22/01/2025

Đức Thánh Cha tố giác các thế lực kéo dài chiến tranh Syria

VATICAN – ĐTC tái tố giác những thế lực theo đuổi lợi lộc đen tối kéo dài chiến tranh tại Syria, Irak, tàn phá các đất nước này. Ngài bày tỏ lập trường trên đây dành cho 80 người thuộc 40 tổ chức từ thiện Công giáo quốc tế và các tham dự viên khác tại khoá họp thứ 5 do Hội đồng Toà Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), triệu tập hôm 29-9-2016, tại Roma.

 Đức Thánh Cha tố giác các thế lực kéo dài chiến tranh Syria

 

 
VATICAN – ĐTC tái tố giác những thế lực theo đuổi lợi lộc đen tối kéo dài chiến tranh tại Syria, Irak, tàn phá các đất nước này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây dành cho 80 người thuộc 40 tổ chức từ thiện Công giáo quốc tế và các tham dự viên khác tại khoá họp thứ 5 do Hội đồng Toà Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), triệu tập hôm 29-9-2016, tại Roma, để kiểm điểm tình hình và đẩy mạnh công cuộc cứu trợ các nạn nhân tại Syria và Irak.

ĐTC nói: “Mặc dù nhiều cố gắng đã được thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau, lý lẽ của vũ khí và đàn áp, những lợi lộc đen tối và bạo lực tiếp tục tàn phá hai nước ấy, và cho đến nay, người ta không biết chấm dứt những đau khổ làm kiệt quệ và những vi phạm liên tục chống lại các quyền con người. Những hậu quả thê thảm của cuộc khủng hoảng ấy hiện nay trở nên tỏ tường, vượt lên trên các biên cương của vùng ấy. Hiện tượng di cư trầm trọng là biểu tượng tình trạng ấy.”

ĐTC cũng cảnh giác: “Bạo lực sinh ra bạo lực và chúng ta có cảm tưởng đang bị cuốn vào cái vòng bất lực và ù lỳ bất động mà dường như người ta không có lối thoát. Sự ác đang vây hãm lương tâm và ý chí như thế phải đặt câu hỏi cho chúng ta. Tại sao con người tiếp tục theo đuổi những lạm quyền, trả đũa và bạo lực, dù có những thiệt hại lớn lao cho con người, cho gia sản và môi trường như thế? Chúng ta hãy nghĩ đến vụ tấn công mới đây chống loại đoàn xe cứu trợ nhân đạo của LHQ.”

Trong bối cảnh đau thương đó, ĐTC ca ngợi hoạt động của “những người dấn thân giúp đỡ các nạn nhân và bảo tồn phẩm giá của họ, công việc ấy chắc chắn là một phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa, và tự nó là một dấu chỉ chứng tỏ sự ác có giới hạn và không có tiếng nói cuối cùng. Đó là một dấu chỉ hy vọng lớn mà tôi cùng với anh chị em, cám ơn bao nhiêu người vô danh đang cầu nguyện và âm thầm chuyển cầu cho các nạn nhân xung đột, nhất là các trẻ em và những người yếu thế nhất, cũng như hỗ trợ công việc của anh chị em”.

ĐTC cũng ghi nhận: “Ngoài những trợ giúp nhân đạo, điều mà anh chị em chúng ta ở Syria và Irak đang cần hơn cả chính là hoà bình. Vì thế, tôi không mỏi mệt khi kêu gọi cộng đồng quốc tế cố gắng nhiều hơn và có những nỗ lực mới để đạt tới hoà bình cho toàn vùng Trung Đông.”

“Chấm dứt xung đột cũng là điều nằm trong tay con người: Mỗi người chúng ta có thể và phải trở thành người xây dựng hào bình, vì mỗi tình cảnh bạo lực và bất công là một vết thương trong thân mình của toàn thể gia đình nhân loại.”

ĐTC không quên nghĩ đến các cộng đồng Kitô tại Trung Đông, đang đau khổ vì hậu quả của bạo lực và lo sợ nhìn về tương lai. Ngài nói: “Giữa bao nhiêu tối tăm, các Giáo Hội ấy giương cao ngọn đèn đức tin, hy vọng và bác ái. Khi can đảm giúp đỡ những người đau khổ, không phân biệt ai, và hoạt động cho hoà bình và sự sống chung, các tín hữu Kitô Trung Đông ngày nay là dấu chỉ cụ thể về lòng thương xót của Thiên Chúa.” (SD 29-9-2016)

 
 

G. Trần Đức Anh OP