Tản mạn về đồng đô la Mỹ
Nhân dịp cuối tuần, xin gửi các bạn tài liệu về đồng đô la Mỹ để đọc cho vui. Cầu chúc các bạn an lành và hạnh phúc.
Tản mạn về đồng đô la Mỹ
Chuyện kể có một cô ca sĩ thuộc loại “chịu chơi”, khi được hỏi về âm nhạc, cô đã trả lời một cách hồn nhiên: “Trong âm nhạc có 7 nốt… do, re, mi, fa, sol, la, si… em thì chỉ thích hát những bài nào có nốt Đô và nốt La…”
Tuy chỉ là câu chuyện tiếu lâm… nhưng thiết nghĩ, đó cũng là một nhận xét rất thành thật: hầu hết chúng ta, ai mà chẳng thích đồng đô la… Nhưng phải là “đô la Mỹ” ($) chứ không phải là những đồng đô la Singapore, Hồng Kông… Chí ít cũng phải là đô la Úc… Phạm vi của bài viết này chỉ xoay quanh đồng đô la Mỹ được in trên giấy (bills, banknotes) còn đồng đô la bằng kim loại (coins) xin hẹn vào một dịp khác.
Ngoài Hoa Kỳ, đồng đô la còn được chính thức sử dụng tại các nước và lãnh thổ như Quần đảo Virgin (Virgin Islands), Đông Timor (Timor-Leste), Ecuador, El Salvador, Panama, Quần đảo Marshall, Quần đảo Turks và Caicos (Turks and Caicos Islands), Micronesia, Palau và Vùng quốc hải Hoa Kỳ (US Insular Areas).
Bên cạnh thuật ngữ chính thức “dollar”, đồng đô la còn có nhiều tên gọi nôm na khác trong tiếng Anh như Buck, Clam, Dough, Frog, Green, Greenback, Potato, Cabbage, Duckket… Đồng tiền còn được người Mỹ gọi tên theo chân dung các nhân vật được in trên giấy bạc như Washington, Jefferson, Lincoln, Benjamin, Hamilton..
Theo thứ tự, mệnh giá nhỏ nhất là đồng 1 đô la ($1) có in hình George Washington (1732-1799), vị Tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông được coi như “vị cha già của dân tộc” và giữ chức vụ Tổng thống từ năm 1789 đến 1797. Người Mỹ ca tụng ông hết lời và đó cũng là lý do ông xuất hiện trên tờ giấy bạc $1 được lưu hành phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày cho đến ngày nay.
“Giải phẫu” đồng $1 ta bắt gặp rất nhiều chi tiết cho thấy những thông tin về thời gian và địa điểm tờ giấy bạc được phát hành. Đầu tiên là “Con dấu của Cục Dự trữ Liên bang” (Federal Reserve Seal) nằm trên góc trái của đồng tiền.
Có đến 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Bank) được giao nhiệm vụ in tiền trên toàn nước Mỹ. Mỗi ngân hàng được biểu thị bằng mã số mẫu tự theo thứ tự từ A đến L. Mã số này cũng được lập lại phía bên tay phải của hàng “số series” (serial number) in trên đồng tiền.
1_Boston: A
2_New York: B
3_Philadelphia: C
4_Cleveland: D
5_Richmond: E
6_Atlanta: F
7_Chicago: G
8_St. Louis: H
9_Minneapolis: I
10_Kansas City: J
11_Dallas: K
12_San Francisco: L.
“Số series” xuất hiện cả ở mặt trước và sau của đồng tiền, ngoài ra còn có “số series ngày” hoặc “số series năm” để ghi lại thời gian phát hành. Trên mặt trước của đồng $1 còn có hai chữ ký, một của Giám đốc Ngân khố Hoa Kỳ (Treasurer of the United States) bên trái và chữ ký của Bộ trưởng Ngân khố (Secretary of the Treasury) phía bên phải.
Quốc huy (the Great Seal) có hình con ó “American Bald Eagle” xuất hiện ở mặt sau, phía bên phải. Con ó mang hai bên chân 2 cành olive và chung quanh có khẩu hiệu bằng tiếng Latin “E Pluribus Unum”, tạm dịch là “kết hợp từ rất nhiều để thành một”, hàm ý nước Mỹ là một quốc gia hợp bởi nhiều chủng tộc. Ở phía bên trái có biểu tượng kim tự tháp, trên đỉnh tháp là một con mắt với dòng chữ “Annuit Coeptis”, tạm dịch là “Thượng đế phù hộ quyết tâm của chúng ta”.
