23/01/2025

Lý Hải Châu, người xoá nạn ‘phá rừng’ trong văn học

Nhiều nhà tư tưởng, lý luận ra tay đốn chặt “những cây đại thụ” văn học trước Cách mạng Tháng 8. Nhờ ông Lý Hải Châu, nhiều tác phẩm đã được cứu bằng cách in lại như vậy.

 

Lý Hải Châu, người xoá nạn ‘phá rừng’ trong văn học

Nhiều nhà tư tưởng, lý luận ra tay đốn chặt “những cây đại thụ” văn học trước Cách mạng Tháng 8. Nhờ ông Lý Hải Châu, nhiều tác phẩm đã được cứu bằng cách in lại như vậy.




Ông Lý Hải Châu /// Ảnh: Gia Đình Cung Cấp

Ông Lý Hải ChâuẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… là những trường hợp như thế.
Từ “trục vớt”tác phẩm của Nguyễn Tuân…
Chiếc gậy của nhà văn Nguyễn Tuân giờ đã được hiến cho Bảo tàng Văn học VN. Những tác phẩm của ông cũng đã có chỗ đứng. Bản thân ông năm 1996 được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhưng tuyển tập đầu tiên của ông khi ra mắt lại không hề dễ dàng như vậy. “Hồi ấy làm tuyển tập là sự tôn vinh ghê gớm lắm. Vì thế chỉ được phép làm tuyển tập những nhà văn lớn, không có vấn đề gì về chính trị…”, GS Nguyễn Đăng Mạnh sau này nhớ lại trong một lần trả lời phỏng vấn. 



Ông Lý Hải Châu đã từ trần lúc 14 giờ 22 ngày 22.9 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt -Xô (Hà Nội). Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng lúc 7 giờ, lễ truy điệu lúc 8 giờ 30 ngày 27.9, sau đó đưa đi điện táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội), cải táng tại quê nhà Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội.



Cũng theo GS Mạnh, Tuyển tập Nguyễn Tuân do ông Lý Hải Châu, Giám đốc NXB Văn học quyết định năm 1980. “Ông Lý Hải Châu rất có bản lĩnh và quyết đoán. Ông nhất định làm tuyển tập Nguyễn Tuân, một nhà văn chẳng những còn sống mà lại luôn luôn bị phê phán, mặc dầu có sự can ngăn của Hoài Thanh và Hoàng Trung Thông. Ông giao cho biên tập viên Lê Khanh đến báo cho tôi và cùng tôi lo việc này”, GS Mạnh cho biết.
Nhà nghiên cứu văn bản Lại Nguyên Ân cho biết ông Lý Hải Châu chính là người đã xây dựng lên một loại sách của NXB Văn học, đó là bộ tuyển tập của các tác giả. Đấy cũng là lần đầu tiên văn học VN XHCN làm tuyển tập cho các tác giả. Một hội đồng có tính chất quốc gia, có sự tham gia của Bộ Văn hoá và Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) sẽ xem xét tác giả nào được tuyển và tuyển ra sao, dày bao nhiêu. “Đó là những bộ tuyển tập có quy cách hẳn hoi. Mời nhà nghiên cứu để tuyển. Những công việc đó khởi đầu từ năm 1980. Ông Lý Hải Châu là một trong những người tích cực nhất”, ông Ân nhớ lại.
… Đến xoá “nạn phá rừng” trong văn học
Cũng theo ông Ân, việc làm tuyển tập cũng được nhích dần từ các tác giả “ổn thỏa, không có vấn đề gì” sang các tác giả mang tính chất khó khăn hơn. Nhà văn Nguyễn Tuân là một trong số đó. “Ông Lý Hải Châu làm việc tuyển và in hanh thông hơn. Nhiều khi ông ấy chủ trì là ông ấy liên hệ nhân vật này nhân vật kia để in được. Nó giới thiệu lại một phần di sản mà trước đó công chúng không được tiếp cận”, ông Ân nói. Sau này, nhiều tác phẩm trước đó không nghĩ đến chuyện được in cũng được ông Châu “đỡ” như thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính…
Bản thân ông Châu cũng ý thức rõ việc mình đã làm cần thiết ra sao, nguy hiểm thế nào. “Khu rừng văn học hiện đại VN, đặc biệt thời kỳ từ 1920 đến 1945 nhiều năm dài bị nạn “phá rừng”. Còn đâu những Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng PhụngBỉ vỏ của Nguyên Hồng… những khẩu đại bác nã vào thành trì thực dân phong kiến. Còn đâu những truyện ngắn nửa khóc nửa cười của Nguyễn Công Hoan, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, rồi thơ mới của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh… Người ta coi đấy là những “cái u độc hại”. Nhiều nhà tư tưởng, nhà lý luận ra tay đốn chặt những cây đại thụ…”, ông Châu tâm sự với bạn bè. Thậm chí, sau khi các tác phẩm này đã được in, tại Hội nghị xuất bản toàn quốc năm 1987 ông còn bị phê bình.
Lý Hải Châu, người xóa nạn 'phá rừng' trong văn học - ảnh 1

