23/01/2025

1 triệu du khách, du lịch Phú Quốc khát nước

Ngành du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) đang phát triển chóng mặt với lượng du khách đã vượt mốc 1 triệu lượt người/năm. Hàng loạt resort, khách sạn được xây dựng trong khi nguồn nước sạch đang cạn dần…

 

1 triệu du khách, du lịch Phú Quốc khát nước

Ngành du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) đang phát triển chóng mặt với lượng du khách đã vượt mốc 1 triệu lượt người/năm. Hàng loạt resort, khách sạn được xây dựng trong khi nguồn nước sạch đang cạn dần…

 

 

 

1 triệu du khách, du lịch Phú Quốc khát nước
Mùa khô 2016, ông Nguyễn Văn Bình (nhà ở ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương) thuê thợ khoan giếng sâu 65 mét, qua nhiều lớp đá để tìm nguồn nước cứu vườn tiêu nhưng bất thành – Ảnh: DUY KHÁNH

Nhờ có thảm rừng lớn và nhiều sông suối nên một lượng lớn nước mưa ở Phú Quốc được giữ lại. Riêng hồ chứa nước Dương Đông có dung tích hơn 5 triệu m3. Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh như hiện nay, mối lo về sự thiếu hụt nguồn nước của Phú Quốc đã cận kề.

Nguy cơ cạn kiệt 
nước ngầm

Những người dân sống lâu năm ở Phú Quốc cho biết trước đây chỉ cần đào xuống đất khoảng 10m là đã có nước xài quanh năm. Thậm chí ở những nơi gần bãi biển, chỉ cần đào 5m, đặt vài thùng phuy xuống là có nước ngọt.

Nhưng một vài năm trở lại đây, người dân phải thuê các đội khoan giếng khoan sâu hơn 60m vẫn không có nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có hơn 20 cơ sở làm nghề khoan giếng hoạt động ở Phú Quốc. Chưa kể những nhóm hoạt động chui thì một năm, số lượng giếng khoan tại Phú Quốc ra đời là không thể thống kê.

Ông Nguyễn Văn Dũng – một thợ khoan giếng ở thị trấn An Thới – cho biết: “Trung bình mỗi tháng nhóm tui khoan 8-10 giếng. Trước đây, mỗi giếng khoan sâu tầm 25-30m là có nước, nhưng giờ có nơi khoan trên 60m, xuyên qua nhiều lớp đá nhưng vẫn không có giọt nước nào”.

Thực tế, nhu cầu khoan nước ở Phú Quốc rất lớn. Không chỉ người dân khoan giếng do thói quen sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt, tưới tiêu, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng khoan giếng. Đến khi có nước máy họ vẫn duy trì giếng khoan.

“Vì thế, đối với những cơ sở này, mặc dù đã đăng ký sử dụng nước máy nhưng lượng nước tiêu thụ hằng tháng của họ rất ít” – ông Huỳnh Thanh Hà, phó giám đốc Chi nhánh Cấp nước Phú Quốc, cho biết.

Đừng để du lịch 
“khát nước”

Ông Huỳnh Thanh Hà cho biết nhà máy của Chi nhánh Cấp nước Phú Quốc vừa được đầu tư nâng cấp với công suất tối đa 16.500m3/ngày đêm.

Dù hiện nay nhiều hộ dân dùng nước ngầm nhưng công suất của nhà máy này hiện cơ bản chỉ đủ cung cấp cho hai thị trấn Dương Đông, An Thới và một phần khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ).

Trong đó, chỉ riêng hai khu resort, khách sạn Quý Hải và Sonasea (trong đó có khách sạn Novotel) xây dựng chưa hoàn thiện nhưng nhu cầu cấp nước đã gần 1.000m3/ngày, dự kiến sẽ tăng khi hoàn thiện.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy hiện dân số của huyện đảo Phú Quốc đã ngót nghét 100.000 người, chưa kể hàng chục ngàn khách du lịch và lao động nhập cư.

Với tiêu chuẩn cấp nước cho khu vực đô thị 120 lít/người/ngày, với khách du lịch là 300 lít/người/ngày, cộng với nước cho công nghiệp – dịch vụ thì tổng nhu cầu cấp nước của Phú Quốc năm 2020 lên đến 70.000m3/ngày, cao gấp nhiều lần công suất 
hiện nay.

Theo quy hoạch, nguồn cấp nước chủ yếu cho Phú Quốc sẽ từ năm hồ chứa, trong đó hồ Cửa Cạn dung tích 15 triệu m3 được xác định là hồ chứa nước chính của huyện với một nhà máy cấp nước công suất 20.000mvào năm 2020 và đạt 50.000m3 ở năm 2030.

Tại một số hồ còn lại quy hoạch sẽ xây dựng các nhà máy nước công suất 8.000 – 15.000m3. Tuy nhiên, cho đến nay cả đảo Phú Quốc chỉ mới có nhà máy cấp nước từ hồ Dương Đông công suất 16.500m3, còn các nhà máy khác mới được nhắc trong… quy hoạch. Nên nỗi lo thiếu nước sạch cho Phú Quốc đã rất cận kề.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm ở Phú Quốc, ông Huỳnh Thanh Hà đề nghị các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mới xây tuyệt đối không cho phép khoan giếng riêng. Những nơi đã khoan thì cần yêu cầu đóng hẳn, chuyển sang dùng nước máy để tránh ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của đảo.

Lâu dài, ông Hà cho rằng Nhà nước cần khẩn trương kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng hồ chứa và nhà máy nước.

“Vừa rồi mới nâng cấp Nhà máy nước Dương Đông từ 5.000m3 lên 16.500m3/ngày đêm đã cần đến gần 300 tỉ đồng và đã phải đi vay. Với các dự án trong quy hoạch thì phải có đầu tư từ nhiều nguồn, chứ vốn của Công ty Cấp nước Kiên Giang không thể kham nổi” – ông Hà nói.

Công bố bộ tiêu chí Du lịch xanh Phú Quốc

Sáng nay (29-9), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang và Vinpearl Phú Quốc tổ chức hội thảo “Quy chuẩn và giải pháp phát triển Du lịch xanh cho Phú Quốc” với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và gần 200 khách mời là đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận tải…

Chủ đề hội thảo sẽ bàn câu chuyện thực trạng và giải pháp quản lý tài nguyên nước và xử lý nước thải, rác thải phục vụ nhu cầu bảo vệ môi trường và phát triển du lịch Phú Quốc. Tại hội thảo, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang sẽ công bố bộ tiêu chí phát triển Du lịch xanh Phú Quốc để kêu gọi cộng đồng du lịch cam kết thực hiện.

NGUYỄN TRIỀU – DUY KHÁNH