Laudato Si’: Tiếng than khóc của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo
Thông điệp Laudato Si’ nói về “sự chăm sóc ngôi nhà chung” và cảnh báo sự suy thoái môi trường gây tác hại khôn lường, đặc biệt trên đời sống những người nghèo khổ nhất.
Đinh Quang Bàn
Thông điệp Laudato Si’ nói về “sự chăm sóc ngôi nhà chung” và cảnh báo sự suy thoái môi trường gây tác hại khôn lường, đặc biệt trên đời sống những người nghèo khổ nhất. Những trích đoạn dưới đây lấy từ thông điệp, do Đinh Quang Bàn thực hiện.
“Tôi muốn nhìn nhận, khích lệ và cám ơn tất cả những ai bằng muôn vàn cách thế đang nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng chia sẻ. Tôi đặc biệt tri ân những ai không mỏi mệt tìm cách giải quyết những tác động bi đát của sự suy thoái môi trường trên đời sống của những người nghèo nhất thế giới (13)”.
Môi trường suy thoái dẫn đến thảm cảnh các di dân phải tha phương cầu thực, đi tìm đất sống:
“Có một sự gia tăng bi thảm số di dân chạy trốn cảnh nghèo khó vì môi trường càng ngày càng suy thoái. Họ không được các công ước quốc tế nhìn nhận là người di tản; họ gánh chịu sự mất mát cuộc sống mà họ đã bỏ lại sau lưng, không được hưởng bất kỳ sự bảo vệ pháp lý nào. Tiếc thay, trước sự đau khổ này, thái độ dửng dưng đang diễn ra khắp thế giới. Thiếu ứng đáp trước những thảm kịch này của anh chị em chúng ta là dấu chỉ sự mất ý thức trách nhiệm đối với người đồng loại mà mọi xã hội dân sự đều đặt nền tảng trên đó” (25).
Nạn nhân lãnh đủ trước hết, là những người nghèo:
“Suy thoái môi trường và suy thoái xã hội ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh: Kinh nghiệm sống hằng ngày và nghiên cứu khoa học cho thấy những người nghèo phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất của mọi thứ tấn công vào môi trường” (48).
Như các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô là tiếng nói cho “những người không có tiếng nói”:
“Tôi muốn lưu ý là thường người ta không ý thức rõ về các vấn đề ảnh hưởng đặc biệt trên những người bị xã hội loại trừ. Thế nhưng, họ là phần đông trong dân số hành tinh, cả hàng tỉ người. Những ngày này, họ nhắc đến trong các cuộc bàn luận chính trị và kinh tế toàn cầu, nhưng ta thường có cảm tưởng rằng các vấn đề của họ chỉ được xem như một thứ phụ lục, một vấn đề được thêm vào vì bắt buộc, một thứ ở bên lề, nếu không phải là được xem như chỉ là thiệt hại không mong muốn [chú thích của người dịch: collateral damage (thiệt hại phụ, thiệt hại không mong muốn) thường được dùng chỉ về những thiệt hại về dân lành và tài sản đi kèm khi tấn công một mục tiêu quân sự]. Trong thực tế, khi đi vào hoạt động cụ thể, các vấn đề ấy thường chỉ được xếp vào ở vị trí cuối. Điều này một phần vì nhiều nhà chuyên môn, hướng dẫn dư luận, các phương tiện truyền thông và những trung tâm quyền lực, ở trong những khu phố giàu có, xa rời người nghèo, ít trực tiếp liên quan đến vấn đề của họ. Những vị này sống và lý luận từ vị thế tiện nghi của một mức phát triển cao cấp với chất lượng cuộc sống vượt xa phần đông dân chúng toàn cầu.” (49).
Trước các thảm họa và khủng hoảng môi trường, ngài khuyên ta đừng sống trong “tháp ngà” mà hãy lắng nghe “tiếng than khóc của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo”:
“Sự thiếu liên hệ và gặp gỡ thể lý tay bắt mặt mừng đó, đôi khi còn được cổ võ bằng sự thiếu hội nhập giữa các thành phố của chúng ta, có thể dẫn đến sự tê cứng lương tâm họ và những phân tích có khuynh hướng phớt lờ các yếu tố thực tại. Thái độ này đôi khi tồn tại bên cạnh những bài hùng biện “xanh”. Nhưng ngày nay, chúng ta phải nhận rằng một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội; nó phải đưa các vấn đề công lý vào trong các bàn luận về môi trường, để có thể nghe được cả tiếng than khóc của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo!”. (49)
Ngài dẫn cả Cựu Ước để khuyên ta “phải chia sẻ hoa màu, đặc biệt là cho người nghèo, các bà góa, trẻ mồ côi và khách lạ”, là những người tất bạt, tứ cố vô thân, mình có cơm thì họ cũng có chút cháo:
“Ai canh tác và gìn giữ đất đai phải chia sẻ hoa màu, đặc biệt là cho người nghèo, các bà góa, trẻ mồ côi và khách lạ: ‘Khi các người gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại những trái rớt, (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều’ (Lv 19,9-10)”. (71)
Thế giới này đúng là cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”:
“Chúng ta không thấy một số người chết gí trong sự bần cùng tuyệt vọng và xuống cấp, không lối thoát, trong khi những kẻ khác không biết làm gì với khối của cải của mình, khoe mẽ vị trí ăn trên ngồi trốc của mình và bỏ lại sau lưng bao thứ phung phí, dường như đâu cũng thế, có thể tàn phá cả hành tinh này. Chúng ta tiếp tục chịu đựng trong thực tế một số người cảm thấy mình nhân bản hơn những kẻ khác, như thể họ được sinh ra với những quyền lớn lao hơn” (90).
Trước tình hình thế giới toàn cầu hóa còn đầy bất công, còn nhiều người bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người, Đức giáo hoàng đưa ra lời khuyên cho các tín hữu rất “giáo huấn xã hội” với những nguyên tắc mà ta ai nấy đều thuộc lòng (có điều là có thực hành hay không!):
“Trong hoàn cảnh hiện tại của xã hội toàn cầu, nơi đầy rẫy những bất công và gia tăng số người bị tước đoạt các quyền căn bản của con người và bị xem có thể bỏ đi, nguyên tắc công ích lập tức trở thành, một cách lôgic và tất yếu, một lời kêu gọi tình liên đới và một ưu tiên chọn lựa các người nghèo nhất trong các anh chị em của chúng ta. Chọn lựa này được xem là những hệ luận từ việc xác định của cải trên thế giới là chung cho mọi người hưởng dùng, nhưng, như tôi đã đề cập trong Tông huấn Evangelii Gaudium, trên hết mọi thứ khác, phải trân trọng phẩm giá vô biên của người nghèo dưới ánh sáng của những xác tín sâu thẳm nhất của chúng ta với tư cách là những người tin”. (158)
Xin được kết thúc bài này bằng lời kêu gọi của Đức Thánh cha:
“Chúng ta đừng chỉ nghĩ đến những người nghèo khổ trong tương lai. Hãy nghĩ đến những người nghèo hiện tại, cuộc đời họ trên trái đất này ngắn ngủi và họ không thể tiếp tục chờ đợi” (162).