Ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước, trồng cây… chống hôi
Ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP, công bố mùi hôi ảnh hưởng đến người dân khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và Bình Chánh là từ bãi rác Đa Phước tại buổi họp báo định kỳ của UBND TP.HCM chiều 29-9.
Ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước, trồng cây… chống hôi
Ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP, công bố mùi hôi ảnh hưởng đến người dân khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và Bình Chánh là từ bãi rác Đa Phước tại buổi họp báo định kỳ của UBND TP.HCM chiều 29-9.
Một tài xế xe ôm cho biết xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước cũng phát tán mùi hôi – Ảnh: N.DƯƠNG |
Chỉ còn 5-7 năm nữa thì bãi rác ở TP.HCM sẽ đầy, khi đó chúng ta biết đem rác đi đâu? TP.HCM đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng các công nghệ mới, hiện đại, không thể bằng lòng với công nghệ chôn lấp hiện tại. |
Ông Hoan cho biết ngay khi các địa phương phản ảnh, người dân gửi đơn thư, báo chí phản ánh, TP.HCM đã cử đoàn công tác đến kiểm tra tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, nơi có các đơn vị đang hoạt động gồm nhà máy xử lý bùn hầm cầu của Công ty TNHH dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình đầu tư; nhà máy xử lý bùn của Công ty TNHH Sài Gòn Xanh; nhà máy xử lý rác sinh hoạt của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) và nghĩa trang Đa Phước.
Một năm hết 6 tháng phát tán mùi hôi
Mùi hôi ảnh hưởng đến thu hút đầu tư Phát biểu tại cuộc họp về kinh tế – xã hội TP.HCM sáng 29-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: trong mùa mưa năm nay, hiện tượng ô nhiễm môi trường trong phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, làm hạn chế khả năng thu hút các nhà đầu tư vào khu Nam, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. |
“Qua kiểm tra, khẳng định mùi hôi phát tán là từ khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận rác và hồ chứa nước rỉ rác tại khu xử lý rác Đa Phước của VWS. Còn khu xử lý bùn thải và bùn cầu trong khu liên hợp xử lý chất thải cũng phát tán mùi hôi nhưng không đáng kể vì có quy trình xử lý khép kín” – ông Hoan nói.
Qua làm việc với VWS và giám sát liên tục của các cơ quan chức năng cho thấy VWS đã áp dụng các biện pháp cần thiết nên thời gian gần đây tình trạng phát tán mùi hôi đã giảm.
Cũng trong ngày 29-9, thông tin từ văn phòng UBND TP.HCM cho biết Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa vừa ký văn bản khẩn báo cáo Thủ tướng về vấn đề ô nhiễm mùi hôi tại một số khu vực ở phía nam TP.HCM.
Báo cáo cho biết kết quả khảo sát trực tiếp và liên tục từ ngày 30-8 đến ngày 10-9 cho thấy mùi hôi phát sinh theo mùa hằng năm (diễn biến trong khoảng 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 9). Thời gian phát sinh mùi hôi vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng thường tập trung cao điểm từ khoảng chiều (18g) đến rạng sáng hôm sau (3-4g sáng).
Mùi hôi xuất hiện không liên tục mà theo hướng gió và cường độ mạnh, nhẹ của gió. Mức độ mùi hôi so với những năm trước ngày càng nhiều hơn.
Báo cáo của UBND TP.HCM cũng nêu rõ kết quả khảo sát tại dự án khu Đa Phước cho thấy hiện nay mỗi ngày bãi chôn lấp tiếp nhận rác sinh hoạt khoảng 5.400 tấn rác từ 16/24 quận huyện TP.HCM.
Tính từ lúc hoạt động đến nay đã tiếp nhận khoảng 11 triệu tấn rác, được chôn lấp trên diện tích các ô chôn lấp dự kiến khoảng 88ha. Chiều cao của bãi rác hiện nay khoảng 25m. Tổng công suất dự án 24 triệu tấn rác (dự kiến chiều cao bãi rác trên 40m).
Tổng thời gian hoạt động của dự án là 50 năm (trong đó 24 năm vận hành tiếp nhận rác, 26 năm đóng bãi).
Thu hồi 322ha để làm vành đai cây xanh cách ly
Về các biện pháp khắc phục, UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài.
UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị hoạt động xử lý chất thải trong khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường. Điều chỉnh và giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy trình vận hành, thắt chặt công tác kiểm soát mùi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải, đặc biệt là bãi chôn lấp chất thải của VWS.
Yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường phối hợp với các quận, huyện liên quan tăng cường nhân sự trực 24/24 giờ tại khu Đa Phước và các khu vực dân cư được phản ánh là có mùi hôi để tiếp tục giám sát, ghi nhận diễn biến tình hình.
TP.HCM khẩn trương bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích 322ha để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly, theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ông Võ Văn Hoan cho biết UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên – môi trường và huyện Bình Chánh vận động dân đồng thuận để triển khai dự án trồng cây xanh cách ly, hạn chế đến mức có thể việc di dời, huy động sức dân tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, giảm bớt chi phí từ ngân sách.
“Dĩ nhiên với núi rác cao mấy chục thước thì cây xanh cũng không thể giải quyết triệt để mùi hôi nhưng sẽ góp phần thanh lọc không khí” – ông Hoan giải thích.
UBND TP.HCM khẳng định sẽ kiểm tra toàn bộ phương tiện chuyên chở rác, kiên quyết loại bỏ phương tiện không đủ điều kiện.
Ngoài ra, sẽ điều tiết giao thông tại khu liên hợp xử lý chất thải trong những ngày, giờ cao điểm; chỉ đạo nghiên cứu biện pháp nâng cấp về mặt công nghệ cho hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải, tiến tới hiện đại hóa các trạm trung chuyển, phương tiện máy móc và điều chỉnh các quy trình kỹ thuật cho phù hợp.
Núi rác ở bên trong khu xử lý rác thải Đa Phước – Ảnh: N.DƯƠNG |
Giảm chất thải chôn lấp, tăng chế phẩm phun xịt
UBND TP.HCM yêu cầu VWS thực hiện 8 nhóm biện pháp để khắc phục mùi hôi.
Cụ thể, công ty phải cô lập diện tích mở bãi (để tiếp nhận chất thải) nhỏ lại ở mức tối thiểu để hạn chế phát tán mùi hôi. Tăng cường nhân công, thiết bị để hạn chế đến mức thấp nhất khu vực mở bãi; đồng thời che phủ bằng bạt nhanh hơn ngay sau khi chất thải được ủi và đầm nén. Chất thải sau khi chôn lấp nếu đạt cao độ kỹ thuật cần nhanh chóng che phủ ngay. Bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải ưu tiên ở vị trí thấp để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi.
VWS phải tăng cường số lượng, hàm lượng, tần suất phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi, phải phun xịt liên tục khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận chất thải và khu vực hồ chứa nước thải. VWS phải mua sắm, nhập khẩu thêm các trang thiết bị, máy móc chuyên dụng, máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng; tăng số lượng công nhân, nhân viên kiểm tra, kiểm soát.
Theo UBND TP.HCM, bên cạnh các đặc điểm còn hạn chế của công nghệ chôn lấp rác, hoạt động xử lý chất thải của nhà đầu tư VWS cũng còn một số tồn tại phải khắc phục: điều chỉnh quy trình vận hành kỹ thuật, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nội dung phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (liên quan đến công tác xử lý/lưu chứa nước rỉ rác, xử lý mùi…).
Về lâu dài, UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu quy hoạch xử lý chất thải liên vùng TP.HCM – Long An tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An theo quyết định của Thủ tướng để từng bước giảm tải cho khu Đa Phước.
Trước mắt, các sở, ngành chuyên môn làm việc yêu cầu các nhà đầu tư đang áp dụng công nghệ chôn lấp để xử lý chất thải phải nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến theo hướng tái sinh năng lượng, giảm chất thải chôn lấp.
