Phân loại, tái chế rác còn quá khiêm tốn
Số lượng rác phát sinh trên địa bàn TP.HCM hiện nay có ngày lên đến 8.000 tấn, phần lớn được đưa về chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (khoảng 5.400 tấn/ngày), phần còn lại được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Phân loại, tái chế rác còn quá khiêm tốn
Số lượng rác phát sinh trên địa bàn TP.HCM hiện nay có ngày lên đến 8.000 tấn, phần lớn được đưa về chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (khoảng 5.400 tấn/ngày), phần còn lại được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Núi rác ở bên trong khu xử lý rác thải Đa Phước – Ảnh: N.DƯƠNG |
Ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp hiện có ba đơn vị đang hoạt động gồm các bãi chôn lấp rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP (có bãi chôn lấp số 3 đã bị đóng cửa từ quý 1-2015 để chuyển rác về Đa Phước), Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar.
Trong đó, Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar xử lý rác theo hình thức: phân loại rác để tái chế, sản xuất phân compost và đốt rác.
Đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công suất xử lý rác từ 1.000 – 1.500 tấn/ngày, trong khi Vietstar công suất khoảng 1.200 tấn/ngày. Rác đưa về hai đơn vị này cũng từ nhiều nguồn khác nhau giống như rác đưa đi chôn lấp ở Đa Phước.
Theo báo cáo của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, thời điểm năm 2015, lượng rác được thu gom vận chuyển đưa về đây khoảng 1.000 tấn/ngày, được đưa vào hệ thống phân loại.
Rác được tách chuyển ra nhiều dòng rác khác nhau như rác hữu cơ dễ phân hủy, rác khó phân huỷ, phế thải dẻo, kim loại, đất, đá.
Đối với rác hữu cơ dễ phân hủy được đưa đi ủ chiếm khoảng 250 tấn (25%) để chuyển hoá thành mùn hữu cơ, sản xuất ra khoảng 100 tấn phân vi sinh mỗi ngày. Lượng rác khó phân huỷ chuyển qua phân xưởng lò đốt khoảng 600 tấn, phần còn lại là phế liệu, phế thải dẻo.
Tuy nhiên, có thời điểm một số nhà xưởng tại đây bị hư hỏng nên có một lượng mùn đã ủ, rác phải đưa ra ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Tương tự, đối với Công ty cổ phần Vietstar, rác về đây cũng được phân loại sản xuất phân compost và tái chế.
Tuy nhiên theo đơn vị này, do rác đưa vào là hỗn hợp rác công nghiệp và cả các vật liệu không thể tái chế nên lượng rác phải thải bỏ lên đến 45-47% phải đưa về bãi chôn lấp (tại bãi rác số 3 trong khu liên hợp).
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thì hiện tại vẫn phải tiếp nhận khoảng 500 tấn rác/ngày – rác không thể tái chế của Công ty cổ phần Vietstar.
Trong khi hai công ty trên thực hiện phân loại rác từ nhà máy thì một đơn vị khác cũng thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn trực tiếp từ các hộ dân là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Triển khai thí điểm từ năm 2013, đến nay đơn vị này đã triển khai công tác phân loại rác tại 6 tuyến đường và một chung cư trên địa bàn quận Tân Phú.
Trong số khoảng 1.700 hộ dân trên địa bàn các tuyến đường trên thì có khoảng 1.400 hộ tham gia.
Số lượng rác hữu cơ được phân loại từ chương trình này gần 3 tấn/ngày được đưa về cho Công ty cổ phần Vietstar sản xuất phân bón, phần rác có thể tái chế được đưa về các đơn vị thực hiện tái chế.
Công ty cổ phần Vietstar nhận định việc phân loại, tái chế, sản xuất phân từ rác giúp giảm gánh nặng cho việc chôn lấp gây tốn hao quỹ đất.
Tuy nhiên sản phẩm tái chế từ rác, phân compost chưa được thị trường chấp nhận một cách tích cực, giá bán sản phẩm tái chế còn thấp và bấp bênh.
Đây chính là một trong những trở ngại cho các đơn vị đầu tư thực hiện phân loại rác tái chế, sản xuất phân compost.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP cho rằng muốn chương trình phân loại rác tại nguồn từ các hộ dân đạt hiệu quả cao thì cần có kinh phí để thực hiện, chủ yếu dùng trang bị phương tiện, tuyên truyền và đặc biệt dùng để đổi quà cho các hộ thực hiện tốt việc phân loại rác.