Điều đặc biệt trên cả hai biểu tượng đều có lên quan đến số 13, tượng trưng cho 13 tiểu bang từ thời lập quốc Hoa Kỳ: 13 mẫu tự trong các khẩu hiệu bằng tiếng Latin, 13 tầng kim tự tháp, 13 mũi tên nơi chân con ó, 13 ngôi sao và 13 sọc đỏ trắng trên nền cờ. Xem ra Hoa Kỳ thời lập quốc hoàn toàn không tin dị đoan vào con số 13 như những người Âu châu!
Trong khi đồng $1 được mọi người sử dụng hàng ngày nên rất phổ biến thì đồng $2 lại là một câu chuyện khá thú vị. Tờ giấy bạc $2 được chính thức phát hành vào tháng 3/1862 nhưng đến năm 1966 lại tạm ngưng vì lý do ”ít được sử dụng” và ”không có tính cách phổ biến”. Đó cũng là lý do khiến đồng $2 trở nên quý hiếm và có giá đối với những người sưu tầm tiền tệ.
Ít lưu hành dẫn đến tình trạng nhu cầu sử dụng đồng $2 ngày càng giảm. Thậm chí có nhiều người Mỹ còn không biết đến đồng tiền này dù trên thực tế vẫn tồn tại hợp pháp trên thị trường tiền tệ. Ngân khố Hoa Kỳ đã khẳng định:
“Đồng $2 vẫn là một trong những đồng tiền được công nhận. Tính đến 30/4/2007, đồng $2 có tổng giá trị 1.549.052.714 đô la hiện đang lưu hành trên toàn thế giới…”
Trên tờ giấy bạc $2, tái phát hành năm 1928, là chân dung của Thomas Jefferson (1743-1826), cha đẻ của Bản Tuyên ngôn Độc lập (Declaration of Independence) năm 1776. Ông cũng là người được bầu làm Phó Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1797-1801, và sau đó là Tổng thống thứ 3, nhiệm kỳ 1801-1809.
Đến năm 1976 đồng $2 lại được Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) tiếp tục phát hành. Một trong những lý do cho việc tái phát hành là Chính quyền Liên bang có thể tiết kiệm được 26 triệu đô la thông qua việc đồng $2 có thể thay thế gần một nửa số lượng giấy bạc $1 lưu hành trong năm 1976.
Mặt sau của đồng $2 là bức tranh của họa sĩ John Trumbull mô tả cảnh Bản Tuyên ngôn Độc lập được trình bày trước các nhà chính trị thuở Hoa Kỳ mới lập quốc. Bức tranh này thay thế hình ảnh đồn điền Monticello của Tổng thống Jefferson.
Đồng $2, Tổng thống Thomas Jefferson, phát hành năm 1928
Mặt sau đồng $2 với bức tranh “Declaration of Independence”, phát hành năm 1976
Chân dung Abraham Lincoln (1809-1865), Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, được chọn trên đồng $5. Ngày xưa, vào thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, đồng tiền này còn được gọi bằng cái tên bình dân là “fin”, một thuật ngữ của người Do Thái gốc Đức, có liên quan đến chữ “five” trong tiếng Anh. Cơ quan in tiền của Hoa Kỳ cho biết tuổi thọ trung bình của tờ $5 là 5,5 năm, trước khi được thay thế bằng đồng tiền mới. Một thống kê năm 2009 tiết lộ trong tất cả các mệnh giá của đồng đô la lưu hành trên thị trường, đồng $5 chiếm khoảng 6%.
Ấn bản mới của đồng $5, được phát hành ngày 13/3/2008 nhân kỷ niệm ngôi nhà của Tổng thống Lincoln đã được cải tiến rất nhiều về kỹ thuật in tiền như hình in chìm (watermark) và sợi chỉ an toàn, sẽ biến thành màu xanh qua tia cực tím. Mục đích để tạo khó khăn đối với những kẻ làm bạc giả cũng như người sử dụng dễ phân biệt.
Còn phải kể tới kỹ thuật “in chữ li ti” hay còn gọi là “in vi mô” (microprinting) được áp dụng cũng vì mục đích như đã nói. Chẳng hạn như các dòng chữ “FIVE DOLLARS”, “USA FIVE” và “E PLURIBUS UNUM” được in trên mặt trước và sau của đồng tiền. Rất khó có thể sao chép những dòng chữ này trên máy photocopy.
Đồng $5, Tổng thống Abraham Lincoln, phát hành năm 2006
Ấn bản mặt sau của đồng $5, phát hành năm 2006, là hình Đài kỷ niệm Lincoln tại Wahshington D.C. có khắc tên của 48 tiểu bang. Tuy nhiên, trong hình trên đồng tiền chỉ có tên của 26 tiểu bang trên mặt tiền của Đài kỷ niệm.