Chôn rác tốn đất, chưa có công nghệ mới Kể từ khi bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) phải đóng cửa vào cuối năm 2002 vì lý do không thể để môi trường quanh bãi rác này ô nhiễm trầm trọng hơn, TP.HCM phải tìm kiếm địa điểm để chôn rác. Khi đó (tháng 5-2002), Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương quy hoạch các khu xử lý rác cho TP.HCM gồm: Khu công nghiệp xử lý rác Tam Tân, huyện Củ Chi; Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh; Khu công nghiệp xử lý rác Long An (nay là Khu công nghệ môi trường xanh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Lúc bấy giờ khu Tam Tân được xác định là công trình trọng điểm, chiến lược của TP.HCM, cần tập trung đầu tư nhanh đảm bảo công suất tiếp nhận rác 3.000 tấn/ngày vào cuối năm 2002 để thay thế bãi rác Đông Thạnh. Còn khu Đa Phước là khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng phía nam TP.HCM với công suất vừa phải và chỉ là địa điểm xử lý rác dự bị. Ngoài chủ trương quy hoạch trên, để đảm bảo đóng cửa bãi rác Đông Thạnh, TP.HCM đã xây dựng bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) và bắt đầu nhận rác từ ngày 1-1-2002. Cho đến ngày kết thúc 31-7-2007, trong khu 15ha của bãi rác này đã chứa hơn 5,3 triệu tấn rác. Nơi đây hiện nay vẫn còn đó một núi rác khổng lồ, tứ bề bao bọc bởi dân cư sinh sống và các hoạt động sản xuất. Cùng lúc đó, hơn 227 tỉ đồng vốn ngân sách được chi ra để xây dựng bãi chôn lấp rác đầu tiên ở Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (trước đó gọi là khu Tam Tân) trên diện tích hơn 43ha, gọi là bãi chôn lấp rác số 1; được UBND TP.HCM phê duyệt tháng 9-2002. Đã có hơn 2,6 triệu tấn rác chứa trong diện tích này. Sau đó, 170 tỉ đồng từ ngân sách tiếp tục được chi ra để xây dựng ô chôn lấp rác nổi có kích thước 150m x 650m (gần 10ha), đặt tên là bãi chôn lấp rác số 1A ở khu Phước Hiệp. Thời gian thực hiện dự án này trong hai năm (2006 – 2007), mỗi ngày có khoảng 3.000 tấn rác đưa về đây chôn. Rồi 10ha đất của ô chôn rác này cũng đầy rác, một diện tích đất 20ha ở khu Phước Hiệp sau đó được đưa vào sử dụng để Công ty Môi trường đô thị TP.HCM xây dựng bãi chôn lấp rác số 2 bằng nguồn vốn vay Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM và vốn tự có của công ty; tổng mức đầu tư hơn 393 tỉ đồng. Bãi này nhận hơn 4,4 triệu tấn rác. Bắt đầu từ 1-10-2013, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đưa rác đi chôn tại bãi chôn lấp số 3 rộng 19ha ở khu Phước Hiệp, do công ty đầu tư bằng vốn vay Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM và vốn của công ty (tổng đầu tư 976 tỉ đồng). Tuy nhiên, bãi chôn lấp rác này đang hoạt động, nhận hơn 6,3 triệu tấn rác thì được UBND TP.HCM yêu cầu ngưng nhận rác, để chuyển toàn bộ lượng rác được chôn lấp ở đây đến chôn lấp tại bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh). Như vậy, với bãi chôn lấp rác Gò Cát, các bãi thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (gồm bãi số 1, 1A, 2 và 3) đã sử dụng quỹ đất hơn 100ha. Trong khi đó, Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đầu tư ở huyện Bình Chánh với diện tích 128ha, bao gồm cả diện tích đất cho một số công trình hạ tầng. Từ lúc hoạt động (1-11-2007) đến nay đã nhận khoảng 11 triệu tấn rác. Tổng công suất dự án khoảng 24 triệu tấn rác. Ban đầu nơi đây nhận khoảng 3.000 tấn rác/ngày để chôn lấp nhưng trong hơn một năm nay nhận thêm hơn 2.000 tấn/ngày, nên tổng lượng rác chôn lấp hiện nay ở đây khoảng 5.400 tấn/ngày. Khi lượng rác được tăng thêm lớn như vậy, thời gian nhận rác của dự án sẽ giảm đáng kể so với dự kiến ban đầu là 24 năm. Dự án khu công nghiệp xử lý rác tại Long An có quy mô 1.760ha; phạm vi phục vụ cho Long An và TP.HCM với rác sinh hoạt và công nghiệp. Bộ Xây dựng đã chấp thuận chọn nhà đầu tư cho khu này là Công ty VWS. Chủ đầu tư đã hoàn tất thủ tục giao đất, quy hoạch và đã khởi công dự án vào năm 2014. Lãnh đạo TP.HCM kết luận sau gần 10 năm đi vào hoạt động, các khu xử lý chất thải rắn của TP.HCM đã bộc lộ một số hạn chế như: chưa đạt yêu cầu về công nghệ xử lý (hơn 70% được xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh), chưa có công nghệ mới… |