23/01/2025

“Ong chúa” đi dựng trường

“Ong chúa” là biệt danh mà các thành viên trong hội từ thiện Ong Vàng gọi hội trưởng Huỳnh Đắc Thanh (37 tuổi, phường Cẩm Phô, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

 GƯƠNG MẶT

“Ong chúa” đi dựng trường

 “Ong chúa” là biệt danh mà các thành viên trong hội từ thiện Ong Vàng gọi hội trưởng Huỳnh Đắc Thanh (37 tuổi, phường Cẩm Phô, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

 

 

 

“Ong chúa” đi dựng trường
Anh Huỳnh Đắc Thanh (áo xanh đứng giữa) thắp nhang cúng tại một ngôi trường mẫu giáo vừa được nhóm của anh xây dựng ở vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Đ.N.H.

Tròn hai năm nay, ngoài công việc là một hướng dẫn viên ở phố Hội, cứ có tiền là hằng tháng “ong chúa” lại cùng các hội viên của mình lên những xã vùng núi ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) để xây trường. Từ lời kêu gọi của Huỳnh Đắc Thanh và sự chung tay của cả nhóm, chín ngôi trường mới bằng rường gỗ, mái tôn kiên cố đã mọc 
lên giữa núi rừng.

“Tính ra cứ trung bình mỗi tháng hội lại lên núi một chuyến từ 2-3 ngày. Vừa đi kêu gọi từ thiện, vừa bỏ công sức xây trường. Nếu không có bàn tay chu toàn của anh Thanh thì không ai gánh nổi. Anh Thanh chính là người thắp lửa cho những chuyến đi, không có anh hô hào, vận động, trực tiếp đi, trực tiếp chung tay làm thì không bao giờ có những ngôi trường kiên cố vùng núi sâu

Anh Hùng Bike (một thành viên trong hội Ong Vàng)

Có tiền là… lên rừng

Hội từ thiện Ong Vàng do anh Thanh cùng một số thành viên làm trong nghề dịch vụ – lữ hành thành lập cách đây hơn sáu năm. Trước đây hội chủ yếu tổ chức các bữa cháo từ thiện hằng tuần ở bệnh viện và các trung tâm dưỡng lão.

Những chuyến từ thiện đi – về trong ngày cũng đủ làm người hội trưởng là anh mệt bở hơi tai vì bao thứ phải lo. Đùng một cái vào tháng 9-2014, ngoài cầm cự tuyến từ thiện cố định, hội chuyển hẳn địa bàn làm từ 
thiện lên… núi rừng.

“Đó là thời điểm tôi và anh em cùng xem được những bức ảnh do một cô giáo mầm non ở huyện Nam Trà My chụp về cảnh sinh hoạt của cô trò trên núi. Tôi làm nghề du lịch, đi khắp đó đây, cảnh nào cũng chứng kiến nhưng thật sự không thể tin được trong địa bàn tỉnh, cách mình chừng 150km lại có những phận người và bầy trẻ con còn khó khăn như vậy.

Từng đến vùng này làm từ thiện nhưng khi ở trung tâm xã mình không hình dung được bầy trẻ lem luốc, không có áo quần đi học giữa mùa đông lạnh co ro như trong clip ghi lại. Cảm giác như những gì mình làm còn quá bé mọn…” – anh Thanh kể lại.

Tạm nghỉ việc một tuần, anh Thanh cùng hai thành viên khác khăn gói vào bản đi tiền trạm. Cuốc đi bộ từ xã vào điểm trường kéo dài năm tiếng nhưng không ngờ khiến anh phải lưu lại bản hơn… năm ngày. Do đi bộ quá nhiều nên khi vừa vào tới thôn thì bệnh “gút” của anh tái phát khiến anh nằm một chỗ.

Những thành viên khác phải quay lại trung tâm xã để “lấy” sóng điện thoại gọi về người nhà ở Hội An mang thuốc lên. Nhưng bù lại, chuyến đi năm ngày đó cho Thanh những trải nghiệm mới về đời sống, sinh hoạt của những người M’nông ở đây. Từ chuyến đi này, những phác thảo cho chặng đường xây dựng trường học tròn hai năm qua của nhóm Ong Vàng được hình thành.

Anh Thanh nhớ lại: “Khi vừa về tới Hội An, tôi tung tất cả những hình ảnh của chuyến đi lên trang Facebook của mình. Lần đầu tiên những hình ảnh được ghi bằng máy ảnh rõ nét đã giúp mọi người hiểu hơn về dự định mà chúng tôi định làm. Ai cũng đồng cảm, từ đó những con số ủng hộ quỹ xây trường cứ liên tục tăng. Đúng một tháng sau tôi cùng các thành viên khác quay lại điểm 
này để dựng trường”.

Đó là điểm trường ở thôn 4 nóc Ông Dũng (ở xã Trà Leng). Từng đến những điểm trường này, chúng tôi biết để xây được những ngôi trường giữa núi rừng cheo leo nhiều khi tiền công phải bỏ ra gấp nhiều lần tiền mua nguyên vật liệu. Giữa rừng sâu Trường Sơn, chỉ cần thiếu một con ốc, cây đinh thì phải cuốc bộ cả ngày trời đi – về mới mua được.

Những cấu kiện sắt thép, mái tôn được anh Thanh là “chủ xị” đo lường tính toán như một kiến trúc sư thực thụ. Cứ thế lầm lũi, những điểm trường xa tít tắp ở xã Trà Don, Trà Vân, Trà Dơn… lại được sáng lên dưới những cơn mưa rừng buồn thê thảm. Đến nay tròn hai năm, ngôi trường thứ chín đã hình thành trong niềm mơ ước của thầy trò vùng cao.