Cũng trên mặt sau của đồng $5 có số 5 xuất hiện ở góc phải, phía dưới được in to bằng màu để giúp những người sử dụng dễ nhận diện. Bên cạnh đó là dòng chữ “USA FIVE” màu trắng dùng kỹ thuật in microprinting.
Mặt sau đồng $5, Đài kỷ niệm Abraham Lincoln, phát hành năm 2006
Điều đặc biệt chân dung trên đồng $10 không phải là Tổng thống Hoa Kỳ như vẫn thường thấy trên các đồng tiền hiện đang lưu hành. Chỉ có 2 trường hợp đặc biệt này là Alexander Hamilton (1755 – 1804), Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên của Mỹ, nhiệm kỳ 1789 – 1795 người thứ hai là Benjamin Franklin (1706 – 1790), nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Trên đồng $10 có chân dung của Alexander Hamilton, một trong 4 người đã có công khai sinh ra đồng đô la cho ngành tiền tệ của Hoa Kỳ. Ông là người không ra đời tại lục địa Mỹ châu. Hơn thế nữa, chân dung của Hamilton, không có khung hình bầu dục và hình ông nhìn về phía bên trái trong khi chân dung của các đồng tiền khác lại hướng về phía phải!
Ngày 17/6/2015 Bộ trưởng Ngân khố Jack Lew tuyên bố chân dung của Hamilton trên đồng $10 sẽ được thay thế bằng chân dung của một phụ nữ vào năm 2020. Vấn đề người phụ nữ nào sẽ có mặt lần đầu tiên trên đồng đô la vẫn còn bỏ ngỏ qua nhiều ý kiến của dư luận.
Một chính khách thậm chí còn đề nghị chân dung đó sẽ là bà Margaret Thatcher… nhưng bà lại là nữ Thủ tướng của nước Anh!
Đồng $10, với chân dung Alexander Hamilton, phát hành năm 2006
Vào năm 1933, để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời kỳ Đại khủng hoảng, một lượng tiền lớn đã được tung ra thị trường. Kể từ năm 1963 trên đồng tiền không còn in dòng chữ “WILL PAY TO THE BEARER ON DEMAND” (Trả cho người sở hữu khi có nhu cầu), thay vào đó là “THIS NOTE IS LEGAL TENDER FOR ALL DEBTS, PUBLIC AND PRIVATE” (Đồng tiền này là phương tiện thanh toán hợp pháp cho mọi khoản nợ, công cũng như tư).
Theo thống kê chính thức, tuổi thọ trung bình của đồng $10 là 4,5 năm, khoảng 54 tháng, trước khi nó được thay thế bằng những đồng tiền mới. Điều lý thú là đồng $10 ngày xưa còn có tên gọi là “sawbuck” chỉ vì con số 10 giống con số La Mã X thường là hai khúc cây bắt chéo để làm giá đỡ khi cưa.
Mặt sau đồng $10 với hình Tòa nhà Ngân khố, phát hành năm 2006
Từ năm 1928, chân dung Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1829 – 1837, Andrew Jackson (1767 – 1845), được chọn trên tờ $20 và mặt sau là Tòa Bạch ốc. Cũng vì thế cho nên người Mỹ còn gọi giấy bạc $20 là “Jackson” hay có một tên khác là “double-sawbuck” vì có giá trị gấp đôi đồng “sawbuck” ($10).
Trước đó, đồng $20 có hình chân dung Grover Cleveland (1837 – 1908), Tổng thống 3 nhiệm kỳ (thứ 22, 23, 24) của Hoa Kỳ, từ năm 1884 đến năm 1892. Việc thay đổi chân dung các vị Tổng thống không được Bộ Ngân khố giải thích, có thể vì tính cách tế nhị của vấn đề.
Chiến dịch “Phụ nữ 20” (Women on 20s) cũng đề nghị chọn gương mặt phụ nữ trên đồng $20 vào năm 2020. Trong danh sách đề cử có Eleanor Roosevelt (Đệ nhất Phu nhân của Tổng thống 4 nhiệm kỳ Franklin D. Roosevelt), Wilma Mankiller (người Mỹ gốc thổ dân da đỏ) Rosa Parks và Harriet Tubman (hai nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ da màu).
Tuổi thọ của đồng $20 có phần lâu hơn các đồng tiền mệnh giá thấp hơn vì ít được sử dụng. Con số thống kê năm 2013 là tuổi thọ kéo dài 7,9 năm, chiếm khoảng 11% lượng giấy bạc phát hành năm 2009.
