suất lên tới 2.400MW (bằng thủy điện Sơn La, lớn nhất Đông Nam Á).

Như vậy bên sông Soài Rạp có 4 nhà máy nhiệt điện.

14 nhà máy nhiệt điện vây đồng bằng sông Cửu Long
Theo kế hoạch, Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) có bốn nhà máy điện than. Tuy mới có một nhà máy vận hành nhưng người dân đã phản ảnh môi trường bị ô nhiễm – Ảnh: V.TR.

Đề nghị Chính phủ rút dự án vì lo ngại ô nhiễm môi trường

Ngày 20-9, tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị Chính phủ rút dự án điện than Bạc Liêu 1 ở huyện Long Hải khỏi quy hoạch điện 7 điều chỉnh để bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thuỷ sản.

Dự kiến nhà máy điện than này có hai tổ máy, tổng công suất 1.200MW. Đề nghị này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận. Nhưng mới chỉ có Bạc Liêu có hành động cụ thể, một số tỉnh khác mới dừng ở mức lo ngại.

Theo ông Lê Minh Đức – chánh văn phòng UBND tỉnh Long An, tỉnh cũng lo nguy cơ ô nhiễm môi trường từ điện than nên sẽ bàn kỹ, nhất định không đổi dự án lấy… ô nhiễm môi trường. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng mới có văn bản đề nghị UBND tỉnh khi tiếp xúc với nhà đầu tư cần nói thẳng quan điểm không tiếp nhận dự án điện than hoặc đốt dầu. Nếu nhà đầu tư sử dụng công nghệ đốt khí hóa lỏng, gas thì mới tiếp nhận.

Ông Phạm Anh Dũng, phó cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường Bộ TN-MT, cho biết hiện nay các nhà máy điện than ở VN sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống, một số bắt đầu ứng dụng công nghệ siêu tới hạn (SC) và siêu siêu tới hạn (USC) tiên tiến, tiêu hao ít nhiên liệu, giảm ô nhiễm.

Dù vậy, “các nhà máy điện than vẫn có thể gây ra các tác động đến môi trường không khí (khí thải và xỉ thải than) và môi trường nước do nước làm mát xả ra có nhiệt độ cao hơn nước tự nhiên” – ông Dũng nói.

Theo nghiên cứu của Liên minh Bảo vệ nguồn nước quốc tế, ở nhà máy điện than, để sản xuất 1MWh điện thì cần tới 4.163 lít nước.

Còn Liên minh Năng lượng bền vững VN khẳng định nếu tất cả 14 nhà máy điện than tại ĐBSCL hoạt động thì mỗi ngày sẽ thải ra môi trường 70 triệu m3 nước nóng 40oC.

Hệ sinh thái dưới nước và các loài thủy sản sẽ bị gây hại. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và văn hoá sông nước của hàng triệu người sống ven sông, ven biển gần nhà máy điện than.

Liên minh Năng lượng bền vững VN dẫn nghiên cứu của ĐH Harvard năm 2015 cho biết ô nhiễm từ các nhà máy điện than là rất lớn, ước tính mỗi năm có khoảng 4.300 người VN bị chết yểu do bệnh tật liên quan đến điện than.

Trong một nghiên cứu được Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) công bố cũng cho thấy có sự tác động của khí thải, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than tới chất lượng đất đai, cây trồng bởi khi than được đốt lên, các chất thải sẽ vào không khí, ngấm vào nước, đất, tác động đến nông nghiệp.

14 nhà máy nhiệt điện vây đồng bằng sông Cửu Long
Theo kế hoạch, Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) có bốn nhà máy điện than. Tuy mới có một nhà máy vận hành nhưng người dân đã phản ảnh môi trường bị ô nhiễm – Ảnh: V.TR.

Nên đưa ra xa khu dân cư

TS Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Quản lý bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho biết đã tham gia nghiên cứu về tác động nhiệt điện than tới ĐBSCL và ngạc nhiên khi có quá nhiều nhiệt điện than được đặt vào sát trung tâm ĐBSCL.

Đặc biệt, quy mô nhà máy nhiệt điện than ở Long An gần TP.HCM, theo ông Tứ, là rất lớn. Một số tỉnh có thể thích nhiệt điện than vì vốn đầu tư ít, vào khoảng 1,2 tỉ USD, giúp tăng GDP và nguồn thu, nhưng theo ông Tứ, cần cẩn trọng bởi ngay Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở Bình Thuận, dù được nói dùng công nghệ hiện đại nhưng vấn đề phát sinh xỉ than sau quá trình đốt lên đến cả triệu tấn/năm đã gây tác động lớn đến đời sống của dân.

Trong khi nhiệt điện than tác động lên cả môi trường nước và không khí. Vì vậy ông Tứ cho rằng quy hoạch nhà máy điện than phải  chú trọng hơn đến áp lực môi trường.

Nhiều nước đã cấm điện than 

Theo tài liệu của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN) cung cấp, đốt than sinh ra muội than chứa các hạt bụi nhỏ li ti với thành phần là các kim loại, chất hóa học.

Với kích thước siêu nhỏ, những hạt bụi này có thể xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí đi vào các mạch máu, gây đau tim, rối loạn nhịp tim, tổn thương phổi…

Tại châu Âu, 109 dự án nhà máy nhiệt điện than đã bị hủy bỏ. Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm cấp phép xây nhiệt điện than trên ba vùng kinh tế trọng điểm xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Tại Mỹ, 179 dự án nhiệt điện than mới đã bị ngăn chặn và 165 nhà máy đang vận hành đã ngừng hoạt động.

Ông Tô Quốc Trụ (giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN):

Cân đối bài toán kinh tế và môi trường

Khi lên phương án làm nhà máy điện than, người ta thường phải tính đặt nó nằm sát nguồn tiêu thụ để giảm tổn thất truyền tải điện.

Các nhà máy điện than cũng thường phải nằm gần cảng biển, sông để thuận lợi trong cung cấp than. Vì vậy, nhiều nhiệt điện than đã được đặt gần trung tâm ĐBSCL.

Một số nhà máy như Long An 1 và Long An 2 nằm ngay sát TP.HCM. Nếu phải cân đối giữa bài toán kinh tế và môi trường có thể tính đến phương án đưa một số nhiệt điện than ra xa hơn, có thể cân nhắc đưa về vùng Tây Nam bộ.

Đây mới là ý tưởng, vì cũng phải tính đường tiếp than thế nào, bởi ngoài ô nhiễm khi đốt than, ô nhiễm còn có thể sinh ra trong quá trình vận chuyển.

VÂN TRƯỜNG – ANH ĐỨC