“Ong chúa” đi dựng trường
Bữa ăn có thịt trong niềm vui sướng của trẻ vùng cao do anh Thanh cùng nhóm khởi xướng và thực hiện – Ảnh: P.M.

“Bữa cơm có thịt” 
kéo trẻ đến trường

Trong quán cà phê Hoa Sữa nằm trên đường Lý Thường Kiệt, TP Hội An luôn có hai chiếc thùng. Một chiếc thùng để phía trước đựng bánh mì, bánh chưng và xô trà đá. Chiếc thùng còn lại chứa đầy những đồng bạc lẻ do thực khách bỏ lại làm từ thiện.

Quán Hoa Sữa được vợ chồng anh Thanh mở ra cách đây hơn năm tháng vừa là điểm kinh doanh, vừa là nơi tổ chức những buổi “offline”, ca nhạc của hội để quyên tiền làm từ thiện. Anh Thanh và các nhân viên trong quán còn kiêm thêm bán nhang để có đồng ra đồng vào cho một chương trình nữa 
mà anh khởi xướng.

Anh Thanh cho biết kể từ khi điểm trường thứ ba được xây dựng cũng là khi anh nhận ra thêm một việc mình cần phải hành động ngay, nếu không những công sức của anh và các thành viên xây trường sẽ giảm đi phần nào. Lý do vì hoàn cảnh ở nhiều bản còn khốn khó, cha mẹ đi rẫy tối ngày nên việc học của con em họ dường như bị bỏ lơ. Những đứa trẻ miền núi nhiều khi đói quá còn phải bỏ lớp đi lên rừng hái ổi, bẻ măng về ăn.

“Qua tham khảo các thầy cô trên ấy, chúng tôi nghĩ phải có thêm những bữa ăn có thịt để kéo trẻ đến trường. Những bữa ăn tuy đơn giản, có bữa chỉ có cơm kèm theo vài miếng thịt, có bữa là cháo gà nhưng với những bà con còn khốn khó thì đó cũng là niềm khích lệ để giữ chân con em họ đến lớp” – anh Thanh giải thích.

Tại các điểm trường mà nhóm đã đi qua, anh Thanh chủ động kết nối với thầy cô để tổ chức hỗ trợ những bữa ăn có thịt mỗi tuần một lần. Đến nay chương trình này đã kéo dài tròn một năm ở hơn 10 điểm trường miền núi huyện Nam Trà My.

Cô Nguyễn Như Hảo, giáo viên mầm non cắm bản ở nóc Dăng Rí (thôn 4, xã Trà Tập), kể những bữa ăn có thịt mà nhóm Ong Vàng gửi lên không chỉ trong niềm vui háo hức của cô trò mà còn của cả bản làng.

“Nói thì nhiều người không tưởng tượng được chứ thật sự những bữa cơm, món đồ chơi được anh Thanh gói ghém cẩn thận gửi về nhiều khi cha mẹ và các con ở đây chưa bao giờ dám nghĩ sẽ được thấy. Những món quà có khi là món đồ chơi nhỏ và cũ đến nỗi có những chiếc xe đã mất đi một bánh nhưng khi đến với các con như một sự bất ngờ… Nhiều khi thấy học trò mình say sưa với một món đồ chơi hay ăn đến những hạt cơm cuối cùng trong chén mà những thầy cô cắm bản như chúng tôi rưng rưng nước mắt” – cô Hảo nói.

Nhiều khách trong quán cà phê của anh Thanh đều bảo dáng ông chủ “bặm trợn”, lại thêm có hình xăm trên người nên trông rất “ngầu”. Nhưng hễ ai ngồi ở đây vài lần đều bảo anh vui tính và hài hước.

Ông Đặng Ngọc Hạnh, một thầy giáo nghỉ hưu ở Hội An, cũng là một trong những người đồng hành cùng hội Ong Vàng, kể có lần anh Thanh đi trật taluy “âm” (những bụi cây mọc um tùm bên vực khiến người đi tưởng là khu vực bằng phẳng) rơi xuống vực hơn 5m, lúc bò lên trầy trụa khắp người nhưng vẫn… cười.

“Niềm vui của những người đi làm từ thiện là có một người cầm trịch mà mình tin tưởng được. Vừa tạo niềm tin vừa có động lực và kết nối mọi người để ai cũng thấy rằng những đóng góp tuy nhỏ bé của mình nhưng mang lại được niềm vui to lớn cho mọi người. Có những lần chúng tôi lên núi với Thanh phải ngủ lều, ngủ võng giữa rừng nhưng ai cũng thấy nhẹ nhàng, coi như chuyến du lịch bởi ai cũng thấy được niềm vui trong việc mình làm” – ông Hạnh nói.

Không sai một đồng, không sót một xu

Anh Thanh bảo nguyên tắc của mình khi làm từ thiện là phải minh bạch “không sai một đồng, không sót một xu”. “Việc làm từ thiện không những phải như việc thổi bùng lên ngọn lửa mà còn phải duy trì nó cháy dài lâu. Sở dĩ nhóm chúng tôi tồn tại được lâu, kể cả nhiều người cả đời chưa bao giờ gặp mặt cũng chung tay đóng góp là vì mình làm công khai, tạo được sự tin tưởng. Hơn nữa mình phải đi thực, làm thực mới không phụ sự ủy thác của nhiều người vào mình” – anh Thanh nói.

TRƯỜNG TRUNG