Bản chép tay bài thơ Nguyệt cầm Xuân Diệu tặng Lý Hải Châu

Nhờ ông Châu, nhiều cây đại thụ trước Cách mạng Tháng 8 đã được cứu bằng cách in lại như vậy. Sau này, khi những “khối u độc hại” đó được xuất bản, người đọc cũng nhận ra giá trị thật của chúng rất nhanh. Theo ông Nguyễn Văn Ba, một người bạn của ông Châu, người ta chen nhau mua thơ Nguyễn Bínhđông hơn cả mua hàng mậu dịch. Chưa hết, trong buổi ăn mừng tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được xuất bản, bà Vũ Mỵ Hằng, con gái duy nhất của ông Phụng run run thắp hương cha và khấn: “Bố ơi, bố sống lại rồi”.
Với dịch giả Dương Tường, ông Châu còn là người đặc biệt hơn thế. “Tôi với anh Châu quen nhau từ lâu lắm rồi, những năm 1960. Chúng tôi gắn bó vừa là cộng tác viên vừa là bạn bè. Phải nói là ngoài tình cảm liên hệ công tác còn mến phục anh Châu ở chỗ trong thời kỳ ấy công tác tuyên huấn rất chặt chẽ. Những cộng tác viên như tôi là loại không được sử dụng nhưng anh giúp đỡ làm việc và có tiền để làm nguồn sống”, ông Tường nhớ lại.
Ông Tường cũng cho biết, ông Châu còn giúp rất nhiều người khác. “Anh Châu là người quan tâm đến chuyện giúp đỡ những người khó khăn như thế, bị bầm dập trong thời kỳ đó để có công việc, mở mang phát triển văn học và giới thiệu những tác phẩm ưu tú của văn học thế giới. Anh Châu không vì cái ghế của mình mà né tránh những người vào sổ đen”, ông Tường nhớ lại. Theo ông Tường, khi đó, hai tác giả Trần Dần và Lê Đạt cũng được ông Châu thu xếp công việc như vậy. Nhà thơ Trần Dần đã dịch cuốn Những người chân đất trong hoàn cảnh như thế, dù ký tên khác.
“Anh Đồ Phồn vỗ vai tôi, thế là cậu làm vỡ cái “đê” ấy rồi, cái đê của định kiến hẹp hòi và bảo thủ”, sau này trong một lần tâm sự với bạn bè về thời đi làm xuất bản đó, ông Châu nhớ lại.
Đổi mới năm 1986, có trên nhiều lĩnh vực. Và trong lĩnh vực xuất bản, không thể không nhắc tới tên ông Lý Hải Châu.
Ông Lý Hải Châu, bí danh Xuân Sơn, sinh ngày 1.4.1927 tại Thường Tín, Hà Nội. Ông tốt nghiệp tú tài 2 Trường Bưởi và Viện Văn học Maksim Gorky.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945. Nhờ trình độ học thức, tiếng Anh – Pháp tốt, ông tiếp xúc với nhiều nhân vật lịch sử cả phía ta và địch. Hoạt động công khai trong lĩnh vực báo chí, ông là bạn sát cánh cùng các nhà báo cách mạng như Hải Triều, Nam Quốc Cang…
Do bị chỉ điểm, ông từng bị địch bắt giam hai lần: lần đầu vào năm 1946 tại Khám Lớn, Sài Gòn, lần hai năm 1949, bị kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân, đày đi Côn Đảo đến 1954 được trao trả về miền Bắc sau Hiệp định Genève.
Từ 1963 – 1971: ông làm Trưởng phòng Biên tập thế giới, NXB Văn học; 1971 -1976: Uỷ viên Ban Biên tập báo Sud Vietnam et Lutte; 1976 – 1979: Vụ phó Vụ Xuất bản, Ban Tuyên huấn T.Ư; 1979 – 1990: Giám đốc NXB Văn học rồi nghỉ hưu. Ông nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.


 

Trinh Nguyễn