Đồng $20, Tổng thống Andrew Jackson, phát hành năm 2003
Mặt sau đồng $20, in hình Tòa Bạch ốc, phát hành năm 2003
Trên giấy bạc $50 là chân dung Tổng thống thứ 18 (nhiệm kỳ 1869 – 1877), Ulysses S. Grant (1822 – 1885). Ông còn được gọi thân mật là “Tướng Grant”, hoạt động cùng Tổng thống Abraham Lincoln trong cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc năm 1861.
Đồng $50, cũng còn được gọi là “Grant”, có tuổi thọ trung bình là 8,5 năm, hay 102 tháng. Sau đó được thay thế bằng giấy bạc mới và chỉ có khoảng 6% giấy $50 trong số các đồng tiền lưu hành tại Hoa Kỳ.
Năm 2005 đánh dấu lịch sử in tiền của Hoa Kỳ với kỹ thuật pha màu trong đó hình chân dung của “tướng Grant” in màu xanh, không có viền, và lá cờ Mỹ màu đỏ nằm bên phải bên cạnh con số 50 được in màu đồng. Mặt sau của đồng $50 là hình ảnh Điện Capitol, cơ quan lập pháp thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, đặt tại thủ đô Washington D.C.
Đồng $50, Tổng thống Ulysses Grant, phát hành năm 2004
Mặt sau đồng $50, in hình Điện Capitol, phát hành năm 2004
Đồng đô la là đơn vị tiền tệ quan trọng không những đối với nền kinh tế Hoa Kỳ mà còn giữ một vai trò dự trữ trong thị trường tiền tệ của cả thế giới. Gần 80% tổng số tiền phát hành của Hoa Kỳ nằm trong tờ giấy bạc $100. Nếu chỉ lưu hành trên thị trường trong nước sẽ không có con số thống kê lớn như vậy.
Trên thế giới có tới khoảng 820 triệu tờ giấy bạc $100 được lưu hành hoặc dự trữ, biến nó thành loại giấy bạc phổ biến nhất trong các loại tiền tệ trên thế giới xét theo giá trị. Theo Cục Dự trữ Liên bang, 2 phần 3 số giấy bạc $100 hiện đang lưu hành ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Giấy bạc này rất phổ biến trong giới buôn lậu ma túy và vũ khí quốc tế, đồng thời cũng được dùng như một loại trữ kim có giá trị đối với những quan chức tham nhũng tại các nước.
Tờ $100 mang chân dung một nhân vật đa tài, Benjamin Franklin (1706 – 1790). Ông là nhà khoa học về vật lý, điện từ nhà phát minh ra cột thu lôi nhà hoạt động nhân quyền nhà ngoại giao và cũng là một trong những người khai sinh ra Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Cũng vì thế đồng $100 còn được gọi là “Ben”, “Benjamin” hay “Franklin” hay còn có tên là “Đồng C” vì chữ C trong số La Mã là 100! Cũng cần phải nhắc lại, Benjamin Franklin và Alexander Hamilton là hai nhân vật duy nhất không phải là Tổng thống Hoa Kỳ nhưng vẫn có vinh dự xuất hiện trên tờ $100 và $10.
Mặt trái của đồng $100 là Tòa nhà Độc lập tại Philadelphia, trong khi trên những đồng tiền khác đều là dinh thự hoặc đài kỷ niệm tại thủ đô Washington D.C. Chiếc đồng hồ trên tòa nhà chỉ 4g10 trên những đồng tiền phát hành trước năm 2009 và kể từ đó những bản in sau này đồng hồ lại chỉ 10g30!
Kể từ năm 1969, tờ $100 là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất khi chính phủ Hoa Kỳ ngưng phát hành những tờ $500, $1.000, $5.000 và $10.000. Tuy nhiên, 4 loại tiền giấy có giá trị này vẫn được công nhận trong giao dịch tiền tệ đối nội cũng như đối ngoại giữa các ngân hàng.
Đồng $100, Benjamin Franklin, phát hành năm 2009
Mặt sau đồng $100, tòa nhà Độc Lập, phát hành năm 2009
Tại Việt Nam, có một thực tế, không biết nên buồn hay vui, vì có khi đi đường người ta bắt gặp những đồng đô la với mệnh giá $50 hoặc $100 nằm rải rác trên đường mà chẳng ai thèm nhặt! Hóa ra đó là đô la “hàng mã” thường rải theo các xe tang hoặc được đốt mỗi khi cúng giỗ.
Thế cho nên, có thể nói người sống thích đô la là chuyện dĩ nhiên như cô ca sĩ trong truyện tiếu lâm nói đến ở trên và người chết chắc cũng cần đô la để “lót đường”, nạp “mãi lộ” trong cuộc hành trình cuối cùng về bên kia thế giới!
Chắc chuyện này… “chỉ có ở Việt Nam”!